Rica Nưkar (Rija Nưgar - đọc là Richà Nưn Cằn) là một trong những lễ hội truyền thống của người Chăm và được tổ chức vào đầu năm. Lễ hội Rica Nưkar còn là một trong những lễ hội chung cho người Chăm (cả Chăm Bàlamôn và Chăm Bà ni) và mang tính khu vực, toàn vùng.Ngay cái tên của lễ hội đã phần nào nói lên tính chất rộng và chung của lễ hội: Nưkar có nghĩa là xứ sở, là đất nước... Không chỉ rộng và chung, cái tên Nưkar, qua nghĩa mang tính địa lý, chừng nào cũng cho thấy đây là một lễ hội truyền thống xưa mang tính toàn cộng đồng của người Chăm chứ không thể là một lễ hội mới được nhập vào từ bên ngoài cách đây vài thế kỷ. Đúng là chữ Rica có thể là Chà Và hay Java như không ít người Chăm tin và không ít những nhà nghiên cứu cho là như vậy. Còn những tác giả từ điển Chàm - Việt - Pháp thì giải thích thuật ngữ Rica (đọc là Rijà) hay Raca (đọc là Raja) là lễ múa, giải thích thuật ngữ ghép Rica Nưkar hay Rica nưkar là lễ múa tống ôn đầu tháng giêng Chăm.Đúng là Rica Nưkar là lễ hội đầu năm, là lễ tống ôn, là lễ hội chung cho người Chăm thuộc cả hai đạo Bà la môn và Bàni, là lễ hội có múa. Thế nhưng thực chất cũng như nguồn gốc của lễ hội này là gì và như thế nào thì cho đến nay chưa một nhà khoa học nào đặt thành vấn đề và phân tích vấn đề cho thật sự khoa học. Các tác giả cuốn "Người Chăm ở Thuận Hải" và cuốn "Văn hoá Chăm" đều chỉ dành vẻn vẹn đúng có một trang để giới thiệu qua lễ hội Rica Nưkar của người Chăm. Các tác giả của các công trình kể trên đều cho rằng Rica Nưkar là lễ cầu xin Thần Mẹ xứ sở và các vị thần linh giúp cho người Chăm tránh được những điều xấu xa, xui xẻo trong năm cũ như ốm đau, hạn hán, sâu bệnh, chuột bọ phá hoại mùa màng... cầu xin những điều tốt lành như sức khoẻ và sự bình yên cho xóm làng và mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi.... Đúng, chức năng của Rica Nưkar có là như vậy, nhưng khái quát như vậy thì quá chung, và chính vì vậy nên cũng chưa thật trúng.Theo những điều tra điền dã của chúng tôi, Rica Nưkar trước hết là nghi lễ chuyển mùa và có ý nghĩa trước hết đối với công việc canh tác nông nghiệp khá đặc trưng của người Chăm ở một vùng đất cũng rất đặc biệt trên đất nước ta. Cũng theo chúng tôi, Rica Nưkor là sản phẩm của vùng đất Ninh Thuận - Bình Thuận và của những người Chăm sống và làm nông nghiệp ở đây.Mặc dầu cũng như nhiều vùng khác trên đất Việt Nam là cùng nằm trong vùng khí hậu Á châu gió mùa, nhưng một số đặc điểm của địa thế đã khiến cho vùng Ninh- Bình Thuận trở thành vùng khô hạn nhất nước ta. Nhìn chung, theo các nhà khoa học, chính hệ thống gió mùa này đã ấn định hai mùa rõ rệt tại Việt Nam. Từ tháng 10 đến tháng 4 là mùa khô, là khi áp suất trong vùng hồ Baikal lên cao tạo nên trung tâm cao áp với những khối khí lạnh lan truyền xuống miền Nam. Đó là gió mùa đông bắc. Còn từ tháng 5 đến tháng 9 lại là mùa mưa vì vào thời gian này ở tây bắc Ấn Độ hình thành một trung tâm hạ áp lan dần về phía đông. Trung tâm này "hút" không khí từ vùng cao áp đại dương vào tạo nên gió mùa tây nam ở Việt Nam.Trong khi đó, lễ Rica Nưkar của người Chăm thường diễn ra vào quãng suốt nửa sau tháng 4 hay đầu tháng 5, nghĩa là vào lúc giao thời chuyển mùa. Không phải ngẫu nhiên tháng đầu tiên của một năm theo lịch Chăm lại rơi vào nửa cuối tháng 4 và nửa đầu tháng 5. Tuy có những nét chung về hai mùa như vậy, nhưng ở vùng đất quanh Phan Rang và Phan Rí - địa bàn cư trú chính của người Chăm, tính chất hai mùa có những nét nghiệt ngã hơn nhiều so với những nơi khác ở Việt Nam.Do ba phía bị núi non bao bọc, chỉ có phía Đông là hướng ra biển, cho nên lượng mưa trung bình hàng năm của Phan Rang rất thấp 695 mm và chỉ trong 52 ngày; trong khi đó Đà Lạt nhận 1769 mm trong 168 ngày, Nha Trang 1356 mm trong 116 ngày. Do vậy, theo tính toán của các nhà khoa học, ở vùng Phan Rang, tháng 1, 2, 3, 4 là thời gian khô hạn hoàn toàn. Trung bình số ngày mưa trong tháng là 1 và vũ lượng không quá 20 mm. Tiếp theo mưa gia tăng dần vào tháng 5, 6, 7, 8 và vũ lượng hàng tháng chỉ từ 40 đến 69 mm. Thực sự mưa nhiều là vào các tháng 9, 10, 11 (vũ lượng trung bình tháng trên 100 mm). Đây là thời kỳ chuyển tiếp giữa hai luồng gió mùa. Và thời gian này, do tác động của các thiên khí đê và bão tố ở Đông Hải, miền trung Việt Nam nói chung và vùng Phan Rang nói riêng thường có mưa, bão, lụt, lội.Ở vùng đồng bằng duyên hải Phan Rí, do một số đặc điểm địa lý hơi khác, nên khí hậu có mềm hơn so với ở vùng Phan Rang. Vì ở phía nam Phan Rí, rặng Trường Sơn tạo thành một hành lang rộng khoảng 20km, nhưng cao chỉ từ 30 đến 80m, cho nên gió ẩm có thể vượt qua. Điều trên đã khiến cho khí hậu Phan Rí gần giống đồng bằng miền Nam. ở Phan Rí, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, từ tháng 11 đ ến tháng 4 là mùa khô. Mặc dầu vậy, vùng Phan Rí vẫn là vùng rất khô hạn: vũ lượng trung bình hàng năm là 770 mm trong 70 ngày; trong những tháng mùa mưa vũ lượng hàng tháng chỉ vào khoảng 100 mm, (vũ lượng tối đa ở tháng 5 và tháng 10). Tất cả những đặc điểm khí hậu đã phần nào được thể hiện khá rõ qua lịch của người Chăm. Một năm của người Chăm cũng có 12 tháng và tháng tính theo mặt trăng và năm tính theo vì sao. Khi bắt đầu có trăng là đầu tháng và khi tắt trăng là cuối tháng. Mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày (những tháng lẻ 1, 3, 5, 7, 9, 11 có đủ 30 ngày; những tháng chẵn 2, 4, 6, 8, 10, 12 chỉ có 29 ngày). Còn năm của người Chăm thì tính theo Sao Rua (Patư Pingu Rung) nghĩa là Sao Pléiades theo danh từ khoa học và Sao Cày (Patic Lingăl) nghĩ là Sao Baudrier d’Orion theo danh từ khoa học. Theo người Chăm, khi Sao Rua hay Tua Rua xuất hiện, Sao Thần Nông (Patư Aco) nghĩa là Sao Sirinh theo thuật ngữ khoa học bắt đầu ngồi thẳng dậy về phía Bắc là bắt đầu mùa mưa, khởi sự việc cày bừa và cũng là bắt đầu của một năm.Người Chăm tin rằng bao giờ Sao Rua cũng phải nở vào cuối tháng hai lịch Chăm và các ông thày bao giờ cũng phải tính sao cho khi Sao Rua nở phải đúng vào cuối tháng hai. Bởi vậy, năm nào mà đến cuối tháng một rồi mà Sao Rua hãy còn cao, nghĩa là không thể nở kịp vào cuối tháng hai thì các ông thày gọi luôn tháng một ấy là tháng mới và coi như một tháng thừa của năm trước. Nếu trường hợp trời u ám... mà không xem được Sao Rua thì các thày xem Sao Cày (nở sau Sao Rua một tháng) để tính năm. Và, theo kinh nghiệm của người Chăm, chỉ sau khi Sao Rua nở th ì mới bắt đầu mưa. Và khi Sao Rua nở ra thì người Chăm tin rằng, sẽ có những tia lửa hay "tiêm lửa" - theo cách gọi của người Chăm - nóng - làm chết hoa màu.Nhìn sang các dân tộc khác cùng chịu ảnh hưởng của văn hoá ấn Độ thời xưa như người Chăm, chúng ta sẽ gặp một bức tranh về lễ năm mới rất gần nhau về thời gian tiến hành lễ hội, mục đích và tính chất của lễ hội.Ngày tết năm mới cổ truyền của người Thái ở Thái Lan gọi là Sôổng Kran và thường rơi vào giữa tháng Tư dương lịch (tháng giêng lịch Thái xưa), nghĩa là vào tháng nóng nhất trong năm và cũng là vào những ngày cuối của mùa khô trước khi có những trận mưa đầu kỳ của gió mùa kéo đến. Và tết năm mới Sôổng Kran của người Thái là những lễ cầu và đón mưa xuống để bắt đầu một năm làm ăn mới. Cũng đón tết năm mới vào khoảng giữa tháng Tư dương lịchnhư người Thái ở Thái lan, người Lào ở Lào còn gọi tết năm mới (Bun pi mày) của mình là hội té nước (Bun huớt nậm). Ở Cămpuchia, tết vào năm mới (Chon chnam thmay) không khác gì nhiều so với tết của người Thái và người Lào, nghĩa là cũng vào tháng 4 hoặc tháng 5 dương lịch, thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa và cũng nhằm mục đích cầu mưa qua những tục té nước tắm tượng Phật... Tết năm mới của người Miến ở Myanma mang tên vị thần (nát) tối cao Thagyarmin. Nguồn gốc của cái tên được truyền thuyết của người Miến truyền tụng trong những câu chuyện huyền thoại đại để với nội dung như sau: "Xưa kia, cả mặt đất không hề có sự sống và đắm chìm trong bóng tối. Thấy tình cảnh như vậy Chúa tể của các thần là Thagyarmin bèn ra lệnh cho mặt trăng và mặt trời chiếu sáng mặt đất. Rồi thần tạo ra mọi vật. Khi mặt đất đã có cuộc sống yên ổn rồi, thần về trời. Lúc chia tay, vị thần tối cao hứa là hàng năm sẽ trở lại mặt đất với con người vào dịp năm m ới. Bởi vậy, người dân lấy tên thần gọi ngày tết của mình". Mặc dầu cái tên có vẻ không gắn gì lắm với tính chất của lễ hội, nhưng Thagyarmin của người Miến bao giờ cũng là lễ tết của té nước cầu mưa và bao giờ cũng rơi vào những ngày cuối của mùa khô (vào một ngày nào đó trong tháng Tư dương lịch).Theo chúng tôi, có lẽ cũng không cần dẫn thêm về những ngày hội năm mới chuyển mùa của các dân tộc khác ở Đông Nam Á nữa vì chỉ qua một số những gì mà chúng tôi vừa dẫn cũng chừng nào thấy Rica Nưkar của người Chăm cũng là lễ hội năm mới chuyển mùa như những lễ hội năm mới của nhiều dân tộc khác nhau ở khu vực Đông Nam Á.Mà không chỉ ở các dân tộc Đông Nam Á, ở người Ấn Độ cũng có một lễ hội chuyển mùa tưng bừng màu sắc và ướt đẫm nước - tết Hôli. Đối với người Ấn, tết Hôli là bắt đầu mùa xuân, nghĩa là bắt đầu có mưa và cũng được diễn ra hàng năm vào tháng 3 hoặc tháng 4 dương lịch. Một sự trùng hợp hay có sự tác động của Ấn Độ tới khu vực Đông Nam Á? Theo chúng tôi nghĩ, chắc là do cả hai.Đúng là người Chăm xưa cũng như các dân tộc khác ở Đông Nam Á đã tiếp nhận và sử dụng hệ thống lịch Saka của Ấn Độ. Cũng như người ấn, người Chăm đo tháng bằng tháng trăng âm lịch và đo năm lại bằng năm tính theo năm mặt trời (dương lịch). Mỗi năm của người Chăm cũng được chia ra làm 12 tháng. Nhưng, điều lý thú là, 10 tháng đầu của lịch Chăm được gọi theo số thứ tự là tháng 1, tháng 2... cho đến tháng 10 (pilantha, pilan twa, pilan klow, pilan pả, pilan limư, pilan năm, pilan touch, pilan talipăn, pilon, thelipăn và pilan tha pluh). Hai tháng cuối cùng của năm không phải là số thứ tự 11 và 12 mà là 2 từ mà người Chăm hiện nay cũng không hiểu nghĩa: pilan puyh (đọc là bilan púi) và pilan nok (đọc là bilan nok).Theo chúng tôi, hai tên của tháng 11 và 12 của lịch Chăm là hai tên của hai tháng của năm là pausha và nokha. Hiện tượng dùng tên 2 tháng của lịch Ấn Độ vào lịch riêng của dân tộc mình không chỉ có ở người Chăm mà còn có ở các dân tộc khác ở Đông Nam Á. Ví dụ, trong lịch truyền thống của người Bali (dân tộc duy nhất ở Inđônêxia còn giữ lại truyền thống của Ấn Độ giáo), hai tháng cuối năm lấy tên của lịch Ấn Độ là Diesta và Sađa.Có thể thấy trong lịch của người Chăm những yếu tố Ấn Độ khác. Ví dụ 12 con giáp của lịch Chăm là tiếp thu của Ấn Độ. Mười hai năm của lịch Chăm có tên là: 1) Thăn takech (năm con chuột); 2) Thăn kapaw (năm con trâu); 3) Thăn rimong (năm con hổ); 4) Thăn tapay (năm con thỏ); 5) Thăn Inư kiray (năm con rồng); 6) Thăn Ula (năm con rắn); 7) Thăn Atheh (năm con ngựa); 8) Thăn pape (năm con dê); 9) Thăn kra (năm con khỉ); 10) Thăn Mưnu (năm con gà); 11) Thăn athow (năm con chó) và 12) Thăn papy (năm con lợn). Không chỉ cách tính năm mà cả các tên tháng của lịch Chăm xưa nữa cũng mang các tên Ấn Độ.Đọc các bia ký cổ Chămpa, chúng ta có thể tìm thấy nhiều tài liệu về lịch cổ của người Chăm. Ví dụ, trong tấm bia của Indravarman III có niên đại 840 Saka (918 DL) ở Tháp Bà (Nha Trang) có dòng: "Vào năm Saka biểu hiện bằng Vyoma-amburasi-ianu (tức năm 840 Coka) vào ngày chủ nhật, ngày 12 nửa tối của Suci (tháng Jyaistha hoặc Asàdha), đức vua đúc pho tượng vàng nữ thần Bhagavati". Rồi thì cách tính một tuần 7 ngày và biểu tượng mỗi ngày của lịch Chăm cũng theo kiểu của lịch Ấn Độ cổ. Các ngày trong tuần của lịch Chăm: ngày chủ nhật biểu tượng mặt trời (Adit - từ chữ Rivit của ấn Độ), ngày thứ hai - mặt trăng (Thôm - từ chữ Sôma), ngày thứ ba - sao Hoả (Angor- từ chữ Mangal), ngày thứ tư - sao Thuỷ (Bút - Từ chữ Bud), ngày thứ năm -sao Mộc (Jip - từ chữ Bruha), ngày thứ sáu - sao Kim (Suk - từ chữ Sukra) và ngày thứ bảy - sao Thổ (Tha - từ chữ Sami).Đúng là, nếu cứ đọc trong các bia ký cổ thì ta chỉ thấy các tên gọi và các cách tính lịch của người Chăm xưa theo kiểu của Ấn Độ. Và, chắc chắn đó là thánh lịch hay lịch tôn giáo của người Chăm xưa, chứ lịch pháp của người dân mà nhất là của người Chăm hiện nay thì không hoàn toàn giống lịch Ấn Độ. Chỉ cần qua các tên gọi của các tháng mà chúng tôi đã dẫn ở trên, chúng ta đã thấy trong lịch Chăm (đúng hơn là năm lịch của người Chăm) chỉ có 10 tháng. Không phải ngẫu nhiên mà hai tháng cuối năm của lịch Chăm lại mang hai cái tên Ấn Độ. Theo suy nghĩ của chúng tôi, hai tháng cuối năm của người Chăm chính là hai tháng không tên hay hai tháng nghỉ rất đặc trưng cho năm lịch truyền thống của nhiều dân tộc bản xứ ở Tây Nguyên Việt Nam và Đông Nam Á.Ở Tây Nguyên Việt Nam, lịch của một số dân tộc chỉ có 10 tháng và các tháng đều gắn với công việc sản xuất. Ví dụ năm của người Giarai gồm các tháng: tháng 1 (bơlan Sa) và tháng 2 (bơlan Đoa) là các tháng phát hạ cây làm rẫy; tháng 3 (bơlan Khâu) và tháng 4 (bơlan pă) là các tháng gieo xạ lúa; tháng 5 (bơlan Rơma) và tháng 6 (bơlan Năm) là những tháng làm cỏ lúa tháng 7 (bơlan Juh) và tháng 8 (bơlan Păn) là tháng đuổi chim lúa sớm và tháng gặt lúa sớm; tháng 9 (bơlan doa rơpăn)và tháng 10 (bơlan pluh) là những tháng gặt lúa trên rẫy, hai tháng cuối không tên được gọi là tháng nghỉ ngơi (bơlan ning nông). Cả tên gọi và lịch tiết trời và cây trồng giữa lịch của người Chăm và của người Giarai có sự tương đồng kỳ lạ. Và sự tương đồng này chỉ có thể lý giải bằng sự tương đồng về nguồn gốc chứ không thể bằng sự ảnh hưởng qua lại.Không chỉ ở cách tính và đặt tên tháng mà ngay cả ở cách chia năm ra các mùa ở lịch Chăm cũng khác lịch ở ấn Độ và gắn chặt với tiết trời cũng như công việc nhà nông tại xứ sở mà người Chăm sinh sống. Trong lịch pháp của ấn Độ, mười hai tháng được chia làm sáu mùa (mỗi mùa chỉ kéo dài hai tháng): mùa xuân (vasanta), mùa hạ (giusma), mùa mưa (varsa), mùa thu (sharat), mùa đông (hemanta) và mùa lạnh (sisira). Trong khi đó, lịch của người Chăm lại chỉ có ba mùa: Păl kabo (mùa có tiếng sấm đầu tiên rền buổi đầu năm), từ tháng một đến hết tháng tư Chăm (tức từ tháng 4 và 5 đến tháng 7 và 8 dương lịch) và là mùa gieo hạt; 2) Păl halim hacan (mùa mưa gió) từ tháng năm đến hết tháng chín Chăm (từ tháng 8 và 9 đến tháng 12 và tháng 1 dương lịch) và là mùa nước lớn vì lúc này nước lũ từ trên vùng núi chảy xuống nhiều; và 3) Păl pinh- piang (mùa nóng nực, mùa trơ trụi) từ tháng mười đến hết tháng mười hai (tức từ tháng 1 và 2 đến tháng 3 và 4 dương lịch) và là mùa gặt hái đã xong, ruộng đất con trơ gốc rạ; trời nóng, cây cỏ không mọc nổi thậm chí bị cháy xém đi; vì thế mùa này còn được gọi là mùa nắng.Như vậy là, Rica Nưkar của người Chăm là lễ hội của tháng đầu năm, của những ngày đầu của tháng đầu năm. Và, theo chúng tôi, Rica Nưkar, xét về thực chất cũng như nguồn gốc là lễ hội năm mới của cư dân làm nông nghiệp, nghĩa là lễ hội để chuẩn bị đón và bước vào một năm làm ăn mới. Ngay tên gọi của mùa đầu tiên của năm: "Mùa có tiếng sấm đầu năm" đã phần nào nói lên tính chất nông lịch của lễ Rica Nưkar. Và, sau lễ đầu năm này người Chăm bắt đầu bắt tay vào gieo trồng.Theo điều tra của các nhà khoa học và của cả bản thân chúng tôi, ở những nơi có ruộng hai vụ, vụ đầu thường gieo cấy vào khoảng tháng 2, tháng 3 lịch Chăm (tháng 5 và 6 dương lịch), nghĩa là sau khi sao Rua xuất hiện một thời gian. Và, như chúng tôi đã trình bày ở trên, Sao Rua xuất hiện vào dịp đầu năm của người Chăm và người Chăm dựa vào sự xuất hiện của sao Rua để điều chỉnh lịch của mình. Sau lễ hội Rica Nưkar, khắp nơi, khắp chốn trong vùng cư trú của người Chăm, đất trời, thiên nhiên và con người như sôi động lên để vào vụ làm ăn, như những câu ca dao của người Chăm mô tả:"Mùa cày rắn rết đầy đànĐến khi gặt lúa, họ hàng rất đông"hoặc:"Tạo xe lập chuồng nuôi trâuVóc to, sức mạnh để sau cậy nhờVét mương, ngăn đập, đắp bờXuyên rừng băng núi cho nhờ đồng tâm"hay:"Chờ cho nước lũ, mưa dầmRuộng cày gieo lúa, đất bần trồng khoaiTrồng cà, trồng mướp, bí ngôTạm lòng vững dạ, đợi chờ lúa khoai".Và, điều lý thú nữa là, trước lễ Rica Nưkar ít ngày, vào ngày thứ ba tuần đầu tiên của tháng giêng lịch Chăm (lễ Rica Nưkar thường vào ngày thứ năm, thứ sáu tuần đầu) hàng năm, người Chăm làm lễ Pơh băng yang (lễ khai mương đắp đập) để xin thần linh chứng giám cho công việc đồng áng trong năm mới. Lễ này được cúng ở các tháp hoặc các đền thờ. Mục đích của Pơh băng Yang là xin thần linh cho phép dân làng được khai kênh đắp đập, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới và cầu xin cho mưa gió thuận hoà, cây cối mùa màng tươi tốt. Tính chất nông nghiệp của Pơh băng Yang có thể được minh hoạ bằng một số chi tiết của nghi lễ này tại lăng thờ nữ thần Pô Nưkar (Pô Nưgar) thôn Hữu Đức, xã Phước Hiếu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Nghi lễ do ông Hamua Ia (người chuyên làm lễ nghi gắn với nông nghiệp) tiến hành.Lễ vật dâng các thần linh gồm có một con dê, năm mâm cơm, một khay trầu rượu và vật thiêng hay đồ thờ của lăng- cây nõ nường làm bằng gỗ trầm. Trong khi làm lễ, ông thày Hamua Ia nhảy múa, nhún nhảy với cây nõ nường thể hiện quan hệ tính giao - hành động mang tính phồn thực với ý nghĩa tạo ra mọi sự sống. Sau lễ Rica Nưkar (Rija Nưgar), thời tiết bắt đầu chuyển: đã bắt đầu vọng lên tiếng sấm đầu năm và đã bắt đầu lác đác có những trận mưa nhỏ. Những trận mưa đầu năm của người Chăm ở vùng Ninh - Bình Thuận có ý nghĩa gần giống như những trận "mưa tháng Ba là hoa đất" của người Việt ở các tỉnh miền Bắc. Thế nhưng mọi điều khởi đầu của sự chuyển mùa với cái mốc cuối cùng là sao Rua hay Tua Rua xuất hiện còn kéo dài cho đến khi ngôi sao này nở xong. Và khi sao Rua nở xong thì mùa mưa thực sự mới đến chứ còn trong khi sao này nở thì cũng gần như câu tục ngữ của người Việt "Tua Rua mọc: vàng cây, héo lá; Tua Rua lăn: chết cá, chết tôm". Thông thường, sao Rua xuất hiện vào trong tháng Tư lịch Chăm. Và, để đón mùa mưa, vào thượng tuần tháng Tư (lịch Chăm), người Chăm tổ chức một nghi lễ nông nghiệp lớn: Yôr Yang nghĩa là lễ cầu đảo.Sở dĩ người Chăm làm lễ Yôr Yang vào đầu tháng tư vì họ tin rằng vào quãng thời gian này các sao Tua Rua, sao Cày và sao Thần Nông đã "nở" hết và từ thời điểm này trở đi có thể cầy cấy được rồi. Và, nghi lễ cầu mưa này được tổ chức tại bốn địa điểm là tháp Pô Ramê, đền thờ Pô Inư Nưkar, tháp Pô Klong Kirai và tháp Pô Dầm vào hai ngày gần cuối của thượng tuần trăng tháng 4, kéo dài từ khoảng 7 giờ tối hôm trước đến 2 giờ chiều ngày hôm sau. Chủ lễ ở mỗi địa điểm trên là một vị cả sư (pô sah) cùng với sự tham gia của thầy Coke (Ôn kadhar), ông từ (Chamnưmey), ông bóng (Ôn Ing), và bóng (Muk Pajau)...Như nhiều nghi lễ được tổ chức tại các đền tháp, lễ Yôr Yang bao giờ cũng bắt đầu bằng nghi lễ mở cửa các đền tháp rồi đến lễ tẩy uế khu vực đền tháp và sau đấy là dâng đồ cúng gồm hương, hoa, cam, rượu, chè, xôi, trái cây... Chỉ sau khi làm xong ba lễ thức ít nhiều mang tính hình thức chung mới đến nghi lễ đặc trưng và cũng là nghi lễ quan trọng nhất của Yôr Yang: lễ Pô Yang Apui (tế thần lửa) tại Thang chuh Yang Apui (nhà của thần lửa). Chủ trì lễ này cũng vẫn là ông cả sư (Pô sah). Ông đọc những lời kinh mang tính chất phù chú từ cuốn sách bằng lá buôn rồi múa bằng các đạo cụ cầm tay như chiếc vòng, cái ấm đồng và thanh gỗ chạm khắc thành hình chiếc thuyền rồng.Những lễ vật dâng lên thần lửa, ngoài các đồ ăn thức uống, còn có một bó củi và một bó cỏ tranh. Trong khi thầy cả sư khấn tế, múa thì thầy Kadhor tấu hát thánh ca, còn mọi người thì dâng lễ vật khấn vái cầu xin. Để tiến hành nghi lễ, người ta đốt lửa tại tháp lửa (nơi có kiến trúc này) hay ở khu đông bắc của đền hoặc tháp (nơi không có tháp lửa). Người Chăm quan niệm rằng, đốt lửa để cho khói bay lên tạo thành mây thành mưa.Sau lễ cúng tế thần lửa, ở một số nơi, như tại đền thờ Pô Inư Nưkar ở Hữu Đức, ông thầy Hmu Ia (thày cúng ở các lễ thức nông nghiệp) làm lễ hạ điền. Ông thày cúng Nuk doa olăk (bà dâng rượu) đưa một đôi trâu ra ruộng. Tại ruộng, ông Hmu Ia cày ba đường tượng trưng, sau đó bà Muk doa olăk đưa cho ông một ít hạt giống để ông gieo tượng trưng.Như vậy là qua phân tích lịch pháp, lịch cây trồng cũng như tính chất của lễ hội trong bức tranh lễ hội chung của các dân tộc Việt Nam và Đông Nam Á, chúng tôi nhận thấy lễ hội Rica Nưkar (Rija Nưgor) của người Chăm là lễ tết đầu năm đánh dấu sự chuyển mùa. Cũng như lễ tết của người Việt và năm mới của người Thái, người Lào, người Khơme, người Mianma ở Đông Nam á, Rica Nưkar của người Chăm không phải chỉ là lễ hội đầu năm thông thường mà là lễ hội đầu năm theo nông lịch gắn với quá trình sản xuất nông nghiệp. Rica Nưkar vừa là tiễn năm cũ đi, đón năm mới tới và chủ yếu vừa là tống tiễn mùa khô nóng đi đón mùa mưa tới để bắt tay vào công việc làm ăn mới hay để bước vào một năm làm ăn mới. Tính chất nông nghiệp thật rõ trong lễ hội Rica Nưkar của người Chăm. Thế nhưng, cách tống tiễn mùa khô nóng và đón mùa mưa tới của người Chăm ở Rica Nưkar vừa có những yếu tố rất chung cho lễ hội năm mới của nhiều dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á vừa có những sắc thái rất riêng của người Chăm. Nếu như người Lào, người Khơme, người Thái, người Mianma khao khát mong đợi mưa tới bằng lễ té nước vào những ngày đầu năm mới, thì người Chăm lại có kiểu đón mưa bằng nghi thức mà các nhà khoa học gọi là hình thức ma thuật ngược nghĩa là làm một điều ngược với cái mình đang chờ đợi. Thay vì phải té nước vào nhau để cầu mưa như ở lễ hội năm mới của nhiều dân tộc khác của Đông Nam Á, người Chăm lại làm những lễ thức tống tiễn mọi sự không tốt lành của năm cũ đi, dập tắt đi những cơn nóng khô của mùa khô đi để dọn đường cho những cơn mưa tới.Cũng là đón mùa mưa tới để làm ăn, người Chăm đón theo kiểu khá riêng biệt và ít nhiều hơi lạ. Thế nhưng, ai đã từng sống hay đến vùng đất Ninh Thuận -Bình Thuận vùng khô hạn nhất nước ta, thì mới thấy người Chăm khát khao có mưa như thế nào, muốn cái nóng cái khô hạn nhanh chóng ra đi như thế nào. Vì thế mà cái mong, cái đợi mùa mưa của người Chăm chừng nào đó, theo chúng tôi, là mãnh liệt hơn so với các dân tộc khác ở Đông Nam Á. Và, để thấy điều này, chúng ta hãy xem điệu múa đập lửa trong lễ Rica Nưkar của người Chăm.