Thanh Du thảy tờ phụ trang quảng cáo của báo Phụ Nữ về phía Nhã Ca: - Chỗ cần người bán hàng trong siêu thị này được đó. Mày đọc thử xem. Cầm tờ báo, Nhã Ca lẩm nhẩm: - Cần ngoại hình, bằng B Anh văn hay Hoa văn, làm việc theo ca, lương khởi điểm... Được thì có được, nhưng tao không hy vọng vì mình không quen biết trong khi kẻ tìm việc như mình thì nhiều ối ra. Dễ gì lọt vào mắt xanh của người tuyển dụng: - Ai bảo thế? Muốn có tiền cứ liều mạng tới xin việc, biết đâu chừng mày lại hợp nhãn thằng cha nhận người. Tao định tới đó nộp đơn. Mày cũng nên thử thời vận một chuyến. Nhã Ca lưỡng lự rồi nói: - Được thôi. Nếu gặp may biết đâu chó sẽ ngáp phải ruồi, còn gặp xui ít ra mình cũng rút được kinh nghiệm. Thanh Du hăm hở lấy trong hộc bàn ra hai bộ hồ sơ xin việc. - Điền vào đây cái đã. - Ở đâu mày có sẵn vậy? - Mua chớ ở đâu. Nhanh nhanh đi.. chị Hai. Việc làm là hàng hiếm, vô số người săn lùng, nó không ngồi một chỗ chờ mày đâu. Hôm nay bữa chót, họ sẽ phỏng vấn luôn đó. Hai đứa hì hục điền tên, tuổi vào bộ hồ sơ xin việc. Thanh Du lên giọng: - Phải trang điểm cho dễ nhìn, nếu cần đá lông nheo cứ đá thoải mái, miễn sao được việc thì thôi, OK? Nhã Ca nhăn mặt: - Tao không diễn trò được đâu, mày đừng có xúi dại. Thanh Du cãi: - Không phải là xúi dại, đó chỉ là mánh khóe nhỏ, là cách sử dụng vũ khí trời cho. Phải tập mặt dạn mày dày mới vào đời được chứ. Để ba mớ son môi, viết chì kẻ mắt, má hồng loại rẻ tiền xuống bàn, Thanh Du hất hàm: - Trang điểm đi... thím Hai. Nhã Ca lấy hết món này tới món kia lên ngắm nghía rồi thở dài: - Vụ này tao dốt đặc. Thôi thì cha mẹ sanh sao cứ để vậy. Thanh Du sừng sộ: - Mày sửa soạn cho đẹp thì có chết ai đâu. Nhã Ca chép miệng: - Tha cho tao đi mày. Thanh Du nhún vai: - Tao không có ý kiến nữa. Tùy mày thôi. Riêng tao phải "Mắt nâu môi trầm" mới tự tin. Con gái thời đại bây giờ phải biết son phấn, thời trang mới gây chú ý ở người khác. Nhã Ca lặng lẽ thay quần áo, cô không đụng tới ba mớ son phấn của nhỏ Du trong khi con bé mải mê tô tô, đánh đánh. Tội nghiệp, con bé càng đánh phấn càng đen mốc ra. Nhã Ca đành lên tiếng: - Vừa vừa thôi, mày làm quá trông cứ như đào hát. Thanh Du giận dỗi: - Tao không được như mày nên mới phải làm đẹp. Vậy mà lại bị chê. Nhã Ca dịu giọng: - Bôi bớt phấn đi. Du nghe lời. Con bé lại tô tô, vẽ vẽ một hồi hai đứa mới đạp xe tới nơi nhận hồ sơ tuyển người. Rất xông xáo, Thanh Du cầm hồ sơ hăng hái bước vào một căn phòng có nhiều người ngồi chờ. Đi thẳng tới bàn nhận hồ sơ, con bé nộp xong và hỏi: - Chừng nào mới phỏng vấn hả chị? Cô gái mặc đồng phục ngồi bàn nhìn Du, mặt nghiêm nghị đến mức lạnh lùng, vô cảm: - Chờ đi! Thanh Du nhún vai, cô bước tới kéo Nhã Ca xuống băng ghế sát vách rồi lẩm nhẩm đếm số người trong phòng. Tất cả hai mươi hai người. Không biết họ tuyển bao nhiêu đây nữa. Nhã Ca chợt bồn chồn. Cô cũng như Thanh Du đang cần một chỗ làm thêm để lấy tiền trang trải chi phí học tập năm cuối. Dù tiền học phí đã có, Nhã Ca vẫn còn phải cần tiền để làm bao nhiêu việc, cô vái trời sao chỗ này nhận cô và nhỏ Thanh Du cho đỡ khổ. Đang bồn chồn lo lắng, Nhã Ca bỗng thấy Quân từ ngoài cửa bước vào, cô vội quay mặt đi khi ngoài anh ra còn có một cô gái khá đẹp lại ăn mặc sang trọng kế bên. Ra vẻ quyền hành kể cả, cô gái hỏi người nhận hồ sơ: - Có bao nhiêu người đây thôi à! - Dạ, hai mươi hai người tất cả. - Chị cứ gọi theo thứ tự trước sau, còn hồ sơ chuyển vào đây cho tôi. Đẩy cửa phòng kế bên, Quân và cô gái bước vào mà không thấy Nhã Ca. Cô bỗng dưng thắc mắc về Quân. Anh ta có vai trò gì trong công ty này nhỉ? Từ xưa tới giờ, Ca không quan tâm đến những người của ngôi nhà đó, họ làm gì Ca chả biết, cô chỉ biết rằng họ giàu, rất giàu là đằng khác. Thanh Du huých nhẹ vào tay Ca: - Con mẹ vừa vào trông hắc xì dầu quá! Tao nghĩ chắc mình... ao. Nhã Ca trấn an con nhỏ: - Thì thivào chỗ khác. Mày cứ bình tĩnh tự tin cái đã. Nói là thế, nhưng trong lòng Nhã Ca cũng nghĩ như Thanh Du. Nếu công ty của gia đình Quân chắc chắn anh ta sẽ không nhận cô, vì nhiều lý do mà Ca không thể trách Quân được. Chắc Nhã Ca nên rút lui để tránh phải khó xử cho cả đôi bên. Dù sao với Ca, Quân cũng tốt chớ không như Trúc Quỳnh. Cô ngập ngừng: - Tao sẽ rút lui để mày bớt một đối thủ. Thanh Du quằm mặt: - Điên! Nếu coi mày là đối thủ, tao đã không rủ mày tới đây. Ngay lúc đó, cửa phòng bật mở, Quân bước ra, mắt dáo dác tìm, khiến Nhã Ca cố cúi đầu cũng không thể giấu mặt đi đâu. Như một phản xạ, cô bật dậy bước vội ra ngoài vỉa hè. Quân hấp tấp bước theo. Anh chận Ca lại khi cô đã qua tới căn nhà kế bên. - Em xin việc à? Nhã Ca gật đầu: - Vâng. Em không biết công ty này có liên quan đến anh. Bây giờ em sẽ rút hồ sơ lại. - Tại sao? Nhã Ca ngắn ngủn: - Em không muốn. Quân nói: - Vì sợ phiền à? Không sao đâu, công ty này của bạn anh. Nhất định họ sẽ nhận em. Thanh Du bước tới, giọng ngơ ngác: - Chuyện gì vậy? Nhã Ca im lặng. Một lát sau mới nói: - Thanh Du là bạn em. Nó rất cần việc làm. Nếu được, anh nên giúp nó. Quân chắc nịch: - Dĩ nhiên là được. Hai đứa không cần qua phỏng vấn đâu. Cứ vào ngồi chờ anh. Quân vừa quay lưng, Thanh Du đã hỏi ngay: - Ai vậy? Nhã Ca ậm ự: - Người quen của... của dì tao. Thanh Du ngờ vực: - Sao từ trước đến giờ tao không nghe mày nói nhỉ? Gặp người quen mà bỏ chạy như bị ma đuổi làm tao mất hồn vì tưởng mày bị đòi nợ. Rồi Thanh Du chép miệng: - Có người quen bảnh thế kia mà lâu nay không biết để nhờ vả. Đúng là uổng phí! Nhã Ca nhăn mặt: - Làm ơn im giùm tao đi. Hai người trở vào ngồi và thấy người nào vào phỏng vấn xong cũng ra về với thông báo "Nếu được tuyển dụng sẽ có thư gởi về nhà". Thanh Du thì thầm: - Nhắm lời của... người quen mày có đáng tin không? Ông ta làm chức gì trong công ty vậy Nhã Ca? Ổng trông đẹp trai và phong độ quá sức. Nhã Ca hạ giọng: - Trời ơi! Nói nhiều quá! Người ta nhìn mày kìa, đồ lắm chuyện! Chớp đôi mắt tô xanh đọt chuối đúng model, Du thản nhiên: - Người ta nhìn vì tao nổi nhất ở đây chớ đâu phải vì tao lắm chuyện. Nhã Ca cáu lên: - Nếu vậy tao hết ý kiến. Mày đừng léo nhéo gì hết, tao không trả lời đâu. Đưa tay che miệng, Thanh Du tiếp tục: - Tao sẽ không hỏi gì nữa nếu mày trả lời xong những câu hỏi vừa rồi của tao. Nhã Ca chối biến: - Tao không biết gì về ông ta hết. - Kể cả tên tuổi à? Nhã Ca cụt ngủn: - Tên Minh Quân. Thì thao qua kẽ tay, Thanh Du vẫn không ngừng nói: - Rõ ràng mày có điều bí mật muốn giấu tao. Tại sao vậy? Ca hậm hực: - Đã biết thế thì đừng hỏi nữa. Đầu óc lo tập trung vào chuyện xin việc đi. Thanh Du chớp mắt: - Anh Quân.. của mày đã bảo hai đứa không phải qua phỏng vấn cơ mà. Nhưng nếu ngồi chờ trong im lặng chắc tao chết quá. Mày phải cho tao nói chớ. Nhã Ca lấy trong túi xách ra tờ báo: - Đọc đi khỏi nói. Thanh Du tủm tỉm cười. Con bé lơ đễnh lướt mắt trên tờ báo trong khi lòng Nhã Ca cứ rối bời nhìn hết người này vào phỏng vấn tới kẻ nọ. Từ hôm nhận tiền của Quân tới nay, cô không hề gặp lại anh, cũng không hề biết tin gì về "ông ta". Nhiều lúc đêm nằm ngẫm nghĩ, trong lòng Nhã Ca toàn lửa giận. Cô đã không có được một gia đình với cha mẹ, anh chị ấm êm, hạnh phúc như bạn bè vẫn có. Là dân Sài Gòn chính cống nhưng Ca phải ở nhà trọ để đi học như những sinh viên xa quê thứ thiệt. Cha mẹ không ai quan tâm lo lắng hay chăm sóc Nhã Ca. Lúc nhỏ, cô sống với bà ngoại, từ khi ngoại mất tới giờ, Ca thành mồ côi, dù ba mẹ cô, ai cũng còn sống và sống khá đàng hoàng, sung túc nhưng họ không liên lạc với cô. Quân bước đến với nụ cười thật cởi mở: - Ngày mai... hai đứa bắt đầu đi làm được chứ? Nhã Ca im lặng, còn Thanh Du ấp úng: - Ngày mai hả? Dạ... dạ được. Quân nhìn Ca: - Vậy thì ngày mai. Em có vấn đề gì không? Nhã Ca nói: - Dạ không. Cám ơn anh nhiều. Giờ tụi em về. Quân nhỏ nhẹ: - Anh muốn nói riêng với em đôi điều. Thanh Du mỉm cười: - Để em ra bãi giữ xe trước. Em cám ơn anh rất nhiều. Quân mở cửa phòng: - Mời Ca vào đây! Ca lưỡng lự đôi chút rồi cũng bước vào. Cô gái đang ngồi trong phòng cười cười đầy ẩn ý liền bước ra. Quân kéo ghế cho Nhã Ca: - Em ngồi đi. Cô hỏi ngay: - Đây không phải công ty của gia đình anh chứ? - Không. Người ta nhờ anh tuyển nhân viên. Và anh đã tuyển xong rồi. Hy vọng em không làm anh mang tiếng đã tuyển người thiếu năng lực. Dù công việc bán hàng rất đơn giản, nhưng nếu cố gắng em vẫn có thể được cất nhắc vào những vị trí khác quan trọng hơn. Nhã Ca khác sáo: - Em biết. Cám ơn anh đã chỉ bảo. Quân nhíu mày: - Với anh, em không cần nói những lời có vẻ khách sáo như thế. Nhã Ca đan hai tay vào nhau: - Nếu nói những lời thật thì em chả biết nói gì. Quân trầm giọng: - Anh đâu trách em, vì dầu sao chúng ta vẫn là người lạ mà. Im lặng một chút, Quân nói tiếp: - Lần đó anh kể với ông ấy về chuyện em phải chờ tới tận khuya chỉ vì tiền học phí, ông ấy có vẻ rất ray rứt. Nhã Ca nhếch môi: - Vâng. Em hiểu cái sự ray rứt đó. Mà sao anh lại gọi ông ấy là ông ấy nhỉ? Quân hỏi gặn: - Thế sao em gọi ông ấy là ông ấy? - Vì em không thể gọi khác. - Đâu có gì cấm em gọi khác đi. Cũng như anh, thích gọi ông ấy là ông ấy thì cứ gọi. Nhã Ca gật gù: - Có vẻ hơi ngông hơn hơi hỗn. - Sao em lại nghĩ vậy? Nhã Ca vênh mặt lên: - Vì gia đình anh là gia đình gia giáo, đạo đức, làm sao lại sản sinh ra một đứa con hỗn láo với cha được. Quân lắc đầu: - Mồm mép nanh nọc thế kia, thảo nào... Mà anh không mời em ở lại để nghe những lời như thế. Hôm trước ông ấy nhờ anh tìm cho ra chỗ em ở. Anh đã cố nhưng không được, giờ may mà gặp em, anh muốn truyền đạt lại ý của ông ấy. Nhã Ca ngạo nghễ: - Em có thể đoán được ý đó. Chắc ông ấy định trợ cấp cho em mỗi tháng một số tiền đặng không thấy ray rứt khi lâu lâu em phải tới trước cổng nhà chờ đợi, chầu chực để xin tiền chớ gì. Em sẽ không nhận trợ cấp đâu, dù em rất thiếu thốn. Quân chép miệng: - Anh thừa biết em sẽ từ chối. Nhưng ông ấy sẽ rất buồn. Nhã Ca nhếch môi: - Người có trái tim mới biết buồn. - Em quá đáng khi nói thế. Dầu gì em cũng từng nhận tiền của ba mà. - Đó là nợ, em đòi nhưng ngoài miệng vẫn ngọt ngào cám ơn kiểu của người đang nhận bố thí. Em thích nhận tiền nợ hơn tiền cho. Quân trừng mắt nhìn Nhã Ca giận dữ: - Đủ lắm rồi. Em về đi! Nhã Ca đứng lên: - Em là như vậy đó. Chào! Đóng cửa phòng lại, Ca bước ra đường. Nắng chói chang ụp xuống đầu làm chói mắt không thấy Thanh Du đâu. Con bé phải gọi oai oái, Ca mới bước về phía nó với bộ dạng thẫn thờ, hết hơi, kiệt sức. Thanh Du ngạc nhiên: - Mày làm sao mà như mất hồn vậy? Nhã Ca gắt: - Làm sao đâu. Lúc nào mày cũng hỏi những câu vớ vẩn. Thanh Du vẫn không thôi: - Anh chàng Quân khiến mày lờ đờ như cá mắc cạn thế này à? Không trả lời, Nhã Ca lên xe đạp đi, lòng nặng nề một nỗi niềm riêng không người chia sẻ. Trước đây, mỗi lần châm chọc được một ai trong gia đình đó, Nhã Ca đều rất hả hê, khoái chí, song lần này thì không. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Trong gia đình ấy, người này cũng khác người kia. Lẽ ra Ca không nên đối xử với Quân như thế vì anh là người tốt nhất trong... bọn họ. Lần đầu tiên Nhã Ca tới nhà, lúc mọi người còn trố mắt nhìn cô như nhìn người ngoài hành tinh thì chính Quân đến bên cạnh ân cần ấn cô ngồi xuống cái ghế salon bọc nhung màu rêu đá. Lúc đó cô học lớp mười một, gầy nhom, ốm nhách như một cọng sậy khô. Cô bước vào ngôi nhà ấy với tất cả háo hức trẻ con, với giấc mơ được có anh, có chị của một đứa trẻ hãy còn ngơ ngác với đời. Nhưng thực tế không có giấc mơ nào cả. Tất cả diễn ra như một cuộc chiến không cân sức giữa Ca và bà ngoại với một đại gia đình hùng hục giận dữ đang cố hợp sức lại loại bỏ kẻ địch để bảo vệ gia phong, truyền thống, danh dự một dòng họ có tuổi tên... Bỗng dưng Nhã Ca nhếch môi. Cô cố gạt ra khỏi tâm trí cái ký ức đớn đau ấy nhưng thật khó khi nó đã ăn sâu vào xương tuỷ cô rồi. Làm sao Nhã Ca quên cho được cảnh người đàn ông lẽ ra cô sẽ gọi là ba ấy khăng khăng chối bỏ đứa con rơi của mình. Chính nỗi uất hận quá lớn lao đấy đã khiến cho cô thề sẽ trả thù, sẽ đòi nợ... Thanh Du nghiêng người qua hỏi: - Ê, "ông Quân" là người quen thế nào của dì mày? - Tao không biết. Du bĩu môi: - Xì! Xạo! Rõ ràng khi thấy anh ta vào, mày đã quay lưng để giấu mặt, ai ngờ anh đọc hồ sơ xin việc thấy tên mày nên trở ra tìm. Mày ra tới ngoài đường Quân vẫn chạy theo. Nếu chỉ quen sơ sơ, ai đâu nhiệt tình dữ vậy. Khai thiệt đi. Mày và Quân quen nhau thế nào? Nhã Ca hết sức bực mình, cô chả lạ gì thái độ tò mò của Du, nhưng cách tra hỏi cho bằng được của nó khiến cô phát cáu. Ca lầm lì: - Mày không tin thì thôi. Tao chả có gì phải khai hết. Nhã Ca dấn mạnh pedal chiếc xe đạp của cô vọt lên bỏ Thanh Du một đoạn khá xa. Hai đứa im lặng cho tới khi về nhà trọ. Mấy nhỏ bạn ở cùng cho Ca biết lúc nãy có dì Nhã Bình tới gởi tiền và thức ăn cho nó. Nhìn phong bì tiền, thùng mì gói, sữa hộp nằm trên bàn, Nhã Ca nhếch môi. Bắt đầu ngày mai, cô sẽ đi làm, cô sẽ không nhận bất cứ món gì của dì Nhã Bình nữa. Cô cần ở dì Bình thứ khác kìa, nhưng cô biết cô không bao giờ có những thứ rất đỗi bình thường đó.