Tập thứ nhất gồm có những tác phẩm của V. I. Lê-nin viết trong những năm 1893 - 1894, vào thời kỳ đầu đời hoạt động cách mạng của Người. ở Nga, những năm 90 thế kỷ XIX được đánh dấu bằng sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và sự trưởng thành của giai cấp công nhân, bằng cao trào chung của phong trào công nhân. Sự tích tụ cao độ của đại công nghiệp đã giúp cho việc đoàn kết và tổ chức công nhân lại. Hình thức đấu tranh đình công đã được đẩy mạnh lên nhiều. Những tư tưởng của chủ nghĩa Mác bắt đầu thâm nhập vào trong công nhân. Tên tuổi của Lê-nin gắn liền với sự mở đầu của một giai đoạn mới trong phong trào công nhân Nga. Trong các tác phẩm của mình viết trong những năm 1893 - 1894, V. I. Lê-nin đã phân tích một cách sâu sắc, theo quan điểm mác-xít chế độ kinh tế - xã hội của đất nước vào cuối thế kỷ XIX, xác định những nhiệm vụ cơ bản của cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và đảng dân chủ - xã hội Nga. Lê-nin đề ra cho những người dân chủ - xã hội Nga nhiệm vụ phải thành lập một đảng mác-xít. Có thái độ sáng tạo đối với lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác, Lê-nin là người mác-xít đầu tiên đã nghiên cứu vấn đề về những đặc điểm của cuộc cách mạng dân chủ - tư sản sắp tới ở Nga, về những động lực của cuộc cách mạng đó và về sự chuyển biến của nó thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong các tác phẩm in ở tập này, V. I. Lê-nin đã chĩa mũi nhọn chủ yếu vào các quan điểm triết học và kinh tế của phái dân tuý, vào lập trường chính trị và sách lược của phái đó, vì lúc bấy giờ những quan điểm và lập trường ấy là trở ngại chủ yếu, về mặt tư tưởng, cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác và cho phong trào dân chủ - xã hội ở Nga. Trong các tác phẩm đó, Lê-nin cũng đã đấu tranh chống lại việc các đại biểu của "chủ nghĩa Mác hợp pháp" xuyên tạc chủ nghĩa Mác theo tinh thần tư sản. Tập thứ nhất gồm bốn tác phẩm của Lê-nin: "Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân (Bàn về cuốn sách của V. Ê. Pô-xtơ-ni-cốp "Kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga")", "Bàn về cái gọi là vấn đề thị trường", "Những "người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao? (Trả lời những bài báo đăng trên tạp chí "Của cải nước Nga" chống lại những người mác-xít)", "Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân tuý và sự phê phán trong cuốn sách của ông Xtơ-ru-vê về nội dung đó (Sự phản ánh chủ nghĩa Mác trong sách báo tư sản)". Bài "Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân" bài mở đầu tập này là tác phẩm đầu tiên trong số những tác phẩm còn giữ lại được của V. I. Lê-nin, Người viết bài này khi còn hoạt động ở Xa-ma-ra, vào mùa xuân 1893. Bài đó chứng tỏ rằng Lê-nin thời trẻ đã vận dụng lý luận mác-xít vào việc nghiên cứu đời sống nông dân một cách khéo kéo, độc lập, sâu sắc và triệt để biết bao. Sử dụng những số liệu thống kê của các hội đồng địa phương được dẫn ra trong cuốn "Kinh tế nông dân ở miền Nam nước Nga" của Pô-xtơ-ni-xốp đồng thời phê phán tính không triệt để và những sai lầm về phương pháp luận của tác giả cuốn sách đó, Lê-nin đã đánh giá một cách mác-xít tình hình nông thôn, vạch ra những quá trình và các hình thức phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp, và đập tan câu chuyện hoang đường của phái dân tuý nói rằng tuồng như chủ nghĩa tư bản không đụng chạm đến nông dân "công xã". Lê-nin chứng minh rằng trái với lý luận của phái dân tuý, chủ nghĩa tư bản ở Nga vẫn phát triển với một sức mạnh không gì kìm hãm nổi, rằng nông dân thực tế đã phân chia thành những giai cấp đối địch: giai cấp tư sản nông thôn và giai cấp vô sản nông nghiệp, là hai giai cấp đã phát triển do sự tan rã của trung nông dưới chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở tài liệu rất phong phú, Lê-nin đã vạch trần tính chất tiểu tư sản của công xã nông thôn, những quan niệm phi lý và tai hại của phái dân tuý coi công xã nông dân là nền tảng của chủ nghĩa xã hội. Người chứng minh rằng các quan hệ kinh tế tư sản đã bám rễ chắc vào nông dân. Bài "Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân" được viết ra để đăng trên báo chí hợp pháp. Trong một bức thư viết vào thời kỳ đó, V. I. Lê-nin đã nhấn mạnh rằng những luận điểm trình bày trong bài đó là cơ sở để đi đến những kết luận quan trọng hơn nhiều, tiến xa hơn nhiều so với những kết luận đã nêu ra trong chính bài ấy. Liên quan đến bài "Những biến đổi mới về kinh tế trong đời sống nông dân", xét về nội dung, cần phải kể đến những chỗ ghi chú, những con số tính toán, những chỗ gạch dưới của V. I. Lê-nin ở trong cuốn sách của V. Ê. Pô-xtơ-ni-cốp, và được in trong tập này, ở phần "Tài liệu chuẩn bị". Một số trong những con số tính toán này của Lê-nin được in ra lần đầu tiên. Tác phẩm "Bàn về cái gọi là vấn đề thị trường", mà V. I. Lê-nin đã viết vào mùa thu năm 1893, là mẫu mực về sự vận dụng sáng tạo lý luận kinh tế của C. Mác vào việc nghiên cứu chế độ kinh tế ở Nga. Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc bộ "Tư bản" của Mác và vận dụng phương pháp biện chứng, Lê-nin đã chỉ ra rằng do kết quả của sự phân công xã hội ngày càng tăng, nền kinh tế tự nhiên của những người sản xuất nhỏ dần dần biến thành nền kinh tế hàng hoá, và nền kinh tế hàng hoá đến lượt nó biến thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, rằng sự phân công lao động đó tất yếu dẫn đến sự phân hoá giai cấp trong những người sản xuất và làm cho thị trường trong nước phát triển. Như vậy, Lê-nin đã bác bỏ những lý luận thịnh hành của phái dân tuý cho rằng ở Nga, chủ nghĩa tư bản tuồng như không có cơ sở để phát triển, và Người chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản đã trở thành "cái nền cơ bản của đời sống kinh tế nước Nga" (xem tập này, tr. 127). Đồng thời Người phê phán những sự khẳng định của g. B. Cra-xin sau này những sự khẳng định này đã được bọn "mác-xít hợp pháp" bảo vệ nói rằng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tất nhiên đòi hỏi phải có thị trường ngoài nước để thực hiện giá trị thặng dư, rằng việc sản xuất ra tư liệu sản xuất không gắn liền với việc sản xuất ra vật phẩm tiêu dùng. Lê-nin chỉ rõ rằng những quan điểm như thế thực chất không có gì khác với các quan điểm của phái dân tuý về vấn đề thị trường, và Người nhấn mạnh tư tưởng sau đây: cái mà những người mác-xít cần phải quan tâm đến, không phải là thị trường cho giai cấp tư sản, mà là sự phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Trong tác phẩm "Bàn về cái gọi là vấn đề thị trường", Lê-nin đã phát triển luận điểm của Mác nói về mối tương quan giữa hai khu vực của nền sản xuất xã hội, Người xác định sự phát triển ưu tiên của khu vực I, coi đó là quy luật kinh tế của tái sản xuất mở rộng. Trên cơ sở công thức tái sản xuất của Mác, Lê-nin đã trình bày những thay đổi trong tái sản xuất mở rộng, do sự tiến bộ kỹ thuật đưa lại. Tác phẩm xuất sắc của V. I. Lê-nin "Những "người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?", được viết vào xuân - hè năm 1894, chiếm vị trí trung tâm trong tập thứ nhất. Vào cuối năm 1893, tạp chí "Của cải nước Nga", một tạp chí đã tập hợp xung quanh mình phái dân tuý tự do chủ nghĩa, và những tạp chí dân tuý khác đã mở một chiến dịch chống chủ nghĩa Mác. Trong các tạp chí đó có đăng những bài báo xuyên tạc một cách có ý thức học thuyết mác-xít về xã hội, về cách mạng, về chủ nghĩa xã hội; phái dân tuý đã xuyên tạc thô bạo các quan điểm của những người mác-xít Nga. Không có cơ quan ngôn luận của mình ở Nga nên những người mác-xít không thể đập lại phái dân tuý một cách đích đáng trên báo chí công khai. Cuốn sách được xuất bản bí mật đó của Lê-nin đã đóng một vai trò to lớn trong việc đánh bại chủ nghĩa dân tuý. Trong bản tuyên ngôn thực sự đó của chủ nghĩa Mác cách mạng, trong văn kiện mác-xít có tính chất cương lĩnh đó, Lê-nin đã trình bày một cách sâu sắc thế giới quan khoa học, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết kinh tế của Mác, và phê phán một cách toàn diện các quan điểm triết học, kinh tế và chính trị của phái dân tuý tự do chủ nghĩa, cương lĩnh và sách lược của phái đó. V. I. Lê-nin đã chỉ ra rằng cương lĩnh chính trị của những "người bạn dân" giả dối đó thể hiện lợi ích của bọn cu-lắc; Người vạch mặt phái dân tuý tự do chủ nghĩa là những tên cải lương điển hình, bọn này phản đối cuộc đấu tranh cách mạng chống chế độ chuyên chế Nga hoàng và mô tả chế độ này như một lực lượng đứng trên các giai cấp và có khả năng cải thiện tình cảnh của nhân dân. V. I. Lê-nin vạch rõ tính chất vô căn cứ và sai lầm của những lý luận dân tuý về con đường phát triển đặc biệt, phi tư bản chủ nghĩa của nước Nga, và chỉ rõ rằng phái dân tuý tự do chủ nghĩa đã cố tình làm lu mờ sự thật về tình trạng bóc lột tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. Trong tác phẩm của mình, V. I. Lê-nin đã vạch mặt các nhà lý luận của phái dân tuý là những đại biểu của phương pháp phản khoa học, chủ quan trong xã hội học, là những nhà duy tâm phủ nhận tính khách quan của các quy luật phát triển xã hội và vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Các nhà dân tuý cho rằng có thể tuỳ tiện hướng tiến trình lịch sử theo ý muốn của những cá nhân "xuất chúng". Lê-nin đã đập tan những quan điểm chủ quan đó và đưa ra quan niệm duy vật về đời sống xã hội để đối lập với các quan điểm đó; Người vạch ra nội dung của học thuyết mác-xít về xã hội và chỉ rõ rằng tiến trình lịch sử được quyết định bởi những quy luật phát triển khách quan, rằng động lực chủ yếu của sự phát triển của xã hội là nhân dân, là các giai cấp mà cuộc đấu tranh của họ quyết định sự phát triển của xã hội. Trong tác phẩm "Những "người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?", V. I. Lê-nin lần đầu tiên đã đề ra cho những người dân chủ - xã hội Nga nhiệm vụ thành lập một đảng công nhân mác-xít và đề ra tư tưởng liên minh cách mạng giữa giai cấp công nhân và nông dân, coi đó là phương sách chủ yếu để lật đổ chế độ Nga hoàng, bọn địa chủ và giai cấp tư sản, và thành lập xã hội cộng sản chủ nghĩa. Nhấn mạnh vai trò lịch sử vĩ đại của giai cấp công nhân Nga, V. I. Lê-nin viết: "Những người dân chủ - xã hội hướng toàn bộ sự chú ý và toàn bộ hoạt động của mình vào giai cấp công nhân. Khi những người đại biểu tiên tiến của giai cấp đó đã thấm nhuần được những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng về vai trò lịch sử của người công nhân Nga, khi các tư tưởng đó đã được phổ biến rộng rãi, và khi mà trong hàng ngũ công nhân đã lập ra được các tổ chức vững chắc có thể biến cuộc chiến tranh kinh tế phân tán hiện nay của công nhân thành một cuộc đấu tranh giai cấp tự giác, thì lúc đó người công nhân Nga, đứng đầu tất cả các phần tử dân chủ, sẽ đập đổ được chủ nghĩa chuyên chế và đưa giai cấp vô sản Nga (sát cánh với giai cấp vô sản tất cả các nước), thông qua con đường trực tiếp đấu tranh chính trị công khai, tiến tới cách mạng cộng sản chủ nghĩa thắng lợi". (xem tr. 386). Tập thứ nhất kết thúc bằng tác phẩm "Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân tuý và sự phê phán trong cuốn sách của ông Xtơ-ru-vê về nội dung đó (Sự phản ánh chủ nghĩa Mác trong sách báo tư sản)", do Lê-nin viết vào cuối năm 1894 - đầu năm 1895. Theo lời của Lê-nin, tác phẩm này, về nhiều mặt, là bản tóm tắt của những tác phẩm kinh tế sau này của người, nhất là tác phẩm "Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga". Trong tác phẩm này, V.I. Lê-nin đã chỉ rõ rằng phái dân tuý là những người đại biểu cho lợi ích của người sản xuất nhỏ, rằng nguồn gốc của chủ nghĩa dân tuý là tình trạng giai cấp những người sản xuất nhỏ chiếm số đông ở nước Nga tư bản chủ nghĩa sau khi xoá bỏ chế độ nông nô. Tiếp tục sự phê phán các quan điểm dân tuý, đã được tiến hành trong những tác phẩm trước, Lê-nin, trong tác phẩm "Nội dung kinh tế của chủ nghĩa dân tuý và sự phê phán trong cuốn sách của ông Xtơ-ru-vê về nội dung đó", đã chỉ rõ tính chất thuần tuý tư sản của các yêu sách kinh tế của phái dân tuý tự do chủ nghĩa, tính chất không tưởng và phản động của cương lĩnh chính trị của phái đó, thực chất duy tâm của các quan điểm xã hội học của họ. Trong khi phê phán gay gắt hệ thống quan điểm dân tuý, Lê-nin đồng thời cũng lưu ý độc giả đến những nét và những mặt tích cực, theo con mắt của người mác-xít, của chủ nghĩa dân tuý trong những năm 60 - 70 thế kỷ XIX, coi đó là một trào lưu dân chủ - cách mạng trong một nước đang ở vào đêm trước cuộc cách mạng tư sản. Đồng thời, trong tác phẩm đó, V. I. Lê-nin đã phê phán việc P. Xtơ-ru-vê, đại biểu của "chủ nghĩa Mác hợp pháp" đã xuyên tạc chủ nghĩa Mác theo tinh thần tư sản Lê-nin vạch trần những mưu toan của bọn "mác-xít hợp pháp" muốn tước bỏ nội dung cách mạng của chủ nghĩa Mác, và chỉ rõ rằng chủ nghĩa khách quan tư sản là cơ sở của các quan điểm của bọn "mác-xít hợp pháp", chủ nghĩa đó biện hộ cho chủ nghĩa tư bản và làm lu mờ những mâu thuẫn giai cấp. Lê-nin coi chủ nghĩa Xtơ-ru-vê, "chủ nghĩa Mác hợp pháp" là mầm mống của chủ nghĩa xét lại quốc tế. Cùng với việc phê phán chủ nghĩa khách quan tư sản, V. I. Lê-nin đã chứng minh nguyên tắc tính đảng trong khoa học xã hội và trong triết học. "... Chủ nghĩa duy vật, Lê-nin chỉ rõ, có thể nói là mang trong mình nó tính đảng, nghĩa là bắt buộc người ta, mỗi khi đánh giá một sự biến, phải trực tiếp và công khai đứng trên quan điểm của một tập đoàn xã hội nhất định...) (xem tr. 524 - 525). V. I. Lê-nin chỉ rõ rằng trong điều kiện xã hội tư sản, cái gọi là chủ nghĩa khách quan trong khoa học là một sự che đậy những lợi ích giai cấp vụ lợi của các giai cấp bóc lột và thống trị. Khoa học mác-xít, gắn bó một cách công khai và mật thiết với giai cấp công nhân, phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội bằng con đường cách mạng, luôn luôn quan tâm đến việc vạch ra những quy luật phát triển của xã hội. Vì vậy tính đảng của khoa học mác-xít trùng với tính khoa học. Ngay từ lúc mới bắt đầu hoạt động cách mạng, Lê-nin đã cho ta một mẫu mực về sự phê phán có tính nguyên tắc chống các lý luận xã hội chủ nghĩa giả mạo và xét lại, một mẫu mực về tinh thần đấu tranh một lòng một dạ vì lợi ích của giai cấp công nhân. Các tác phẩm của V. I. Lê-nin toát lên một sự nhận thức sáng tạo về chủ nghĩa Mác và sự vận dụng tài tình chủ nghĩa Mác vào việc phân tích tình hình kinh tế và chính trị ở Nga, vào việc xác định những nhiệm vụ đặt ra trước phong trào công nhân Nga. Các tác phẩm của V. I. Lê-nin dạy giai cấp vô sản thế giới, các đảng cộng sản và công nhân trong tất cả các nước biết cách vạch mặt cái số đông đảo những "người bạn dân" và bọn xét lại hiện nay, là bọn đang tìm cách lợi dụng phong trào công nhân nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Trong phần phụ lục cho tập thứ nhất, lần đầu tiên trong Toàn tập của V. I. Lê-nin có in "Các đơn từ của V.I. U-li-a-nốp (Lê-nin) từ năm 1887 đến 1893". Những văn kiện này là tài liệu bổ sung về tiểu sử của V. I. Lê-nin. Có hai lá đơn được đăng lần đầu, đó là: đơn gửi Toà án khu Xa-ma-ra ngày 5 tháng Giêng 1893 và đơn gửi Chánh án Toà án khu Xa-ma-ra ngày 16 tháng Tám 1893.
Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên-xô