Thằng Tứ đi qua đi lại mấy bận trước nhà con Hiền, thấy cửa khép và trong nhà tối thui nó lựng khựng không dám vào. Nó lấy làm lạ sao tối nay con Hiền không ngồi học bài, mới giờ này chẳng lẽ con nhỏ chui vô mùng ngủ? Ðứng đoán già đón non một đỗi, thằng Tứ mới chịu quay lưng đi. Nó tiếc là không rủ được con Hiền ra bờ sông bắt đom đóm. Những con đom đóm chớp chớp trên cây bần và điệu đà bay qua bay lại trước mặt nó, trông thật dễ sùng. Nó đi bọc sau hè nhà con Chi. Con Chi đang lum khum lùa gà vô chuồng. Thằng Tứ bước nhè nhẹ phía sau, chợt nó nhảy ra ý nghĩ chọc con nhỏ. - Hù! Lũ gà hoảng sợ chạy tứ tán, kêu lên quang quác. Con Chi tức mình quay lại sừng sộ: - Bắt đền mày đó. Ðồ “dô diên”! Thằng Tứ nhăn mũi cười hềnh hệch: - Buồn quá không có chuyện gì làm, chọc cho mày chửi chơi. Ðể đó, tao đi một vòng là túm gọn! Nói rồi nó nhảy loi choi như chú khỉ làm xiếc, loáng cái mấy tên gà cồ bướng bỉnh bị nó tóm cổ ném vô chuồng. Con Chi vừa gài chốt cửa vừa lườm nó: - Lỗ tai mày đang ngứa hả? Thằng Tứ chống nạnh cười ruồi: - Ừa, mày có cái gì ngoáy được không? - Lỗ tai mày thuộc loại lỗ tai... cây! Có môn đứng đó nghe tao chửi một hồi... thì sẽ đã ngứa hết xẩy nghen. - Cái miệng mày chỉ có nói bậy là giỏi, hèn gì tụi nó chẳng gọi mày là bà La Sát. - Ai biểu mày ở đâu lù lù tới làm tao hết hồn. - Thăm mày hổng được sao? - Xí! Mày trù ẻo tao đó hả? Nè, muốn thăm thì làm ơn cút xéo qua bên kia. Thằng Tứ nhìn theo hướng tay chỉ của con Chi, chột dạ. - Bên kia có ai bệnh hả? Con Chi gật đầu: - Nhỏ Hiền đạp miểng sành sâu lắm, sụm bù chè rồi... - Tội nghiệp chưa! Từ hôm qua tới giờ tao đâu có gặp nó. - Sáng nay thấy nó nghỉ học, tao mới hỏi bà Hai, nghe bả nói vậy đó. - Sao trong nhà tối thui hà? - Ai biết, mày qua bển thử coi. - Thôi, tao sợ lắm. Giá như có mày... - Tao còn thau chén dơ chưa rửa, bỏ đi chơi cho má tao chửi tắt bếp hả? Hay mày đi một mình sợ ma ăn thịt? Thằng Tứ vênh mặt: - Còn lâu tao mới sợ ma! Tao chỉ muốn đi hai mình cho vui. - Lãng òm! Con Chi nguýt nó một cái rồi nguây nguẩy đi vào. Thằng Tứ lần khần nhìn sang ngôi nhà nhỏ chìm trong bóng đen nhạt nhòa hồi lâu rồi nó mới lững thững bước đi. Từ đàng xa nó đã nghe văng vẳng tiếng reo la của bọn nhóc tì trong xóm. Nó đi về hướng đó. Bãi đất trống cạnh miếu ông Lục là “giang sơn” của đám con nít loai choai xóm Bình Hòa. Xóm này có đâu vài chục nóc nhà nằm rải rác dọc theo bờ sông. Người dân ở đây hầu hết sống bằng nghề ruộng rẫy. Số ít sống bằng nghề thả lưới quăng chài, còn lại là những gia đình neo đơn không có nghề gì khác hơn là làm mướn. Duy nhất nhà ông Tư Hổ có nhiều vườn tược. Ông được coi là người khá nhất xóm này. Người lớn đã vậy thì trẻ con càng nheo nhóc. Tới tuổi đi học, thay vì cắp sách tới trường chúng phải bươn chải theo ba má lội sình lội ruộng để kiếm miếng ăn kham khổ. Họa hoằn lắm mới có đứa biết đọc biết viết, nhưng vốn chữ nghĩa ít ỏi cũng rơi rớt dần khi những trang vỡ vấy mực biến thành những chiếc tàu buồm thả trôi theo dòng nước, hoặc thành những cánh diều giấy bay vút cao lên... Rốt lại xóm Bình Hòa chỉ còn có mỗi con Hiền, đứa cháu ngoại côi cút của bà Hai Trầu, ngày ngày vẫn siêng năng đến lớp. Thấy con Hiền ham học, thằng Tứ nể lắm, song nếu bắt nó đổi những ngày lặn hụp, mò cua bắt cá ngoài ao bằng những buổi ngồi vào bàn bắt đầu bài học vỡ lòng thì nó chịu thua. Bởi vậy cho tới bây giờ nó vẫn không biết lấy một chữ bẻ đôi, cho dù năm nay nó đã 12 tuổi. - Thằng Tứ tới kìa! Cả bọn hét lên ỏm tỏi khi nhìn thấy thằng Tứ. Nó chống nạnh hai tay khệnh khạng tiến vào sân. - Tụi bay làm gì mà la lối om sòm vậy? Thằng Hiếu lanh chanh đáp: - Tưởng mày chui vào xó xỉnh, lùm bụi nào nên tụi tao la lớn cho mày lòi ra. Thằng Lu đệm thêm: - Mày trốn chỗ nào mà nãy giờ tụi tao kiếm hoài hổng thấy. Thằng Tứ hất hàm: - Tao đi ngoài đường cái đàng hoàng chớ trốn hồi nào? Mắc mới gì tụi bây kiếm tao. Có tiếng cười hi hí phía sau: - Hí... hí tao thấy nó tới... nhốt gà phụ với con Chi. Thằng Tứ quay phắt lại thằng vừa nói: - Ðừng có ẩu nghen, tao chúa ghét cái thứ rình mò. Thằng kia gân cổ cãi: - Tao đi ngang tình cờ thấy chứ bộ! Hổng có sao mà chối. Thằng Tứ lườm nó: - Ðồ nhiều “chiện”. Thằng kia ngoác cái miệng cười hệnh hệch. Nó là thằng Ðê ở cạnh nhà con Hiền. Lúc cắm câu xong, quay về nó thấy thằng Tứ đứng lảng vảng ngoài bờ sông. Lát sau nó đi ra thì thằng Tứ không còn đứng đó, thằng Ðê đang dáo dác tìm chợt nghe tiếng gà đập cánh kêu quang quác, rồi tiếng the thé chua như dấm của con Chi. Nó vòng sau hè nhà con Hiền nghểnh cổ ngó qua, bụng chắc mẩm con Chi đang bị má nó túm đầu đánh cho một trận. Thằng Ðê khoái chí vì rằng hôm trước nó bị đòn, con Chi đã rêu rao khắp xóm. Phen này thằng Ðê có dịp trả đũa, nó sẽ nhắc lại từng lời kêu khóc của con Chi cho cả bọn cùng nghe. Song thằng Ðê thất vọng khi thấy con Chi ngồi chồm hổm trước cửa chuồng gà còn thằng Tứ loi choi chụp bắt, thằng Ðê cười một mình rồi vô nhà. Lát sau tới miếu ông Lục, nghe tụi kia tra gạn thằng Tứ nó mới vọt miệng nói luôn. Thằng Tứ dùng dằng ngồi bệt xuống dưới gốc cây cụt. Nó chẳng còn hứng thú gì để nhập bọn vui chơi. Hết “đập lon”, “u mọi”, rồi “cút bắt”. Hôm nào cũng lặp lại chừng ấy trò chơi quen thuộc nó đã bắt đầu nhàm chán. Không có thằng Tứ tham gia, thằng Hiếu và thằng Lu cũng mất hứng, chúng kéo nhau ra rìa cỏ ngồi tán dóc. Trong sân chỉ còn lại một túm con gái đang chơi trò “bỏ khăn”. Con Thơ, em thằng Hiếu tay cầm một nhánh lá giả làm khăn bước vòng quanh đám con gái đang ngồi chụm đầu như cái nấm rơm, miệng nó ngân nga: “Bỏ khăn khăn nổi khăn chìm Ba cô bảy chú đi tìm cái khăn” Vừa đọc, con Thơ vừa thả “cái khăn” rớt sau lưng một đứa nào đó. Nếu nó đọc dứt câu mà đứa kia chưa phát hiện ra, nó sẽ lượm “cái khăn” quất túa lua xua vào mông đứa đó. “Nạn nhân” của nó giật mình vụt đứng lên chạy một vòng rồi quay về chỗ cũ. Còn ngược lại nếu như “cái khăn” bị phát hiện thì đứa kia sẽ rượt đuổi và nó phải nhanh chân ngồi thế vào chỗ vừa bị bỏ trống. Cuối cùng, đứa nào nhanh tay lẹ mắt thì cái mông ít bị “hỏi thăm”. Thằng Tứ ngồi khoanh tay lơ đãng nhìn theo mấy chiếc xuồng câu trôi lờ lững trên sông. Trăng non đã lên, ánh sáng chiếu xuống mặt nước thành những gợn sóng lao xao. Thằng Tứ rời chỗ ngồi bước men theo bờ dừa. Lạ lùng trước thái độ của nó nãy giờ, thằng Lu lạch bạch chạy theo hỏi: - Tứ, mày làm sao vậy? Thằng Tứ vẫn lặng thinh rảo bước: - Tao hỏi, sao mày không nói. Tiếng thằng Lu léo nhéo phía sau. Thằng Tứ quay lại sừng sộ: - Mày là cái lu mắm chứ đâu phải là miếng giẻ rách đâu mà dai quá vậy? - Tự nhiên... gây với tao hà! Thằng Tứ đấu dịu: - Tại tao đang bực. Nè Lu, hồi sáng giờ mày có nhìn thấy con Hiền không? Thằng Lu gật đầu: - Có, lúc chiều bà Hai còn mượn tao bứt rễ rau má về cột chân cho nó nữa, chẳng là nó bị đạp miễng sành. Thằng Tứ chép miệng: - Tội nghiệp con nhỏ. - Chắc đau lắm nên nó khóc sưng mắt hết trơn. - Vậy mà lúc chập tối tao đi ngang nhà, thấy đóng cửa tối thui. - Sao mày không ngó vô coi thử. - Tao sợ bà Hai mắt kèm nhèm, tưởng tao rình mò ăn trộm, bả la lên quê một cục. - Nhà đó có gì đâu mà sợ mất? - Thì ai biết, mấy bà già hay la hoảng vậy mà. Tao bị một lần rồi nên tởn. - Lần đó có ai túm được mày không? - Còn lâu á. Bả la chưa dứt câu tao đã co giò dông tuốt. - À, cái hôm chó sủa ran đó chứ gì? Thằng Tứ cười gật gù. - Ừa bữa đó tao đi thăm câu ngoài vườn ông Tư Hổ, về ngang thấy con Hiền còn ngồi học bài. Tao rắn mắc lấy đất khô liệng cái bịch lên nóc nhà. Con Hiền sợ run nhưng vẫn ngồi yên, tao liền tố thêm 2, 3 cục nữa. Con nhỏ điếng hồn kêu ré lên: Ma... ma... ngoại ơi! Bà già đâu có tin ma quỷ, cứ tưởng ăn trộm rình nhà, bà la làng quá xá. - Rồi... con Hiền có biết “con ma” đó là mày không? - Tao ém nhẹm luôn chớ dại gì khai. Tao chỉ nói với một mình mày, đừng nói lại với ai à nghen. - Ừa, tao không nói đâu. Mà mày phải hứa làm cho tao cái giàn thun... bá cháy như thằng Hiếu. Thằng Tứ bẹo tai thằng Lu một cái đau điếng. - Ðược rồi, bây giờ lăn về ngủ đi, đồ quỷ mập! Hai đứa chia tay ngoài bờ đê. Thằng Tứ đẩy nhẹ tấm phên cửa rón rén bước vô nhà. Chị Lành, má nó, vẫn còn ngồi bên ngọn đèn chong cặm cụi vá manh áo rách. Nghe tiếng động má thằng Tứ ngẩng lên, đưa ánh mắt nhìn lướt qua người nó. - Mày lê la đi đâu mà quần áo lấm lem vậy? Thằng Tứ cúi xuống ngó cái áo “vía” của mình. Má nó chẳng sai, cái áo nó va quẹt chỗ nào mà dính bùn lốm đốm. À, chắc tại mấy con gà của nhỏ Chi đập cánh làm văng lên chứ đâu. Nó lần tay mở nút cười giả lả. - Tại con vấp cục đất, trượt vào vũng nước ấy mà. Má nó càu nhàu: - Cái áo mới mua năm ngoái chớ mấy mà coi cũ xì. Thằng Tứ cầm cái áo bước ra sàn nước. Chị Lành nhìn theo con ra chiều nghĩ ngợi. Tội nghiệp, nếu không nhờ nó chị không biết làm sao có thể sống qua những ngày cơ cực trước đây khi nỗi khổ đau tuyệt vọng hoàn toàn xô ngã chị. Hồi đó gia đình chị thuộc loại đủ ăn đủ mặc. Hai vợ chồng có một mảnh đất nho nhỏ. Chồng chị cần cù siêng năng cộng thêm tính tình dè sẻn của chị nên tiền bạc kiếm được từ công việc trồng hoa màu đủ để chi tiêu và sắm sanh chút đỉnh trong nhà. Thế rồi cuộc sống ấm êm phút chốc bỗng biến thành địa ngục, chồng chị sanh ra đổ đốn sa vào con đường rượu chè cờ bạc. Bình thường tính anh hiền lành ít nói nhưng khi có chút rượu vào thì khác hẳn. Anh mắng chửi vợ con rất tục tằn thô lổ. Tệ hại hơn, anh còn bán đi tất cả đồ đạc chị chắt chiu sắm sửa để nướng vào sòng bạc. Chị dùng lời khuyên can, anh chẳng những không nghe mà còn đánh đập chị rất tàn nhẫn. Ðến lúc không còn gì để bán, anh ta cầm cố nốt miếng đất sau hè. Quá phẫn uất chị thắt cổ tự vận, song có lẽ nợ trời chưa dứt nên thần chết không cho chị đi. Chị kéo lê cuộc sống bệnh hoạn vật vờ nhờ vào viên thuốc, chén cơm thằng Tứ kiếm được từ đôi tay nhỏ bé của nó. Còn chồng chị bỏ đi biền biệt. Năm đó thằng Tứ mới 8 tuổi nhưng đã biết bắt cá, bắt cua. Suốt ngày nó cởi trần trùn trục phơi lưng đội nắng ngoài đồng để lượm từng con cua, con ốc. Trong xóm ai nhờ việc gì nó cũng gắn sức làm. Thấy nó siêng năng giỏi dắn nên bà con lối xóm thương tình, có cái gì cũng cho nó ăn, nhưng thông thường nó chỉ ăn qua quýt, còn lại nó gói đem về cho má. Chị Lành vẫn còn buồn chuyện cũ, song mỗi khi thấy thằng Tứ xách xâu cá về rối rít gọi chị ra khoe, nhìn nó lòng chị cũng vơi đi phần nào. May sao chị còn giấu được đôi bông tai hồi mới cưới. Lần ấy chồng chị tra gạn mãi không được đã túm đầu đánh cho chị một trận nên thân. Khi đó thằng Tứ đứng trong góc nhà sợ hét ầm lên, hàng xóm nghe la chạy qua can, anh ta mới chịu ngừng tay. Chị nâng niu đôi bông trên bàn tay mà nước mắt rưng rưng. Hôm sau chị ra thị trấn bán đôi bông, vay thêm một số tiền nữa rồi đến gặp người chủ nợ - ông ta không làm khó dễ mà đồng ý trả đất cho chị sau khi lấy cả vốn lẫn lời. Hai má con mừng vui khôn xiết... ngày ngày chị ra sức nhổ cỏ, còn thằng Tứ cuốc đất lên vồng, chẳng mấy chốc miếng rẫy lại xanh um như cũ. Mới đó mà đã bốn năm trôi qua, thằng Tứ nhổ giò cao nghêu. Cái áo chị mới mua năm ngoái giờ nó mặt trông ngắn cũn cỡn. Chị Lành nhẫm tính bán xong lứa rẫy này chị sẽ may cho nó cái áo sơ mi sọc dài tay và cái quần tây có túi để nó dung dăng dung dẽ với bạn bè. Chị chỉ nghĩ vậy thôi chứ chưa dám nói với nó, bởi gần hai năm nay, chứng bệnh suyễn của chị đã ngốn không thương tiếc những đồng tiền mà hai má con cắc củm làm ra. Thằng Tứ sợ chị chết nên ai bày thuốc gì nó cũng kiếm về cho chị uống. Ngày người ta nói rắn mối trị được bệnh suyễn thế là ngày nào nó cũng xách giàn thun ra vười bắn 2, 3 con đem về nướng lên nằn nì chị ăn. Bây giờ mỗi lần thấy nó cầm trên tay xâu rắn mối tòng teng là ruột gan chị muốn chuồi lên cổ. Chị Lành xếp gọn rổ khâu rồi đặt lưng xuống cái chõng tre cũ kỹ. Bên kia bộ ván, thằng Tứ đã ngủ tự lúc nào.