Chương 10


Chương 15

Đây là lần thứ ba trong vòng mười phút Triều lại ném cái nhìn ganh ghét về phía gã đàn ông đứng dưới hiên lớp Bảo Hân. Anh chẳng lạ gì hắn, chỉ tại anh không muốn nhìn người quen, nên giả lơ làm mặt lạ đó thôi!
Suốt tuần nay, ngày nào hắn cũng đến rước Hoài Phương, học trò lớp Bảo Hân và ngày nào hắn cũng rề rà tán tỉnh cô giáo. Điều làm Triều thấy tự ái bị tổn thương là Hân tỏ vẻ thích thú, cô hay đứng tựa gốc cột, choàng tay qua vai Hoài Phương như ôm hờ con bé vào lòng, để đừng e lệ khi nói chuyện với ông cậu ăn vận rất kẻng của nó.
Chiều nay, Hân không ra để chuyện trò với hắn, cô loay hoay với mấy cái giáo án chuẩn bị hội giảng nên vẫn còn trong lớp... Hắn cũng kiên nhẫn chờ đấy chớ!
Triều nhếch mép cười một mình mà lòng ấm ức vô cùng. Anh giận anh ở gần bên Hân nhưng chẳng biết lợi dụng ưu thế của mình, để bây giờ có đối thủ rồi bắt đầu lo lắng, không khéo Triều bị gã đàn ông, mà anh biết rất sành điệu với phụ nữ, phổng tay trên người mình hằng khổ sở vì yêu.
Bây giờ thì sao đây? Triều bực dọc ném điếu thuốc vừa mới rít một hơi xuống đất.
Anh chịu không nổi khi nghĩ Bảo Hân hờ hững với mình để thân mật ngọt ngào với người khác. Cô thừa biết tình cảm của Triều, nhưng phớt lờ một cách độc ác, đã vậy thỉnh thoảng Hân còn góp phần trêu anh với Thạch Thảo lẫn với Huyền Sương. Cũng đáng cho Triều, anh làm sao mở miệng trách Hân được chớ. Cô làm những việc đó vì không muốn anh là tấm bình phong hay là chỗ dựa cho cô như anh từng mai mỉa.
- Trời ơi! Ngồi trong góc như vầy nãy giờ em kiếm muốn chết hà.
Triều gượng cười:
- Có gì không Huyền Sương?
- Có chớ sao lại không. Anh Triều nè...
- Hả! -- Đang liếc mắt về phía... tình địch của mình, nghe Sương gọi anh ngơ ngác... Cô nàng được dịp phụng phịu:
- Sắp hội diễn văn nghệ toàn ngành rồi, mỗi chiều em ở lại, anh phải tập cho em đơn ca để đi dự thi à nha.
- Ơ... tôi hát nghêu ngao một mình chớ đâu rành nhạc lý đâu mà tập dợt cho người khác, nhất là tập để đi dự thi.
Huyền Sương đẩy đưa:
- Anh dấu nghề hoài, trong trường ai không biết anh đàn hay, hát giỏi.
- Nhưng mà...
Giọng Huyền Sương quyền hành:
- Không có nhưng mà gì hết. Bắt đầu chiều mai, hết giờ dạy em sẽ xuống phòng anh ở.
Triều nghiêm mặt nạt:
- Sương ra lệnh cho tôi đấy à?
Ngỡ ngàng vì thái độ tự dưng quạu quọ của anh, Huyền Sương xuống nước:
- Em đùa cho vui chớ làm sao dám ra lệnh cho anh. Em biết em đâu được anh ưu ái như chị Thạch Thảo, chị ấy nhờ cái gì là anh làm ngay cái đó. Chỉ có em là vô duyên, mới mở lời đã bị anh nạt nộ.
- Khổ quá! Sương phải thông cảm với tôi, cô nhờ chuyện tôi không có khả năng làm sao tôi dám nhận.
Huyền Sương buồn hiu, chớp chớp mắt làm Triều xốn xang lòng. Anh dịu giọng:
- Ngoài chuyện hát hò ra, Sương nhờ gì tôi cũng sẵn sàng.
- Thật chứ?
Triều nhè nhẹ gật đầu, anh tội nghiệp khi thấy mắt Huyền Sương vụt hớn hở, cô ríu rít:
- Anh Triều họa cho em tấm hình.
- Hình ai mới được?
- Ư!... Đã nói họa cho em mà còn hỏi hình ai.
Liếc Triều một cái, má Huyền Sương ửng hồng, cô tha thiết:
- Em muốn anh phải nghĩ tới em, ít ra anh cũng nhìn em hoài cho tới khi họa xong hình em.
Triều giả vờ vô tư:
- Sương nói vậy chứ, ngày nào tôi lại không nhìn Sương, nhìn hoài mà người ta không hay ấy chứ.
- Anh Triều ơi!
Nghe tiếng người gọi, cả Triều lẫn Huyền Sương đều nhìn ra Bảo Hân bước vào, cô hơi khựng lại:
- Xin lỗi! Tôi không biết trong phòng trực cổng có những hai người. Đừng phiền! Huyền Sương nha! Mình không cố ý phá đám đâu.
Nghe cách nói của Hân, Triều đã bực. Anh càng sùng hơn khi nghe Huyền Sương đỏng đảnh trả lời:
- Ôi! Gì đâu mà phiền hả Bảo Hân, bọn này gặp nhau hoài chớ gì.
- Vậy thì hay qúa! Sẵn đây nhờ... quý vị cho Hân gởi chiếc xe đạp tới ngày mai.
Triều bừng bừng cơn ghen tức, khi thấy gã trồng cây si Bảo Hân đang ngồi trên chiếc Dream với vẻ hồ hởi phấn khởi của kẻ sẵn sàng chở người đẹp đi cùng trời cuối đất. Anh khó chịu:
- Hân gởi ai thì gởi một người thôi, đâu thể gởi quý vị chung chung được.
Cười rất duyên dáng, Bảo Hân cố ý:
- Vậy Hân gởi anh Triều. Nhận dùm Hân nha anh Triều?
- Cứ để ngay lớp, tôi sẽ cất dùm. -- Triều ậm ự trả lời.
- Cảm ơn nhiều. Hai người vui nha! Hân về trước.
Nhìn vẻ nhí nhảnh vui cười của Hân, Triều ngẩn ra mà không nói được lời nào. Anh thẩn thờ trông theo chiếc xe đỏ chở hai người rất xứng đôi mất hút sau cổng.
Huyền Sương bĩu môi:
- Xì! Giả vờ vào gởi xe để khoe bồ mới chớ gì? Tưởng hay lắm, thằng này vừa đá đã thay thằng khác mà cũng lên mặt để rồi coi tới đâu cho biết.
Triều mai mỉa:
- Hình như các cô thích theo dõi cuộc đời người khác để xem nó đi tới đâu cho biết hơn là quan tâm đến cuộc đời chính mình xem sẽ ra sao.
Huyền Sương háy anh một cái dài:
- Anh Triều nói vậy chớ đâu phải cuộc đời ai cũng đáng để em quan tâm như Bảo Hân. Tại nó cầu cao quá nên mọi người chờ xem, và quả nhiên nó té đau chẳng ai thương.
Mắt cô chợt long lên thích thú:
- Rồi anh Triều xem nó cáp với gã này trông tốt mã thật, nhưng dễ gì đi tới đâu vì chuyện của nó phụ huynh trường ai lại không biết. Dầu sao cũng mang tiếng một đời chồng rồi.
Triều dò dẫm:
- Mang tiếng có chồng chớ đã có chồng thiệt đâu mà lo...
Thấy anh đã chịu nói chuyện, Huyền Sương tiếp:
- Tại anh không biết chớ, Bảo Hân cặp với tay Thuấn gần ba năm, trong suốt thời gian đó có trời mới biết họ đã như thế nào với nhau. Mà ông Thuấn thì em rành quá. Ăn chơi khét tiếng dễ gì ổng bỏ miếng mồi ngon.
- Rành sao trước đây Sương không cho Bảo Hân biết, để cô ấy đề phòng.
- Em nói hoài ấy chớ! Nói đến mức Hân ghét chẳng thèm nhìn tới mặt em, bây giờ có ân hận cũng muộn rồi. Mất cả chì lẫn chài, mang tai tiếng lại còn vỡ luôn mộng đi Mỹ.
Triều chợt hỏi một câu bất ngờ:
- Tay Thuấn bây giờ ra sao hả Sương?
Nhún vai cô đáp:
- Có sao đâu, anh ta ấm áp bên người khác, giàu có hơn Bảo Hân nhiều và dĩ nhiên vẫn phải có trách nhiệm làm chồng với bà vợ cổ lai hy để chờ ngày xuất cảnh.
Triều cười cười:
- Huyền Sương tài thật, chuyện gì cũng biết hết.
- Em chỉ biết chuyện Hân thôi vì Thuấn sắp đi hỏi bà chị bà con với em mà. Chị quyết bắt xác anh ta với hy vọng sau này Thuấn sẽ cưới chỉ. Thì chuyện um sùm hôm đám hỏi Bảo Hân là do chỉ mướn bà Liễu quậy để Thuấn quay về với chỉ chớ ai.
- Vậy là Sương biết trước chuyện này.
Có vẻ tự đắc, Huyền Sương khoe:
- Thì em là người cho chị Khương Liên biết ngày và địa điểm tổ chức lễ hỏi chớ ai. Chỉ tiếc rằng em không được làm khán giả để xem bộ mặt kênh kiệu, tự cao của con Hân hôm đó cụp xuống ra sao.
Thấy Triều trầm tư, Sương hỏi:
- Anh nghĩ gì vậy?
- Ờ! Thì nghĩ về tài chuyện gì cũng biết hết của Sương.
Đá mắt về phía Triều một cái rất tình, Huyền Sương ỡm ờ:
- Vậy chớ chuyện của anh Triều, em không biết chút nào hết. Công nhận anh kín ghê. Anh Triều kể cho em nghe chuyện tình cảm của anh đi.
Triều chắc lưỡi:
- Đề nghị nghe khó thực hiện quá! Biết kể gì bây giờ, khi tôi không có tình với ai hết.
- Thật không đó?
- Nếu Sương nghĩ là không thật thì Sương kể giùm tôi cho thành có thật đi.
Huyền Sương cười, cô tíu tít:
- Em sẽ kể theo mắt em thấy. Anh biết em thấy gì không?
- Làm sao tôi dám biết.
Ngó Triều, Sương lơ lửng nói như thật:
- Biết đại đi! Nè nha, em thấy anh đang vỗ về chị Thạch Thảo, chị ấy đang khóc, mà tại sao khóc thì em chưa nghĩ ra. Có thể anh đang tỏ tình, chị ấy cảm động quá nên rơi lệ.
Triều lắc đầu nhìn Sương, cô ta bắt đầu ầu ơ, ví dầu với anh đây. Triều thì lạ gì, đùa một phen cho vui cũng có sao. Anh vờ giận:
- Thôi đừng nói bậy nữa Huyền Sương. Tôi hoàn toàn không nghĩ gì tới Thạch Thảo hết. Cô nói đùa như thật, tới tai người khác khổ lắm.
Sương vẫn đùa dai:
- Có em với anh không, làm sao tới tai ai khác được mà sợ khổ.
Rồi cô xuống giọng:
- Thật là anh không nghĩ gì tới chị Thạch Thảo không?
- Thật! Mà Huyền Sương nè! Đừng bao giờ hỏi tôi những câu tương tự như vừa rồi. Ác lắm!
- Sao lại ác! -- Huyền Sương thảng thốt kêu lên. Và cô ấm ức một hơi:
- Em chỉ muốn biết lòng anh ra sao thôi. Anh lại tránh né rồi trách người khác ác. Trong khi anh có hiền đâu? Anh im im khó hiểu như sỏi đá. Anh không cần quan tâm tới ai khác hết.
Tự dưng Triều buột miệng tự thú:
- Có! Tôi có quan tâm đến một người.
- Ai vậy? -- Huyền Sương nhìn anh chờ đợi.
Triều ngập ngừng rồi đưa đẩy:
- Sương không tự biết thì thôi, làm sao tôi nói được.
Huyền Sương nhìn xuống đất, lí nhí:
- Anh không nói, sao em dám tự biết. Lúc nào con gái cũng là người chờ để được nghe.
Triều thầm rủa mình: Đủ rồi, đồ khốn! Mày định bày trò thả mồi bắt bóng để vuốt ve tự ái đấy à? Thật là không hay tí nào.
Trông thấy Huyền Sương dáng e ấp đợi chờ, ngoan hiền thục nữ chớ không độc địa ranh ma như những lúc xen vào chuyện người khác, Triều chợt xốn xang với suy nghĩ:
- Nếu mình ngỏ ý, Sương bằng lòng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Chắc mình sẽ như Bảo Hân, có một người tình bên cạnh, nhưng trái tim lúc nào cũng đớn đau vì yêu không được.
Dịu dàng anh nói:
- Tới giờ tôi phải chuẩn bị cho lớp học tiếng Nhật rồi. Huyền Sương về nha! Ngày mai nhớ đem hình vào, tôi chờ để vẽ đó.
Cô đứng dậy, đôi môi có quai xách thường ngày khá dữ dằn được phụng phịu mím lại làm duyên:
- Anh không nói nhưng em tự biết rồi. Mai em vào với anh.
Huyền Sương ào ào chạy vụt ra như cơn lốc nhỏ. Cô ta mắc cỡ? Triều bâng khuâng, anh cảm thấy mình có lỗi vì đã gieo hạt hy vọng giả lên khu vườn tâm hồn của Sương. Dù xấu tính xấu nết đến đâu, các cô gái cũng có lúc rất dễ thương. Nhưng nếu bảo Triều thương thì thật... thương không dễ. Chẳng bù với Hân của anh, cô dễ ghét gì mà dễ ghét thế. Nhưng sao anh lại ghét không dễ mới khổ.
Trở vào trong Triều mở hộc bàn lấy cuốn nhật ký bằng hình ra.
Tay anh mềm mại đi những nét chì thật uyển chuyển. Gương mặt Bảo Hân từ từ hiện ra, duyên dáng, đáng yêu một cách chết người.
Triều nhếch môi kéo thêm vài nét, thế là mái tóc cô được tết thành bím dài buông thả trước ngực. Anh hằn học biến sợi thun cột tóc, có hai trái châu tròn màu vàng Hân hay cột, thành đầu hai gã đàn ông mặt mày rầu rầu, ngớ ngẩn. Một là đầu Thuấn, người Triều chưa hân hạnh nói chuyện lần nào. Hai là đầu Định, gã ở cùng xóm với anh ngày xưa. Nói là ở cùng xóm nhưng Triều và gã ta ít bao giờ nói chuyện với nhau vì mỗi người có phe nhóm bạn riêng. Triều nhớ rất rõ hắn có giấy gọi đi nghĩa vụ một lúc với anh; sau đó Định cũng có hồ sơ đi hợp tác lao động ở Đức một lượt với anh. Dĩ nhiên đó là hồ sơ được mua bằng vàng. Từ đó đời mỗi thằng mỗi khác, vì anh không trốn tránh nghĩa vụ bằng cách chuồn ra nước ngoài hợp pháp như Định.
Bây giờ gặp lại nhau, hắn bảnh bao sang trọng như ông chủ, còn anh chỉ là một tên gác cổng nhếch nhác hom hem. Với những gì mang từ trời Tây về, Định đang tấn công vào cô gái Triều đeo đuổi âm thầm bao lâu nay. Và biết đâu hắn sẽ thắng, vì lý tưởng sống đời nay đảo lộn tùng phèo, cô gái con nhà nề nếp kia dường như muốn xô ngã bốn bức tường rêu phong vây quanh, để hoà nhập vào những ước mơ trong tưởng tượng của cô.
Mở cửa phòng giáo viên, Triều bật đèn, bật quạt. Ở thành phố này tính ra thấy cũng lạ, những tụ điểm quy tụ người ta đông nhất về đêm là những nơi ăn chơi và những nơi ăn học. Người ta đổ xô nhau chơi bời và cũng đổ xô nhau đi học. Triều cũng đang tự mày mò nghiên cứu và vận dụng triệt để các thủ thuật sáng tạo cơ bản từ cuốn Algorit sáng chế của Bảo Hân tặng mình để thử thiết kế đồ chơi trẻ em.
Việc trước tiên anh đang đầu tư hết tâm trí vào là sáng tạo từ chiếc xích đu bình thường theo kiểu ngang thành xích đu chiều dọc. Anh làm việc này không hoàn toàn vì lời thách thức của Út Tẹo, mà vì anh thích bọn học trò của anh có được món đồ chơi lạ...
Về lý thuyết Triều vận dụng nguyên tắc đổi chiều để sáng tạo là đúng, nhưng tới thực hành phải cần tiền. Phải đợi đợt lương tháng này anh mới đủ tiền mua dụng cụ vật liệu để làm.
Cái xích đu chiều dọc đầu tiên nhất định phải đặt ở lớp Bảo Hân và con bé Thúy Vi sẽ ngồi trước cho các bạn đẩy mà không sợ té.
Có thể anh thiên vị khi tính toán như vậy, nhưng biết sao bây giờ khi động lực thúc đẩy anh làm, phát sinh từ trái tim, mà trái tim anh luôn luôn biết mình đập vì điều gì.