Tập 2- C
Đổi về Huế

Tháng 8 năm 1928 cậu tôi được lệnh của Sở học chính Trung kỳ đổi về Huế làm hiệu trường trường tiểu học Queignec ở phố Đông Ba. Gia đình cậu tôi thuê một chiếc thuyền chở tất cả đồ đạc và người nhà đi qua Sình, Sịa rồi ngược sông đào Đông Ba đến ngay chỗ ở mới của cậu tôi. Đó là một căn nhà trong một dãy nhà cho thuê của nhà thầu khoán Tôn Thất Bằng. Căn nhà gồm 3 buồng chạy sâu vào phía sau kiểu như các căn nhà của phố Hàng Đào, Hàng Ngang ở Hà Nội. Dãy nhà này ở trong một khu phố dành cho người nghèo ở: những người buôn bán nhỏ, thợ cúp tóc, người làm thủ công, thợ nề, thợ mộc... Con sông đào Đông Ba (người ta bảo là đào từ thời Minh Mạng) ở ngay trước dãy phố Đông Ba, nối con sông Hương với ngã ba Sịa đi ra biển. Trước dãy nhà là hàng cột dây điện và những cây bồ hòn, cây không cao lắm nhưng lá rậm cho bóng mát quanh năm. Quả bồ hòn chín thì rụng xuống, và những người nghèo trong phố nhặt lấy để giặt áo quần. Tôi và mấy bạn học sinh trong nhà cũng có lúc dùng quả bồ hòn để giặt áo, bọt nước bồ hòn cũng như bọt xà phòng, ngâm kỹ áo quần vào thì giặt rất sạch và rất trắng. Tôi cứ nhớ câu “Quả bồ hòn ngoài tròn trong đắng” và cái câu ai cũng thuộc “Đắng cay ngậm quá bồ hòn”, và tôi đã nếm thử thì đắng thật, súc miệng mấy ca nước cũng không hết đắng. Tôi lại cũng nhớ câu “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét quả bồ hòn cũng méo”. Tôi nhắc vậy là vì cây bồ hòn trước nhà cậu tôi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tuổi nhỏ của tôi, vì dưới gốc cây bồ hòn đã có bao nhiêu người nhắc lại những phương ngôn trên mỗi lần họ gặp điều cay đắng trong đời. Đó là mụ Lợn, đó là mẹ anh Hường, một người lấy lính Tây rồi bị nó ruồng bỏ, đó là bà mệ Chiều thương cháu, nhớ nàng dâu trước đã chết mà không vui lòng lắm với nàng dâu kế... Cây bồ hòn đã nghe bao nhiêu tâm sự của bao nhiêu người, của bao nhiêu cuộc đời Nó đã dần dần trở thành một nhân vật trong tuổi nhỏ của tôi, một chứng nhân bền bỉ trên dãy phố nghèo. Năm 1975, lúc mới giải phóng Huế tôi về thăm dãy phố Đông Ba, nhà cửa có đổi khác nhưng cây bồ hòn vẫn còn đứng đó. Những người từng gửi cho cây những lời cay đắng cũng không còn hoặc đã đổi đi nơi khác. Tôi có cầm một quả bồ hòn nếm thử, vẫn vị đắng ấy, vẫn mầu trong cánh gián ấy, vẫn dáng tròn như hòn bi ve ấy... Tôi như ngẩn người một lúc trước cây bồ hòn, vì bao nhiêu kỷ niệm ùa về trong tâm trí tôi. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tôi nhắc đến cây bồ hòn khi bắt đầu viết về kỷ niệm những ngày tôi sống ở phố Đông Ba. Tôi đã sống giữa đám dân nghèo, chung đụng với họ trong một tình láng giềng thân thiết, gần như một thứ tình bà con ruột thịt. Đời họ có nhiều cái vui, nhiều lúc vui, và cũng có nhiều cay đắng. Có lẽ lớp năm tháng phủ dày trên kỷ niệm đã khiến tôi như thấy cay đắng nhiều hơn. Nhưng dù vui, dù buồn thì những cuộc đời của họ đều rất yên phận, đều trôi yên lặng như nước con sông đào Đông Ba êm lắng chảy về Sình... Nói chung là một phố nghèo, nhưng cũng có vài nhà khá giả. Đó là trường hợp ông Cả Soạn, gia đình buôn gỗ và buôn một vài thứ gì khác từ nông thôn chở về mà tôi không nhớ rõ.
Bản thân ông Cả Soạn không phải làm gì, tất cả việc buôn bán đều phó mặc cho vợ và con. Ông sống cuộc đời phong lưu, mà phong nhã. Ông đánh cờ rất cao và đàn rất hay, nhất là đàn nguyệt. Ông nổi tiếng là cờ cao (cờ tướng) khắp cả Huế và có thể nói là cả tỉnh Thừa Thiên. Nhiều người đánh cờ ở các huyện hâm mộ ông, cũng xin “đến hầu ông một vài nước cờ” và để “học ông vài nước ngựa, nước xe, có khi nước tốt nữa... mà họ nói vậy không phải là nói khách sáo đâu vì có lần khách cờ đến, sau mấy nước đầu, hai bên dàn trận, thì ông đi ngay một nước rất hiểm rồi ông nằm ngủ để cho đối phương loay hoay đi thử nước này đến nước khác. Đến lúc bạn cờ thức ông dậy thì ông lại đẩy con pháo hay con xe một cách nhẹ nhàng rồi lại xin ngủ tiếp. Cứ thế ván cờ kéo dài cả ngày. Ông mời khách cờ ăn cơm với ông khá thịnh soạn, rồi lại tiếp tục điều khiển trận cờ như là một vị tướng đã nắm chắc chiến lược, chiến thuật trong tay, không một chút hấp tấp, không một nước sơ hở. Sau cùng bạn cờ thưa với ông: “Xin cụ cho chúng tôi được thua.”
Ông Cả lại cũng đánh đàn rất hay, đàn tranh đàn bầu, đàn nguyệt. Đặc biệt tiếng đàn nguyệt của ông như thoát khỏi dây tơ, cần gõ, như từ không khí mà vang lên, như từ những ngón tay tài tử của ông toát ra khi hoà vui, khi nức nở. Ông đàn nhịp rất thong thả, những bài đàn Huế, nhất là bài Nam bình, có khi nghe từng tiếng một, như những giọt nước, như những giọt trăng rơi trên một mâm ngọc trong một ánh trời trong vắt.
Ông thường đàn vào đêm khuya, lúc phố đã yên lặng, tưởng như ông cần sự thanh khiết của không gian cho tiếng đàn của ông được toả đi, cho giữa tiếng đàn và ông không còn sự cản trở của một tạp âm nào nữa.
Tôi không biết ngày xưa lúc Bá Nha đàn cho Chung Tử Kỳ nghe thì tư thế ngồi đàn như thế nào, và tôi cũng không biết ông Cả Soạn có bạn tri âm nào không nhưng thái độ trân trọng của ông khi nâng chiếc đàn khi đưa mấy ngón tay vê vào dây tơ, mà tôi đã được ghé mắt nhìn trộm thì quả thật là phong cách của một bậc tài tử, tri âm tri kỷ ngay với chiếc đàn của mình với cái nghệ thuật âm thanh mà ông cho là linh hồn của người và của trời đất. Đêm khuya thanh vắng tiếng đàn của ông Cả Soạn có phải là linh hồn của dãy phố nghèo hay không, mà những người láng giềng của ông nghe từng tiếng một, cho đến khi tiếng đàn mờ dần, “rơi tàn” vào lòng đêm thắm, cho đến khi tiếng đàn của ông cũng ngủ theo giấc ngủ của mọi người.
Ông là người có thật, đã sống thật, mà tôi cứ nhớ đến ông như nhớ một nhân vật huyền thoại.
Phố Đông Ba của tôi ngày bé
Có ông Cả Soạn, đánh cờ cao
Lắm khi một buổi đi vài nước
Để bạn bè vây nghĩ nát đầu.
Ông lại đàn hay. Nguyệt tiếng tơ
Hồn ve dắng dỏi dưới trăng mờ
Ngón tay tài tử năm cung nhấn
Nghe cả trời thu nức nở mưa...
Tôi hãy nhắc luôn một người khá giả nữa ở phố Đông Ba là chú Xối, người Hoa kiều lấy vợ Việt Nam.
Thím Xối cũng buôn bán hàng nông sản, lạc, vừng một ít hàng tơ lụa, và thím cũng có một cửa hàng xén ngay ở phòng trước nhà mình. Hai vợ chồng chú Xối sống rất hoà thuận và cũng ăn ở hoà thuận với mọi người xung quanh, được láng giềng cảm mến. Chú Xối cũng giống ông Cả Soạn ở chỗ phong lưu, không phải làm lụng buôn bán gì, mọi việc kinh doanh và việc gia đình đều phó mặc cho bà vợ Việt Nam. Nếu chú không có cái phong nhã của ông Cả thì chú cũng được cái phong cách thảnh thơi, thư thái. Tôi nhớ rất rõ chú người hơi thấp béo nhưng không bệu, bận cái áo kiểu Hoa kiều tay rộng với hàng cúc vải trước ngực, nét mặt luôn luôn tươi cười, dáng dấp hoà nhã. Tôi nhớ mùa đông cũng như mùa hè, ngày tết hay ngày thường cũng thế, chú luôn luôn có sẵn hạt dưa đỏ trong túi và luôn luôn thong thả cắn ăn hạt dưa; hạt dưa đối với chú là đầu câu chuyện, cũng như đối với người khác là miếng trầu hay điếu thuốc.
À mà chú cũng ăn trầu, trầu quệt rất nhiều vôi và lúc ăn trầu mặt chú vốn đã hồng hào lại đỏ thắm thêm, nhìn rất cảm tình. Khi có những chuyện xích mích xảy ra giữa những người hàng xóm, thì thím Xối hay bảo chồng “có vài lời góp với bà con cho êm thấm”. Chú Xối thong thả đến giữa cuộc cãi cọ, có khi là cuộc đấu khẩu gay gắt, miệng vẫn ăn hạt dưa tươi cười nói: “Pà con cả mà, pà con cả mà? Có gì thì vào nhà nói chuyện nhỏ với nhau, nếu pà con không muốn về nhà mình, thì xin mời vào nhà tôi uống nước và nói chuyện”. Thế mà thường thường các chuyện cãi cọ được kết thúc nếu không được thật êm đẹp, thì cũng im tiếng. Chú Xối nghiễm nhiên trở thành một ông trọng tài hay ít nhất cũng là một người phất cờ biên trong cái phố nhỏ của tôi.
Bây giờ tôi xin nhắc đến những người vất vả những người nghèo, láng giềng của tôi. Sát bên cạnh căn nhà của cậu tôi có gia đình ông Lạng. Thím Lạng hàng ngày đến lò sát sinh cách nhà chừng 300 thước mua huyết bò về phơi khô để bán cho những người nhuộm lưới và cho những người chế biến thuốc nhuộm (tôi nghe nói thế, còn chế biến thế nào tôi đâu có biết). Huyết bò lúc gần khô thì xông lên một mùi hôi khá nồng nặc, chúng tôi ở bên cạnh khi đầu không chịu được, nhưng sau cũng quen dần. Vả lại vợ chồng ông Lạng cũng tìm cách che kín được chừng nào hay chừng ấy cái khoảng sân xi măng dùng để phơi huyết.
Ông Lạng làm chuồng chim, một tháng vài lấn mang ra chợ Đông Ba, hoặc chợ Gia Hội để bán, mùa nào hơi ế thì gánh đi bán rong. Nhưng thường là khách nuôi chim đến đặt hàng tại nhà ông và cứ thế đúng ngày hẹn là khách đến lấy chuồng, không chê bai gì vì chuồng chim ông làm rất đẹp. Có thể nói ông làm chuồng chim để bán, nhưng làm một cách khá say mê tỉ mỉ, trau chuốt, nghĩa là với “máu mê” nghệ thuật.
Tôi đã từng hàng giờ đứng trông ông khoan, đục những mẩu tre nhỏ, những khúc mây trắng ngà và vót những nan tre thật tròn, thật trơn để làm chuồng chim.
Chuồng ông làm đủ cỡ và đủ kiểu: để nuôi chim bầy thì lồng chim to và vuông, để nuôi một con chim sâu hay một con chim vàng anh, hay một con vẹt thì có lồng chim nhỏ, tròn, mái lồng uốn cong như nóc những ngôi lầu cổ. Chính ông Lạng cũng nuôi vài con chim trong nhà trong hai cái lồng con. Có lần có người khách thấy chim đẹp lại có tiếng hót, muốn mua cả lồng lẫn chim. Ông Lạng cười và nói: “Thưa ông, tôi chỉ bán lồng, còn chim thì phải ở lại với tôi cho vui nhà”. Người khách chắc là cảm phục người thợ làm lồng chim nên nói tiếp: “Vậy thì khi nào ông gặp một đôi chim cũng hay hay như đôi chim này ông mua giùm cho tôi, và bây giờ xin gửi ông tiền trước”. Ông Lạng cười: “Gặp chim tôi sẽ mua giùm ông, nhưng tiền thì ông khoan đưa, vì cá nước chim trời biết khi nào bắt được mà dám hẹn”. Ông Lạng láng giềng của tôi là như thế đó. Ông lại còn tài đàn bầu, mà không biết sao ông thường gảy lên những bài não nuột.
Ông Lạng làm chuồng chim bán rong
Suốt ngày khoan đục giữa mây song
Đàn bầu một chiếc khi tiêu khiển.
Vừa gảy vừa ca thật não nùng.
Tiếp theo tiếng đàn bầu của ông Lạng là tiếng đàn tranh và đàn nguyệt của anh Cháu. Anh Cháu ở căn nhà cuối dãy, cách căn nhà cậu tôi hơn 100 thước anh làm nghề đàn chầu văn, và cũng có khi đi đàn hầu đò, tức là xuống đò dạo sông Hương đàn cho những khách làng chơi, hoặc những khách trong Nam ngoài Bắc ghé Huế vài hôm để thường thức cái thú chơi đò trên sông Hương. Đi chầu văn thì anh đàn nguyệt, nhưng đi hầu đò thì anh mang cả đàn tranh đi theo, lúc nguyệt lúc tranh, tiếng đàn thánh thót giữa trăng nước đêm khuya. Anh Cháu mù một mắt, mà nhìn anh người ta không có cảm giác là anh chột, vì miệng anh tươi cười và có lẽ cũng vì người ta chăm chú vào tiếng đàn rất nội tâm của anh, và có lúc anh đàn thì đầu anh nghiêng nghiêng xuống như để thỏ thẻ cùng dây đàn, cùng tiếng đàn. Cậu Vân tôi cũng đã nhờ anh dạy đàn nguyệt cho và tối thứ bảy, tối chủ nhật nếu anh không bận đi hầu cúng hay hầu đò thì anh đến hoà đàn với cậu tôi. Tôi không nhớ rõ là anh có vợ con không, chỉ biết anh ở cùng nhà với anh trai và chị dâu bán chả tôm và bún bò. Trong kỷ niệm của tôi anh Cháu là người nghệ sĩ đánh đàn, nghèo mà rất tài tứ, vui một cách âm thầm:
Anh Cháu đàn tranh mù một mắt
Khi thì hầu cúng, khi hầu đò
Hồn anh là mảng trăng khuya khoắt
Một nửa đen sầm, nửa ánh mơ.
Cậu tôi học đàn nguyệt với anh Cháu mấy năm trời, nhưng tiếng đàn vẫn không có nhuỵ bằng tiếng đàn của anh. Có lúc anh Cháu nói với cậu tôi “tiếng đàn của ông còn thật quá”. Lúc đó tôi không hiểu lời nhận xét này, bây giờ thì may ra tôi cảm nhận được ý sâu của anh “Cháu đờn”, như mợ tôi thường gọi anh.
Tiếng đàn của ông Cả Soạn, của anh Cháu là tiếng đàn thanh tao, còn như tiếng đàn của chú Kình thì lanh tanh vui nhộn, hoặc không vui nhộn thì cũng là tiếng đàn khuây khoả qua quít trong chốc lát. Chú Kình là thợ cúp tóc, mắt trái cũng bị mây kéo mờ đi nhưng mắt phải thì rất lanh lợi, mà cái nhìn rất tinh nghịch, có khi như soi mói nữa. Chú Kình và người anh là chú Kiên mở phòng cúp tóc phía trước hiên gần nhà ông Cả Soạn. Hai anh em thay nhau cúp tóc kiếm đủ ăn, và những lúc rỗi thì chú Kình đàn cái đàn đoản (tức là đàn tam), gọi là đàn đoản vì cái cần đàn rất ngắn.
Chẳng được phong lưu như bác Cả
Chú Kình cúp tóc cũng đàn khua
Lanh tanh đàn đoản cần trun cổ
Như chú Kình hay rụt cổ rùa.
Chú Kình cũng hay đánh cờ tướng, và có lúc rủ bọn tôi sang đánh với chú cho đỡ buồn. Bộ quân cờ của chú bằng sừng, mỗi lúc đến phòng cúp tóc (vì chú ở xa dưới xóm Mang Cá) thì chú mang quân cờ bỏ trong một túi vải treo đầu cần đàn đoản. Cứ thế chú ung dung tới trước cái bàn cúp tóc và treo đàn và cờ lên phía trên gương. Thật là thú cầm kỳ của một đời nghèo mà thanh thú.
Trong giới âm nhạc dân gian của tôi còn ông Xẩm chợ mù hai mắt cứ mỗi chiều chủ nhật lại đến trước cửa trường tôi học, dạo vài tiếng đàn bầu và kể vè Kinh đô thất thủ. Có hai con nhỏ dắt ông đi, và ngửa nón xin tiền mỗi khi ông kể xong một đoạn vè. Vè “kinh đô thất thủ” ai nấy đều thuộc, nhưng mỗi lần ông kể người ta lại xúm quanh ông để nghe, cốt để nghe giọng ông kể hơn là những chuyện xảy ra trong bài vè mà người ta đã nhớ. Mà giọng ông kể thì thống thiết, não nùng, có khi như uất nghẹn. Chắc rằng ông “sống” với những câu vè ông kể, mà những người nghe cũng “sống” với ông cái cảnh nước mất nhà tan. Sự đồng cảm ấy làm nên những buổi chiều xúc động, da diết:
Cuối phố gốc cây, chiều chủ nhật
Là ông xẩm chợ với hai con
“Kinh đô thất thủ” vè quen thuộc
Lớn, nhỏ ngồi nghe nặng trĩu hồn.
Những người nghệ sĩ dân gian ấy đã cho tôi cái mê say nghệ thuật, cũng như tủ sách của ông cậu tôi đã mở cửa cho tôi vào thế giới kỳ diệu của văn thơ.
Tôi vẫn thường nói với anh Xuân Diệu: “Mình biết ơn vô kể những người láng giềng tuổi nhỏ ở phố Đông Ba. Vốn đẹp của quê nhà, hồn đẹp của cha ông, chính những người ấy, những nghệ sĩ nghèo ấy đã mớm cho mình từ tấm bé”.
Ấy phố Đông Ba nghèo ảm đạm
Chút vui nghệ thuật cũng bồi hồi
Bốn lăm năm trước đời u ám
Trời nghẹn hoàng hôn trên phố tôi.
(Phố Đông Ba của tôi ngày bé, 1972)
Nhân nhắc đến anh Cháu đờn, tôi còn nhớ câu chuyện chị Th., gái làng chơi ở gần miếu “âm hồn” ở trong thành Huế, ở cửa Đông Ba đi vào. Chiều chủ nhật hôm đó, một buổi chiều mùa hè, có một ông hàn (chức tước mua bằng tiền của người giàu) ở Thanh Hoá vào ghé thăm nhà cậu tôi. Ông hàn cũng muốn hường thú sông Hương, cậu tôi mời anh Cháu sang giúp tổ chức một đêm “đàn hát” trên sông. Anh Cháu không quen tổ chức đêm sông Hương, nhưng cũng thuê đò giùm, và ông hàn nói nhỏ với anh nhờ anh tìm cho một người hát “trông được”. Anh Cháu liền cho một người học sinh bà con đi tìm chị Th., gọi là chị “Th. miếu âm hồn”. Anh Cháu cũng bảo tôi đi theo cùng cậu học sinh kia để nhắc nhau về cho nhanh, vì chúng tôi đi bộ. Vào đến nhà chị Th., trời đã gần tối; may mà chị ở nhà. Tôi không nhớ trạc tuổi của chị, nhưng vẻ người chị còn trẻ, da dẻ mịn màng, nét mặt đầy đặn. Tôi không nhớ cảm giác đẹp, nhưng mà nhớ chị rất có duyên, và có vẻ gì rất e thẹn. Chị bảo: “Hai em chờ chị một chút”, rồi chị vào phòng trong son phấn qua loa, khi đi ra, chị bận một áo dài lụa, tay cầm quạt, và cầm cả dôi sanh bằng gỗ đen như sừng, đôi sanh để gõ nhịp hát. Chị thuê xe kéo, cho cả hai chúng tôi cùng ngồi với chị để đi về nhà cậu tôi. Ngồi lên xe, bất thần chị nói nhỏ với hai chúng tôi: “Hai em đừng cười chị nhé?”. Chị nói xong thấy chúng tôi ngồi im, chị cúi mặt xuống, nét buồn rõ rệt. Đêm hôm ấy, đêm thưởng ngoạn sông Hương của ông hàn dường như vui lắm, anh Cháu hôm sau nói lại thế, nhưng tôi cứ nhớ câu của chị Th. nói với chúng tôi và nét mặt buồn không thấm nước mắt của chị mà còn buồn hơn khóc. Về sau mỗi lúc vào hồ Tịnh Tâm để qua miếu “âm hồn” tôi lại nhớ lần gặp “chị Th.”. “Hai em đừng cười chị!”. Sao mà đau đớn thế, não nuột thế, cay đắng thế?
Ở phố Đông Ba còn nhiều nhân vật lắm. Tôi xin kể tiếp đến mụ Lợn. Mụ Lợn ở đàng sau nhà cậu tôi, buôn thúng bán mẹt, khi buôn khoai lang, sắn mì, khi ngồi bán nước chè, bán bát chè đậu xanh, đậu ván.
Người mụ hơi có tật, đi hơi vẹo lưng, tay khua khua đàng trước như là luôn luôn sắp ngã. Không hiểu chồng mụ đã chết, hay là đã bỏ mụ, nhưng lúc đó chúng tôi chỉ thấy mụ sống một mình trong một căn nhà nhỏ lụp xụp phía đằng sau dãy nhà cho thuê.
Cũng có lúc thấy mụ gánh vôi đi bán, có lúc lại gánh cát thuê cho những người thợ nề cùng ở một dãy phố sau nhà cậu tôi. Rõ ràng là mụ Lợn sống một cuộc sống rất chật vật, vất vả. Tôi không khi nào gặp mụ ăn cơm, và không hiểu mụ có ăn cơm không. Thế rồi cũng có một anh lính “Tây đen” ở đồn Mang Cá che chở mụ, sống với mụ những tối thứ bảy, và cho mụ đủ tiền để cải thiện cuộc sống quá nghèo hèn của mụ.
Mà có cái lạ là hàng ngày mụ vẫn sống giữa bà con một cách tự nhiên, “như thường”, không có vẻ gì là “me Tây” cả. Dường như sự dan díu của mụ với anh Tây đen là ngẫu nhiên.