Chương 10


Chương 23

Triều ngồi thừ người trên ghế đá, anh nhớ lại những lời Mẫn vừa nói về Thúy Vũ mà tuyệt vọng hoàn toàn. Anh từng là người lính, từng đối diện với bao nhiêu cái chết, thế nhưng chết dần chết mòn trong đau đớn thì anh không tưởng tượng ra được. Nhất là đối với Thúy Vũ, cô gái anh đã yêu say đắm, tuổi đời chưa tới ba mươi.
Vũ sẽ chết ở lúc cô đang ham sống để làm lại cuộc đời, lúc cô đang tin tưởng vào những gì tốt đẹp mà mọi người thân đang cố sức làm cho cô. Thật là khủng khiếp! Khi cô hoàn toàn không biết gì về hiểm họa đang xảy tới cho mình.
Bảo Hân từ hành lang bước xuống, cô ngồi xuống bên Triều:
- Anh Mẫn nói chuyện gì, sao trông anh căng thẳng quá vậy?
- Chuyện của Thúy Vũ...
Nhíu đôi mày cong, Hân hỏi nhỏ:
- Chỉ lại trốn khỏi trung tâm nữa rồi sao?
- Không phải!
Thấy Triều tỏ vẻ lơ là, Hân im lặng. Từ khi nghe anh kể hết về Thúy Vũ đến giờ, cô luôn luôn cảm thông và luôn tôn trọng những riêng tư của hai người. Đó là cố gắng phi thường của Hân, dù cô biết với Thúy Vũ, tình yêu ngày xưa trong tim Triều đã biến thành lòng thương hại, nhưng làm sao cô không ghen cho được, khi cô vốn là người tự kiêu và ích kỷ.
Ngập ngừng một chút, Hân lại hỏi tiếp:
- Hay là chị Vũ lại đòi anh Mẫn giao con bé Vi...
- Không mà! Em đừng hỏi nữa Hân.
Hân xìu mặt xuống:
- Em muốn chia sẽ lo lắng, buồn vui với anh chớ có làm gì đâu mà anh quạu quọ, nạt nộ em. Mãi rồi em không có tí... quyền gì với anh hết, không được hỏi gì anh hết.
Thở dài, Triều ngồi buồn thiu. Cầm tay cô bóp nhè nhẹ anh rầu rĩ như than:
- Em không hình dung được những gì anh Mẫn đã nói với anh lúc nãy đâu. Rất tội nghiệp Hân à!
Hân dịu dàng nhìn anh như chờ đợi. Triều bỗng thì thầm với giọng đớn đau:
- Thúy Vũ bị nhiễm HIV.
Hân lạnh mình, cô tưởng tượng tới các khối cầu lởm chởm gai nhọn in trong các tạp chí kiến thức. Với cô SIDA chỉ là những con vi rút hình cầu lởm chởm gai đó thôi. Dầu dạo này thành phố xôn xao trước cơn sốt SiDA, nhưng theo Hân, một cô giáo trẻ độc thân, và nó chỉ thoáng qua suy nghĩ của cô như một thoáng mây rồi chìm vào quên lãng.
Bây giờ Hân thấy rờn rợn khi biết tên, thấy mặt một người đã nhiễm HIV, người đó lại là cô gái đẹp, còn trẻ mà Triều từng yêu tha thiết. Căn bệnh quái ác ấy thực và gần đến mức nó đụng vào cô rồi đây.
Mở to đôi mắt vì ngạc nhiên lẫn lo sợ Hân lạc giọng:
- Sao anh Mẫn biết?
- Trung tâm phòng chống ma túy Bình Triệu tiến hành xét nghiệm máu một số bệnh nhân cai nghiện, anh Mẫn có quen nên hỏi thăm và biết trong danh sách nhiễm virus HIV với dương tính cao có Thúy Vũ.
Nuốt nước bọt để dấu cơn choáng, Hân thắc mắc:
- Chị Vũ hay chưa?
- Chưa! Người ta không cho biết...
Hân ôm lấy mặt:
- Ôi! Khủng khiếp quá! Phải chi em cũng đừng nghe tin này.
Giọng Triều đều đều vô cảm như giọng của ai lạ:
- Khủng khiếp nhất là phải chết lúc đang phấn khởi, tin tưởng làm lại cuộc đời. Anh vẫn chưa chịu cho đó là sự thật Hân à! Sao lại như vậy? Sao không là ai khác? Ngày anh yêu Vũ, cô ấy ngoan hiền trẻ trung nhí nhảnh. Bảy tám năm sau gặp lại Vũ là người khác, rồi bây giờ Vũ sắp...
Triều nghẹn lời, Hân ôm chầm lấy anh rấm rức. Biết Triều đang xúc động dữ dội, cô không giận mà càng thấy thương anh nhiều hơn.
- Anh thèm một điếu thuốc!
- Em lấy cho, anh cứ ngồi đó đi!
Cô bước vào phòng Triều tìm gói thuốc như để dằn nỗi thổn thức trong tim. Đã có lần cô ghét, thậm chí căm thù Thúy Vũ, nhưng sao giờ đây lương tâm cô nặng nề đến như vậy.
Mắt Triều sâu thẳm vô bờ sau làn khói thuốc. Anh lầm bầm:
- Cha mẹ nào cũng muốn con mình là hay nhất. Nhưng trường hợp của Thúy Vũ thật khác thường. Chính vì muốn vui cái lòng háo danh, hay ganh tỵ của cha mình mà vô tình, dùng Maxiton để dẫn tới ghiền bạch phiến. Bây giờ cái chết đến gần, thê thảm, ghê rợn y như cơn ác mộng. Càng nghĩ anh càng khó tin... Thoạt đầu chỉ vì muốn được luôn tỉnh táo, học mau thuộc bài nhớ lâu cô đã dùng tân dược. Sau đó buồn cha mẹ không nghĩ tới mình nên chơi dại rơi vào bạch phiến. Cuối cùng khi lập gia đình. Thúy Vũ lại rơi vào nỗi cô đơn vì chồng không hiểu mình nên trở về với ma túy... Những lý do được đưa ra nghe khó chấp nhận của lứa tuổi mười sáu, đôi mươi lại chính là nguyên nhân dẫn tới ma túy, SIDA sao?
- Mỗi người có một số phận, một cách nghĩ. Nhưng ai cũng tìm cách giải quyết nhanh nhất để đẩy bật nỗi đau khổ, tuyệt trong tim ra. Khi gặp một thất bại dầu nhỏ như đầu tăm, người ta cũng dễ tuyệt vọng và bi quan nếu người ta đã quen được cưng chiều. Em đã từng điên cuồng treo cho mình sợi thòng lọng nên có lẽ em hiểu hơn anh vì sao chị Vũ đã dễ sa ngã và không cách gì gượng lại được với ma túy.
- Anh đã làm hết sức mình, thậm chí có nhiều lúc bỏ mặc em trơ trọi để giúp Vũ, nhưng tất cả đều vô nghĩa. Anh không dành lại được cô bé Vũ ngày xưa. Chúng ta đành bất lực Hân à. Chỉ tội Thúy Vi!
Hân xanh mặt:
- Nó làm sao? Không lẽ nó cũng bị...
- Không! Không! Anh Mẫn và Thúy Vi đã thử máu. Không ai bị gì hết. Anh tội nghiệp vì nó sẽ mất mẹ rất sớm...
Búng tàn thuốc ra xa, Triều ôm Hân vào lòng, giọng bâng khuâng:
- Anh nghĩ tới ba mẹ rồi nghĩ tới những đứa con của mình sau này. Anh nghĩ tới khoảng cách bị đào sâu giữa các thế hệ và liên tưởng tới sự đối đầu giữa cha và con khác thế hệ nhau. Mình sẽ già, suy nghĩ mình đâu như khi ta trẻ. Mình sẽ lẩm cẩm, cố chấp, bảo thủ như ba mẹ mình trước đây.
Hân giấu mặt vào ngực anh:
- Dù sau này em có lẩm cẩm, khó chịu cỡ nào với con cái đi nữa, em cũng nhất quyết không sống giả dối hai mặt. Em muốn mình sẽ hiểu chúng hơn cha mẹ từng hiểu mình. Đừng bao giờ bắt chúng nhìn sự việc và hành động bằng đôi mắt của mình, mà ta hãy nhìn vấn đề bằng đôi mắt của chúng, rồi với suy nghĩ của người từng trải, em sẽ giúp chúng biết sống đúng, hành động đúng.
Triều hơi riễu cợt:
- Suy nghĩ của em là suy nghĩ của một cô giáo, anh sợ thực tế sẽ khác. Ai mà biết hai chục năm sau chúng ta sẽ là ông già bà lão thế nào, rồi xã hội sẽ phát triển đi về nơi đâu mà nói trước.
Hân tin tưởng:
- Nhưng thế giới có phát triển lên tới sao Hoả, sao Kim chăng nữa, thì lương tâm và đạo đức vẫn là giềng mối cho gia đình, xã hội.
Thấy Triều nhếch môi cười, cô ngừng nói và nhìn anh lạ lẫm. Triều đùa như để phá cái không khí nặng nề.
- Em đang lên lớp với anh phải không?
Môi Hân hơi bĩu ra, cô nũng nịu trách:
- Không... dám đâu! Làm người ta cụt hứng.
Triều chạnh lòng, anh càng siết Hân chặt hơn. Hơi lâu rồi hai người không có những phút giây đầm ấm như vầy. Anh tíu tít với công việc chưa đâu vào đâu, rảnh một chút lại vào thăm Thúy Vũ vì sợ cô buồn rồi trốn ra lang thang ở mấy ổ chích choác ngoài công viên. Hân cũng bận bịu vì ba cô bệnh, thời gian dành cho nhau thật hiếm hoi, ít ỏi. Hiếm đến mức hôn cũng vội vã không kịp cảm nhận hương vị ngọt ngào đắm say của môi nhau.
- Thèm... môi... em quá!
Hân khép mi chờ đợi, cô cũng nhớ... anh và khao khát được anh hôn, hôn thật lâu và hôn thật ngon như bây giờ.
- Ba, mẹ dạo này ra sao Hân?
- Bên ngoài em thấy hai người vẫn "tương kính như tân", vẫn đằm thắm lắm. Mẹ em vẫn giữ y kiểu cách "phu xướng phụ tùy", có điều bây giờ ba em ít xướng lắm, ngược lại lắm lúc ông còn "tùy" theo ý mẹ.
Triều dọ dẫm:
- Còn với em?
Hân cười buồn:
- Dạo ba bệnh, anh Lâm, chị Quỳnh về thăm nom, chăm sóc, em đã kể hết mọi chuyện cho hai người nghe. Anh Lâm có bổn phận nói sao đó thì nói với ba cho ba hiểu em hơn.
Cô khó khăn nói tiếp:
- Em nghĩ chắc ba đã dễ chịu hơn trước khi sống trong nhà mình, vì cô con gái út của ba dạo này ngoan hiền dễ bảo lắm!
Triều nhẹ nhàng:
- Thay vì em nghĩ ngợi xa xôi tới cách đối xử của cha mẹ với những đứa con chưa ra đời, em hãy nghĩ tới đạo đức, lương tâm của đứa con trong thực tại, ở bây giờ, phải tốt hơn không?
Hân gượng gạo:
- Em có nghĩ tới chớ, nhưng khó lắm, đâu thể nào một sớm một chiều mà quên hết điều gì đó giống như nỗi oán hờn. Em rất thương ba. Em nói thật đó!
- Và ba cũng rất thương em, nhưng ông vẫn khổ vì mặc cảm? Rốt cuộc chính sự dằn vặt của lương tâm mà hai người rơi vào chỗ khốn khó.
Hân lảng qua chuyện khác:
- Tuần sau sinh nhật con anh Lâm. Ý ảnh muốn em mời anh. Hôm đó được coi là buổi họp mặt gia đình mừng ba hết bệnh.
- Còn ý em thì sao?
Không ngập ngừng Hân nói:
- Em cũng muốn vậy, dù "trình diện" anh lúc này hơi sớm.
Mỉm cười Hân tiếp:
- Sớm đến mức chưa kịp để Thuấn rời khỏi Việt Nam.
- Nếu chỉ vì Thuấn thì em an tâm đi. Anh ta đã lên máy bay hồi sáng này rồi.
Hân tròn mắt:
- Vô lý! Em vừa thấy Thuấn chiều nay.
Triều ngạc nhiên không kém:
- Em thấy ở đâu?
- Gần chợ! Chính Thạch Thảo chỉ ảnh khi bọn em đang băng qua đường, vào quầy hàng thiếu nhi mua đồ chơi cho lớp. Thuấn ngồi trên xích lô với bác Yến.
Nhớ tới Út Tẹo và một trăm tờ vé số để dành cho ông thầu Quý, Triều hoang mang:
- Ủa! Sao kỳ vậy? Út Tẹo nói với anh rõ ràng mà... Hồi sáng giờ nó như thất tình, nằm vật nằm vựa ở đây vì con bé Mỹ lai Lô Lô đi rồi...
Vừa lúc đó có tiếng Tiến gọi:
- Triều! Triều có người kiếm.
Anh với Hân quay ra phía cổng và ngạc nhiên hết mức khi thấy một chiếc xích lô đã vào tới sân.
Bác đạp xích lô nhảy xuống nhìn Triều:
- Cậu đúng thật là Triều phải không?
Vừa gật đầu anh vừa hấp tấp hỏi:
- Có chuyện gì vậy bác?
Ông già xích lô vừa phe phẩy quạt bằng cái nón vải vừa nói:
- Bà Xe Rác nhờ tui tới nhắn cậu làm ơn vô nhà thương với thằng Út Tẹo.
Triều sững sờ:
- Nó bị làm sao?
- Hồi chiều tới giờ nó tỉnh tỉnh mê mê, lên cơn co giật vì ba mớ vé số mà thầu Quý không mua.
Nhìn Triều và Hân, ông già móm mém cười:
- Nó sảng là phải, trúng cá cặp hai chục tờ độc đắc biểu làm sao không điên lên cho được. Gặp tui, chắc tui đứt mạch máu chết luôn rồi!
Hân và Triều chưa kịp tin những điều vừa nghe thì ông già đã nói tiếp:
- Ờ! Thằng Tẹo nói là năm tờ của cậu mua cũng trúng độc đắc. Leo lên tui chở đi đổi luôn cho, rồi hãy "dô" với nó.
Triều ngớ mặt ra nhìn Hân. Anh quýnh quáng đưa tay lên túi áo, rồi lục lọi hai túi quần và hốt hoảng chạy bổ trở vào phòng bằng cái chân khập khễnh, mặc cho Hân đứng ngẩn ngơ theo.
- Trời ơi! Chắc nó rã ra hết rồi!
Triều hào hển đứng thở trước thau quần áo dơ, anh hét lên mừng rỡ:
- May quá! Nước chưa chảy Hân ơi!