Vùng Tây Nguyên
HỘI ĐUA VOI

Với đồng bào các tộc dọc theo dãy Trường Sơn, voi là vật quý hiếm nhất, là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng. Từ một giống vật hoang dã, khi được bắt về và thuần dưỡng, voi trở thành người bạn thân thiết với con người trong đời sống hàng ngày: vận chuyển, đi lại, làm rẫy, kéo gỗ, làm thuỷ lợi...
Voi là loài vật có thân hình to lớn, nhưng cũng là con vật thông minh và giàu tình nghĩa nhất trong quần thể động vật hoang dã. Sử sách xưa đã từng ghi lại nhiều mẩu chuyện về đức tính này của voi đối với người. Chuyện hai voi chiến của hai bà Trưng đã rủ nhau về bên đông Hát, nơi hai bà tự tử, rồi nhịn ăn cho đến chết. Đền thờ Voi Phục (Hà Nội) là nơi ghi lại sự tích này. Cảm động biết bao khi giữa pháp trường, con voi không chịu dày nữ tưởng Bùi Thị Xuân - người chủ của mình - đã bị Gia Long khép vào tội hình. Bà phải gọi nó, vỗ về: "Mi hãy giết ta, nếu không mi sẽ chết oan, ta tha tội cho mi". Con voi chiến cúi đầu, cong vòi, bái bà ba cái, nước mắt ràn rụa, rồi dùng vòi quấn bà tung lên cao, đưa cạp ngà nhọn đón chủ, để bà chỉ đau một lần khi chết. Sau đó, voi tìm cách phá xích chạy vào rừng sâu. Chuyện những con voi chiến trong mũi tiến công đánh đồn Ngọc Hồi của quân Tây Sơn dưới sự chủ huy của đô đốc Đặng Tiến Đông năm Ất Dậu (1789); chuyện con voi già của vua Hàm Nghi phá xích chạy vào rừng nhịn ăn cho đến chết, khi vua bị bắt v.v... là những hình ảnh đẹp về lòng trung nghĩa của con vật này.
Nhìn chung trong cả nước, voi tập trung nhiều nhất ở tỉnh Đắc Lắc (hơn 400 con voi nhà), trong đó huyện Ea Súp có đàn voi đông nhất. Bản Đôn là nơi quy tụ nhiều tộc người M'nông, Êđê, Lào... không những nổi tiếng với đàn voi nhà hàng trăm con, mà còn là xử sở của nghề săn bắt và nuôi dạy voi từ lâu đời. Săn bắt voi là một nghề vô cùng lý thú, nhưng đầy gian lao nguy hiểm, đòi hỏi sự thông minh, lòng dũng cảm tuyệt vời và sự phản ứng nhanh nhạy của nghề thợ săn trong mọi tình huống.
Hội đua voi thường diễn ra vào mùa xuân, cụ thể hơn vào dịp tháng ba âm lịch, đó là tháng đẹp nhất trong năm ở đây: trời nắng dịu, đất rừng khô ráo, dọc bên các bờ sông, bờ suối, các loại hoa rừng đua nhau khoe sắc, trắng, vàng, tím, hồng... Người Tây Nguyên thường ví von đó là mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước; mùa em đi phát rẫy làm nương; anh vào rừng đặt bẫy gài chông.
Để chuẩn bị cho ngày hội, từ vài tháng trước đó, những chàng trai trong buôn cũng như những mơgát (người quản tượng) đưa voi đến những cụm rừng có nhiều cây cỏ làm thức ăn cho voi để chúng được ăn uống no nê. Họ còn bồi dưỡng thêm chuối chín, đu đủ chín, mía cây, bắp ngô, khoai lang, cám gạo và hầu như không bắt voi phải làm những việc nặng nhọc để giữ sức.
Đến ngày hội, những đàn voi từ các buôn làng xa gần nườm nượp kéo về buôn Đôn, tập trung ở một số bãi, hoặc cánh rừng thưa ven sông Sêrêpốc. Cùng với những đàn voi, dân chúng khắp nơi đổ về dự hội với những bộ áo quần màu sắc rực rỡ.
Bãi đua là một dải đất tương đối bằng phẳng (thường là khu rừng bằng, ít cây to) bề ngang đủ để 10 con voi giăng hàng đi một lúc, bề dài từ một đến hai kilômét.
Một hồi tù và rúc lên, đàn voi dưới sự điều khiển của những chàng mơgát lần lượt tiến vào khoảng đất bằng, dàn thành hàng ngang ngay ngắn. Nhiều con rống vang, như để báo hiệu rằng chúng sắp bước vào một cuộc thi tài quan trọng. Theo lệnh điều khiển, từng tốp voi đi vào đứng ở tuyến xuất phát. Con đầu đàn bước lên phía trước, trong tư thế uy nghi, hai chân trước đứng thẳng, ngẩng cao, quay cái vòi mấy vòng rồi cúi đầu chào khán giả hai bên, xong lại lùi vào vị trí cũ. Tiếng hoan hô cùng những tràng vỗ tay cổ vũ vang dậy, trong khi tiếng chiêng, tiếng trống dóng lên từng hồi rộn rã như thúc, như giục. Không khí trường đua lúc này lặng im, căng thẳng, mọi người hồi hộp chờ đợi. Trên mỗi con voi có hai chàng mơgát dũng mãnh, trong bộ trang phục sặc sỡ kiểu tướng lĩnh ngày xưa đang trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Một tiếng tù và rúc to báo lệnh xuất phát.
Những chiếc chân voi to như cây cột nhà, thường ngày nhấc lên từng bước ung dung, uể oải, thẳng tuột, đột nhiên bật lên như những chiếc lò xo phóng về phía trước trong tiếng hò reo, la hét của khán giả cùng tiếng chiêng, tiếng trống âm vang cả núi rừng. Chàng mơgát ngồi phía trước đầu voi cúi rạp mình, ngẩng đầu quan sát và điều khiển voi bằng một thanh sắt nhọn dài độ một mét gọi là kreo (tiếng M'nông là gậy điều khiển) dùng để đâm mạnh vào da, thúc voi tăng tốc độ, còn anh chàng mơgát thứ hai ngồi ở phía sau thì dùng chiếc búa gỗ kốc nện mạnh vào mông voi để voi chạy nhanh và thẳng đường. Trên đường đua, bụi đất, lá cây khô bốc lên, tiếng gió rít, tiếng cành lá bị va quật xen lẫn với tiếng rậm rịch của những bước chân voi...
Khi bóng dáng chàng mơgát ngồi trên lưng chú voi đi đầu vừa xuất hiện từ xa trong vòng quay trở về đích, thì tiếng reo hò của khán giả vang lên như sấm. Tiếng trống, tiếng chiêng giục giã liên hồi. Tiếp theo là tiếng hoan hô những người thắng cuộc. Những chú voi được giải, giơ cao chiếc vòi vẫy chào mọi người, rồi ngoan ngoãn bước đi ung dung, đôi tai phe phẩy, mắt lim dim đưa vòi nhận những khúc mía màu tím hay ống đường của bà con các nơi mang đến ủng hộ.
Cuộc đua voi kết thúc, những chú voi dự thi lần lượt trở lại các buôn làng xa xôi, mang theo tiếng hát, lời ca và không khí rộn ràng của ngày hội, khi về buôn làng, lại một lần nữa được dân chúng kéo nhau ra tận đầu buôn để hân hoắm chào đón, thưởng quà như những người chiến thắng. Thường thường những con voi thắng cuộc vẫn thuộc về buôn Đôn, một buôn của người M'nông có nhiều voi nhất và có truyền thống chăm sóc, huấn luyện voi giỏi nhất trong vùng.
Ngày hội đua voi là ngày vui lớn ở Tây Nguyên, nó phản ánh tinh thần thượng võ của người M'nông, một dân tộc giàu đức tính dũng cảm, đã từng quen với tốc độ, từng đối diện với bao tình huống hiểm nguy căng thẳng trong những cuộc săn bắt voi rừng. Chính cái khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên Tây Nguyên - nơi diễn ra cuộc đua đặc sắc - đã làm tăng lên bội phần chất hùng tráng của ngày hội cổ truyền của họ.