Chương 2


Chương 2

Lê Hữu Hào, môn đệ cao lớn hơn hết của ông Phạm Chí Hiền ở Sơn Qui, năm nay cậu đã được 24 tuổi, vóc cao lớn, sức khỏe mạnh.
Cậu là con của ông Lê Hữu Thuận, nhà ở xóm Tre, gần mé sông Bao Ngược.
Ông Lê Hữu Thuận, tuổi đã đến lục tuần, góa vợ mấy năm nay, chỉ có một người con trai là Lê Hữu Hào đó mà thôi. Hồi còn trai ông có học lem nhem ít năm, nên ông mang cái thành kiến cho trong tứ dân duy có bực "Sĩ" là quí hơn hết, sĩ ở trên các nông, công, thương.
Khi Hữu Hào lớn lên ông thấy con có chí ham học, ông mới nong nả cho con ăn học đặng đi thi làm ông tú, ông cử, mà may vượt lên tới bậc ông Cống, ông Nghè đặng làm quan, rồi “lộng ông đi trước, võng bà theo sau”, làm cho tông môn rỡ ràng trong làng xóm. Nuôi cái mộng đó ông không chịu tập cho con biết làm ruộng đặng ngày sau kế nghiệp nhà nông cho ông. Ông để cho con học với thầy trong làng mấy năm; chừng đủ sức nghe giảng Tứ thơ, Ngũ Kinh rồi ông mới cho vào giồng Sơn Qui thọ giáo với ông Phạm Chí Hiền, thầm nghĩ rằng ở vùng Khổng Tước phải học với thầy ở Sơn Qui mới hiển đạt được.
Mấy năm con đi học, ông ở nhà cặm cụi cùng người cháu trong họ là Tư Cầu, lo cày cấy vài mẫu đất của ông phá rừng làm ruộng ở phía Rạch Nhợ để lấy lúa mà ăn. Tư Cầu đã 40 tuổi, thuở nay có tính như khật khùng, nên không có vợ con, cứ ở với ông Lê Hữu Thuận là cháu họ cũng như người gia dịch, ở đặng nhờ hột cơm manh áo, chớ không kể công mà đòi tiền mướn.
Ông Lê Hữu Thuận không giàu mà cũng không nghèo. Ông ở trong một nhà lá 3 căn sạch sẽ, phía sau có một cái nhà nhỏ để nấu ăn, ông có nuôi vịt nuôi heo, lại có một chiếc ghe nhỏ đậu trong xẻo phía sau hè, ghe ấy dùng để ra mé sông Bao Ngược câu cá, lưới tôm mà ăn mỗi ngày mỗi bữa.
Hôm đó mặt trời vừa xế bóng. Tư Cầu đi thăm ruộng mới cấy xong cách 3 bữa trước. Ông Lê Hữu Thuận ở nhà tính nấu cơm sớm đặng Tư Cầu về có sẵn mà ăn rồi nước ròng chèo ghe ra sông cái, giăng câu mà kiếm cá. Ông mới tính chớ chưa làm, bỗng thấy con là Lê Hữu Hào, vai mang gói lơn tơn đi vô sân.
Hữu Thuận bước ra sân mừng con và hỏi: “Con về thăm nhà phải hôn? Chuyến nầy con tính ở chơi bao lâu mà mang gói lùm xùm dữ vậy?”
Hữu Hào bước vô nhà, nghiêng vai cho sút cái gói sách vở quần áo, mùng, gói trên ván rồi ngó cha chậm rãi nói:
- Có giặc nên thầy biểu nghỉ học để xem coi thời cuộc biến chuyển thế nào rồi sẽ hay.
- Ủa! Giặc ở đâu? Sao ở nhà đây không nghe nói?
- Cách mười bữa rồi có người ở Vàm Láng lên Sơn Qui thăm bà con. Họ nói rằng có mấy người bên Lý Nhơn chở vợ con qua bên mình mà lánh nạn, bởi vì có tàu của Pháp chở binh vào cửa Cần Giờ bắn pháo đài phòng ngữ của mình. Giặc đương mạnh mẽ vào Nhà Bè.
- Còn binh lính của mình đâu? Sao các quan không xua ra mà chống cự?
- Có lẽ cũng có chống cự, nhưng binh lính mình thế yếu nên chống cự không nổi, bởi vậy hôm qua có tin quan Huyện được tờ của quan Tỉnh cho hay giặc đã hạ thành Gia Định rồi.
- Trời ơi! Thành Gia Định mất thì còn gì nữa mà kể.
- Bởi vậy quan trên biểu phải khuyên dân cường tráng nên sửa soạn ra đi lính đặng dẹp giặc mà cứu quốc gia lâm nguy. Thầy con nghe như vậy mới bảo chúng con nghỉ học đặng về thu xếp việc nhà lo cứu dân cứu nước.
- Phải vậy chớ sao. Giặc đã phá lũy đoạt thành rồi, còn học gì được nữa. Lúc thái bình thì yểm võ tu văn, cơn bác loạn phải yểm văn tu võ. Thời đường khoa mục của con hết kể rồi, phải cha dè như vậy, thì mấy năm trước cha cho con vô giồng Tre mà học võ nghệ thì hạp thời hơn.
- Giặc tình cờ ở đâu nó tới mà lo gây họa, làm sao mình biết trước được mà liệu.
- Anh em bạn học của con con họ tính làm sao?
- Có người quyết về làm đơn đem đến huyện xin cho đi lính đặng đánh giặc. Mà phần đông thì nói để về thưa cha mẹ hay coi cha mẹ định lẽ nào. Mấy anh đã có vợ coi bộ đã bối rối.
- Mấy người có vợ có con họ du dự là phải. Đi đánh giặc có phải như đi chơi hay sao. Rủi có bề nào bỏ vợ con cho ai nuôi. Phận con chưa có vợ, con tính đi hay không?
- Con còn phân vân, chưa nhứt định. Con tính về hỏi cha đây.
- Làm trai một bên vai mang nợ nước, một bên nữa mang ơn nhà. Hai vai đều mang nặng. Thôi, chiều rồi, để nấu cơm ăn rồi sẽ tính.
Ông Thuận đi vô trong tính nhúm lửa đặng nấu cơm.
Cậu Hào xách gói đem để trên cái giường dựa vách là chỗ hễ cậu về nhà thì cậu ngủ ở đó.
Tư Cầu đi thăm ruộng về, quần áo ướt mem, dựng cây tre ngoài cửa, bước vô thấy Hào thì mừng hỏi lăng xăng.
Ông Thuận ở nhà sau nghe có tiếng Tư Cầu nói chuyện thì ông bước ra hỏi đám mưa hồi khuya có làm đám ruộng mới cấy sau đó, lúa nổi nhiều hay không. Tư Cầu nói có nổi chút đỉnh, anh đã giặm lại rồi.
Ông Thuận biểu Tư Cầu vô thay áo quần khô rồi coi chụm lửa nấu cơm ăn sớm, đặng nước ròng đi giăng câu kiếm cá để ăn.
Nghe con nói chuyện giặc giã nãy giờ ông lo trong trí, nên Tư Cầu đi vô trong rồi thì ông leo lên võng mà nằm. Ông đưa cột kẹt một hồi rồi ông nói với con:
- Tuy con chưa có vợ con, song con còn một mình cha già. Đó cũng là một gánh nặng. Đã biết làm trai thì phải trả nợ nước. Nhưng người ta có năm ba anh em chẳng nói làm chi. Cha có một mình con. Nếu con đi lính, rủi bỏ thây nơi chốn sa trường, cha già ở nhà gặp khi ươn yếu biết cậy ai nuôi dưỡng. Huống chi thuở nay, con chuyên nghề văn, không quen nghiệp võ, con đánh giặc làm sao cho được.
- Con cũng nghĩ như vậy. Ngặt ngoại bang giày đạp giang san của mình, chiếm đất đai của mình mà làm chủ, bắt người mình làm tôi mọi, làm trai ai cũng phải ra chiến đấu, liều thân bảo thủ nước nhà. Nếu con sợ chết nên viện lẽ nầy lẽ nọ, rúc ở trong nhà, làm như vậy con hổ thẹn quá.
- Để người ta chết cho mình sống mà an hưởng vui sướng thì xấu hổ chớ sao. Họ đã khinh bỉ, mà họ còn chửi rủa, chịu làm sao được.
- Học trong trường con học giỏi hơn chúng bạn của con hết thảy. Nếu chúng bạn của con đều hiến thân cứu dân cứu nước, thì con không thể nào co đầu rút cổ ở nhà được.
- Vậy chớ sao. Người ta làm sao con phải làm theo người ta. Con trốn tránh thì người ta coi con ra gì. Mà chuyện giặc giã thì mới nghe phong phanh chớ chưa có gì chắc chắn. Đợi ít ngày coi có lịnh quan trên dạy làm sao rồi sẽ hay.
- Ở các tỉnh đều có vệ binh sẵn. Binh ấy đã luyện tập thành thục. Có lẽ quan trên sẽ gom binh ấy mà đánh trước. Chừng nào thắng không nổi giặc rồi mới kêu lính thêm.
- Ừ. Con nói phải a. Đánh giặc phải dùng binh thiện chiến kìa, chớ kêu học trò với dân cày rồi đưa gươm đao súng ống biểu ra trận, họ có hiểu gì đâu mà đánh. Vậy chuyện nầy không gấp đâu. Con đừng lo. Đợi coi có lịnh gì rồi sẽ hay.
Ăn cơm chiều rồi Tư Cầu xuống thuyền đi giăng câu.
Chuyện giặc giã cứ rạo rực trong lòng ông Thuận hoài. Ông nằm ngồi không yên. Thấy trời còn sớm ông mới đi dạo xóm chơi, đi kiếm mấy người thân thiết đặng thông tin có giặc, rồi bàn luận thời cuộc và dò coi ý người trong xóm liệu phải đối phó cách nào. Ông đi chơi tới nửa canh một ông mới về.
Hữu Hào ở nhà, nằm trên võng đưa trèo trẹo, mắt ngó thếp đèn dầu leo lét đốt để trên bộ ván gần đó, trí tư lự về sự đầu quân xuất trận đặng giữ nước cứu dân.
Ông Thuận xăng xớm bước vô. Hào lật đật lại ván mà ngồi, nhường võng cho cha nằm. Cậu hỏi:
- Từ hồi chiều tới giờ cha đi chơi nhà nào?
- Lại chơi đằng nhà Phó Tha. Có mấy người trong xóm tựu lại đó. Cha nói giặc Pháp đã hạ thành Gia Định rồi, ai nấy đều chưng hửng.
- Họ nghe nói có giặc coi bộ họ sợ hay không cha?
- Không, họ nói giặc đến thì mình đánh chớ sợ gì. Binh ngoại xâm tới đây họ có biết đường đi nước bước chỗ nào đâu. Mình đặt nghi binh, gạt họ vào Truông Cóc đây, mình vây mà giết hết, không còn một con đỏ.
- Giặc đánh trên Gia Định chớ phải đánh tại xứ mình đây hay sao. Người ta đương cần dùng binh lính ở trển, thì có lẽ mình phải lên đó mà tiếp tay chớ.
- Họ nói làm quan bình thường lên võng xuống dù, có giặc thì phải cầm thương lên ngựa mà đánh giặc. Làm dân chỗ nào lo giữ chỗ nấy. Đâu đâu cũng có dân. Giặc đánh trên Gia Định thì dân ở trển chống cự. Nếu gom hết dân dưới nầy đem lên trển, rồi giặc xuống tới đây mới lấy ai mà ngăn cản. Đàn ông đi hết, bỏ đàn bà con gái ở nhà, giặc tới nó tung hoành bắt hết trâu bò, heo chó, gà vịt, rồi nó còn đốt nhà xúc lúa nữa mới làm sao. Cha dọ ý bà con trong xóm thì ai cũng hăng hái không sợ giặc, hễ có giặc thì đánh. Nhưng họ không muốn hạng trai trẻ cường tráng như con phải bỏ làng xóm đi gìn giữ chỗ khác. Điều cần nhứt bây giờ là nhà nào cũng mướn thợ rèn làm binh khí cho sẵn, rồi dân xóm nào giữ xóm nấy, hễ có giặc tới thì hiệp nhau mà chống cự.
- Binh sĩ bây giờ họ có súng điểu thương, có tới súng thần công nữa, chớ có phải đánh với dao búa hay là mác thong đâu cha.
- Oái! Người ta nói bắn súng châm ngòi, bắn chậm xì, chết chóc gì mà sợ. Tay cầm dao búa, ta lăn tới, ta chặt chết hết.
Hữu Hào nói chuyện với cha thì hiểu ý người trong xóm không muốn cho hạng trai trẻ cường tráng đến tỉnh tình nguyện đầu quân đánh giặc.
Dư luận ấy làm cho chàng yên lòng mà nằm nhà, chờ coi thời cuộc biến chuyển thế nào rồi sẽ quyết định. Chàng đóng cửa rồi cha con dẹp đèn đi ngủ.