Hội nghị lại họp ba hôm, trong ba ngày ấy, Đường Uyển Nhi đến hai lần nữa, còn hẹn sẽ đến tiếp làm cho Trang Chi Điệp phấn chấn tinh thần, trong lòng cũng không để tâm nhiều đến chuyện rắc rối của bài báo kia đem lại. Bữa cơm tối nay gặp Hoàng Đức Phúc trên ghế nhà ăn, lại hết sức ngạc nhiên. Hoàng Đức Phúc gầy rộc hẳn đi, khuôn mặt vốn trắng trẻo đã héo hon như cây nến, tròn mắt hõm đen, hỏi ốm đau ra sao, thì Đức Phúc trả lời "mệt". Trang Chi Điệp liền yêu cầu chuyển lời đề nghị xin căn hộ riêng ở am ni cô làm xa lông văn nghệ tới thị trưởng, mong được trên quan tâm. Đức Phúc mồm nói đồng ý, nhưng đã nói thẳng đừng sốt ruột, hiện giờ thị trưởng mải bận nhiều việc tối tăm mặt mũi, mà việc nào cũng quan trọng, tạm thời chưa có thời giờ lo liệu những việc vụn vặt này. Trang Chi Điệp nói: Việc này có mất bao nhiêu thì giờ của thị trưởng đâu, cũng có cần viết báo cáo bằng văn bản, họp hội nghị nghiên cứu đâu cơ chứ? Anh chỉ cần nói hai ba câu là xong thôi mà. Trong thời gian họp hội đồng nhân dân, chẳng phải vừa vặn, nhân lúc thị trưởng nghỉ ngơi thư giãn mà đặt vấn đề được sao? Đức Phúc nói: Nên nói thế nào với đám văn nhân các anh nhỉ? Anh cứ tưởng họp hành thế này, lãnh đạo được nghỉ ngơi đấy hả? Liền kéo Trang Chi Điệp sang một bên, khe khẽ nói, họp Hội đồng nhân dân còn căng thẳng hơn một cuộc chiến tranh là đàng khác. Trước khi họp, anh và bí thư trưởng tối nào cũng đi xe đến Uỷ ban hành chính các khu trong thành phố và huyện ngoại thành tìm hiểu tình hình, tìm người trao đổi cái gì nên nói rõ, thì nói rõ, cái gì nên ám chỉ thì ám chỉ, đã tròn năm đêm nay, anh không được chợp mắt. Trong thời gian họp càng phức tạp ghê gớm, sắp xếp nhân sự đã định trước, định thay chủ nhiệm hội đồng nhân dân, nhưng có người ngấm ngầm xâu chuỗi, cứ đòi bầu ông này chưa biết chừng ngày bầu cử cuối cùng, ông này được nhiều phiếu trúng cử thật, thì sự việc sẽ rất tồi tệ. Còn thị trưởng có được trúng khoá nữa hay không, vấn đề không lớn, song số phiếu tuy quá bán, hoặc quá bán không bao nhiêu, thì chẳng phải thị trưởng cũng đơ mặt, khó xử hay sao? Hoàng Đức Phúc nói: Anh có biết tình hình này không? Trang Chi Điệp đáp: Tôi đâu có biết? Suốt cả hội nghị trang trọng, nồng nhiệt như thế, mà bên trong còn có bao nhiêu chuyện lòng thòng đến thế kia ư? Hoàng Đức Phúc nói: Văn nhân các anh không hiểu chính trị cũng tốt. Nhưng thử nghĩ, bây giờ anh đòi lập tức nói ngay với thị trưởng chuyện nhà cửa, tâm tư thị trưởng thoải mái, sự việc có thể dễ xong, ngộ nhỡ ông ấy 'đang buồn bực, với một lý do tùy tiện, sẽ có thể gạt đi một cái, thì sau này anh không bao giờ nói được nữa. Chuyện này anh cứ yên tâm, tôi liệu cơm gắp mắm, khi có thời cơ sẽ làm, tôi không xếp xó không làm đâu. Quả thật là những lời nói từ gan ruột, song Trang Chi Điệp nghe xong, cứ mắt chữ I mồm chữ o không bao giờ còn nhắc đến chuyện này nữa. Khi lại nhìn thấy thị trưởng, hoặc Hoàng Đức Phúc vui cười hớn hở bắt tay nói chuyện với các đại biểu ở hành lang khách sạn, Trang Chi Điệp cũng không đến gần chào hỏi, mà tránh ra xa, về phòng mình đọc sách. Cũng trong buổi chiều nay, Đoàn chủ tịch đại hội thông báo thảo luận ở tổ, nhân viên phục vụ đem đến ba tờ báo đặt cho các đại biểu trong thời gian họp đại hội. Ai phát biểu thì tiếp tục phát biểu, ai chưa phát biểu thì mở báo ra xem. Trang Chi Điệp liền xem trang văn nghệ ở trang ba ở báo tỉnh trước, sau đó xem báo thành phố, gần như trang một và trang hai đêu đăng tin bài có liên quan đến cuộc họp hội đồng nhân dân, cảm thấy không có ý gì, đọc xong tờ báo thứ ba có tên là "Cuối Tuần" ngay tức khắc bị một tin cuốn hút. Tiêu đề của tin này là "Trụ sở Uỷ ban thành phố đi làm lề mề, sau nửa tiếng đồng hồ người đi làm mới được quá nửa". Nội dung viết rõ, phóng viên báo Cuối Tuần ngày x tháng x năm x khi đi làm việc đột nhiên điều tra t.ạii cổng trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố. Sau khi đến giờ làm việc mười phút có bao nhiêu người có mặt, sau nửa tiếng đồng hồ có bao nhiêu người có mặt. Cục trưởng đi muộn có mấy vị, phó chủ tịch thành phố có mấy vị đến muộn. Ngay tức khắc cuộc họp xôn xao bàn tán chủ đề từ thảo luận báo cáo công tác của Uỷ ban Nhân dân thành phố do thị trưởng tirình bày, chuyển sang tranh luận mẩu tin này. Trang Chi Điệp ngồi nghe, chẳng qua là nói những lời oán than loạn xì ngậu, cảm thấy buồn tẻ vô vị, liên về phòng mình, gọi điện thoại cho gia đình, hỏi xem có chuyện gì quan trọng không. Người nhận điện là Liễu Nguyệt, hỏi thẳng "Ai đấy? Ai đấy?" Trang Chi Điệp đang định nói thì trong ông nghe vang lên tiếng nô đùa. Anh định nghe thử xem ai vui đùa, nên không trả lời. Ở đầu dây đàng kia, Liễu Nguyệt nói: Tâm thần! Rồi bỏ máy xuống đánh cạch một tiếng. Trang Chi Điệp lại gọi, Liễu Nguyệt chẳng hỏi nếp tẻ quát luôn: Nhầm rồi. Đây là lò hoả táng! Lại bỏ máy xuống. Trang Chi Điệp nóng tiết gọi thêm một lần nữa, vừa thấy Liễu Nguyệt ở đầu ka cầm ống nghe lên, liền mắng: Liễu Nguyệt ở nhà nhận điện thoại như thế này đấy hả? Liễu Nguyệt đã nghe rõ giọng, vội vàng đáp: Thầy giáo Điệp, sao lại là thầy giáo nhỉ? Mấy hôm nay thầy giáo không ở nhà, mỗi ngày hàng chục cú điện thoại gọi đến tìm thầy giáo. Em nói thầy giáo đi vắng, được một lúc lại gọi đến. Chị cả bảo em cứ nói đã nhầm số điện thoại, thật không ngờ đã làm lỡ điện thoại của thầy giáo. Trang Chi Điệp vẫn chưa hết bực hỏi: Ai đang nói chuyện với em đấy? Liễu Nguyệt đáp: Thưa anh Hồng Giang đấy ạ! Anh ấy vừa đến tìm thầy giáo. Thầy giáo cần nói chuyện với anh ấy không? Trong điện thoại vang lên tiếng Hồng Giang, đầu tiên cứ ấp úng sau đó nói đến chuyện hiệu sách, nói luôn cuốn sách ấy đã in hai hôm rồi, đã gửi xuống các đỉêm bán lẻ, hàng bán rất chạy. Hồng Giang lục bục nói một lúc, Trang Chi Điệp không đáp lời, Hồng Giang liền hỏi: Thầy giáo Điệp, thầy giáo đang nghe chứ ạ? Trang Chi Điệp nói: Ừ. Hồng Giang nói: Lần này trúng quả rồi. Em sơ bộ tính thử, mình bỏ ra mười vạn có thể lãi ròng ba vạn. Xem tình hình hiện nay, em định dăm hôm nửa tháng sau ta lại in một vạn. Cho nên nghĩ có nên chiêu đãi ông họ Giả ở phòng phát hành Cục bưu điện hay không? Không để mất lòng người này, ngoài con đường phát hành nghiêm chỉnh, trong lúc ông ta có mạng lưới phát hành ngấm ngầm. Nếu thầy giáo cảm thấy chủ trương này được, thầy có thể đứng ra gặp mặt ông ấy được không? Ngày mai hay ngày kia? Trang Chi Điệp đáp: Tôi không có thì giờ, cậu nói với cô Thanh nhé! Nói rồi bỏ ống nghe, kéo chăn nệm ngủ một mạch cho tới lúc ăn tối. Ăn xong cơm, Trang Chi Điệp đi ra cổng khách sạn xem thử, không thấy Đường Uyển Nhi đến. Đại hội bố trí buổi tối đi xem Tần Xoang ở Dịch Tục Xã. Nhiều đại biểu đã tốp ba tốp năm vừa đi dạo, vừa đi vào rạp hát. Có ai đó gọi Trang Chi Điệp cùng đi. Trang Chi Điệp bảo cần phải về, e nhà có việc, khách ở xa đến thăm, xin được từ chối. Chờ người đi xem đã đi hết, trở về phòng riêng, chờ Đường Uyển Nhi đã hẹn đâu vào đấy, chợt nghĩ ra nên mua thứ gì đó chiêu đãi Đường Uyển Nhi, liền ra cửa hàng mua một hộp kẹo sô cô la trở về, thì Hoàng Đức Phúc lại gõ cửa đi vào, nói: Thị trưởng tìm anh đấy! Trang Chi Điệp hỏi: Thị trưởng gặp tôi ư? Liền khép hờ cửa, hai người đi đến một gian phòng ở gác hai đối diện. Đẩy cửa đi vào thì thị trưởng đang ngả người trên xa lông hút thuốc. vừa thấy Trang Chi Điệp, thị trưởng liền đứng dậy bảo: Nhà văn lớn đã đến đấy hả, mấy hôm nay đều dự họp, sao không đến thăm mình? Trang Chi Điệp đáp: Thị trưởng quá bận không dám quấy rầy. Thị trưởng nói: Người khác không gặp, chứ anh đến sao lại không gặp cơ chứ? Đức Phúc đã nói với tôi yêu cầu của anh. Nếu ủng hộ, thì có người bảo mình chỉ nắm văn hoá, không nắm kinh tế chính trị, nên làm bộ trưởng văn hoá, chứ không phải thị trưởng. Hừ, hừ. Giữ cái chức danh này, mình quả thật muốn làm một số việc cho anh em trí thức. Căn hộ riêng ở am ni cô, thôi thì để cho các anh, sau này có hoạt động gì, nếu cảm thấy mình có thể làm người nghe thì đừng quên thông báo cho mình nhé! Trang Chi Điệp nảy khỏi ghế sa lông, nói: Thật là cám ơn thị trưởng! thị trưởng nắm văn hoá, đấy là đã nắm chắc đặc điểm của Tây Kinh. Văn hoá bác sân khấu, kinh tế lên diễn kịch. Chuyện này đâu phải chỉ là chuyện của văn hoá? Tôi không hiểu nhiều các ngành khác, chứ trong giới văn nghệ, thành tích chính trị của thị trưởng có thể nói ai ai cũng biết. Thị trưởng nói: Đức Phúc này, cậu trao chìa khoá cho Chi Điệp nhé! Quả nhiên Hoàng Đức Phúc móc chìa khoá và giấy chứng nhận sử dụng ngôi nhà trong túi ra, nói: Thị trưởng chu đáo lắm, kỹ lưỡng hơn tôi, thị trưởng bảo các anh đi làm giấy chứng nhận sử dụng nhà, l.ai phải tìm người, không nên để mất thì giờ của nhà văn, trưa hôm nay đích thân bảo tôi đi làm xong thủ tục. Trang Chi Điệp nhận chìa khóa, thật tình không biết nói thế nào hơn. Thị trưởng bảo: - Giới văn nghệ các anh, sau có việc gì cứ trực tiếp đến gặp mình. Nghe nói trong thành Tây Kinh có bốn danh nhân lớn, vậy mà mình mới có gặp Trang Chi Điệp và Nguyễn Tri Phi. Đức Phúc này, cậu chọn một chủ nhật, triệu tập bốn danh nhân lớn cùng đến, mình mời các anh ấy ăn bữa cơm, kết bạn với nhau. Hoàng Đức Phúc đáp: Thế thì tuyệt quá! Thủ tướng Chu Ân Lai e suốt đời thích kết bạn với giới văn nghệ. Thủ tướng đã từng nói, một nhà chính trị không có mấy bạn văn nghệ sĩ, thì không thể thành nhà chính trị lớn được. Thị trưởng nói: Những người ấy đều là châu báu của thành phố đấy. Người xưa nói, cửa nhà quan thì kiên cố, còn quan thì như nước chảy. Mình đây là thị trưởng, hôm nay thì làm thị trưởng, chứ ngày mai không làm thị trưởng nữa, thì mình chả là cái gì cả. Nhưng các anh thì khác, có tác phẩm hay, tên còn muôn thưở. Trang Chi Điệp cười đáp lời: Thị trưởng khiêm tốn quá đấy. Làm cái nghề văn nghệ của chúng tôi, xét cho cùng là cái thứ trừu tượng. Tháng trước tôi đi tới đầu phố Lục Phủ, thấy ở đây mới xây dựng một nhà máy nước, trên tường có sơn sáu chữ to đỏ chói "Uống nước không quên thị trưởng". Quả thật tôi sâu sắc lắm, tên tuổi để đời thật sự, đều là những sự việc thực tế đem lại lợi ích cho quần chúng nhân dân. Đê Bạch, Đê Tô ở Hàng Châu, Tả Công Liễu ở Cam Túc là những bằng chứng rõ nhất. Thị trưởng cười ha hả bảo: Ở đầu phố Lục Phủ chỗ ấy luôn luôn không có nước máy, nhất là mùa hè, bà con phải xách thùng xách xô ra mãi ngõ phố khác, cách ngoài ba dặm lấy nước, bà con có ý kiến khiếp lắm. Sau khi nắm được tình hình này, mình triệu lãnh đạo Cục xây dựng thành phố và công ty máy nước đến để các vị nói xem vì sao, đương nhiên họ có nhiều khó khăn thực tế. Mình liền nóng tiết lên, mặc dù nói trời nói biển như thế nào, chứ thành phố Tây Kinh hiện đại bề thế như vậy, mà vẫn có một mảng không có nước uống sao? Phải có nước đến đó trong mười ngày, nếu ngày thứ mười một tôi đến đó thấy không có nước, thì trách nhiệm thuộc về ai, tôi sẽ tước chức của người đó. Quả nhiên đến ngày thứ chín thì có nước. Hôm đó mấy ngàn người ở đó khua chiêng đánh trống, đốt pháo ăn mừng, lại còn làm biển định đưa tới trụ sở Uỷ ban, mình biết tin đó, đã bảo Đức Phúc ngăn chặn ngay. Mình nghĩ bụng, bà con trăm họ tốt vô cùng, chỉ cần anh thật sự làm cho họ một chút việc, họ sẽ vĩnh viễn không quên. Trang Chi Điệp reo lên: Chà, chà, một đề tài hay như thế, Hội văn học nghệ thuật chúng tôi nên tổ chức mấy anh em đi viết. Thị trưởng nói: Chuyện ấy các anh không nên viết, nó dính dáng tới việc của cá nhân, ở đây đã có một bài, do một số đồng chí bên dưới viết, đưa lên chỗ mình để mình duyệt, mình xem xong cũng thấy hay, nghe đâu báo tỉnh sắp sửa đăng, nhưng bao giờ thì chưa biết. Nghe anh em nói, nề nếp tác phong hiện giờ không tốt, ngay đến báo Đảng đăng bài, cũng phải có người quen, quả là làm gì có cái lý ấy cơ chứ! Thị trưởng nói rồi đưa một tập bản thảo cho Trang Chi Điệp bảo: Anh thử đọc xem. Trang Chi Điệp đã nhận bản thảo, thị trưởng liền nói: Thế này nhé, Đức Phúc ơi, cậu và nhà văn lớn sang phòng cậu mà xem, ba phút nữa mình còn phải sang Thị uỷ có cuộc họp. Chi Điệp à, lúc nào đấy mình sẽ sang phòng anh nói chuyện, anh ở phòng bảy linh ba phải không? Trang Chi Điệp nói: Nếu thị trưởng có thời gian xin cứ gọi điện thoại, tôi sẽ đến. Hai người lại sang phòng bên cạnh. Hoàng Đức Phúc liền đóng cửa, nói: Anh đọc bản thảo đi đã. Trang Chi Điệp mở ra xem. Tên bài văn là Thị trưởng đích thân nắm cải cách đi tiên phong. Phụ đề là: Tác phong mới ở trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố Tây Kinh. Nội dung hầu như nhằm trúng bài phê bình của báo "Cuối Tuần" từ một khía cạnh khác. Hoàng Đức Phúc hỏi: Anh đọc bài trên báo Cuôí Tuần hôm nay rồi chứ, đó là có kẻ đang âm mưu chính trị. Những tin bài như thế đáng ra nên đăng trên báo thành phố, đằng này lại đăng ở báo Cuối Tuần. Mục đích của họ rất rõ ràng, tức là hạ thấp, bôi nhọ công tác của Ủy ban Nhân dân thành phố trước khi bầu cử. Bài này ảnh hưởng cực xấu, qua điều tra, thì do tay chân của vị chủ nhiệm Hội đồng nhân dân kia viết. Sáng nay chúng mình kịp thời đưa ra bản thảo này, quyết định, hai tờ báo Đảng của tỉnh và thành phố đăng cùng một lúc. Báo thành phố đương nhiên không chậm trễ, chỉ có điều hai tờ báo tỉnh và thành phố thường hục hặc nhau, luôn luôn không phối hợp với nhau nhịp nhàng cho lắm, mà báo tỉnh là của trên tỉnh, thành phố mình lại không có quyền quản lý người ta. Anh quen biết nhiều người ở báo tỉnh, việc này anh phải đứng ra, nhất định đòi họ bảo đảm ngày mai đăng báo, mà lại phải đăng ở cột trang đầu. Anh cảm thấy giao thiệp với ai, do anh quyết định, anh khỏi phải lo chuyện chi tiền, cho dù bỏ ra mấy vạn đồng mua trang báo của họ cũng được. Trang Chi Điệp nói: Người quen thì nhiều nhưng ngày mai phải đăng, liệu có kịp không? Hoàng Đức Phúc nói: Ngày kia bầu cử rồi, chỉ có thể đăng ngày mai, chuyện này trông chờ vào tài năng của anh. Xe tối nay đã bố trí đâu vào đấy, tôi đi theo anh. Trang Chi Điệp nói: Vậy thì được, bây giờ tìm tổng biên tập, thì không kịp. Chủ nhiệm phòng sắp xếp tin bài là anh trai của bạn tôi, bảo ông ấy rút bài khác đi, nhét bài này vào. Trang Chi Điệp liền viết ra một số tên người, yêu cầu mua cho mỗi người một ít quà gì đó, Hoàng Đức Phúc lập tức nhờ người đi mau một số đồ dùng như nồi điện, hòm sấy, trò chơi điện tử, bảo: Đêm nay bài báo không in ra chúng mình không quay về. Trang Chi Điệp tỏ ra băn khoăn. Hoàng Đức Phúc hỏi: Tối nay anh có việc hả? Trang Chi Điệp đáp: Kể ra cũng không có việc gì. Thế này nhé. Anh ở đây chờ tôi, tôi về phòng mình lấy cái túi. Hoàng Đức Phúc bảo: Tôi đi cùng với anh. Anh là danh nhân, nhiều người đến tìm, biết đâu đi một cái lại gặp ai cuốn níu mất. Trang Chi Điệp chằm chặp kêu khổ trong lòng, đành nói: Vậy thì thôi không đi nữa. Đêm ấy quả nhiên Trang Chi Điệp không về được. Anh và Hoàng Đức Phúc đi tìm bạn của anh, bạn anh vừa khéo đi công tách xa, đành phải trực tiếp đi tìm chủ nhiệm phòng sắp xếp tin bài, nêu ra yêu cầu. Bài viết đã đưa lên khung. Nhưng không ai ngờ, một vị tổng biên tập trực ban đêm đó khi xem mẫu báo đã hỏi một câu: Anh nào viết bài này thế? Sao nội dung ngược hẳn với bài của báo Cuối Tuần? Suy cho cùng,thì tình hình của trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố Tây Kinh thế nào, mình phải thận trọng vẫn hơn. Ông chủ nhiệm không dám trả lời, về phòng ở tập thể của ông gặp Trang Chi Điệp và Hoàng Đức Phúc. Cả hai lại đi gặp phó tổng biên tập nói rõ tình hình. Phó Tổng biên tập nói: Một người là thư ký lớn của Uỷ ban Nhân dân thành phố, một người là nhà văn có tên tuổi, đương nhiên tôi tin phục các anh, đưa bài vào được thôi. Nhưng chưa chắc đã ra số báo ngày mai được, ngày kia nhất định đăng, thế nào? Hoàng Đức Phúc trả lời: Không được đâu, để bài rút ra ngày kia đăng có được không? Phó tổng biên tập nói: Anh không biết đâu. Bài ấy đã hoãn đăng ba hôm rồi. Người ta ủng hộ tiền một cuộc thi viết của toà báo, ông giám đốc đã mấy lần đến yêu cầu. Hoàng Đức Phúc nói: Đưa tin của một nhà máy nhỏ có quan trọng bằng chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân thành phố không? Thế là nói đi nói lại, lúc cứng lúc mềm, cuối cùng đi đến thoả thuận, cho toà báo một vạn đồng. Bài báo coi như được lên khung. Trang Chi Điệp thấy công việc đã xong, sốt ruột không biết Đường Uyển Nhi tìm anh đã chờ bao nhiêu lâu rồi, liền thúc giục Hoàng Đức Phúc trở về khách sạn. Hoàng Đức Phúc lại bảo chờ cho bằng được mẫu báo ra lần cuối cùng, để tự tay đối chiếu xong mới về. Hai người ngủ gà ngủ gật ở buồng chủ nhiệm một lúc, mẫu báo đã ra. Hoàng Đức Phúc lại chê tiêu đề nhỏ quá, chủ nhiệm liền nhăn nhó, bảo công nhân đã mệt mỏi. Hoàng Đức Phúc ra chợ đêm, mua về mấy tút thuốc lá thơm, phân phát cho công nhân xưởng in mỗi người một chút, lại mua một con gài, một chai rượu để uống với chủ nhiệm và Phó tổng biên tập. Chủ nhiệm hễ có chất cay vào bụng là lắm lời, cứ rối rít khen Hoàng Đức Phúc có thái độ công tác cẩn thận, chịu trách nhiệm đến thế, thanh niên như vậy quả thật hiếm thấy, xúc động lên, liền nêu ý kiến ông cần phải viết lời toà soạn, nói viết là viết, nhân lúc say viết rất trôi chảy, quan điểm rõ ràng, lại rút đi một tin ngắn đưa lời toà soạn vào. Hoàng Đức Phúc sung sướng đến mức, vừa tặng danh thiếp của mình, vừa ghi số điện thoại của chủ nhiệm và cứ nói đi nói lại, có việc gì cứ đến tìm anh. Vật lộn như thế đến nửa đêm, khi cầm được một xấp báo mới, Trang Chi Điệp đã mệt lử không nhấc được đầu lên, mơ mơ màng màng, bị Hoàng Đức Phúc kéo lên xe định về khách sạn, thì dường như trời đã sáng bảnh mắt. Xe phóng qua đầu đường trước am ni cô, Trang Chi Điệp tự dưng tỉnh ngủ, nói đã đến đây, sao không để xem căn hộ kia một chút, Hoàng Đức Phúc liền dẫn anh lên tầng năm của ngôi nhà, mở của phòng ra, ba phòng một sảnh, bởi ở gác trên cùng, nên yên tĩnh vô cùng. Hoàng Đức Phúc hứa hẹn trưa nay anh sẽ đứng ra bảo khách sạn Cố Đô chở đến mấy cái xa lông cũ, một cái bàn, một cái ghế và một cái giường, thậm chí còn bảo chở thêm một bộ chăn nệm. Các nhà văn nghệ sĩ ai cũng nghèo, có lẽ chẳng có ai tự bỏ tiền túi, mua đồ dùng cho mọi người sử dụng. Trang Chi Điệp lại xúc động tỏ lời cám ơn. Chợt nghe dưới gác có người nói to: Một đoạn nữa đi! Một đoạn nữa đi! Không biết nghệ nhân nào bày bán món gì ở đây. Hai người đi xuống gác thì nhìn thấy ông già thu mua đồ đồng nát bị một tốp thanh niên vây chung quanh, đang đọc một đoạn ca dao: Mười bảy mười tám tóc rối đầu bù Hai bảy hai tám bồng bế con thơ Ba bảy ba tám ngóng chờ cất nhắc Bốn bảy bốn tám qua loa tắc trách Năm bảy năm tám hết sách về nhà Sáu bảy sáu tám nuôi cá trồng hoa Bảy bảy bảy tám chấn hưng Hoa hạ Hoàng Đức Phúc chau mày, gọi: Này, lão kia, nói bậy nói bạ cái gì ở đây thế? Ông già quay đầu nhìn đáp: Tôi có nói gì đâu, tôi nói gì nhỉ? Hoàng Đức Phúc nói: Lão còn nói điều vớ vẩn nữa, ta sẽ gọi Cục công an đuổi lão ra khỏi thành phố! Ông già lập tức đội mũ lá lên đầu, kéo cái xe cải tiến vành sắt lọc cọc ra đi, cái giọng khản đặc lại cất lên "Đồ đồng nát nào, có ai bán đồ đồng nát không?" Lúc này Trang Chi Điệp còn ở trên cầu thang gác hai, đang định nói chuyện với Hoàng Đức Phúc ở bên dưới thì bước hẫng ngã quay ra, bị trẹo chân. Ở bệnh viện ba ngày, dán cao thuôc vào chỗ trẹo, Trang Chi Điệp có thể nhảy lò cò một chân đi lại được liền ra viện về ở ngôi nhà mái chảy bên Song Nhân Phủ. Mẹ vợ đi hội chùa ở ngoại ô, hôm nay nhắn người đến bảo, còn ở một thời gian nữa, chờ trời mát mới về. Ngưu Nguyệt Thanh giữ người đến báo tin ở lại ăn cơm, rồi lấy một cái túi, bỏ mấy bộ quần áo của mẹ thay ra giặt vào trong, còn nhét cả một vài bộ quần áo cũ, giày tất cũ của chị, của chồng và bảo: - Chi Điệp ơi, có lẽ anh không mặc đến những quần áo cũ này, gửi cho gia đình chị kết nghĩa nhé, ở nhà quê cũng không cầu kỳ lắm đâu. Trang Chi Điệp bảo: Tuỳ em. Song sắc mặt không vui vẻ. Ngưu Nguyệt Thanh tiễn người đưa thư ra cổng, tiện tay cầm luôn bao thuốc lá trên bàn bảo mang theo hút dọc đường, rồi quay về nói với chồng: Để người ta mang theo mấy bộ quần áo cũ, mà sắc mặt anh không vui vẻ như vậy, trước mặt người ngoài làm em ngượng chết đi được. Trang Chi Điệp nói: Ai làm ai ngượng nào? Em cho đồ đạc họ hàng có bao giờ bảo trước với anh cơ chứ. Lần nào cũng trước mặt người ta mới nói với anh một tiếng nửa câu, anh không đồng ý thì sao nào! Ngưu Nguyệt Thanh nói: Đâu phải em chỉ cho đồ họ hàng nhà em? Anh nói cũng phải có lương tâm chứ, quê hương Đồng Quan của anh chẳng phải hết người này đến người kia đến đó sao? Nào du lịch, nào khám bệnh, nào buôn bán, nào kiện cáo, ai đến chẳng ở chẳng ăn ở đây! Co 'ai không đối xử tử tế đâu nào. Ông cậu và con rể dì anh, hễ mở miệng vay tiền là hai ba nghìn, em đưa cho tiền chẵn rồi, lại còn cho thêm tiền lẻ. Em cũng biết đấy là chuyện đánh chó trong bị, đã đi là mất, song em đã bao giờ nói một chữ không chưa? Hiện giờ thanh niên ở Tây Kinh tìm đối tượng, tại sao con gái không tìm con trai nhà quê chính là ngại sau khi cưới phiền nhiễu về chuyện này. Trang Chi Điệp xua tay nói: Em đừng nói nữa được không nào? Mấy hôm nay anh đang buồn chán. Nói xong gắng gượng đứng lên khỏi xa lông, chống gậy lọ mọ đi vào buồng ngủ. Trang Chi Điệp bực tức bỏ đi rồi, Ngưu Nguyệt Thanh cũng hết giận. Nghĩ một lát rồi bảo Liễu Nguyệt pha một cốc nước mơ chua, hất hàm ra hiệu bưng vào phòng ngủ. Liễu Nguyệt bưng cốc mơ chua đang định đi, thì chị giằng lấy tự bưng vào. Liễu Nguyệt đứng nhìn ở cửa buồng nói: Chị cả ơi, việc gì chị phải khổ thế! Ngưu Nguyệt Thanh bảo: Em bảo chị hèn chứ gì? Đàn bà ấy mà, có chạy nữa thì gặp ở phía trước, vẫn chẳng phải là đàn ông hay sao? Liễu Nguyệt đáp: Chị làm thế sẽ càng quen thói xấu của thầy giáo Điệp. Thầy giáo không chịu uống đâu. Nhưng Trang Chi Điệp đã uống cốc nước mơ chua, nói: Anh nghe em nói một câu hay quá mới uống đấy. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi: Em nói câu gì nào? Trang Chi Điệp liền buồn nản tới mức không nói lại nữa. Liễu Nguyệt nói: Em biết rồi, chị bảo đàn bà có chạy nữa thì gặp ở phía trước vẫn là đàn ông. Thầy giáo Điệp thích chị s những lời có thể đưa vào sách. Từ nay trở đi, nếu chị mắng anh thì cứ dùng thành ngữ mà mắng, thầy giáo sẽ chẳng bao giờ bực tức nữa. Chị Lưu đưa sữa ngày nào cũng dắt con bò đến khu nhà hội văn học nghệ thuật, đã hơn mười ngày không thấy Trang Chi Điệp, qua hỏi thăm mới biết là đi họp. Hiện giờ bị trẹo chân đang ở bên Song Nhân Phủ. Lần sâu vào thành phố, chị Lưu đã có ý định đi vòng hai phố lớn đưa sữa sang bên này, khi đến còn đem theo một quả bí đỏ to, bảo đắp cùi bí đỏ vào chỗ ngã đau sẽ khỏi. Ngưu Nguyệt Thanh rất cám ơn lòng tốt của chị Lưu, định trả tiền chị, chị Lưu cứ khăng khăng không nhận. Trước cổng đang có một chiếc xe đẩy bàn đậu phụ đi ngang qua, liền định mua một túi tặng chị. Chị Lưu ngăn lại bảo: Tôi không ăn được đậu phụ ở thành phố các chị đâu, ăn vào là buồn nôn. Trang Chi Điệp hỏi: Chị Lưu ăn đậu phụ bị dị ứng à? Chị Lưu đáp: Đậu phụ ở thành phố tra nước thạch cao uống không ngon bằng đậu phụ ở quê nhà tra nước tương. Tôi lại nghe người ta bảo những hộ cá thể bán đậu phụ hiện nay, thạch cao mà họ tra vào đậu phụ đều là loại thạch cao nhặt của bệnh nhân vứt ngoài tường sau bệnh viện khoa xương đem về dùng. Trang Chi Điệp cười ha ha nói: Nói như vậy thì thạch cao ở chân tôi đây, sau này còn giữ lại dùng được đấy nhỉ! Ngưu Nguyệt Thanh nói: Chị Lưu nói như vậy là cố tình kiếm cớ không nhận quà của tôi đấy mà. Song tôi và anh Điệp biết cảm ơn chị như thế nào đây? Chị Lưu nói: Ối chà, tôi có cần gì cám ơn đâu cơ chứ? Một người nhà quê được làm quen với anh chị cũng là tạo hoá rồi. Ngày hôm nọ vào thành, đại lộ Đông giới nghiêm xe công an rú còi inh ỏi, bảo là có quan lớn gì đó ở Bắc kinh đến thăm, xe con của quan lớn chưa đi qua, không ai được đi ngang qua đường cái. Tôi dắt bò đi qua, một anh công an mặt rỗ quát "Người còn không được đi qua, nữa là bò!" Tôi bảo, thưa anh tôi đem sữa tươi cho Trang Chi Điệp. Anh công an mặt rỗ nói "Trang Chi Điệp, nhà văn Trang Chi Điệp phải không?" tôi đáp "Đương nhiên là nhà văn Trang Chi Điệp". Vậy là anh công an mặt rỗ giơ tay lên chào tôi, nói "Mời chị đi, chị nói với ông Điệp, tôi họ Tô, là người sùng bái ông ấy!" Thế là tôi dắt con bò đi qua đường. Lúc ấy mặt tôi to bằng cái chậu ấy! Anh xem vinh dự ấy cho tôi tám trăm một nghìn, liệu có thay thế được không? Liễu Nguyệt hỏi: Có chuyện ấy thật sao? Chị Lưu đáp: Tôi đâu dám bịa ra. Liễu Nguyệt nhìn Trang Chi Điệp cười, cặp lông mày nhíu lên, nói: Em cũng nhớ lại một chuyện, ngày thứ hai thầy giáo Điệp nằm viện, Hồng Giang gọi điện bảo, có bốn nhà máy đường phố muốn chờ thầy giáo Điệp làm cố vấn cho họ, song không cần thầy giáo phải bỏ sức ra, chỉ cần viết giới thiệu sản phẩm của nha máy, viết báo cáo công tác của nhà máy, mỗi tháng trả cố định một ngàn đồng. Trang Chi Điệp nói: Hồng Giang giỏi tán lắm, vào cầu tiêu tiểu tiện cũng kết thân được một bạn gái cùng đi tiểu cơ mà! Không biết ra ngoài lấy danh nghĩa của tôi sẽ thành tinh như thế nào, tôi đi làm cố vấn cái gì! Liễu Nguyệt đáp: Em cũng nói thế. Anh ấy bảo người làm công tác văn hoá dịp này cũng trúng quả ngon thơm. Ngày xưa thổ phỉ cũng cướp một ông thầy giữa đám đông, nhà máy đường phố bây giờ muốn hái ra tiền cũng đã hiểu cái lẽ này. Đột nhiên giơ tay đập mạnh vào lưng Trang Chi Điệp, một con ruồi trâu bị đập chết tươi rơi xuống, nói tiếp: Bao nhiêu con ruồi trâu thế này, đốt ai chả đốt, cứ nhằm nhằm đốt thầy giáo Điệp cơ chứ! Trang Chi Điệp nói: Con ruồi trâu này có lẽ không phải kẻ ưa chuộng văn học, mà là giám đốc của một nhà máy nào đấy! Nói tới mức cả ba người Ngưu Nguyệt Thanh, Liễu Nguyệt và chị Lưu cùng cười. Nói chuyện một lúc, thấy trời đã muộn, Trang Chi Điệp vẫn cứ chống chân cúi người, đưa mồm mút sữa dưới bụng bò, Liễu Nguyệt thấy hay hay, cũng bảo cho cô ta bú thử, vừa ngả người xuống, con bò đã giơ bốn vó lên dậm lung tung, cái đuôi lông như bàn chải chà xát vào mặt rát ràn rạt. Liễu Nguyệt vội vàng tránh ra, thì cái vòng ngọc thạch đeo ở cổ tay rơi xuống đất vỡ vụn. Ngay lập tức mặt ỉu xìu, bảo vòng ngọc này là tiền công một tháng bà chủ nhà đàng kia thưởng cho cô, liền lượm nửa hòn gạch đập vào lưng bò. Trang Chi Điệp doạ cô dừng tay và bảo: Tôi nhìn thấy từ lâu rồi, đây là ngọc lam điền loại hai, chẳng đáng bao nhiêu tiền. Chị cả em có một cái vòng tay, là vòng ngọc hoa cúc. Chị em to, đeo không vừa, tôi sẽ bảo chị Thanh cho em. Liễu Nguyệt tươi tỉnh nét mặt nói: Con bò này cũng vô lễ quá, thầy giáo Điệp mút sữa thì nó đứng im, phải chăng kiếp trước họ có duyên phận gì với nhau. Trang Chi Điệp nói: Cũng chẳng biết được đâu, nó làm hỏng của em một cái vòng đeo tay, có lẽ kiếp trước em còn nợ nó một món tiền nho nhỏ. Lời nói vô tình, song Liễu Nguyệt lại hữu ý, nghe xong suốt ngày rầu rĩ, cứ hoang mang cảm thấy trước khi sinh ra, mình có thù hận gì với con bò này thật. Ăn cơm tối xong, một mình đi ra chân tường thành, cắt một làn cỏ bạch khao non, rau châu chấu cỏ lác, bảo là sáng sớm ngày mai bò đến sẽ cho ăn. Ngưu Nguyệt Thanh bảo: Liễu Nguyệt có tấm lòng tốt như vậy, chị em mình xứng đáng chung sống với nhau. Chị hay thương người, nhà ai có người chết, con cái khóc lóc kêu lên một cái, là nước mắt chị cứ tuôn ra. Trước cổng có người đến ăn xin, trong nhà không có cái gì ăn được cũng ra quán mua bánh bao cho họ. Đầu mùa hè năm ngoái, trời mưa tầm mưa tã, có ba người thợ gặt lúa mì ở tận núi Chung Nam đến, không tìm được việc làm, nằm co ro tránh mưa ở mái nhà đầu ngõ, chị liền bảo họ vào nhà mình ở một đêm. Thầy giáo Điệp của em hễ nhắc tới những chuyện này liền cười chị, bảo chị là mạng nghèo khổ. Liễu Nguyệt nói: Chị cả còn coi là mạng nghèo khổ ư? Có bao nhiêu người sung sướng như chị? ngay đến chị Lưu bán sữa cũng nói, bà chủ nhà em có khuôn mặt bằng cái đĩa bạc, mũi thẳng mắt sáng, là tướng hoàng hậu đấy. Ngưu Nguyệt Thanh nói: Anh ấy bảo chị từ torng xương tuỷ đã là mệnh cùng khổ. Liễu Nguyệt nói: Nói thế cũng phải. Trước kia chưa đến đây, em cứ tưởng gia đình ta phải ăn sơn hào hải vị cơ. Sau khi đến thì thấy gia đình chị lại thích ăn cơm thường, rau ăn hàng ngày cũng không xào, cũng không thái, luộc bằng nước lã trong nồi, nhà quê chúng em cũng ăn như vậy. Ngưu Nguyệt Thanh bảo: Như thế bổ hơn, ai cũng biết thầy giáo Điệp nhà em thích ăn cháo ngô, khoai tây luộc, đâu có biết bữa nào chị cũng rắc bột sâm cao ly vào bát của anh ấy. Liễu Nguyệt nói: Nhưng chị thì không thiếu tiền tiêu mà sao không thấy chị may mặc cho hợp mốt gì cả. Đồ trang điểm cũng không nhiều bằng bà chủ cũ nhà em! Ngưu Nguyệt Thanh cười đáp: Thầy giáo Điệp của em ca cẩm chị như thế, em cũng nói thế chứ. Quả thật chị lôi thôi không ra sao phải không\? Liễu Nguyệt đáp: Không phải thế, nhưng ở độ tuổi của chị đang là lúc ăn diện, chị cũng không phải không có nền tảng, trang điểm một thì sẽ đẹp mười. Ngưu Nguyệt Thanh nói: Chị không thích hôm nay chải kiểu tóc này, ngày mai uốn kiếu tóc khác, trên mặt thì bôi như diễn viên sân khấu. Thầy Trang Chi Điệp của em bảo chị bảo thủ, chẳng thay đổi gì cả. Chị nói với anh ấy, chị thay đổi cái gì? Chị đã hy sinh sự nghiệp của chị từ lâu, chỉ một lòng thu vén gia đình mà thôi. Nếu chị trang điểm như yêu tinh, chị cũng giống như những người đàn bà mốt trên đường phố, suốt ngày dạo thương trường, chơi công viên, vào khách sạn uống cà phê, tới tiệm nhảy disco, thì anh ấy cũng chẳng thể ngồi yên trong nhà mà viết được một ngày. Liễu Nguyệt bỗng chốc ngắc ngứ, một lúc sau lại hỏi: Chị cả ơi, những tiểu thuyết thầy giáo Điệp viết ra chị đọc cả chứ ạ? Ngưu Nguyệt Thanh đáp: Chị biết anh ấy đều bịa ra, đã đọc mấy cuốn, xong cứ thấy không vào. Liễu Nguyệt nói: Em đọc hết cả rồi, anh ấy giỏi viết về đàn bà nhất. Ngưu Nguyệt Thanh bảo: Ai cũng bảo anh ấy viết về đàn bà rất giỏi, đàn bà ai cũng như bồ tát. Năm kia có một chị biên tập ở Bắc Kinh đến đặt bản thảo, chị ấy cũng bảo như vậy, nhận xét thầy giáo Điệp của em là một người theo chủ nghĩa nữ quyền. Chị cũng chả hiểu thế nào là chủ nghĩa nữ quyền hay không nữ quyền. Liễu Nguyệt nói: Em lại không thấy vậy, thầy giáo Điệp miêu tả tâm lý đàn bà rất tinh tế. Những lời nói trên đây của chị, em hình như cũng đã đọc ở cuốn sách nào đó. Theo em thì sở dĩ thầy giáo Điệp viết đàn bà hay như vậy, ai cũng lương thiện và xinh đẹp như bồ tát, lại miêu tả đàn ông bề ngoài thật thà chất phác, nội tâm lại cực kỳ phong phú, song vẫn không dám vượt qua vùng cấm một bước đã biểu hiện anh ấy là một người kìm nén ức chế về tình dục. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi: Thầy giáo Điệp của em kìm nén, ức chế về tình dục ư? Nói xong chị cười, chỉ vào trán Liễu Nguyệt tiếp: Nên nói thế nào với em nhỉ, cái con ranh chết rấp này. Em chưa lấy chồng, ngay đến tình yêu cũng chưa có, em biết thế nào là ức chế tình dục cơ chứ? Thôi không nói đến chuyện ấy nữa. Liễu Nguyệt này, em vẩy một ít nước vào đống cỏ cắt về, rồi đặt vào chỗ râm mát trong nhà vệ sinh, trời nóng nực thế này đãi trong sân sẽ héo đi, ngày mai bò ăn cũng không thấy tươi mới nữa. Liễu Nguyệt nhúng nước, để cỏ vào nhà vệ sinh, đi ra nói: Chị cả ơi, nói đến con bò, lòng em cứ hoang hoảng thế nào ấy. Trong thôn chúng em đã từng xảy ra một sự việc quái gở lắm chị ạ. Khi bố Trương Lai Tử còn sống, cảnh nhà khấm khá, cho ông cậu của Trương Lai Tử vay tám mươi đồng. Một hôm bố Lai Tử đào đất, vách đá bị sập đè chết. Lai Tử đòi cậu trả nợ, cậu Lai Tử bảo không mượn. Hai cậu cháu cãi nhau một trận. Cậu Lai Tử liền niệm chú thề rằng nếu ông ấy quỵt nợ, thì chết sẽ làm kiếp con bò, Trương Lai Tử nghe cậu nói vậy cũng không đòi nữa. Tháng ba năm đó con bò nhà Trương Lai Tử đẻ ra một con bê. Con bê vừa đẻ ra một cái, thì có người đến cổng báo tang, nói là cậu đã chết. Trương Lai Tử biết ngay con bê này, cậu ruột hoá kiếp sinh ra trong lòng rất đau buồn. Sau đó chăn nuôi cẩn thận, bê con to lớn rồi, cũng không bắt kéo cày, lôi cối xay gì cả. Một hôm dắt nó ra bờ sông uống nước, gặp người ở thôn bên cạnh gánh một gánh chậu sành ở đầu đường, con bò không đi nữa. Lai Tử bảo "Cậu ơi, cậu ơi, sao cậu không đi nữa?" Người kia cảm thấy lạ lùng, hỏi tại sao gọi con bò là cậu. Lai Tử nói rõ ngọn nguồn, người kia mới biết cậu Lai Tử đã chết. Người kia quen biết cậu Lai Tử, liền khóc mấy giọt nước mắt. Nào ngờ con bò lại đá về đàng sau một cái, đá đổ gánh chậu sành, chậu sành vỡ sạch. Lai Tử liền hỏi số chậu sành đáng giá bao nhiêu tiền, người kia bảo "Lai Tử ơi, không phải đền, khi còn sống, cậu anh cho tôi mượn bốn mươi đồng. Đây là ông ấy đòi nợ tôi đấy". Chị cả ơi, con bò sữa này làm vỡ của em chiếc vòng đeo tay, phải chăng em đã mắc nợ nó thật? Ngưu Nguyệt Thanh đáp: Cho dù nợ thật, thì chẳng phải đã trả xong nợ là gì? Thầy giáo Điệp của em cũng đã nói, cái vòng ngọc hoa cúc của chị để đấy cũng là để không, em cứ lấy mà đeo. Nói xong lấy vòng đeo vào tay Liễu Nguyệt. Cũng rõ khéo cho Liễu Nguyệt, chiếc vòng ngọc rất vừa vặn, không to cũng không nhỏ. Từ đó trở đi, Liễu Nguyệt thường vén ống tay áo, để lộ cánh tay trắng trẻo. Một buổi sáng sớm, Liễu Nguyệt dìu Trang Chi Điệp uống sữa bò ở cổng, rồi lại cho bò ăn cỏ non. Ngưu Nguyệt Thanh đã đi làm. Trang Chi Điệp với nói chuyện với chị Lưu ở cổng vừa xem con bò ăn cỏ, Liễu Nguyệt vào trong nhà trước. Rỗi rãi không có việc gì, liền ngồi ở phòng sách lấy một quyển ra đọc. Từ hôm Trang Chi Điệp sang ở bên này, đã hết sức chú ý đem từ khu nhà của Hội văn học nghệ thuật rất nhiều sách. Khi Liễu Nguyệt chuyển sách sang, chẳng đưa sang đồ cổ văn vật nào, song đã đem luôn bức tượng đất người hầu gái thời Đường, đặt trên chiếc bàn nhỏ trong phòng sách. Cũng là sau khi có suy nghĩ kiếp trước còn mắc nợ con bò, Liễu Nguyệt thường nhớ lúc mới đến, mọi người bảo cô giống hệt người hầu gái này, cô cũng cảm thấy có lẽ điều này có duyên số gì chăng. Thế là ngày nào cũng sang phòng sách xem một lúc. Đọc sách một lúc như vậy, bất giác đâm ra mê luôn, đến khi Trang Chi Điệp đi vào ngồi viết trước bàn, thì cô vội vàng định đi ra phòng khách. Trang Chi Điệp bảo: Không sao, em đọc sách của em, anh viết sách của anh. Liễu Nguyệt ngồi lại đọc, song không sao đọc nổi. Cô cảm thấy bầu không khí này tốt quá, một người ngồi đọc sách, một người ngồi viết sách, bỗng dưng thấy thèn thẹn, ngẩng lên nhìn cô hầu gái đời Đường trên chiếc bàn nhỏ, cái dáng muốn cười mà không cười, chưa cười đã xấu hổ, quả thật cũng hết sức tình tứ. Bản thân thường thức bản thân như thế, người ngồi liền hâm mộ kẻ đứng, thầm bảo: mình ngồi tiếp anh ấy, chỉ có thể đọc sách một lúc còn bạn, thì hễ anh ấy bước vào phòng sách là đã tiếp luôn! Liền bĩu môi tức tối với người hầu gái kia. Cho đến lúc Trang Chi Điệp lên tiếng hỏi: Liễu Nguyệt, hai em đang nói chuyện gì đấy? Liễu Nguyệt thẹn thùng đáp: Chúng em có nói gì đâu! Trang Chi Điệp bảo: Anh nghe được mà, hai em nói chuyện bằng mắt. Liễu Nguyệt mặt đỏ ửng như hoa đào, nói: Thầy giáo không chăm chú viết văn, lại nghe trộm chuyện của người khác! Trang Chi Điệp nói: Từ sau khi em đến, ai cũng bảo cô hầu gái đời Đường này giống em. Cô hầu này dường như có hồn người thật, hễ anh bước vào đây đọc sách hay viết sách, liền cảm thấy cô ấy đang nhìn mình, hôm nay lại ngồi một hầu gái đời Đường sống, thì anh còn nhập cuộc vào văn chương làm sao được! Liễu Nguyệt hỏi: Em giống cô hầu đời Đường này thật sao? Trang Chi Điệp nói: Cô ấy so với em, chỉ thiếu một mụn ruồi ở giữa lông mày. Liễu Nguyệt liền đưa tay sờ mụn ruồi ở giữa lông mày, song không sờ thấy, bèn hỏi: Nốt ruồi này xấu phải không? Trang Chi Điệp đáp: Đó là nốt ruồi của người đẹp. Liễu Nguyệt cười hơ hớ thành tiếng, vội vàng nhún vai, thu mồm lại, cặp mắt long lanh, nói: vậy thì cánh tay em còn có một nốt nữa! Trang Chi Điệp bất giác nhớ tới hai nốt ruồi trên người Đường Uyển Nhi bỗng dưng xao xuyến. Liễu Nguyệt nói xong bèn vén tay áo lên. Cô mặc chiếc áo lụa mỏng, ống tay vén rộng, vén một cái lên tận vai, một cái ngó sen bằng thịt hoàn chỉnh trắng nõn hiện ra trước mắt Trang Chi Điệp, hơn nữa lại giơ lên cho xem nốt ruồi ở sau khuỷu tay. Trang Chi Điệp cũng nhìn rõ những sợi lông tơ ở nách. Thế là anh cầm luôn ngó sen trắng, thốt lên: Liễu Nguyệt, cánh tay em đẹp quá! Rồi ghé sát mặt vào, hôn lấy hôn để. Ngoài cửa sổ đang rộ lên tiếng reo hò của đám trẻ con, một chiếc diều lắc la lắc lư rồi cất lên trong ngõ phố. Khi Ngưu Nguyệt Thanh nhìn thấy Liễu Nguyệt ôm bó cỏ non cho bò, thì nó xúc động cứ nhìn Liễu Nguyệt chằm chắm. Trong ý thức của con bò, cô bé này dường như đã quen biết, thậm chí cũng loáng thoáng có phần nào quen quen cái ngõ Song Nhân Phủ này. Nó nghĩ kỹ mấy đêm liền, mới nhớ ra trong cuộc làm bò ở một kiếp khác của nó, nó là một trong mười ba con bò thồ chở nước của Cục quản lý nước ngọt Song Nhân Phủ này, còn cô bé kia lạo al` một con mèo của Cục quản lý nước thời đó. Một hôm mười ba con bò lần lượt chở nước đi, gần như chở đi tcc năm mươi hai thùng nước, thu về một trăm linh bốn cái thẻ nước, nhưng con mèo này nhân lúc chủ nhân của bò ngồi hút thuốc ngủ gật đã tha đi hai thẻ vào chân tường thành nô nghịch đánh mất. Kết quả bò và chủ của nó bị phạt. Sau này kiếp trước của con bò bị bán tận núi Chung Nam, hoá kiếp trở lại vẫn là bò, ở trong núi. Nhưng con mèo vì tham ăn, bị người ta dùng một con cá trám cỏ dụ dỗ để rời khỏi Cục quản lý nước, bị lột da làm tkhăn quàng cổ chống rét mùa đông, đầu thai trở lại, nghiễm nhiên thành người ở làng quê Thỉêm Bắc. Bò nhai lại là một kiểu suy nghĩ, suy nghĩ này khác với suy nghĩ của người, nó có thể ngược dòng thời gian và không gian, có thể tái hiện khung cảnh rất xa xưa, một cách mờ mờ tỏ tỏ. Sự khác nhau giữa người và bò này đã làm cho những chuyện bò biết nhiều hơn hẳn người, do đó bò chẳng cần đọc sách còn người thì từ khi ra đời, ngoài biết ăn biết uống ra thì đều trống rỗng, phải học qua bao nhiêu là trường, khi đã có được tư tưởng, thì sắp chết đến nơi. Người mới sinh ra lại bắt đầu sự trống rỗng mới, lại bắt đầu học từ vỡ lòng. Do đó con người thường không cao lớn. Quả thật, bò muốn nói với người những chuyện của quá khứ, tiếc thay bò không biết tiếng người, cho nên con người thường hay quên những chuyện của quá khứ, chờ khi mọi chuyện đã xảy ra, mới đi mở những quyển sách đóng chỉ ra đọc, không khỏi thốt lên "Lịch sử tại sao lại tương tự kinh khủng thế!" Bây giờ nó ăn xong cỏ non, bị chị Lưu dắt đi khỏi Song Nhân Phủ men theo ngõ phố, cái đuôi cứ ve vẩy, xua đuổi những chú ruồi đốt nó, bất giác nó lại vừa đi vừa suy nghĩ. Trong kiếp này, nó là một súc vật ở vùng sâu tận chân núi Chung Nam, tuy nó đến thành phố cổ này đã khá lâu nhưng vẫn còn xa lạ đối với tất cả mọi thứ ở đô thị. Thành thị là gì nhỉ? Thành thị là một đống bê tông ư? Người của thành phố này chỗ nào cũng oán hận người đã quá đông, họ bảo, trời ngày càng nhỏ, đất ngày càng hẹp nhưng người thì ai cũng muốn rời nhà quê đến thành phố này, song không có một ai bằng lòng bỏ hộ khẩu thành phố đi ra khỏi bốn cửa tường thành. Soa con người lại hèn thế nhỉ? Đã sáng tạo ra thành phố, lại giam hãm mình tại thành phố. Núi có quỷ núi, nước có ma nước, thành phố có ma quỷ gì nào? Đã làm cho con người từ nơi thân yêu hoà thuận, cả làng cả xóm ai cũng biết tên cúng cơm của ông già từng nhà, ai cũng nhận ra một chú gà con trên bãi đất là của nhà nào, lại muốn đi ra ở thành phố mà mỗi gia đình là một căn hộ khép kín, hễ đi vào là đóng cửa, bỗng chốc biến thành chẳng ai để ý đến ai? Trong ngõ phố đông người như thế này, hơi tôi thở ra thì anh hít vào, hơi anh thở ra thì tôi hít vào, trên xe ca chở khách người ta chen chúc nhau, trong rạp chiếu bóng thì càng người nọ dựa vào người kia, song cứ trố mắt lên nhìn, chẳng quen biết chi nhau. Chẳng khác gì một đống cát, bốc trong tay thì thành nắm, buông tay ra thì rời thành từng hạt, lấy nước càng hoà trộn vào, thì lại càng tản ra! Từ nơi có bỉên có sông lại muốn đến bơi ở hồ nhân tạo trong công viên, từ nơi có núi co đá lại muốn đến leo lên núi giả trong vườn hoa. Chuyện đáng cười hơn là trong kiến trúc bê tông đâu đâu cũng bị tổ hợp những hình vuông, hình tròn, hình thang được quây bằng bốn bức tường thành cao to này, hầu hết dân phố đều mắc bệnh tim, bệnh dạ dày, đường ruột, bệnh phổi, bệnh viêm gan và bệnh tâm thần. Họ lúc nào cũng chú ý giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, nấu ra xà phòng rửa chân rửa tay, nghiên cứu ra thuốc uống thuốc tiêm, dùng bàn chải đánh răng, dùng bao cao su. Họ dường như cũng đang suy nghĩ, xét đến cùng thì tại sao nhỉ? Liên tục nghiên cứu, không ngừng học hành, kết luận là nên giảm bớt người, thế là không ai là không nói, định lấy một quả bom hạng nặng giết hết con người, trừ bản thân và những người ruột thịt của mình ra. Con bò cảm thấy nực cười. Điệu cười của nó là một chuỗi hắt hơi. Ngày nào nó cũng có một chuỗi hắt hơi như thế. Nhưng con bò lại đang nghĩ, khi nghĩ con bò cũng cân nhắc đi cân nhắc lại, nó bỗng nẩy ra một ý nghĩ là mình không hiểu chuyện người, không hiểu thành phố người chen chúc này, có phải là nguyên nhân mình không phải là người, cũng không có hộ tịch đăng ký ở thành phố này1 Mình rút cuộc chỉ là một súc vật, chảy trong huyết quảnm là một thú tính hoang dã, có cái dạ dày to tổ bố có thể tiêu hoá cỏ cây và thân hình kềnh càng không cần mặc quần áo? Nhưng bò tin chắc khi thế giới này hỗn độn, sinh tồn trên trái đất đều là dã thú. Lúc đó trời đất tương ứng, tất cả động vật cũng tương ứng cùng trời đất. Người và mọi động vật đều bình đẳng, mà hiện giờ con người giống như con muỗi, con chuột ở chỗ là một trong những chủng tộc sinh đẻ nhiều nhất. Điều họ khác với các động vật khác, là xây dựng nên thành phố này mà thôi. Điều đáng buồn là chính vì xây dựng nên thành phố, mà thành phố lại đã làm thoái hoá chủng tộc của họ, lòng dạ trở nên tự tư, thái độ hẹp hòi, móng tay mềm yếu, chỉ móc được cái ráy tai, ruột cũng ngắn đi, chỉ là một đoạn ruột thừa không tác dụng. Họ coi thường các động vật khác một cách cao quý, nhưng đâu có biết, các động vật sống trên rừng đang ngấm ngầm chăm chú theo dõi tai hoạ cuối cùng chẳng bao lâu sẽ đến với họ! Trong một loại cảm giác của bò, thường dự cảm thành phố này có ngày sẽ hoàn toàn tiêu vong, bởi vì trong lúc đêm lặng, nó phát hiện thành phố này đang sụt lở, là do hàng ngày thành phố hút lên hàng loạt nước ngầm, hoặc do người và nhà cửa mỗi ngày một nhiều đã đè nặng lên vỏ trái đất. Nhưng con người không hê biết gì, cứ tiếp tục chất đống xi măng bê tông trên mặt đất, cứ tiếp tục hút nước ngầm, vậy thì dã làm cho địa lý có tám con sông chảy quanh Tây Kinh mà gật gù đắc ý, hiện tại chẳng phải đã có mấy con đã khô kiệt đó sao? Vậy thì cái tháp Đại Yên biểu tượng của thành phố này chẳng phải đã nghiêng tới mức sắp đổ đó sao? Đến ngày đó, cả thành phố lún xuống, nước sông Hoàng dồn về, có lẽ sẽ biến nơi đây thành một đầm nước, hoặc không có nước, cỏ khao sẽ mọc đầy khắp nơi. Lúc đó con người mới thật sự nhận ra sai lầm của mình, biết được sai trái tội lỗi của mình rồi, thì cũng đã thành con cá, con ba ba trong đầm nước, cũng đã trở thành con bò, con dê con lớn con chó nhai gậm cỏ khao, vậy thì sẽ rõ, trên thế giới này tính hoang dã đồng nhất với đất trời biết chừng nào, làm thế nào để sinh tồn bằng một phương thức khác. Con bò nghĩ đến đây chỉ cảm thấy đau đầu nhức nhối. Tuy nó thủng thỉnh đi trên đường phố, cho mình là một triết gia với một cảm giác tốt, nhưng nó buồn tủi, linh tính ông trời ban cho không được bao nhiêu, tư tưởng tình cảm quá hỗn tạp lung tung, hễ suy nghĩ lâu là đau đầu, thậm chí cũng thường thường linh hồn bay ra khỏi xác tạo ra ảo giác, trong tiềm thức là đang kéo một cái cày, cái cày chìa vôi cùn của thời Tây Hán hoặc la của những năm Khai Nguyên, liền bị vây hãm trong những chiếc xe con như bọ hung, nhìn gót giày bước liên tục một cách lạ lẫm, tìm không ra cánh đồng cày bừa. Nó thở dài một tiếng thườn thượt bởi mình khiếm khuyết trí tuệ va mất hồn vía một cách không sao tự chủ nổi. Thế là khi chị Lưu dắt nó đi qua con đường mòn bên ngoài tường rào dài của công viên, nó dứt khoát ngoái đầu gặm ăn một gai táo chua mọc ở chân tường. Người ăn để thưởng thức mùi cay, bò ăn gai để châm vào mồm. Chị Lưu tức đến mức luôn luôn vung cái roi đánh vào mông nó và giục "Đi nào, đi nào. Muộn rồi đấy!" Ngưu Nguyệt Thanh thấy Trang Chi Điệp trẹo chân mãi không khỏi, ngày ngày thay xong cao thuốc liền không cho anh đi lại nhiều, còn cố tình dặn bà Vị gác cổng ở khu nhà Hội văn học nghệ thuật và người ở đầu ngõ bên Song Nhân Phủ là bất cứ ai tìm Trang Chi Điệp đều báo đi vắng, cũng không được nói số nhà, lại còn dặn riêng Liễu Nguyệt cố ý nhấc hờ điện thoại, làm cho bên ngoài không thể gọi thông điện thoại. như vậy người ở bên cạnh cũng chịu bó tay. Chu Mẫn khổ sở tới mức như con kiến bò trên cái chảo nóng. Chiều hôm ấy Chu Mẫn đến tìm cô Thanh để thông báo sở văn hoá nghiên cứu ba điều chỉ thị của trưởng ban tuyên truyền, đã quyết định bắt Chu Mẫn và toà soạn tạp chí phải đi xin lỗi Cảnh Tuyết Ấm. Chu Mẫn và Lý Hồng Văn đi gặp Cảnh Tuyết Ấm, chị ta ngẩng cao đầu, chỉ dùng dầu nhuộm bôi móng tay, bôi nhuộm xong, còn đưa lên, năm ngón tay cứ xoè ra khép lại, một câu cũng không nói. Chu Mẫn nhổ luôn một bãi nước bọt xuống nền nhà, giật cửa đi ra. Lý Hồng Văn về báo cáo với sở. Gíam đốc sở nói: vậy thì thế này, chị ấy phớt bơ các anh là việc của chị ấy, các chỉ thị khác có thể chống chế với trên được, nhưng điều thứ ba, ra tuyên bố nghiêm chỉnh trên số tới, thì phải làm, các anh soạn đi, đưa cho tôi xem thử. Để viết lời tuyên bố này, Chu Mẫn đã đến tìm xin ý kíến của Trang Chi Điệp nhưng Trang Chi Điệp đi họp Hội đồng nhân dân, không vào được khách sạn Cổ Đô, sáng sớm hôm sau thời gian gấp gáp quá, đành phải cùng với Chung Duy Hiền thảo ra nộp lên trên. Giám đốc sở lại bảo Cảnh Tuyết Ấm xem lại, Cảnh Tuyết Ấm không đồng ý chê lời lẽ mập mờ, phải viết rõ "không đúng sự thật nghiêm trọng, có ác ý phỉ báng", Chu Mẫn và Chung Duy Hiền không đồng ý thế. Hai bên đôi co. Giám đốc Sở liền trình báo bài viết lên ban tuyên truyền, chờ cấp trên phán quyết. Chu Mẫn lại đi lần thứ ba, lần thứ tư đến trụ sở hội văn học nghệ thuật và Song Nhân Phủ tìm Trang Chi Điệp, người gác cổng đều boả đi vắng, gọi điện thoại đến cả hai nơi, thì không gọi được trong lòng sinh nghi, cứ tưởng hay là Trang Chi Điệp không quan ta6m đến chuyện này! Ông ta là danh nhân, lại quen biết nhiều trên dưới, nếu ông ấy buông tay không quan tâm, thì mình chỉ có kết cục thất bại thảm hại, không khỏi chửi bới om xòm tục tĩu trong nhà. Đường Uyển Nhi thì có tâm tư khác. Chị ta thắc thỏm không yên, bởi mấy lần đến khách sạn Cô Đô phải chăng là đã bị lộ. Ngưu Nguyệt Thanh đã biết nên Trang Chi Điệp mới có ý tránh bọn họ? Nghĩ đến buổi nhập nhoạng tối hôm ấy, chị ta đến phòng bẩy linh ba như một bóng ma, cửa phòng khép hờ, song không thấy Trang Chi Điệp. Ngồi chờ nửa tiếng đồng hồ, lại không dám ngồi lâu, đi đi lại lại trong hành lang, sau đó lại qiuay xuống ngõ đằng sau nhà, đến cửa sổ thứ ba xem có bật điện lên không, ngóng suốt hai tiếng đồng hồ tới mức cổ mỏi chân đau, mà cửa sổ ấy vẫn tối om om, mới buồn chán ra về. Trang Chi Điệp đã hẹn trước, biết mình sẽ đến, tại sao anh ấy lại vắng mặt? Bây giờ phỏng đoán, có thể là bị lộ, cũng có thể Ngưu Nguyệt Thanh cũng đã đến khách sạn, liền bắt chồng về nhà ngủ? Nếu không thì nhân viên phục vụ khách sạn vào quét dọn phòng, đã phát hiện trên khăn trải giường của Trang Chi Điệp và trong bồn tắm có những sợi tóc dài và lông xoăn, đã xì xào bàn tán chăng? Trong lòng có chuyện, thì người cũng ủê oải phờ phạc, mấy ngày liền không bước ra khỏi cửa, chỉ biết ngả cái thân béo lẳn ra giường hoặc ngồi lì trên xa lông đọc sách. Quyển sách có tên là "Cổ điển mỹ văn tùng thư", trong đó có tập "Phù sinh lục ký" của Thẩm Tam Bạch và "Thuý Tiêu Am ký" của Mạo Bích Chương viết về ông và Đồng Tiểu Uyển. Ngoài ra còn có một phần vụn vặt về đàn bà trong "Nhàn tình ngẫu ký" của Lý Ngư. Đường Uyển Nhi liền đọc văn của Lý Ngư trước, đọc đến đoạn điều quan trọng nhất của đàn bà là có "nết", thì nết là gì chẳng thèm đếm xỉa, đến khi đọc tới chỗ có nốt thì ba phần đẹp đẽ có bảy phần hấp dẫn, không có nết thì bảy phần đẹp cũng chỉ có ba phần hấp dẫn. đối với đàn bà, nết như là lửa có ngọn, đèn có anh sáng, viên ngọc có khí báu. Đường Uyển Nhi liền gật gù khen phải, chợt hiểu ra: Cái nết này, chẳng phải là khí chất mà bây giờ người ta vẫn nói sao? Vậy là chị ta tự tin mình tuyệt đối là người có "nết". Sau đó lại đọc "Thuý Tiêu Am ký" lền mê luôn cái cô Đổng Tỉêu Uyển, không nén nổi ý nghĩ, Mạo Bích Chương này là tài tử thì Trang Chi Điệp cũng là tài tử, Mạo Bích Chương quấn quýt một tình yêu, thì Trang Chi Điệp sao lại không như thế? Còn mình quả thật là cô Đồng Tiểu Uỷên kia, dưới gầm trời này sao lại có chuyện kỳ diệu đến thế, mình cũng có một chữ "Uyển". Thế là bỗng quay đầu lại, trong cảm giác có một Đồng Tiểu Uyển đang bồng bềnh bay đến với mình, không kìm nổi nở nụ cười tươi rói. Sau đó nhìn cây lê ngoài cửa sổ và nghĩ trong mùa xuân cây lê tươi tốt biết mấy, hoa trắng xóa đơm đầy cành, hoặc là mùa đông, đội tuyết dầy đến thế, mình ở trong nhà nghe tiếng tuyết rơi, Trang Chi Điệp đạp tuyết đến chờ mình ở ngoài tường nhà, ấy thì cầy trong tường và anh ấy ở ngoài tường có trắng xoá như nhau không? Bây giờ là mùa hè, không có hoa, cũng chẳng có tuyết, cây lê chỉ có lá không cũng gầy guộc, gầy guộc như thời giờ của Đường Uyển Nhi này. Đường Uyển Nhi cứ mơ màng như trong mộng như thế, cúi đầu đọc tiếp trong sách viết đến chỗ trời mưa, liền đứng dậy đi ra sân. Trong sân quả nhiên đang mưa rả rích, đứng trước cây lê này là hoá thân của Trang Chi Điệp và nghĩ thì ra ngay từ lúc mình dọn đến ngôi nhà này, Trang Chi Điệp đã chờ sẵn mình ở đây có phải không? Thế là ôm chặt thân cây lê một lúc, khi trở vào trong nhà, một hạt mưa to bằng giọt nước mắt, liền rơi trên trang sách đang mở. Ban ngày đã phải chịu để trôi qua như thế, đến tối, Chu Mẫn vẫn không thể về sớm. Tiếng chuông của am ni cô gần đó đã gióng giả cất lên từng hồi làm dịu mát bóng đêm. Một miếng kính cửa sổ đã bị vỡ từ bao giờ, dùng giấy trắng dán vào, lại bị gió thổi thủng một chỗ, cứ kêu lật phật. Đường Uyển Nhi bỗng rùng mình, có cảm giác Trang Chi Điệp đang đi đi lại lại ở ngoài cổng. Chị ta liền xỏ dép lê chạy ra ngoài, khi bước xuống hè, chiếc cặp tóc trên đầu rơi xuống, mái tóc xổ ra như thác tuôn, vừa đi, Đường Uyển Nhi vừa cúi xuống nhặt cặp tóc, nhặt mấy lần chẳng được, vẫn chạy ra mở cổng. Ngoài đường vắng vẻ không một bóng người. Lại ngó xem hai bên phố xá, có lẽ anh ấy đang đứng chỗ tối nào đó vẫy tay, nhìn mãi mới phát hiện không phải anh ấy mà là gió. Ngẩn ngơ quay về, chợt tỉnh ra, Trang Chi Điệp không đến, bao nhiêu ngày nay rồi, cũng không đến và có lẽ vĩnh viễn không đến nữa. Liền khóc nức khóc nở, nước mắt giàn giụa, than thở số mình hẩm hiu. Cứ than khóc như thế, không sao kìm nén được, nỗi nhớ con lâu nay không trỗi dậy lại xộc thẳng vào trái tim càng khiến thị gào khóc to hơn. Bấm đốt ngón tay nhẩm tính, thì ba hôm nữa là ngày sinh thằng con tria ba tuổi, liền mặc cho Chu Mẫn có về hay không, một lần nữa mở cổng ra di, gọi một xe xích lô, đưa ra ba đồng bảo chở đến bưu điện Gác Chuông đánh một bức điện báo về nhà cũ ơ/ Đồng Quan. Điện báo gởi cho con trai, viết "Mong con mẹ sinh nhật vui vẻ", dọc đường về nhà cứ sụt sịt khóc, rồi đi ngủ. Chu Mẫn đến khuya mới về, thấy nồi giá bếp nguội, nhà cửa tối om, hỏi Đường Uyển Nhi làm sao vậy? Bật đèn, lật chăn đang nghi hoặc mắt Đường Uyển Nhi tại sao sưng húp lên như quả đào rữa, thì nhìn thấy tờ hoá đơn điện báo ở cạnh gối, trên đó có viết Đồng Quan. Vội vàng hỏi nguyên do, bất giác điên tiết tát Đường Uyển Nhi một cái. Đường Uyển Nhi nhảy xuống giường, cứ trần truồng như nhộng, túm lấy tóc Chu Mẫn mắng chửi: Anh đánh tôi à? Anh dám đánh tôi hả? Con tôi bé như thế lại không có mẹ, sinh nhật ba tuổi rồi tôi có là sói thì cũng nên đánh bảy chữ về hỏi thăm chứ? Chu Mẫn hỏi: Sao cô ngu thế? Đầu óc lợn à? Một bức điện báo thì có tác dụng đếch gì? Hắn nhận điện sẽ phải tra xem điện đánh từ đâu, trên đó có ba chữ Tây Kinh, như vậy chẳng phải cô đã thành tâm báo cho hắn biết tôi và cô đang ở đâu đó sao? Đường Uyển Nhi đáp: Hắn biết thì sao nào? Tây Kinh rộng như biển, hắn tìm đến có mà thấy khối ra đấy! Nói rồi lấy gương soi mặt, trên mặt hằn rõ năm đầu ngón tay rơm rớm máu. Đường Uyển Nhi lại lao đến túm tóc Chu Mẫn, giật được một nắm lại gào khóc: Ngươi anh hùng lắm kia mà? Tại sao còn sợ hắn tìm ngươi, vậy thì ngươi còn sợ hắn, ngươi nhát gan như vậy, sao còn định cuỗm vợ của hắn, lang thang ở Tây Kinh như đồ ăn cướp như thế này? Lang thang theo ngươi cũng được thôi, thế mà ngươi lại đánh ta ư? Ở Đồng Quan hắn cũng không dám động đến một ngón tay của ta, ngươi độc ác thế, ngươi lại đây đánh ta một cái nữa cho chết quách đi. Chu Mẫn nhìn mặt Đường Uyển Nhi sưng vù lên, chợt nghĩ người đàn bà cũng đã theo mình sống chẳng ra người cũng chẳng ra ma, liền hối hận mình đã ra đòn quá nặng, bèn quỳ gối xuống ôm hai chân Đường Uyển Nhi, xin tha thứ, lại cầm tay Đường Uyển Nhi vỗ vào mặt mình. Chu Mẫn có biệt tài dỗ đàn bà, cũng là thực lòng thực ý oán hận bản thân. Đường Uyển Nhi cũng thôi không khóc nữa. Chu Mẫn thấy Đường Uyển Nhi lau nước mắt, liền đến ôm hôn, đưa tay lên gãi gãi lên người, cứ bắt Đường Uyển Nhi phải cười lên, mới chứng tỏ tha thứ cho anh. Thì ra Đường Uyển Nhi có một bí mật, đó là trên cơ thể có nhiều chỗ ngứa ngứa buồn buồn, trước kia Chu Mẫn đã từng bôi bác Đường Uyển Nhi, trên người có nhiều chỗ ngứa ngáy thì có nhiều đàn ông thích. Trang Chi Điệp cũng đã gãi, đã cù Đường Uyển Nhi như thế, chế giễu chị ta, trong tiếng cười sung sướng đê mê dã cho chị ta những cú dập cú dúi chà xát mạnh mẽ hơn. Lần này không nín nổi, Đường Uyển Nhi đã buồn cười, Chu Mẫn lúc này mới yên tâm đi xuống bếp nấu cơm, lại còn bưng lên cho Đường Uyển Nhi ăn một bát, coi như hai bên đã bình an vô sự cùng đi ngủ. Trang Chi Điệp ở trong nhà bí bách đã lâu ngày, luôn cảm thấy có một bóng đen vô hình bao trùm lên cơ thể, muốn cáu gắt lại không có chỗ nào để trút bỏ, hận chẳng thể đi ra ngoài được thư thái, cũng chẳng thấy bạn bè quen biết đến tán chuyện, suốt ngày đọc sách, đọc xong lai quên sách, liền nói chuyện vui đùa với Liễu Nguyệt. Hai người đã khá thân quen, đã vượt ra khỏi giới hạn của thầy giáo với một cô bé giúp việc trong nhà. Trang Chi Điệp bảo Liễu Nguyệt hát một bài. Liễu Nguyệt hát luôn dân ca Thiểm Bắc hay lắm. Liễu Nguyệt hát bài "Dắt tay nhau". Lời hát như sau: Em dắt tay anh, anh đòi hôn em một cái Tay dắt tay, miệng hôn miệng Hai đứa đi trong núi cao sừng sững Trang Chi Điệp nghe say sưa nhưng Liễu Nguyệt mặt đỏ bừng chạy vào trong buồng ngủ của bà già đóng cửa lại. Trang Chi Điệp chống gậy tập tễnh bước đến đẩy cửa, đẩy không được bèn gọi: Liễu Nguyệt! Liễu Nguyệt! anh muốn em hát cơ mà! Liễu Nguyệt nói: Lời không hay không nên hát. Trang Chi Điệp nói: Không hát thì thôi em mở cửa ra. Liễu Nguyệt im lặng, ngừng một lát, hỏi: Thầy giáo Điệp, thầy cười em học cái xấu phải không? Trang Chi Điệp đáp: Anh đâu có đánh gía em như vậy? Nói rồi cứ đẩy cửa thật mạnh. Liễu Nguyệt khe khẽ kéo then cửa. Trang Chi Điệp đang ấn khoẻ, bỗng dưng cửa mở ra, người mất đà lăn ra nền nhà, chân đau tê tái, mặt mũi nhăn nhó lại. Liễu Nguyệt hoảng quá vội vàng cúi xuống nhìn chân anh, nghiêm sắc mắt nói: Việc này chỉ tại em! Chị cả về sẽ mắng em, đuổi em đi mất! Trang Chi Điệp liền bẹo vào mông Liễu Nguyệt một cái, nói: Chị ấy đâu có biết? Anh không cho em đi, thì em không thể đi được. Thừa thế kéo Liễu Nguyệt một cái. Liễu Nguyệt xiêu đi suýt nữa giẫm lên người Trang Chi Điệp mới né chân một cái, thì ngã ngồi lên cổ Trang Chi Điệp, bụng dưới đặt đúng vào miệng mặt Trang Chi Điệp, liền ôm ghì hai chân. Liễu Nguyệt ngay tức khắc vừa sợ vừa xấu hổ. Trang Chi Điệp bảo: Như thế này hay lắm. Để anh được nhìn kỹ em! Áo cộc của Liễu Nguyệt không bó sát người, nhìn lên, trông rõ hai cặp vú to ngồn ngộn trắng nõn, song đầu vú rất nhỏ, đỏ thẫm như hạt đậu. Trang Chi Điệp nói: Thì ra em không mặc xu chiêng? Nói xong định thọc tay lên, Liễu Nguyệt vẹo người không cho. (Tác giả cắt bỏ hai mươi lăm chữ). nói: Đàn bà nào mà anh chả nhìn rồi? Làm gì phải lọt mắt một con bé giữ trẻ nhà quê cơ chứ! Nhưng em vẫn còn trinh tiết đấy! Nói rồi chống tay đứng lên rời khỏi người Trang Chi Điệp, đi vào bếp nấu cơm. Trang Chi Điệp đỏ mặt, vẫn còn nằm trên nền nhà, ngán ngẩm cho bản thân, tại sao lại chuyển tình cảm sang Liễu Nguyệt thế nhỉ? Tự thấy ngượng nghịu, song đã nghe thấy tiếng hát của Liễu Nguyệt vang lên trong nhà bếp. Lời ca như sau: Từng quả chín mọng bóc vỏ ra Người ngoài, ai cũng đồn đại chuyện hai ta Thật ra chúng mình đâu có làm trò ấy Người ngay đã mang tiếng xâu xa Đêm ấy hai vợ chồng nằm trên giường, nói chuyện thường ngày trong gia đình, tự nhiên đã nói đến Liễu Nguyệt. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi: Liễu Nguyệt hôm nay tsa lại đi đôi giày da của em? Ban đầu em không chú ý, thấy em về nhà, cô bé liền cởi ra đi dép lê, mặt đỏ bừng bừng em mới phát hiện ra. Trang Chi Điệp nói: Sáng nay nó giặt giày, ra chợ mua thức ăn không có giày đi, anh đã bảo nó đi đôi giày của em vào, khi về có lẽ nó đã quên thay ra. Con bé đó có dáng người hay hay, mặc cái gì cũng đẹp. Em có bao nhiêu là giày, cho nó đôi giày đó đi. Ngưu Nguyệt Thanh bảo: Đã cho người ta thì mua đôi giày mới. Đôi giày ấy của em cũng mới đi chưa được nửa tháng, đem cho nó, song dù sao cũng mang tiếng mình cho nó giày cũ. Trang Chi Điệp bảo: Em thật là chu đáo. Vậy thì ngày mai anh đưa tiền, để nó tự đi mua một đôi cho xong. Ngưu Nguyệt Thanh nói: Anh cứ hay vẽ chuyện, rồi lại bảo, em còn một chuyện nữa, nghĩ lại trong lòng cứ thắc thỏm không yên. Sáng hôm nay đi làm tạt vào cửa hàng kẹo phố Trúc Ba Thị xem có kẹo ngon không, người bán hàng nọ nhìn em một lúc rồi hỏi: chị có phải là phu nhân của nhà văn Trang Chi Điệp? Em đáp, phải, có chuyện gì vậy chị? Chị ấy bảo, tôi đã được xem ảnh của hai vợ chồng chị trên một quỷên tạp chí. Gia đình chị vừa thuê một người giúp việc mới phải không? Em bảo phải, là cô Liễu Nguyệt, người Thiểm Bắc, dáng vóc xinh xinh, ai nhìn cũng không cho là cô gái nhà quê. Chị ấy bảo, ngoài trắng trong đen, nhân tâm khó lường. Em hỏi, chị nói thế là có ý gì, phải chăng Liễu Nguyệt đến đây mua kẹo chị trả lại nhiều tiền cứ nín thinh lảng đi phải không? Chị ấy bảo, Liễu Nguyệt trước đây coi trẻ ở nhà ch., liền nghiến răng hậm hực nói, cô bảo mẫu này đã hại tôi. Từ thị trường dịch vụ lao động, tôi đi nhận cô ta về nhà coi con, không biết vì sao hỏi thăm được nhà chị, liền đòi đi, đòi đi thì đi chứ tôi cũng không cưỡng giữ, chỉ có điều khuyên cô ta chờ tôi tìm được người thay thế rồi hãy đi. Nhưng không, một hôm di làm về, con tôi khóc hu hu ở trong nhà, còn cô ấy đã mất hút, trên bàn co một mẩu giấy viết để lại nói cô ta đã ra đi. Cô ta đã leo lên cành cao nhà chị, tôi đành phải ở nhà coi con nửa tháng, bị cắt ráo cả tiền lương tiền thưởng, cô ta lại còn lấy mất của tôi nửa tháng tiền công coi trẻ. Người bán hàng nói hẳn một thôi, em không nói gì, tin chị ấy thì sợ không đúng thế sẽ oan cho Liễu Nguyệt, mà không tin, thì trong lòng cứ thấy lợm gịong như ăn phải con ruồi. Theo anh thì the6' nào thật hay giả? Trang Chi Điệp nói: Liễu Nguyệt không độc địa như vậy đâu, e rằng con bé tháo vát gia đình ấy tiếc không cho đi, con bé bỏ đi, gia đình kia ghen ghét với nhà mình, nên đã thêu dệt ra chuyện ấy. Ngưu Nguyệt Thanh nói: Em cũng nghĩ như vậy. Nhưng cô bé này có dáng xinh đẹp, người cũng sạch sẽ gọn gàng, dễ được lòng người, em đối xử tốt với nó là việc của em, anh chớ nhẹ dạ mà yêu mến nó đấy! Trang Chi Điệp nói: Nếu em nói như vậy, thì ngày mai anh cho nó nghỉ việc. Ngưu Nguyệt Thanh bảo: Anh biết em sẽ không để cho nó đi, anh nói để em yên tâm chứ gì. Nói xong oằn người đòi chơi. Trang Chi Điệp thoái thác bảo, chân đau còn bắt thế, thì tra tấn người ta không bằng. Ngưu Nguyệt Thanh duỗi duỗi chân nói: Vậy thì anh nhớ đấy, em bị thiệt to. Nói xong, gục xuống ngủ thiếp đi. Hôm sau, Ngưu Nguyệt Thanh đi làm, người chị kết nghĩa gọi điện đến đơn vị của chị, đương nhiên chị đã hỏi mẹ bên đó như thế nào. Người chị kia đáp mọi chuyện đều tốt, buổi sáng một bát rưỡi cháo đậu đỏ, buổi trưa nửa bát cơm, cơm ăn ít, nhưng thức ăn thì nhiều. Anh rể em bắt ở sông Vị được ba con cá, không cho con cái ăn, chỉ dành riêng cho bà cô. Buổi tối, hai quả trứng gà nấu một bát súp, lại thêm một ly sữa bò tươi. Bà cô đã mập ra, cũng trắng ra, chỉ lo ở nhà có vại dấm không khuấy, sai chị nói với em đừng có đậy vung sẽ hỏng dấm. Rồi lại ca cẩm không có cái radio cassette, không thể nghe ca kịch hàng ngày. Ngưu Nguyệt Thanh bảo, mẹ thích nghe hát kịch thế đấy, lúc còn trẻ ngày nào cũng đi xem diễn. Cũng nói cả công việc bên này, chẳng hạn dấm vẫn ngon, mấy đôi giày cũ của mẹ đã giặt phơi tử tế, cái bà họ Vương cũng sang mấy lần, còn cho mẹ một cái túi vải vàng. Cuối cùng cũng kể luôn cả chuyện Trang Chi Điệp bị ngã trẹo chân. Vừa maym buổi trưa hôm ấy lãnh đạo đơn vị chị cần đi vùng bãi sông Vị mu một lô thịt dê tươi giá rẻ cho công nhân viên chức. Ngưu Nguyệt Thanh vội vội vàng vàng về bên khu nhà hội văn học nghệ thuật lấy một máy radio cassette nhỏ và hai băng nhạc kịch, yêu cầu lãnh đạo nhất định tới Đặng Gia Doanh, hỏi thăm gia đình người chị kết nghĩa của mình, trao tận tay. Nhưng buổi trưa Ngưu Nguyệt Thanh đi làm về, thì bà mẹ đã có mặt ở bên Song Nhân Phủ. Hỏi ra mới biết, chị kết nghĩa gọi xong điện thoại, tiện mồm nói Trang Chi Điệp bị trẹo chân. Thế là bà già sốt ruột, đứng ngồi không yên, cứ đòi về. Chị kết nghĩa chẳng biết làm thế nào, đưa bà lên xe ca về đây. Bà già xem vết thương của Trang Chi Điệp, không nói gì, chỉ phàn nàn Liễu Nguyệt gấp chăn không ngay ngắn, chai trên bàn để không đúng chỗ, bồn hoa ơ/ sàn cửa sổ tưới nhiều quá, cái mạng nhện ở góc tường sao không quét đi? Liễu Nguyệt sợ không dám nói gì. Buổi tối Liễu Nguyệt và bà già ngủ chung một buồng, bà già vẫn lấy quan tài làm giường như cũ, nửa đêm lại nói chuyện. lúc đầu Liễu Nguyệt cứ tưởng bà nói với mình, liền giả vờ ngủ không đáp. Bà già càng lúc càng nói nhiều, dường như đang tranh cãi với ai đó, lúc thì mềm mỏng khuyên lơn gì đó, lúc thì cay độc dọa nạt, hơn nữa còn cầm gối đánh đập. Liễu Nguyệt mở mắt ra, trời tối đen như mực, chẳng trông thấy gì, liền sợ hãi, trở dậy gõ cửa buồng phu nhân. Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh thức dậy, sang buồng hỏi mẹ có phải mẹ nằm mơ không mẹ. Bà già đáp: Mẹ đang nói này nói nọ, các con gọi một cái, chúng nó bỏ chạy cả rồi. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi: Chúng nó là ai hả mẹ? Bà già đáp: Mẹ đâu có biết? Vừa giờ mẹ thấy mấy đứa đi vào đứa nào cũng cầm gậy, mới biết lại đến đánh vào chân Trang Chi Điệp. Bọn này ở đâu, vô duyên vô cớ lại đến đánh vào chân con rể mẹ thế nhỉ? Ngưu Nguyệt Thanh bảo: Mẹ lại nói lời của ma quỷ rồi. Liễu Nguyệt sợ tái mặt. Ngưu Nguyệt Thanh lại oán hận: Mẹ ơi, mẹ đừng nói nữa, nào là người ư, nào là ma ư, chỉ tổ doạ chúng con. Trang Chi Điệp bảo: Em cứ để mẹ nói – liền hỏi mẹ vợ - mẹ ơi, mẹ doạ chúng con phải không? Bà mẹ đáp: Bọn chúng đều là ma ác, nào có chịu nghe lời mẹ? ngày mai con đến chùa Dựng Hoàng xin hoà thượng một cái bùa. Hiện giờ trong thành, chỗ nào cũng có ma ác, chỉ có nhà sư ấy mới trị nổi. Lấy được bùa về, một lá dán vào khung cửa, một lá đốt lấy tro pha nước uống, thì chân con sẽ khỏi. Trang Chi Điệp đáp: Vâng, ngày mai con sẽ lên chùa Dựng Hoàng, bây giờ mẹ ngủ đi. Trang Chi Điệp bảo Liễu Nguyệt cũng nên đi ngủ. Liễu Nguyệt không chịu, liền nằm trên ghế xa lông trong phòng khách. Trời sáng thức dậy, Ngưu Nguyệt Thanh đã đi làm. Liễu Nguyệt mắt mọng lên, rõ ràng cả đêm không ngủ được, sắp xếp ăn xong bánh, cơm nước và uống sữa bò, bà già lật tìm một mảnh vải, lại làm cái khăn che mặt mới. Liễu Nguyệt định giúp bà làm, bà già không mượn, bà không tín nhiệm đường kim mũi chỉ của Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt liền vào phòng sách nói chuyện với Trang Chi Điệp. Hễ thấy hai người nói chuyện, bà liền ghé đầu cặp mắt nhìn lên mép trên kính lão, hỏi: Chi Điệp ơi, sao con bảo phải đi chùa Dựng Hoàng kia mà? Trang Chi Điệp đáp: Con biết rồi mẹ ạ. Nói rồi vào cầu tiêu đi tiểu, trở về ngồi trong phòng khách xem Liễu Nguyệt đứng ở cửa nhà bếp treo bức rèm cửa đã giặt sạch phơi khô. Liễu Nguyệt đi đôi giày da cao gót mới mua bằng tiền cho hôm qua, nhưng không đi tất, lại cũng thấy hay hay, hơn nữa lại còn mặc một chiếc váy mini màu đen, bó sát người, đưa tay lên cố hết sức treo rèm cửa lên cái đinh đóng trên bậu cửa, chân và lưng thẳng tắp, càng tỏ ra hấp dẫn. Trang Chi Điệp bảo Liễu Nguyệt ơi, em đi giày da chân trần xinh đáo để. Liễu Nguyệt vẫn đang treo rèm cửa đáp: Chân em không có lông. Trang Chi Điệp hỏi: Mũi giày có kẹp vào đầu ngón chân không? Liễu Nguyệt đáp: Chân em nhỏ. Trang Chi Điệp bảo: Chân chị cả em to phè, đi giày nào cũng được một tuần là mất dáng. Thế còn được, trong số người thân quen, chân Hạ Tiệp chối tỉ nhất, ở kẽ ngónchân cái lồi ra một cục thịt tướng, giày cao gót, giày vừa phải, chẳng giày nào đi vừa. Em đã chú ý bao giờ chưa, chị ta ngồi ở đâu, chẳng bao giờ thò chân ra trước mặt. Liễu Nguyệt liền cong một chân lên, cúi xuống nhìn. Trang Chi Điệp đã giơ tay nắm luôn chân đó, để sát vào mặt, hếch mũi ngửi mùi da giày và mùi thơm của chân. Hai tay Liễu Nguyệt còn ở trên khung cửa, vội vàng co chân, thì lại bị hôn một cái. Chân trở về đất, chỉ cảm thấy ngứa, ngứa đến mức mặt đỏ ửng lên. Trang Chi Điệp lại giả tảng không để ý, lại khen kiểu giày da này đẹp quá, Liễu Nguyệt thấy anh ta như vậy cũng đã bình tĩnh nói: Anh là đàn ông mà sao cứ chú ý nào giày, nào chân của đàn bà như thế? Nói ra thì không ai tin. Trang Chi Điệp nói: Trồng lúa thì phải trồng cẩn thận ở mép ruông, rửa nồi phải rửa sạch ở rìa nồi, cái đẹp của đàn bà là đẹp ở đầu, ở chân, trên người em cho dù có mặc quần áo rách, chỉ cần có một đôi giày đẹp thì cũng tươi tỉnh hẳn ra. Đường Uyển Nhi hiểu được điều này, cô ấy mới cầu kỳ coi trọng giữ gìn mái tóc, mà đáng tội mái tóc cô ấy cũng đẹp nhất, nó bóng mượt, vừa dài vừa dầy, một nửa lại có màu vàng nhạt, lúc nào em nhìn kiểu tóc của cô ấy mà xem, còn em thì luôn buộc cái đuôi ngựa! Liễu Nguyệt nói: Anh biết vì sao em buộc đuôi ngựa không? Em không có cái túi nhỏ, mùa hè mặc váy, áo sơ mi cộc không có túi, đi ra ngoài, khăn lau mồ hôi không giắt ở cạp váy thì buộc ở tóc, khi cần dùng lấy ra thuận tiện. Trang Chi Điệp đáp: Thế sao em không nói, anh cho tiền mà sắm cái túi nhỏ. Bây giờ anh mới biết, con gái đi trên phố chị em nào cũng có cái túi khoác, vốn cứ tưởng đựng tiền bên trong, thật ra đều là khăn mùi soa, giấy vệ sinh và đồ mỹ phẩm. Liễu Nguyệt cười hì hì. Bà già nghe thấy hai người cười nói chuyện ở đàng này, lại hỏi: Chi Điệp này, bây giờ là lúc nào rồi, con chưa đi chùa Dựng Hoàng à? Trang Chi Điệp nháy mắt với Liễu Nguyệt đáp: Đi đây ạ! Đi đây ạ! Liền nghĩ bụng tại sao Ngưu Nguyệt Thanh báo tin mình bị trẹo chân cho mẹ để cho mẹ về lại đây. Có lẽ sợ mình ở nhà nhàn rỗi, chỉ nói chuyện với Liễu Nguyệt, thành ra có cảm tình với nhau chăng? Lại thấy buồn lòng, da đầu tê tê, toàn thân cũng ngứa chỗ này buồn chỗ kia. Gọi điện thoại cho Mạnh Vân Phòng, bảo anh ta đi một chuyến đến chùa Dựng Hoàng gặp nhà sư lớn Trí Lương. Khi gọi điện thoại mới phát hiện dây điện thoại bị đè dưới ống nghe, liền nói: Anh bảo mấy ngày qua anh không đi được chẳng có ai điện thoại đến, thì ra ống nghe đã để hờ. Liễu Nguyệt, em làm chuyện này phải không? Liễu Nguyệt không giấu nổi, mới khai ra ý định của Ngưu Nguyệt Thanh. Trang Chi Điệp liền điên tiết: Tĩnh dưỡng! Tĩnh dưỡng! Vậy thì sao không bắt anh vào trại giam mà chữa vết thương? Liễu Nguyệt đáp: Chuyện này em phải nghe theo chị cả. Trang Chi Điệp hỏi: Nghe chị ấy à? Chị ấy chỉ mong anh gãy cả hai chân mới thực sự yên tâm! Liễu Nguyệt nói: Chị cả lòng tốt thật đấy, anh nói vậy quả tình oan cho chị ấy. Trang Chi Điệp bảo: Chị ta chỉ biết ăn cho ngon, mặc đẹp, mạnh khoẻ, đâu có biết con người ta còn sống bằng tinh thần nữa chứ. Đừng tưởng chị ta việc gì cũng ra vẻ không quan tâm, thật ra lòng dạ hẹp hòi, đề phòng không chừa một ai. Liễu Nguyệt hỏi: Chị ấy đề phòng cả em ư? Trang Chi Điệp im lặng, bám vào tường đi vào phòng sách ngồi tức tối một mình. Tới nửa buổi Mạnh Vân Phòng đến nhà. Quả nhiên cầm bùa theo, cứ mắng xơi xơi Trang Chi Điệp bị thương bao nhiêu ngày mà không nói với anh được một tiếng, hàng ngày anh anh em em, thật ra thì sống riêng rẽ, không coi anh là người có ích. Trang Chi Điệp liền vội vàng giải thích, xương người không bị vỡ nặng lắm, chỉ bong sưng cơ gân dăm ba ngày không khỏi, báo cho anh, cứ sợ gia đình lại lo nghĩ phiền phức nên không cho anh biết, cả họ hàng, bạn bè chẳng cho ai biết cả. Mạnh Vân Phòng nói: Lo nghĩ phiền phức cái gì, chẳng qua cũng chỉ tiêu vài đồng mua một ít sữa ong chúa và quế nguyệt tinh chứ mấy. Liễu Nguyệt cười hất hàm: thầy đến có bao giờ đem cái gì đâu nào? Lần nào đến l.ai chẳng ăn uống no say cơ chứ? Thầy giáo Điệp nhờ thầy đi lấy bùa, coi như đã nói với thầy bị trẹo chân, hôm nay thầy đến thăm người bệnh mang quà gì đến nào? Mạnh Vân Phòng cũng cười bảo Cái con ranh này gớm thật, hũ nào chưa mở xách hũ ấy, tôi không mang quà cho thầy giáo Điệp của cô, nhưng tôi có mang cho cô một hạt dẻ rang đấy Đầu ngón tay cốc vào đầu Liễu Nguyệt cộc một cái. Liễu Nguyệt hét lên một tiếng, mắng thẳng Mạnh Vân Phòng không có chỗ dừng chân đâu, cứ liều liệu đấy, trời sẽ trả thù thầy cho mà xem. Mạnh Vân Phòng nói: câu ấy cô em nói trúng tủ rồi đấy. Thằng con trai bà vợ cả của tôi từ nhà quê đi bộ đội đã năm năm là trung đội trưởng, vốn muốn lên nữa, làm một anh đại đội trưởng, trung đoàn trưởng gì đó, nhưng tháng trước gửi thư bảo, quân đội cũng bắt nó phục viên, hơn nữa lại chủ trương ở đâu thì về đấy. Thằng con tôi bảo với thủ trưởng, báo cáo trung đoàn trưởng, bọn họ là lính trơn có thể ở đâu đi vẫn về nơi ấy, còn tôi là trung đội trưởng thưa thủ trưởng! Trung đoàn trưởng bảo, trung đội trưởng cũng thế. Thằng con tôi nói, cũng như thế thì tôi không nói nữa, nhưng tôi từ bụng mẹ tôi ra, tôi không thể về được, huống hồ mẹ tôi cũng đã chết. Liễu Nguyệt bật cười bảo: Qủa thật xứng đáng là con trai của thầy Phòng, lại hỏi luôn thầy có mấy vợ, nghe chị cả bảo, vợ trước của thầy là người thành phố, con mới tám chín tuổi, cậu ấy là lính gì? Trang Chi Điệp nói: Liễu Nguyệt, em không biết, ngày xưa anh ấy đã ly hôn một lần, lúc còn ở nhà quê cơ! Mạnh Vân Phòng liền bảo: Mình lấy những ba vợ, vợ sau trẻ hơn vợ trước. Liễu Nguyệt nói: Thảo nào, em cứ bảo sao mặt thầy nhiều nếp nhăn đến thế! Trang Chi Điệp trợn mắt nhìn Liễu Nguyệt, hỏi Mạnh Vân Phòng: Rút cuộc cậu con trai đã sắp xếp được chưa? Mạnh Vân Phòng nói: Mình quen ông thường vụ huyện trưởng quê nhà, gọi điện đường dài cho ông ấy, ông ấy đã đồng ý tìm một công việc trên huyện. Nói ra anh đâu có ngờ được, trong điện thoại mình hỏi có lần tôi và Trang Chi Điệp về một chuyến nói chuyện tình cảm với chuyên viên Địa khu không. Trang Chi Điệp và chuyên viên là bạn học cũ. Ông ấy bảo anh lấy to doạ bé, định kích tướng tôi đấy à? Anh biết Trang Chi Điệp ư? Mình đáp không chừng biết, mà còn là người làm chứng khi anh ấy lấy vợ. Ông ấy vui vẻ nói, Trang Chi Điệp là danh nhân lớn, việc của danh nhân lớn uỷ nhiệm tôi lại không làm hay sao? Sắp xếp cho con, không có chính sách ấy đâu, nhưng mình chẳng cần dấm dúi đi cửa sau, lại còn sợ có người kiện cáo rách việc, mình định nói công khai, đứa con này là thân thích của Trang Chi Điệp, là sẽ được bố trí. Anh chị nào nếu có thân thích cống hiến cho xã hội có ảnh hưởng như Trang Chi Điệp thì muốn bố trí công tác, mình bảo đảm dàn xếp được. Trang Chi Điệp nói: Anh toàn là láo toét thành tinh. Cuối cùng có chuyện gì xảy ra thì tôi lại phải giơ đầu chịu báng. Mạnh Vân Phòng đáp: Đó là vì tiếng tăm anh lừng lẫy. Chờ khi nào huyện trưởng thường vụ đến Tây Kinh, mình sẽ dẫn đến đây thăm anh, còn phiền anh chiêu đãi một chầu. Liễu Nguyệt nói: Ái chà, thầy đến ăn chưa đủ, lại còn dẫn theo một người nữa cơ đấy! Mạnh Vân Phòng nói: Không ăn không đâu, anh nhìn xem cái gì đây! Từ túi áo móc ra một gói thuốc, bảo Trang Chi Điệp lập tức đeo vào rốn ở bụng dưới. Trang Chi Điệp hỏi: Anh này lạ thật, chân đau tại sao lại đeo ở đây? Mạnh Vân Phòng nói: Anh cứ không tin tôi. Suốt ngày chỉ ngồi viết đâu có hiểu thế nào là dược phẩm bảo vệ sức khoẻ. Hiện nay theo đề nghị của thị trưởng, ở khu đông thành phố đã mở một đường phố bảo vệ sức khoẻ thần ma, toàn thành phố có mười ba gia đình chuyên sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Đây là túi Bảo nguyên thần công, còn có mũ khoẻ não thần lực, dây da khoẻ thận thần uy, xu chiêng dùng thuốc Ma công, si líp tráng dương ma lực, nghe đâu đang nghiên cứu chế tạo tất, giày, mũ thần ma, có cả cốc từ, xanh tuya từ hoá, gối, đệm, giường đệm ghế từ hoá… Trang Chi Điệp ngắt lời: Anh đừng nói nữa, hiện tượng này đâu có phải là hiện tượng tốt, chẳng biết tay nào đề xuất cho thị trưởng chủ trương thiu thối thế! Thời kỳ Nguỵ Tấn, xã hội ủ rũ đã từng trỗi dậy khí công, luyên đơn tìm thuốc sống mãi không già. Bây giờ lại trỗi dậy sản phẩm bảo vệ sức khoẻ này sao? Mạnh Vân Phòng đáp: Anh quan tâm nhiều đến thế cơ à? Có người sản xuất thì có người mua, có người mua thì có người sản xuất. Đây cũng là phát triển kinh tế của Tây Kinh mà! Trang Chi Điệp lắc đầu im lặng, rồi lại nói: Lâu nay tôi không ra khỏi nhà, cũng chẳng thấy anh đến, tôi có chuyện cần nói với anh đây! Nói rồi bảo Liễu Nguyệt đi ra đã. Liễu Nguyệt hất hàm: Chuyện gì mờ ám vậy, không bảo em, em kiện lên chị cả. Mạnh Vân Phòng liền bảo: Em phải nghe lời, chờ mấy hôm nữa rồi sẽ đem cho em cái xu chiêng ma công. Liễu Nguyệt liền mắng: Cái mồm thối của thầy chẳng đứng đắn tí nào, thầy cứ mặc cho chị Hạ Tiệp đã rồi hãy nói. Mạnh Vân Phòng nói: Cô bé ơi, vợ tôi đã mặc rồi, đầu vú nhỏ lại giống như cô gái mười tám mười chín tuổi. Trang Chi Điệp bảo: Liễu Nguyệt còn con gái, anh đừng có há mồm mà nói toạc ra thế - nhìn Liễu Nguyệt đi ra, khe khẽ nói – Tôi đã nói với thị trưởng chuyện căn hộ ở ngôi nhà chỗ am ni cô mà anh đề nghị. Thị trưởng đã giao căn hộ ấy cho bọn mình, còn phân phối cho một bộ dụng cụ cũ. Đây là chìa khoá, anh cứ đến xem thử. Xin dặn anh một lần nữa, không được nói với ai, Ngưu Nguyệt Thanh không được nói, Hạ Tiệp không được nói. Mạnh Vân Phòng hớn hở bảo: Tốt quá, xét cho cùng anh là danh nhân, chúng tôi thấp cổ bé họng bì thế nào được. Bọn mình nên cố gắng viết một bài đăng lên báo ca ngợi thị trưởng coi trọng công tác văn nghệ. Trang Chi Điệp nói: Thì anh viết đi, đâu tránh được những chuyện cần người ta quan tâm chiếu cố đến sau này. Có nhà rồi, anh thử xem xem hoạt động như thế nào, ngày thường những ai có thể tham gia, những người nào kiên quyết cự tuyệt, nhưng, dù thế nào, thì chỉ có anh và tôi cầm chìa khoá. Chờ tôi khỏi chân đã, ta tổ chức một lần. Mạnh Vân Phòng nói: Lần đầu tiên để Tuệ Minh nói về Thiền nhé? Hiện giờ đang nổi món "Vị lai học" học thuyết về tương lai. Tôi gần như đã đọc các loại sách trên lĩnh vực này ở trong và ngoài nước, nhưng Tuệ Minh đã đưa ra nhiều quan điểm mới từ góc độ của Thiền. Chị ấy nhận xét thế giới tương lai sẽ là thế giới của Thiền, là khí trường của Thiền, nhân loại tiên tiến phải là tư duy của Thiền. Tôi cũng suy nghĩ chuyện này. Dịp này đã có phòng hoạt động, tôi có thể đến đấy tĩnh tâm để viết, ở nhà Hạ Tiệp cứ lầu bàu ca cẩm suốt ngày. Thiền tĩnh, thiền tĩnh, nhưng tôi không có chỗ nào yên tĩnh! Trang Chi Điệp nói: thật sự có thiền, thì tâm tĩnh là sự yên tĩnh lớn nhất, điều mà thiền trọng là tâm bình thường, nhưng bao giờ anh vứt bỏ được tất cả trên trần thế, anh mới có ý tứ tốt nói về thiền. Theo tôi, anh lại không thoả mãn với người ta rồi hả? Anh không sửa được căn bệnh ấy thì có lấy đến mười vợ thì vẫn cứ ca cẩm! Mạnh Vân Phòng nói: Tôi biết làm thế nào được! Tôi đâu có tiếng tăm như anh, liệu gặp được mấy người đàn bà? Trang Chi Điệp đáp: Tôi đâu có giống anh? Mạnh Vân Phòng cười hì hì, nói: Anh coi trọng sự nghiệp quá, sống không được thoải mái, tự nhiên khoáng đạt. Tôi đã nghĩ thay cho anh, làm nhà văn đạt tới mức của anh đã cao hơn văn nhân bình thường mấy cái đầu, nhưng anh có thể bảo đảm tác phẩm của anh lưu truyền thiên cổ như Tào Triêm và Bồ Tùng Linh không? Nếu không được thì nhà văn quả thật sống không hạnh phúc bằng một trưởng phòng nhỏ nhoi! Trong Phật giáo nói đến Pháp môn. Trên đời co[ muôn vàn Pháp môn, làm tướng quân cũng thế, làm anh đi cày cũng thế, các ngành các nghề, các sắc người, vân vân, đều là thể nghiệm Pháp môn của cuộc sống và thế giới này. Như vậy thì Tướng quân sẽ không tỏ ra mình cao quý, con ở cũng không thể nói là hèn hạ, đều bình đẳng như nhau. Trang Chi Điệp nói: Tôi đâu phải không rõ điều ấy, tôi đã nói từ lâu nhà văn là một nghề để sinh sống thôi mà. Nhưng cụ thể vào bản thân, tôi chỉ biết viết văn, cũng chỉ có thể làm tốt việc viết văn mà thôi. Mạnh Vân Phòng nói: Vậy anh không cần phải sống nghèo nàn trong sạch, hiện giờ cả xã hội đang lộn xộn, có quyền không tận dụng, lỡ thời sẽ bị bỏ phí, có danh không biết dùng, thì anh phấn đấu nổi tiếng cũng bằng không. Chẳng cần phải nói cho anh biết, những kẻ có quyền lợi dụng quyền, mưu lợi riêng như thế nào, anh cũng đã chứng kiến nhiều chuyện như thế, chỉ xin nói với anh, một chuyện lão già ở cạnh nhà tôi thôi. Lão ta buôn bán phất lên, trâu già muốn ăn cỏ non, cưới một cô vợ bé. Quan điểm của lão ta là có tiền mà không chơi đàn bà, nhoáng một cái nhìn thì hay đấy, nhưng không sao được. vừa giờ đến đây, tôi đi qua dưới cửa sổ nhà lão ta. Lão ốm ba hôm nay rồi, cứ nằm trên giường rên hừ hừ. Tôi nghe rõ cô vợ trẻ đang hỏi, anh muốn ăn gì nào? lão ta đáp, chẳng muốn ăn gì cả. Cô vợ lại hỏi: anh muốn uống gì nào? Lão đáp, chẳng muốn uống gì cả. cô vợ liền bảo, thế anh xem có làm cái khoản kia được không? Lão ta bảo: em chịu khó dìu anh lên nhé! Anh xem đấy, lão già ốm yếu đến như vậy người ta cũng biết thế nào là hưởng thụ cơ mà! Trang Chi Điệp nói: Tôi không tán chuyện ấy với anh nữa. Gần đây anh có gặp bọn Chu Mẫn không? Hắn cũng không đến gặp tôi! Tôi cứ cảm thấy có một bóng đen đè lên người. Vân Phòng này, từ đầu năm đến nay, mình luôn luôn cảm thấy có bóng đen nào đó đang chụp lên mình hơi một tí lại hốt hoảng. Mạnh Vân Phòng hỏi: Anh có dự cảm thế thật à? Trang Chi Điệp hỏi lại: Theo anh không có chuyện gì lớn chứ? Mạnh Vân Phòng đáp: Anh không nói với tôi, song Chu Mẫn đã nói với tôi rồi. Tôi chờ anh nói với tôi chuyện đó đấy. Anh còn tin ở tôi, thì tôi nói, chuyện đó không nhỏ đâu, diện dính dáng đến khá rộng, anh lại là danh nhân, chấn động bước sẽ làm cho trời nghiêng đất ngả. Chu Mẫn đang lo sợ mất ăn mất ngủ đêm ngày. Anh phải giúp đỡ hắn trong chuyện đó! Trang Chi Điệp nói: Sao tôi không giúp hắn cơ chứ! Anh đừng nghe hắn nói. Người đàn bà kia của hắn vẫn bình thường chứ? Mạnh Vân Phòng mỉm cười một cách tinh quái, khẽ bảo: Tôi biết anh định hỏi cô ấy mà! Trang Chi Điệp xịu mặt nói: Cái mồm thối của anh, đừng nói vớ vẩn lung tung. Mạnh Vân Phòng liền bảo: Tôi đâu dám nói láo? Tôi đã sang nhà họ, nhưng không thấy Đường Uyển Nhi ra tiếp. Chu Mẫn bảo cô ta đang ốm. Cái con cáo hoa kia hí hửng như cá trong nước, cờ trong gió, thì bệnh nào làm đổ cô ta? Tại sao cô ta không đến thăm anh, chẳng có lương tâm gì cả. Trang Chi Điệp là con mèo không dễ dàng động đến mỡ, khó khăn lắm mới được anh thương yêu, cô ta là con người nhỏ nhoi, ngay cả hộ khẩu ở thành phố cũng không có, sao lại không bám riết anh, không đến thăm anh nhỉ? Từ trong hộp kẹo, Trang Chi Điệp cầm một cái kẹo mềm nhét vào miệng Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng không nói nữa.