Chương 9
Đại tá Billy phát hiện Vang Pao.

Đại tá Billy Lair và Vang Pao
 
Cuộc đảo chánh của Kong Lê đặt nhóm Trung Lập vào vị trí nắm chính quyền chỉ được 4 tháng. Trong thời kỳ ngắn ngủi này, Cộng sản thừa cơ chiếm Sầm Nứa và Xiêng Khoảng, một khu vực được phân chia thành quân khu II. 3 tiểu đoàn của Khong Vongnarath chỉ huy ở Sầm Nứa là mục tiêu của Pathet Lào. Khi cuộc tấn công bắt đầu, Vongarath lập tức lui quân về hướng nam để tránh bị tiêu diệt. Cộng quân đuổi kịp. Vongnarath ra lịnh đào công sự và chiến đấu. Khi cuộc chạm súng diễn ra, ông gọi Vientaine xin tiếp ứng. Bộ tư lịnh hoàng gia bây giờ nhận lịnh trực tiếp từ thủ tướng Souvanna Phouma, người hoàn toàn trông cậy vào viện trợ Sô Viết để tồn tại. Vongnarath nhận chỉ thị phải tự lo liệu lấy. Vây khổn bởi địch quân, cắt đứt tiếp viện và tổn thất nặng, ông đầu hàng.
Sâu hơn về hướng nam Cánh Đồng Chum, một sĩ quan hoàng gia khác theo dõi tình hình của Vongnarath trên máy vô tuyến. Đại tá Khambou Boussarath không cảnh giác quá mức khi được tin Vongnarath đầu hàng. Không giống Vongnarath, Boussarath ngả về phe Trung lập. Với Souvanna Phouma đề nghị hòa giải với Cộng sản, Boussarath nghĩ Pathet Lào và Bắc Việt coi ông như đồng minh hơn là kẻ địch. Boussarath bắt đầu suy xét lại ức đoán này khi hàng ngàn người tị nạn từ Sầm Nứa đổ về cánh Đồng Chum. Người tị nạn kể lại nỗ lực phối hợp  của Cộng Sản nhằm thiết lập bộ máy hành chính kiểm soát Sầm Nứa.
Ngay khi người tị nạn đến, các đơn vị Bắc Việt xuất hiện trên cánh đồng, rõ ràng nhằm bao vây lực lượng Boussarath. Bousarath cầu viện Vang Pao huy động lực lượng Hmong. Vì Boussarath có lý do chủng tộc để khinh miệt Vang Pao, đây chỉ là phương sách phải dùng trong tuyệt vọng. Vang Pao án binh bất động không phải vì ác cảm giữa Boussarath và ông. Ông rất muốn ra tay dậy cho Cộng Sản một bài học về sự kiên cường chiến đấu của giống nòi ông. Hàng ngàn tay súng sẵn sàng dưới quyền ông chỉ chờ một lịnh truyền. Ông khoanh tay nhìn vì mọi sự chưa đến lúc. Con rồng Bắc Lào chưa cựa mình.
 
Kế hoạch tái lập lực lượng Malo của Vang Pao.
Khi Kong Lê chiếm chính quyền, vang pao đã quan sát Pathet Lào củng cố lực lượng  ở Sầm Nứa  với linh tính. Rõ ràng chúng lợi dụng rối ren chính trị để chiếm Cánh Đồng Chum. Nếu Phoumi án binh ở Nam Lào, không gì có thể ngăn cản chúng. Kế hoạch Vang Pao là tổ chức quân dội du kích Hmong ngăn chận Cộng Sản khi chúng xâm nhập cánh đồng, cắt đứt hậu cần và ghìm chúng tại đấy. Nhân lực có sẵn từ các làng mạc Hmong xung quanh. Đúng thời điểm, hàng ngàn dân làng sẽ được dời đến những vị trí chiến lược, tổ chức thành đơn vị du kích, cấp phát vũ khí, huấn luyện quân sự và bắt đầu nhập trận.
Ý tưởng đó không mới mẻ gì. 7 năm trước Vang Pao đã phục vụ trong đội du kích Malo của Pháp, do một cựu sĩ quan đặc vụ Pháp tên Max Mesnier tổ chức. Mesnier lập 6 trại ở những vị trí chiến lược  quanh Cánh Đồng Chum: Một ở phía Tây Nong Het, một ở Đông Nam cánh đồng và 4 trại ở Phou Dou, Muong Hiem, Tha Lin Noi, Muong Ngan. Xuất phát hành quân từ những trại này, Mesnier và du kích Malo của ông dễ dàng kiểm soát nhất cử nhất động của Pathet Lào, Việt Minh và đẩy lùi địch về biên giới Việt Nam. Hồi tưởng lại sự thành công của Malo, Vang pao mượn ý tưởng Mesnier với chút ít thay đổi.  Thay vào 6 trại, Vang Pao chọn 7, dù 5 trong số chỉ vài dặm gần với những trại cũ của Mesnier.
Không giống Mesnier, người có thể trông nhờ vào yểm trợ tiếp vận của GCMA (Groupement  de Commandos Mixtes Aéroportés, Biệt kích dù), Vang Pao phải tự lo liệu. Yểm trợ của PEO (Phòng Thẩm Định Viện Trợ) hầu hết không còn và ông không thể kỳ vọng gì ở sự trợ giúp của quân đội hoàng gia. Tái lập lực lượng du kích Malo chỉ có thể thực hiện được nếu có sự ủng hộ của Hmong, đặc biệt những kẻ cư ngụ phía Đông cánh đồng, vì du kích được tuyển mộ từ họ, kẻ am hiểu địa hình địa vật và là nguồn cung cấp lương thực, an toàn khu, tiếp liệu và tình báo hoạt động địch.  Vấn đề nan giải là lôi kéo họ vào kế hoạch vì Vang Pao thiếu uy tín, cũng như quyền lực bảo đảm sự trung thành của họ. Ông được Hmong khâm phục vì là một sĩ quan Hmong duy nhất trong quân đội Lào, nhưng đó là niềm tự hào củng tộc, thế thôi. Thực ra ông không được cảm tình sâu rộng của quần chúng, đặc biệt trong số những người có uy tín.  Chiếm cảm tình những người này thật là khó.
Sau này khi thống lĩnh các lực lượng Hmong và với sự yểm trợ tận tình của CIA, phải mất một thời gian Vang Pao mới có thể đạt được sự kính trọng ngang với Touby ở đỉnh cao sự nghiệp chính trị của nhân vật này. Vinton Lawrence, một viên chức CIA làm việc với Vang Pao  khi quân đội Vang Pao trong giai đoạn còn non yếu, lắm lúc ngạc nhiên vì sự coi thường Vang Pao của người dân Hmong. “Tuyệt đối không có sự tôn kính Vang Pao trong quần chúng Hmong. Họ có thể đến trước mặt Vang Pao, quát tháo vào mặt điều này điều nọ.” Rồi đến một ngày chỉ một số ít Hmong, tất cả là bạn cùng chí hướng, dám cả gan nhiếc mắng Vang Pao trước công chúng. Tuy nhiên ở thời sớm sủa này Vang Pao đau đớn biết rằng ông thiếu uy tín. Nhiều kẻ coi ông như kẻ mới gặp thời. Cũng vậy, thị tộc của ông có lắm lỗi lầm quá khứ. Nhưng quan trọng nhất, vì ông từ Nong Het và thuộc hạ của Touby, Hmong ở Cánh Đồng Chum không tin tưởng ông.
Sinh trong một gia đình nghèo nhưng Vang Pao được đỡ đầu bởi Chao Saykham (tỉnh trưởng tương lai Xiêng Khoảng), lo liệu cho đi học ở trường tư thục tiểu học Nong Het. Khi còn niên thiếu, Vang Pao thuyết phục Touby nhận ông làm thông dịch viên và giao liên cho biệt kích Pháp, một chức vụ giúp ông một địa vị trong lực lượng cảnh sát Lào do Pháp bảo hộ. Nơi đây, ông được các sĩ quan Pháp cất nhắc và gửi học khóa dự bị sĩ quan quân đội tại Dong Hene. Luôn luôn Vang Pao thăng tiến nhưng không bao giờ ông thỏa mãn. Tham vọng vủa ông gây nhiều phê phán trong lịch sử.
Khi Vang Pao vi phạm phong tục bằng cách chôn xác phụ thân bên vệ đường lộ (theo lời khuyên của một pháp sư), một bô lão họ Ly coi đó như là hành động cố ý kiêu ngạo; một ngôi mộ tầm thường  không đủ xứng với cha của kẻ ngạo mạn Vang Pao. Trước mộ, ông lão họ Ly  mắng chửi:”Vang Pao là thằng ngu nếu nó nghĩ nó sẽ là một lãnh tụ vĩ đại.” Lời cằn nhằn này dẫn đến một hài kịch nhầm lẫn. Bà dì của Vang Pao bị bịnh lãng tai, kể lại rằng cụ  trưởng tộc họ Ly tiên tri rằng vang Pao sẽ trở thành một lãnh tụ vĩ đại. Khi kiến làm tổ trên mộ và làm thành một tổ kiến khổng lồ cao đến 14 bộ (feet), vang pao coi đó là điềm ông lão họ Ly chính là vị tiên tri. Nhiều năm sau khi Vang Pao nắm quyền tư lịnh quân khu II, thống lĩnh các lực lượng Hmong và họ Ly sa sút, Vang Pao cấp dưỡng hưu bổng cho vị trưởng tộc họ Ly sống sung sướng với thuốc phiện đầy đủ. Chỉ đến khi sắp chết, ông lão mới tiết lộ sự thật với Vang Pao, người coi câu chuyện là một hài kịch và không oán giận.
Thêm vào tham vọng, Vang Pao cũng tai tiếng vì mang họ Vang. Triệt để ngoại hôn theo phong tục, Hmong chỉ lấy người khác họ. Bất cứ một sự vi phạm nào, ngay cả giữa bà con xa được coi như loạn luân và bị khai trừ khỏi dòng họ và xã hội Hmong. Trong mọi thị tộc, chỉ dòng họ Vang là phạm điều cấm kỵ này. Những kẻ phạm tội chính thuộc thị tộc Vang ở Sam Thong và Long Cheng, kẻ dễ chấp nhận tội loạn luân gây tai tiếng các thị tộc khác và nhơ nhuốc lây cho tất cả họ Vang.
Rồi thì sinh quán Vang Pao ở Nong Het. Hmong ở Phong Savan, Nong Pet, Pha Kha, và những làng Hmong khác trên Cánh Đồng Chum gọi Hmong ở Nong Het là “Pla Law”, nghĩa là bọn tham lam, vì họ hay quịt nợ. Sống gần biên giới Việt Nam, đôi khi họ trốn sang Việt Nam để trốn nợ. Hmong ở Nong Het không thể tín nhiệm.
Nhưng điều nhơ nhuốc nhất với Vang Pao, ít nhất đối với dân Hmong trên Cánh Đồng Chum là sự liên hệ với LyFoung Touby. Cuối thập niên 1940, Touby chỉ định Ly Pa Ngcha thu thuế khu vực Đông cánh đồng. Trong vòng 1 thập niên, Pa Ngcha gieo thù oán với toàn thể Hmong trong khu vực  khiến người dân thù hận lây sang cả Touby, mối thù hận theo truyền thống chỉ dành cho bọn quan chức bạo ngược người Lào. Touby dùng Pa ngcha, một quý tộc họ Ly để lấy lòng giới quý tộc họ Ly. Touby giàu có và uy quyền nhưng ông thuộc giới bình dân. Ông Touby đến Lào trong  vai trò đầy tớ một thương gia Trung Hoa, một nghề nghiệp hèn kém nhất đối với Hmong.Các tộc trưởng họ Ly không dính dáng đến nghề ấy. Cha Touby, Ly Foung, phấn đấu suốt một đời để nâng địa vị xã hội của gia đình, dồn hết hy vọng vào Touby. Ngay cả khi Touby đạt được đỉnh cao danh vọng, giới quý tộc họ Ly vẫn coi gia đình ông là người ngoại tộc.
Với tư cách cá nhân, Touby không thèm để ý việc dòng họ Ly có trọng mình hay không. Ông ta không quan tâm đến gia phả. Điều ông kính phục đó là tài năng chính trị và sự khôn ngoan, đó chính là lý do ông ít khi tham dự lễ hội tất niên của thị tộc. Không những nhàm chán, Touby còn thấy ghê tởm cảnh tượng bọn bần dân nịnh bợ bọn quý tộc. Mỗi dịp năm mới, ông luôn ở Vientaine tham dự cuộc họp mặt các trí thức Pháp, Lào nơi luôn có những bàn thảo sôi nổi về chính trị.
Nhưng là một chính khách, Touby không thể làm ngơ rằng thành kiến xã hội của quý tộc có sự phân nhánh chính trị. Hỏng việc vì phải nhận lịnh từ tầng lớp thấp kém hơn, các trưởng tộc Ly thỉnh thoảng bất phục tùng sự lãnh đạo của ông., gây ra những làn sóng chống đối trong hệ thống phẩm trật xã hội họ Ly. Để tôn trọng truyền thống và cũng tạo ơn huệ làm đòn bẩy chính trị, Touby bắt đầu dùng một số nhà quý tộc họ Ly, gồm cả Ly Pa Ngcha, vào trong bộ máy hành chính của mình.
Trong tất cả thuộc hạ, Ly Pa Ngcha là kẻ tệ nhất. Trong mỗi kỳ thu thuế, Pa Ngcha bắt mỗi làng phải mổ lợn, gà khoản đãi. Ông ta làm nhục phụ nữ vô tội vạ và thu dụng gia súc dùng vào việc tổ chức lễ hội Tết ở Nong Het. Theo thông lệ, viên chức thu thuế phải tự lo liệu vấn đề phu khuân vác để thu thuế bằng những nén bạc hay thuớc phiện lên sở thuế quận hạt. Pa Ngcha trái lại, buộc dân làng làm công tác này, rời gia đình hàng nhiều tuần mà không trả lương. Pa Ngcha còn yêu sách những chuyện vô lý, chẳng hạn con đường ông đi phải sạch sẽ, không rác rưởi. Nếu vi phạm, ông phạt vạ hoặc đánh đập.
Bổ nhiệm Pa Ngcha không chỉ là sai lầm chính trị độc nhất của Touby. Sau 1957, khi làm đại biểu quốc hội, Touby bỏ rơi mọi lên hệ địa phương, làm ngơ cho tham nhũng, bóc lột cấu kết với Pa Ngcha lan tràn khắp quận của ông. Viên chức Hmong bắt đầu đánh thuế bất hợp pháp, chiếm đoạt tài sản, ngược đãi dân làng tùy ý. Sự nhũng lạm xoi  mòn uy tín, quyền lực chính trị Touby tuy vẫn độc tôn trong khu vực Xiêng Khoảng và Nong Het.
Thiết tưởng không đáng kính trọng vì ở Nong Het, bại hoại luân thường vì họ Vang và phản trắc liên hệ với Touby, Vang Pao ít hy vọng thuyết phục Hmong trên Cánh Đồng Chum hưởng ứng cuộc chiến tranh du kích do ông tổ chức. Phải có những người uy tín làm công việc đó cho ông. Vang Pao nhờ Yang Youa Tong.
Chúng ta đã đọc về Youa Tong lúc ông còn là trung gian thu mua thuốc phiện cho chính quyền Pháp và trở nên giàu nhất Hmong ở Lào, sống trong nhà Tây và là người Hmong đầu tiên có xe hơi. Bây giờ gần 2 thập niên trôi qua, Youa Tong không giàu như xưa nữa. Năm 1950, một người Pháp chuyên buôn bán thuốc phiện với Youa Tong, mang thuốc phiện sang Sài Gòn và không bao giờ trở lại. Ba năm sau, dùng một thiếu phụ Việt Nam làm trung gian với Sài Gòn, Youa Tong định gỡ vốn bằng cách dốc hết vốn liếng dành dụm, hàng ngàn Mỹ kim bằng nén bạc, mướn 15 người phụ tá thu mua hết tất cả thuốc phiện vốn liếng cho phép. Giống như gã người Pháp, người đàn bà Việt Nam này cũng ẵm tất cả thuồc phiện trốn mất. Youa Tong bỏ nghề và trở thành một thương gia thường cho đến khi LyFoung Touby bổ nhiệm ông làm hạt trưởng Hmong (nai kong) trên Cánh Đồng Chum.
Vang Pao và Youa Tong là bà con và thân phụ 2 ông là bạn thân với nhau – Sự mật thiết này khiến Youa Tong nhận lời làm phát ngôn viên cho Vang Pao. Ông ta là một sứ giả lý tưởng. Từng mua thuớc phiện khắp mọi làng trong khu vực và nức tiếng công bằng, không chỉ trong lãnh vực thuốc phiện mà ngay cả lãnh vực hạt trưởng hành chính. Đối với Youa Tong, nó giống như trở lại nghề thu mua thuốc phiện ngày xưa, lặn lội rừng sâu núi thẳm đến từng bản làng, gặp lại bạn cũ, trao đổi chuyện mới lạ. Nhưng thay vì mua thuốc phiện, ông quảng bá kế hoạch: Theo hiệu lịnh Vang Pao, gần 70000 Hmong từ 200 làng sẽ thu dọn  di chuyển đến gần những trại du kích Malo cũ; những địa điểm này sẽ trở thành trung tâm yểm trợ, huấn luyện chiến tranh du kích để khu trừ Cộng Sản, ngăn chận hậu cần và cắt đứt liên lạc địch.
Thêm vào Hmong trên cánh đồng, Vang Pao còn có nguồn yểm trợ phía mép Nam Cánh đồng, hầu hết mới di cư từ Nong Het, Pak Lak, Keng Khoai, và Phac Boun. Đợt di cư này xảy ra sau cuộc đảo chánh của Kong Lê, khi Pathet Lào bắt đầu tập trung lực lượng ở biên giới Việt Nam, cách Nong Het chỉ một ngày hành quân. Sợ rằng Cộng Sản vượt biên sang cướp bóc các làng, Hmong ùn ùn bỏ chạy về phía Đông Nam cánh đồng, dựng lều ở một trạm cứu trợ USAID ở Lat Houang, nơi sẵn thực phẩm và vật liệu cứu trợ. Nhiều di dân thuộc thị tộc Thao và tộc trưởng là Thao Sao Chia. Một nhà chính trị lỗi lạc, Sao Chia mau chóng thiết lập quyền lãnh đạo tất cả Hmong ở mép Nam Cánh Đồng Chum. Đó là điều may mắn cho Vang Pao. Là bạn cố tri và bà con thân thích (vợ hai của Vang Pao họ Thao), Sao Chia cam kết yểm trợ tận tình quân đội du kích Vang Pao, dù chỉ là quân đội trong dự kiến.
 
Thu phục Touby.
Khi Cộng Sản tràn ngập cánh Đồng Chum và bao vây những tiểu đoàn của Boussarath, thời điểm hành động đã đến. 70000 Hmong đã sẵn sàng nhờ vào uy tính chính trị của Yang Youa Tobng và Thao sao Chia. Nhưng Vang pao do dự.  Ông muốn Touby nhập cuộc. Không may, Touby công khai đồng minh với Souvanna Phouma và phe Trung Lập, nắm 2 chức vụ trong nội các Souvanna là bộ trưởng Tư Pháp và bộ Y Tế Xã Hội. Trong khi Vientaine tìm mọi cách hòa giải với Pathet lào, Touby khó ủng hộ phong trào du kích  chiến đấu chống Cộng. Giải pháp duy nhất là tìm cách khiến Touby từ bỏ phe Trung Lập. Như phép lạ, trong vòng vài tuần, Touby chia tay với Souvanna Phouma và bỏ 2 chức bộ trưởng. Hiếm thấy một người từ bỏ danh vọng vì quyền lợi sắc tộc như ông.
Nhiều năm sau khi nhớ lại, Vang Pao cắt nghĩa cuộc vận động thu phục Touby.  Theo Vang Pao, áp lực chính trị thủ đô làm Touby quên bẵng dân tộc ông ở Xiêng Khoảng  và những chuyện xảy ra trên Cánh Đồng Chum. Vang Pao dùng bùa phép triệu hồn Touby về Xiêng Khoảng để mục kích tận mắt những gì xảy đến cho đồng bào ông.:”Touby ở Vientaine và chúng ta không có cách gì liên lạc với thủ đô. Chúng tôi nhờ pháp sư Ya Shao ở Khang Kho triệu hồn tổ tiên về làm Touby bỏ tất cả đi theo lý tưởng của chúng tôi. Chúng tôi tế lễ dâng tổ tiên bằng một con bò đực trắng, một con đen.”
Vang Pao cũng mê tín dị đoan như mọi Hmong khác nhưng ông cũng biết vận dụng mê tín vào mục đích chính trị dễ dàng như một giáo chủ thời Phục Hưng. Lễ gọi hồn là một mưu kế. Ông không cần Shao Ya gởi thông điệp thiêng liêng đến Touby. Một phi công quân lực hoàng gia Lào lái trực thăng mỗi ngày từ Vientaine đến Xiêng Khoảng phân phối và thu nhận thông báo.  Nhiều tuần trước khi Touby trở về Xiêng Khoảng, đã có rất nhiều thư từ trao đổi giữa Vang Pao và Touby. Vang pao tường thuật hoạt động Cộng Sản trong vùng và  Touby tiết lộ sự ngày càng rạn vỡ của chính thể Souvanna Phouma.
Touby
Viễn ảnh Cộng Sản chiếm Xiêng Khoảng cuối cùng thuyết phục Touby  về sự điên rồ của chủ trương Trung Lập và sự cần thiết tổ chức một lực lượng du kích Hmong. Có lẽ chính lúc này, Vang Pao tiết lộ rằng Youa Tong và Sao Chia đã chuẩn bị sẵn sàng và chỉ cần một hiệu lịnh là khởi sự. Điều Vang Pao mong mỏi ở Touby là cam kết trung thành với ông để yểm trợ kế hoạch. Touby không hoàn toàn tin rằng ông có thể thuyết phục các đồng chí trung kiên của ông ủng hộ một chiến tranh du kích.  Đã bỏ bẫng chính trị địa phương nhiều năm, ông sợ uy tín của ông đã suy suyển. Mọi việc phải phối hợp khéo léo để thành công. Kế hoạch của Touby là khuyên Vang Pao tổ chức đại hội các trưởng làng và quý tộc ở thành phố Xiêng Khoảng để thỉnh cầu dân ý và chọn một đường lối nhất trí hành động. Rồi Vang Pao sẽ đến diễn thuyết trước công chúng thuyết phục họ về sự cần thiết phải võ trang tự vệ.
Sự đóng góp của Vang Pao cho kế hoạch là dùng Yang Ya Shao để “được phép” động viên. Nếu vong hồn tổ tiên đưa Touby đến Xiêng Khoảng để kêu gọi Hmong chiến đấu, ai dám cãi lại thiên mệnh? Theo đức tin Hmong, cố tình chọc giận thần linh sẽ mang lại xui xẻo, côn trùng và dịch bịnh.
Vang Pao đón Touby ở phi trường thành phố Xiêng Khoảng với một lễ tế 2 con bò đực, 1 trắng 1 đen mà pháp sư Ya Shao đã hứa với tổ tiên. Với sư hài lòng và đồng ý của thần linh, Touby và Vang Pao đến đại hội gặp gỡ các trưởng tộc. Cuối cuộc họp, một sự ủng hộ hầu như nhất trí cho vang Pao chiêu tập quân đội du kích và cam kết từ các trưởng làng về yểm trợ tình báo, lương thực, tiếp liệu và tân binh.
Kham Sai, tỉnh trưởng Xiêng Khoảng cũng tham dự đại hội. (Trong xã hội kỳ thị chủng tộc ở Lào, cấp tỉnh trưởng trở lên đều người Lào.) Ông mê say kế hoạch của Vang Pao, coi đó như con đường tiến thân về chính trị của riêng mình. Với tình hình chính trị quốc gia rối ren hiện tại, và các phe nhóm tìm cách liên minh với nhau đầy mánh khóe trục lợi, Kham Sai tin rằng  thời cơ tranh đấu cho nền tự trị ở Xiêng Khoảng đã điểm. Với tư cách cá nhân, ông khuyến khích Touby liên minh với Phoumi dùng lực lượng Hmong  làm hậu thuẫn cho một Xiêng Khoảng độc lập chính trị trong tương lai.
Touby cũng liên minh với Phoumi, nhưng không rõ có thỏa thuận gì về việc tự trị ở Xiêng Khoảng hay không, dù Hmong tin rằng một thỏa thuận đã được ký kết  và đó là bước đầu cho một quốc gia Hmong tự trị, ước mơ ngàn đời mà hạt giống Pa Chay đã gieo trên cánh đồng máu. Tin đồn đó cả Vang Pao lẫn Touby không muốn cải chính. Điều được biết rõ rệt là Touby  yêu cầu Vang Pao gởi một thông tư cho Phoumi, tuyên bố ý định thành lập lực lượng du kích Hmong, dự kiến lớn hơn, hùng mạnh hơn tổ chức Malo-Servan trước đây.
Phoumi nhận tin với cảm giác lẫn lộn. Chống Cộng thì tốt thôi nhưng một quân đội Hmong độc lập khó có thể kiểm soát. Phoumi nhận xét Hmong là dân tộc sơ khai và khó tin cậy. Ông ta muốn Vang Pao chỉ huy lực lượng quân đội hoàng gia Lào trên cánh đồng. Sau một trao đổi thông điệp, Phoumi bằng lòng một thỏa thuận. Ông cho phép Vang Pao tuyển mộ tình nguyện quân nhưng cũng ra lịnh vang Pao chỉ huy  trại binh hoàng gia gần Lat Houang trên mép Đông Nam Cánh Đồng Chum.
Vang Pao đến Lat Houang với 350 Hmong. Binh sĩ của ông võ trang sơ saì. Vang Pao chỉ có thể tìm được 34 khẩu súng cũ cho binh sĩ của mình, một số là súng săn cổ của Pháp. Binh sĩ lào ở lat Houang không phản đối sự chỉ huy của Vang Pao. Tuy nhiên, vì cẩn thận, Vang Pao mở những thùng súng mới của trại phân phát cho binh sĩ Hmong.
Binh sĩ ở Lat Houang không được trả lương hàng nhiều tháng. Để lấy lại lòng trung thành của họ, Vang Pao bay đến bộ tư lịnh của Phoumi ở Savanakhet để đòi tiền cho họ. Trước khi Phoumi trao 200000 kip (tiền CIA), ông đề nghị Vang Pao nắm chức tư lịnh quân khu II gồm Xiêng Khoảng và Sầm Nứa. Một sĩ quan cấp đại tá hay cao hơn tương xứng với chức tư lịnh quân khu. Vang Pao chỉ là thiếu tá. Phoumi minh định rằng Vang pao nắm chức vụ nhưng không được thăng cấp.