Thấy chuyện ông Thần Cẩu thú vị, Nhụ bảo Điều dẫn tới chỗ cụ hộ Hiếu, ông thầy phù thủy huyền thoại của Cổ Đình. Tuy nghĩ ông Hiếu là phù thủy, nhưng trong làng chẳng ai dám gọi ông là phù thủy cả. Họ sợ ông giận thì khốn. Chỉ dám gọi ông là ông hộ Hiếu, bởi vì ông ở chùa đổ, chùa chẳng còn pho tượng nào ngoài tượng ông Hộ Pháp khổng lồ.Ông Hộ Pháp bảo vệ Phật Pháp, còn ông hộ Hiếu bảo vệ dân làng, vậy nên dân gọi ông là ông hộ cũng chẳng sai chút nào. Nếu dân Cổ Đình gặp phải tai ương, như hạn hán hay dịch tễ, dân làng lại nhờ ông lập đàn xin trời Phật cứu giúp dân Cổ Đình. Chùa đổ rồi, sư bỏ đi rồi, không có sư nhưng có ông Hiếu ăn mày Phật đến đó ở, vậy ông Hiếu phải làm những việc công đức ấy là phải quá. Chỉ có điều ông hộ Hiếu chưa hề bao giờ làm sư hoặc làm phù thủy, thế mà ông làm được việc nhà chùa kể cũng là sự lạ.Nhưng sự lạ đó không bằng chuyện ông không hề học nghề thuốc bao giờ, thế mà chữa bệnh cho dân làng rất công hiệu. Chuyện ấy đúng thật lạ lùng kỳ diệu. ông chữa tất cả mọi bệnh, từ bệnh vặt cho tới bệnh trọng. Trẻ con sài đẹn, đái dầm, sất cảm, đau bụng ư? Người dân Cổ Đình vội chạy ra chùa xin ông cho thuốc. Lúc ấy, ông hộ chỉ cho một lá bùa, đất thành tro bắt bệnh nhân uống. Sau đó, uống thêm vài viên thuốc do chính tay ông vào rừng tìm lá lẩu, sao tẩm, trộn với cơm nguội giã nhuyễn viên thành viên. Thế mà khỏi bệnh tắp lự. Rồi cả những bệnh nan y như điên rồ, liệt chân, lao phổi, ông cũng chứa được cho nhiều người.Dân Cổ Đình chịu ơn ông, kính nể ông và có chút sợ hãi ông. Đúng vậy, người ta vẫn sợ ông, bởi vì trong ông toát ra một điều gì đó rất ma quái. Ai đã nhìn thấy ông, khi ông bị ốp đồng, đều thấy khiếp hãi.Khi lên cơn ốp đồng ông nhịn cơm hàng tuần, và lúc đó chỉ rặt uống một thứ nước chè đặc chát xít. Người ông gầy như cái xác ve. Trông như một bộ xương khô bọc da. Tóc trắng. Râu dài và trắng. Lại thêm đôi mắt trắng dã trong hai cái hốc sâu hoắm. Nhìn vào khuôn mặt ông, người ta hoàn toàn bị ấn tượng vì màu trắng, nhất là màu trắng đôi mắt.Cảnh ông hộ Hiếu vẽ bùa là một cảnh khủng khiếp. Ông mặc bộ quần áo rách, buộc chiếc thắt lưng đỏ ngang người. Tay ông cầm thanh kiếm mài thật sắc, múa loang loáng trước pho Hộ Pháp. Sau đó, ông thè lè lưỡi ra, thè thật dài. ông nâng thanh gươm sắc đặt ngang lưỡi. Nhắm mắt lại vì cứ nghĩ ông sắp cắt cụt lưỡi mình. Nhưng không phải. ông rất thận trọng dùng hai tay đỡ hai đầu thanh kiếm, rồi khẽ khàng đặt nhẹ thanh kiếm xuống, chỉ vừa đủ tạo ra một nhát khía mỏng tang làm máu ứa ra. Tiếp đó, ông rụt lưỡi vào, hòa trộn máu và nước bọt trong miệng. ông làm như người ta súc miệng, cho tới khi máu và nước bọt đẩy mồm. ông tiến hành rất khéo léo, tuy nhiên, có lúc máu vẫn rỉ ra hai bên mép. Những lúc ấy, nhìn mặt ông ta thật khủng khiếp. Cứ như thể ông vừa nhai sống nuốt tươi một sinh linh nào đó Khi trong miệng đã đủ một ngụm máu, ông nhổ nó ra chiếc bát, hòa máu với son để vẽ bùa. Trẻ con, đứa táo tợn lắm mới dám đứng xem ông lấy máu vẽ bùa, nhưng đêm hôm ấy, đứa nào cũng mê sảng.Chữ vẽ bùa của ông là chữ thánh – Hộ Hiếu vẫn khoe với mọi người như vậy - Chữ ấy không phải chữ Nho, bởi vì các ông đồ nho đã xem ông viết, và chịu không luận được ra nghĩa của chúng. ông hộ Hiếu vẽ ngoằn ngoèo, có lúc như hình cái cây, có lúc như hình bộ rễ, có lúc như rồng đang bay, lại có lúc như con hổ mang đang vươn cổ. Một đôi khi, ra những chữ nho hẳn hoi. Đó là chữ Tâm, chữ Đạo, chữ Độ của nhà Phật.Người ta hỏi khi vẽ bùa ông nghĩ gì, viết gì. ông trả lời thánh đã sai khiến bàn tay ông đi như vậy. ông chẳng biết ông đang viết gì, nhưng trong tâm ông biết đó là những chữ cứu người mà thánh ban cho.Người dân Cổ Đình đã uống rất nhiều những lá bùa kỳ dị ghê người đó khi đã đất nó ra tro và hòa vào nước lạnh. Rồi người ta khỏi bệnh thật sự. Đó là chuyện lạ kỳ chẳng ai giải thích nổi. Có khi người bệnh ốm, không đi được, phải nằm nhà. Gia đình chỉ cần mang đồ lễ đến ngôi chùa Hộ, nói họ tên, năm sinh, tháng đẻ và cầu xin ông giúp. ông Hiếu đặt đồ lễ lên ban thờ, xuýt xoa khấn vái, rồi lấy một lá bùa, mắt nhìn chằm chằm vào nó, tay cầm nén hương vẽ những đường sáng chung quanh lá bùa. Cứ như thể ông ta gửi một siêu lực vào tờ giấy bản màu vàng. Gia đình mang tờ giấy thiêng ấy về đốt cho bệnh nhân uống. Thế rồi người bệnh cũng khỏi.Người dân Cổ Đình rất kính trọng ông hộ Hiếu, song trong tình cảm vẫn thấy sự e ngại, sợ hãi. Chắc cũng do hành xử của ông có phần kỳ quái. Tuy biết ơn ông, người ta vẫn ít qua lại với ông. Trẻ con trong làng, khi trông thấy ông ở xa, đã vội lảng tránh không dám giáp mặt. Người lớn còn dùng ông để dọa trẻ: "Mày hư là tao cho ra chùa ở với ông hộ". Ngôi chùa đổ, ở ngõ Đình đi vào, nằm sát chân núi, nơi ông ở, ít người qua lại, càng trở nên hoang vắng. Những bụi rậm từ trên núi tràn xuống, bò vào cả tới sân chùa. Ở đấy, người ta bắt gặp bóng của lũ chồn cáo. Mấy con quạ khoang, vì thấy ông hộ Hiếu quá hiền từ nên làm tổ trên cây gạo cao lừng lững sau chùa. Có lúc đói ăn, chúng còn mò cả vào sân chùa xin ăn. Đôi khi, hộ Hiếu cũng quăng cho chúng nắm ngô.Không hiểu cái hòn sét đánh làm ông chết đi rồi tái sinh, đã khiến ông ngộ ra một điều gì huyền bí mà ông bỏ hết chuyện đời chẳng chịu lập gia đình. Ngay cả gia tài sản nghiệp ông cũng chẳng quan tâm. ông hộ Hiếu nhường hết nhà cửa ruộng nương để lại cho ông đồ Tiết chăm sóc. Còn ông thì đi ở chùa, bữa đói bữa no, sống bằng những bắp ngô củ sắn tự tay ông trồng, và những phẩm vật sơ sài mà người chữa bệnh mang đến.Hoàn cảnh khác thường đã khiến ông Hiếu thành một con người ở ngoài vòng nhân thế, làm ơn cho mọi người mà chẳng muốn nhận gì, và khiến người ta càng kính trọng ông, tin cậy ông, nể sợ ông hơn.Rất nhiều người chịu ơn ông hộ Hiếu. Trong đám người chịu ơn ấy, riêng chỉ có mụ Pháo là không e sợ gì cả, mụ vẫn thường xuyên qua lại giúp đỡ ông.Đầu tiên phải nói mụ Pháo là người có duyên. Mụ chẳng đẹp nhưng có duyên. Người làng cứ ngẫm nghĩ: có duyên là gì. Trước hết là cái bề ngoài. Cái đẹp chẳng cần song phải dễ ưa. Không phải bộ mặt muốn đuổi người ta đi mà phải kẻo người ta lại. Mụ ở đâu là chỗ đó tươi tắn hẳn lên, sinh động hẳn lên. Nhìn gương mặt ấy người ta chẳng muốn thù hằn mà chỉ thấy tin cậy. Sau mới là cái bên trong. Nó biểu hiện ra đôi con mắt. Chúng đen lay láy và hiền hậu như chứa ẩn một sự thông minh, một tấm lòng đôn hậu. ít nói nhưng có thể hiểu được những điều người ta không nói. Biết cười khi người khác cười. Biết im lặng khi người ta cần sự cộng cảm. Nói nhiều bằng vẻ mặt, ánh mắt thậm chí bằng một khóe môi; nói ít bằng lời, nếu im lặng mà đủ hiểu thì không cần nói. Sẵn sàng chia sẻ cùng với mọi người... Mụ ba Pháo chính là người đàn bà như thế. Một người đàn bà quê thật là quê. Nghèo, nhưng cái váy lúc nào cũng đen nhánh. Áo vá, nhưng miếng vá thật duyên, đường kim mũi chỉ nuột nà tăm tắp, miếng vá như cái hoa thật êm thật khéo. Có khi tấm áo vá của mụ còn thấy xinh hơn cả tấm áo lành.Và cũng như mọi người đàn bà khác của Cổ Đình, mụ ba Pháo cũng thắt đáy lưng ong, cũng xắn váy quai cồng, cũng lam làm không nghỉ, cũng phốp pháp hừng hực sức sống của trời, của đất.Lại nữa: mụ ba Pháo là con mẹ Mõ. Làm mõ mà được người làng quý mến: khó đấy. Cổ Đình xưa không có mõ. Cổ Đình rất thèm có mõ. Một làng muốn đàng hoàng, sang trọng, bề thế thì làng ấy phải có mõ. Sĩ diện bắt làng phải thế. Làng đã có ông chánh, ông lý nhưng nếu làng xưa mà không có mõ thì cái làng ấy chưa hoàn chỉnh. Các cụ kỳ mục nói:- Cổ Đình là một danh hương. Danh hương thiếu mõ sao được.Mõ là thứ dân hèn nhất trong làng xã. Dân ngụ cư là loại dân hèn. Vậy thì bắt dân ngụ cư phải ra làm mõ. Xóm Trung, cũng gọi xóm Đình, Ở giữa làng quanh ngôi đình. Xóm ấy họ Vũ Xuân ở đông. Phần lớn là gia đình tông lý chắc chắn không thể có mõ. Xóm Thượng đầu làng là nơi cư ngụ của họ Đinh, họ Nguyễn cũng là xóm khá giả. Xóm Hạ tuy dân ở đấy không làm chức việc nhưng họ cũng là những gia đình đủ bát ăn. Không chọn được người ở ba xóm ấy ra làm mõ, lẽ tất nhiên người ta phải nhằm vào những gia đình ở xóm Vườn, cái xóm ở tách ra khỏi làng, cái xóm có nhiều dân ngụ cư. Các cụ kỳ mục còn đưa ra nhiều cái lợi để nhử. Thứ nhất nhà nào làm mõ sẽ được cấy năm sào ruộng công của làng. Thứ nhì làm mõ đủ mười năm thì thôi, làng sẽ cắt cử gia đình khác. Sau khi thôi mõ sẽ được làng công nhận là dân chính cư. Người dân tính toán thật kỹ lưỡng. Cấy năm sào lúa, tuy thóc tô có nhẹ hơn cấy thuê cho nhà phú hộ, nhưng vẫn phải nộp cho làng một phần ba thu hoạch. Còn làm mõ mười năm tức cả đời làm mõ. Mất một đời người làm mõ mới được thành dân chính cư. Nhưng sau khi làm dân chính cư rồi, người ta cũng chẳng bao giờ quên cái xuất thân làm mõ của mình. Con cháu cứ chịu mãi cái tiếng rỉa rói: "ông cha nó ngày xưa làm mõ đấy". Cái tiếng xấu ấy còn nhục nhã hơn cả tiếng ngụ cư, không rửa được; chẳng ai đánh dấu những vết nhục mõ sẽ hằn in lên mặt con cháu, hàng chục đời may ra người ta mới quên. Tính toán như thế nên dân ngụ cư bảo: "Lợi bất cập hại". Và họ thì thầm với nhau, cuối cùng không ai chịu ra làm mõ.May thay có gia đình lão Điếc từ dưới Nam lên. Một vợ hai con. Vì kiện tụng ở quê nhà, mất hết nhà cửa ruộng đất. Hai bàn tay trắng, anh phải mang vợ con đi tha phương cầu thực. Một bận hai vợ chồng đi gặt thuê cho nhà tiên chỉ Nhậm. ông Nhậm bảo:- Tôi thấy anh chị là người chất phác mới làm phúc mách cho việc này. Đến xin ông Lý mà làm mõ làng. Làng cho năm sào ruộng. Cho đất làm nhà. Tự dưng, tay trắng lại có một cơ nghiệp lù lù chạy đến. Đến ngay mà xin chả kẻ khác lại chiếm mất chân ấy.Lão Điếc mừng thật. Ông không tính toán gì hết. Như kẻ chết đuối với được cái cọc, tối hôm ấy, ông đến ngay nhà ông Lý. Công việc xong tắp lự. Làng Đình cũng mừng và lão Điếc cũng mừng. Thế là Cổ Đình có mõ. Mõ Điếc qua đời. Con là mõ Pháo thay chân.