11. SỐNG ĐƠN GIẢN

1. Định nghĩa:
Sống đơn giản là không sử dụng quá nhu cầu cho bổn phận của mình.
Người tu theo đạo Phật là đi tìm con đường giải thoát. Bởi vậy, đời sống đơn giản là một Hạnh đẹp, một Hạnh cao cả mà ai cũng tôn trọng. Đức Phật của chúng ta cũng như những vị Thánh Tăng đều là những người có cuộc sống vô cùng đơn giản.
Như vậy, theo định nghĩa, chúng ta cần tránh được sự cực đoan. Đó không phải là sự ép xác mà sống đơn giản đúng với bổn phận của mình. Trong cuộc sống, có những cái cần cho việc tu hành, chúng ta vẫn phải sử dụng. Chỉ lưu ý một điều, chúng ta không vượt khỏi nhu cầu đó để trở thành dư thừa, biến thành một đời sống xa hoa, sang trọng. Đây là chỗ rất khéo mà người tu chúng ta phải cẩn thận. Nói sống đơn giản không phải là ăn ít, mặc ít mà phải chọn mức sống sao cho vừa đủ, sao cho phù hợp với cuộc sống của mình. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn cảm nhận rằng người sống đơn giản, ít có nhu cầu, ít ham muốn là người có cái gì đó tự tại hơn, thanh thản hơn những người sử dụng quá nhiều thứ, sống có quá nhiều nhu cầu,.
Để thực hiện một đời sống đơn giản, trước hết, chúng ta phải xác định mình sống để làm gì và có nhu cầu gì trong việc tu hành.
Với chúng ta, sống là để tu. Tu là sửa, là tu dưỡng. Trước hết, chúng ta phải sửa nội tâm mình. Làm sao từ chỗ còn nhiều ý nghĩ bất thiện, chúng ta trở thành một con người thánh thiện, từ chỗ hẹp hòi ích kỷ, chúng ta trở nên vị tha hơn. Tu là tu dưỡng nội tâm. Vậy, chúng ta cần sử dụng những gì cho việc tu hành nội tâm của mình? Đã là tu trong tâm, chúng ta không đòi hỏi gì nhiều ở bên ngoài. Chỉ cần cơm vừa đủ ăn để sống, quần áo vừa đủ để mặc, chỗ ở cũng vừa đủ, không cần rộng rãi sang trọng.
Khoảng sau Đức Phật vài thế kỷ, một vị triết gia tên là Điôzen xuất hiện. Ông sống gần Hy Lạp, ở vùng Trung Đông. Đời sống của ông vô cùng đơn giản, giáo lý của ông thể hiện ở cuộc sống tự tại, giải thoát. Có thể xem ông là một vị Bồ Tát nào đó của đạo Phật đầu thai qua, vì ông có cuộc sống rất giống với đạo Phật. Thời đó, đời sống vật chất của con người còn rất đơn giản, chưa có những tiện nghi trong sinh hoạt. Ông chỉ có một mảnh áo che thân và một cái bát để uống nước. Một lần, trên đường đi, ông nhìn thấy người ta cúi xuống múc nước bằng hai tay để uống. Ông cảm thấy cái bát mình đang dùng là thừa nên quăng đi. Nghĩa là ông hạn chế nhu cầu về vật dụng đến mức tối đa. Mọi người rất nể phục ông bởi đời sống tự tại, đơn giản như vậy. Khi khuyên một vài lời về đạo lý, ông vẫn làm cho người ta được hạnh phúc, được an lạc, được lợi ích. Do đó, tiếng đồn lan ra khắp nơi.
Lúc bấy giờ, Alexandre Đại đế đem quân chinh phục khắp nơi. Ông chiếm hết vùng Trung Đông, qua Ấn Độ. Khi đánh chiếm vùng Trung Đông, xứ của Điôzen, ông nghe đồn có một triết gia nổi tiếng, bèn tìm đến. Ở đây, nhiệt độ dao động rất mạnh, có mùa trời nóng như thiêu như đốt, có mùa lại lạnh thấu xương. Lúc này, vùng Trung Đông rất lạnh. Ông kiếm một thùng gỗ, ban đêm chui vào đó đóng cửa lại, nằm ngủ, ban ngày ra ngoài sưởi nắng. Đây là phương pháp tốt nhất để giải cái lạnh thấm vào cơ thể mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Khi ông đang ngồi phơi nắng, vua Alexandre cùng đoàn tùy tùng cưỡi ngựa đi tới. Từ xa, trông thấy một ông lão ngồi ung dung, tự tại, râu tóc dài xõa xuống, trên người có một tấm áo quấn quanh, đẹp rực rỡ dưới ánh mặt trời, ông bèn xuống ngựa, chầm chậm đi tới. Đằng sau ông, đoàn tùy tùng cũng làm như vậy. Đến nơi, nhà vua hỏi:
-Ngài có phải là Điôzen?”
-Phải, Ngài cần gì?- Ông từ tốn đáp.
Hai bên chỉ trao đổi vài câu ngắn ngủi, nhưng phong thái ung dung tự tại, bình thản của Điôzen khiến vua Alêchxăng cảm phục. Vì ông là một Đại đế, bách chiến bách thắng, nghe danh ông, ai cũng sợ hãi, chỉ có ông già lọm khọm, râu ria lồm xồøm này liếc nhìn ông với ánh mắt bình thản. Ông cảm phục vô cùng. Sau vài câu ngắn ngủi, ông hỏi:
-Thưa Ngài, Ngài có cần gì không?
Hỏi như vậy vì nhà vua nghĩ rằng, mình là một ông vua bách chiến, bách thắng, uy danh khắp thiên hạ, dưới tay có không biết bao nhiêu là tài sản. Nếu ông Điôzen cần gì, Ngài sẽ tặng ngay.
Nghe hỏi như vậy, vị triết gia trả lời:
-Có, cần Ngài xích qua một chút, đừng che ánh mặt trời mà tôi đang sưởi, tôi rất cám ơn.
Thì ra, nhà vua và đoàn tùy tùng đến từ hướng đông, đứng một loạt che hết ánh nắng buổi sáng của ngài Điôzen. Nghe vậy, vua quay sang nói với đoàn tùy tùng: “Nếu ta không là Alexandre Đại đế, ta sẽ là Điôzen”.
Theo quan niệm bây giờ, triết gia là người hay lý luận, hay triết lý. Nhưng ngày xưa, khái niệm triết gia chỉ dành cho những người có đời sống tâm linh rất cao, như một chân sư bên Ấn Độ. Ông Điôzen là người như thế, là một triết gia, có đời sống đơn giản, ai ai cũng kính phục. Nhà vua đã nhìn thấy được đời sống vô cùng đơn giản, thanh thoát ung dung tự tại, toát ra một cái gì vô cùng cao cả của vị triết gia. Ông cũng ước ao, thèm khát cuộc sống ấy. Nhưng vì đã trót làm một ông vua, ở một ngôi vị quá vĩ đại, ông không nỡ từ bỏ địa vị vua chúa của mình. Nếu không có địa vị này, ông sẽ đi tìm một đời sống hết sức tự tại, hết sức giải thoát như vị triết gia kia. Rõ ràng, không phải chúng ta bênh vực, đề cao triết lý của đạo Phật mình, vì đó là câu chuyện ngoài đạo Phật.
Câu chuyện giữa một triết gia và một vị vua cho chúng ta thấy rằng, người sống được một đời sống đơn giản là người rất cao cả. Nghĩa là người đó vượt trội hơn những người thường, những người thích sống sung sướng. Sở dĩ chúng ta thích sung sướng, bởi trong thẳm sâu tâm hồn mình có một bản năng hưởng thụ, khát khao hạnh phúc. Đây cũng là điều hợp với lẽ tự nhiên và được luật pháp công nhận, bảo vệ. Trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Hồ Chủ Tịch cũng đã trích dẫn lời trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ:“ Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Mưu cầu hạnh phúc là quyền tự do của con người, được tạo hóa ban cho và được luật pháp công nhận. Bởi vậy, trong thâm sâu con người ai cũng muốn sung sướng, muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng, muốn có quyền hành, muốn được mọi người khen ngợi…. Đó là điều bình thường, thậm chí đã trở thành tầm thường. Người nào vượt qua được cái bản năng hưởng thụ, không muốn sung sướng, không cần hạnh phúc cho chính mình, người đó đã vượt khỏi cái tầm thường để trở nên cao cả. Đó là người thắng được bản năng hưởng thụ tồn tại trong mỗi con người. Những người như vậy, được người đời tôn sùng là những bậc Thánh nhân, những triết gia cao siêu.
Chúng ta sống là để tu. Nếu tu nội tâm, chúng ta không cần nhiều nhu cầu, chỉ sống rất đơn giản. Tuy nhiên, ngoài tu tâm, chúng ta còn làm nhiều việc khác để tu. Chẳng hạn, tụng kinh cũng là một hình thức tu. Khi tụng kinh, chúng ta thường tụng ở chánh điện, trước bàn thờ Phật. Như vậy, chúng ta bắt đầu nảy sinh những nhu cầu: Cần có tượng Phật, có bàn thờ Phật, cần phải cất cho bàn thờ trang nghiêm…. Khi có bàn thờ Phật, chúng ta thấy rằng không thể để tượng Phật ngoài trời nên phải cất nhà để che tượng Phật, rồi xây chùa có chánh điện. Nếu tụng kinh ban đêm, chúng ta cần có ánh sáng, cần có bóng đèn. Vào mùa nắng nóng, chúng ta lại cần thêm quạt. Dần dần, thấy chánh điện không làm nền đàng hoàng, chúng ta cũng không yên tâm nên phải cố gắng lát bằng gạch bông vv…. Cứ thế, cũng cho việc tu nhưng dần dần mọi cái trở nên rắc rối.
Câu chuyện về một đạo sĩ tu hành ở Ấn Độ làm nhiều người phải suy nghĩ. Ông tu rất tốt, đời sống cũng rất đơn giản. Ông sống trong một hang động, không làm gì chỉ lo tu và đi khất thực. Từ cái hang, nơi ông ở, vào làng cũng khá xa. Mỗi lần khi đi khất thực, ông thường xin nhiều để dành trong một cái bao nấu ăn dần dần. Khoảng một tuần, mười ngày, ông trở xuống làng xin. Cuộc sống như vậy thật đơn giản. Nhưng rắc rối đã xảy ra bắt đầu từ mấy con chuột. Vì có thức ăn để dành nên lũ chuột kéo đến quấy phá. Vị Đạo sĩ cảm thấy phiền toái, ông cần một con mèo. Bởi vậy, khi vào làng khất thực, ông xin thêm con mèo về nuôi. Thức ăn chay vốn đơn giản, con mèo không chịu ăn. Vì là mèo con, ông nghĩ cần nhất là cho uống sữa. Sống xa làng bản, lấy đâu ra sữa cho mèo, ông thấy cần phải nuôi thêm một con bò. Khi có thêm bò, ông phải bớt thời gian tu để chăn bò và vắt sữa cho mèo, để mèo giữ thức ăn cho ông.
Thời gian trôi qua, bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra. Đến lúc bò bệnh, chửa đẻ…, ông phải chăm sóc, phải dắt đi ăn. Lúc này, ông không có thời gian nấu cơm. Một Phật tử có lòng cảm mộ xin đến ở công quả, nấu cơm cho Thầy. Đó cũng là nhu cầu chính đáng nên ông đồng ý. Nhưng vấn đề là cô Phật tử ở đâu, vì chỉ có một cái hang nhỏ. Thế là, ông ta phải cất một căn nhà cho đàng hoàng. Dần dần, ông có thêm vài chú tiểu lo lắng việc trong, việc ngoài. Như vậy, bắt đầu từ mấy con chuột mà sinh ra lắm chuyện phức tạp, rắc rối.
Câu chuyện có thể là không có thật. Nhưng kể như vậy là người ta muốn nói rằng, cũng là cho việc tu nhưng chúng ta sẽ cần điều này, điều nọ. Từ nhu cầu này, chúng ta sẽ kéo theo những nhu cầu khác. Vì vậy, trong quá trình tu hành, chúng ta phải cẩn thận, đừng vì những nhu cầu phục vụ cho việc tu mà chúng ta phải mất thì giờ, phải làm cho tâm khuấy động. Nói như vậy để chúng ta lưu ý. Khi phát sinh những nhu cầu, chúng ta phải cẩn thận, xem có thật sự cần hay không. Có những lúc chúng ta phải chịu đựng, kiềm chế những nhu cầu để giữ được cuộc sống đơn giản. Trong cuộc sống tu hành, nhiều khi cũng có những thiếu thốn, khó khăn nhưng khi giải quyết được khó khăn lại phát sinh bao nhiêu phiền toái khác. Nếu chịu đựng một chút rồi tất cả cũng sẽ qua, chúng ta sẽ giữ được đời sống đơn giản để tu hành. Hơn nữa, chúng ta sống đơn giản là để tiết kiệm phước. Dĩ nhiên, trong kiếp trước chúng ta cũng đã từng làm phước nên bây giờ mỗi người đều có phước để tích luỹ. Chúng ta phải tiết kiệm phước để sau này làm được nhiều việc lớn lao, có lợi cho Đạo.
Từ định nghĩa về sống đơn giản, chúng ta cần xem xét hai điều: Một là nhu cầu, hai là bổn phận của mình. Chúng ta phải biết mình đang cần những gì, xem những cái đó có quá nhu cầu, quá bổn phận của mình hay không. Nếu vừa đủ hoặc thiếu thốn một chút, chúng ta còn được gọi là sống đơn giản. Nếu vượt khỏi nhu cầu đó, chúng ta trở thành người có một đời sống phức tạp. Đây là điều chúng ta phải cẩn thận.
Một tu sĩ trong giai đoạn ẩn tu thường không có nhiều nhu cầu. Nhưng bước sang việc học, nhất là học trong giai đoạn hiện nay, sẽ cần rất nhiều thứ: sách vở, bút viết, bàn ghế, đèn đuốc, cơm ăn, áo mặc …. Những nhu cầu ấy được quý Thầy trong Ban giám hiệu lo toan chu tất nên cũng rất đơn giản. Nhưng khi ra làm việc, mọi cái còn phức tạp hơn nhiều.
Trước kia, người tu thường đi bộ, dần dần dùng đến xe đạp, xe gắn máy. Vì khi chùa có nhiều đệ tử, công việc sẽ nhiều hơn, chúng ta không thể đi bộ hoặc đi xe đạp mãi. Khi đi giảng pháp nơi này, nơi kia, chúng ta không đủ sức khoẻ để ngồi xe gắn máy, nhất là khi phải đi hàng trăm cây số. Vì vậy, nhu cầu đi xe hơi xuất hiện. Cứ thế, hàng loạt những nhu cầu trong cuộc sống theo thời gian mà tăng lên. Xét cho cùng, đó cũng là những nhu cầu chính đáng hỗ trợ cho chúng ta trong công việc. Nhưng sự phức tạp cũng theo đó mà tăng lên. Đây là chỗ khó xử đối với người tu hành. Một mặt, chúng ta muốn giữ đời sống đơn giản đạm bạc, nhưng mặt khác, cuộc sống với những nhu cầu phức tạp vẫn lôi kéo chúng ta.
Đơn giản nhất là chuyện ăn mặc. Ngày trước, người đi tu không có nhiều quần áo như bây giờ. Chỉ cần một vài bộ quần áo cũ thay qua, thay lại cũng xong. Nhưng cuộc sống ngày càng khá hơn, vải vóc cũng rẻ, nhiều chùa lại có đệ tử biết may vá nên vấn đề ăn mặc có vẻ thoải mái hơn. Có Thầy còn cẩn thận may những bộ quần áo màu vàng để khi có khách đến chùa tiếp cho đàng hoàng, lịch sự. Những lúc khác có thể mặc quần áo màu lam hay màu đà cho bình dị, gần gũi với thiên nhiên.
Có khi do phước kéo đến, chúng ta được nhiều người biếu tặng, cúng dường. Những lúc ấy nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành người tích luỹ tài sản. Một điều khó xử là trong luật của Tỳ kheo, người thí chủ cho vật gì chúng ta phải làm đúng ý họ. Nếu đem cho người khác ngay dù người ta không biết, chúng ta vẫn mang tội. Nhưng nếu giữ lại tất cả, chúng ta làm sao sử dụng hết. Bởi vậy, chúng ta nên tìm lúc thích hợp mang cho lại người khác, người thiếu thốn hơn. Thực ra, chính những lúc không có gì hết hoặc hơi thiếu thốn một chút, chúng ta dễ sống hơn. Khi phước đến, có thêm nhiều tài sản, vật dụng, chúng ta sẽ cảm thấy ray rứt, khó xử giữa đời sống đơn giản và những gì do phước đem lại.
Ngay cả nhà cửa để ở cũng vậy, chúng ta rất muốn đơn giản. Cửa có thể không sơn, để màu gỗ nguyên thuỷ, mộc mạc. Nhưng không sơn, lâu ngày sẽ hư hỏng. Giường ngủ, chúng ta cũng có thể không sơn, không đánh vẹc ni cho đơn giản, nhưng như vậy có cái gì đó giả dối. Vì chúng ta thừa biết, có thêm lớp sơn, gỗ sẽ bền hơn. Biết mà vẫn để như vậy cố làm ra vẻ sống đơn giản, chúng ta có cảm giác mình đang sống một cách giả dối. Rồi nơi ở cũng vậy, chúng ta có thể lợp cốc bằng tranh, làm bằng cây rừng cho đơn giản, mát mẻ. Nhưng tính ra lợp tranh, lợp lá lại phức tạp hơn nhiều lần lợp bằng tôn. Vì lợp tôn bền hơn, tranh lá mỗi năm lại phải thay, rất tốn công, tốn của. Bởi vậy, nhiều khi chúng ta muốn giữ cái vẻ đơn giản nhưng như thể đó là sự giả dối. Đây cũng là điều khó xử của người tu chúng ta.
Nhìn ra ngoài đời chúng ta thấy, một nguyên thủ quốc gia buộc phải cần rất nhiều vật dụng và nhân lực hỗ trợ. Vì mỗi hành động trong cuộc sống, mỗi quyết định của họ đều có liên quan đến vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc. Tất cả những gì tốt nhất, những phương tiện kỹ thuật hiện đại, tối tân nhất đều ưu tiên cho những người ấy. Xe của các vị phải là loại xe chống đạn, xe bọc thép. Máy bay phải là loại chuyên cơ, đặc biệt, đảm bảo an toàn tối đa. Chưa kể đến đội ngũ những người bảo vệ bên cạnh họ, có khi lên đến hàng ngàn người…. Mặc dù nhu cầu quá lớn, phương tiện phục vụ ưu tiên đến mức tối đa nhưng đó là những nhu cầu cần thiết để các vị sống và làm việc. Không ai phê bình hay trách cứ họ. Nhưng trong đời sống cá nhân, nếu không cẩn thận, vẫn có thể bị người đời phê phán.
Chúng ta tự hào vì có Bác Hồ. Cuộc đời Bác là một tấm gương sáng về lối sống giản dị mặc dù Người là một lãnh tụ vĩ đại. Ở đây, không bàn về chính trị, chỉ nhìn vào đời sống chúng ta đủ thấy con người ấy vĩ đại đến mức nào. Có thể lúc bấy giờ đất nước chúng ta còn nghèo, không đầy đủ tiện nghi nên Người sống đơn giản. Nhưng đó chỉ là một lý do rất nhỏ. Điều quan trọng là sống giản dị đã trở thành một nguyên tắc, một lẽ sống ăn sâu vào máu thịt của Người. Bác ăn uống đạm bạc, đi dép cao su, mặc áo bà ba, ở nhà sàn, sống chan hoà giữa thiên nhiên hoa lá. Hình ảnh vị lãnh tụ “áo nâu túi vải” ấy đã đi vào văn học như một mẫu mực về Đạo đức, về lối sống giản dị. Nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi:
Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn….
…Còn đôi dép cũ mòn quai gót
Bác vẫn đi về giữa thế gian
Nhiều lãnh tụ từ các quốc gia khác đến thăm Bác, ai cũng ngạc nhiên và cảm phục khi nhìn thấy con người nổi tiếng thế giới, quyết định biết bao nhiêu vận mệnh, lại sống vô cùng đơn giản như vậy. So với Bác, họ nhận thấy mình sống xa hoa sang trọng hơn nhiều. Vì vậy, trong một lần bình chọn mười lãnh tụ sống liêm khiết nhất thế giới, Bác Hồ của chúng ta được các quốc gia xếp đầu bảng. Con người ấy có đời sống tinh thần rất thanh cao. Mỗi đêm, Người vẫn ngồi thiền. Ông Võ Nguyên Giáp cho rằng Bác Hồ là một Thiền sư, có trực giác rất mạnh. Người ta kể rằng, khi Bác qua đời, trong đơn của Bác chỉ tìm thấy xâu chuỗi và cuốn kinh Lăng già Tâm ấn bằng chữ Nho.
Một người vốn là sĩ quan cao cấp ở miền Bắc từng kể rằng, từ nhỏ ông ta không hiểu gì về chùa chiền, nhưng lúc rảnh rỗi ông thường vào chùa chơi. Lớn lên, ông ta trở thành phi công lái máy bay chiến đấu, rồi trở thành cán bộ cao cấp, chỉ huy quân sự, chỉ huy tình báo, nhưng rất mộ Đạo. Khi vào Nam, ông đi thăm các chùa và tỏ ra rất thích không khí tu hành ở miền Nam. Nhưng ông thừa nhận, nhiều vị tu hành trong này vẫn không bằng đời sống của Bác Hồ. Về giáo lý, có thể quý Thầy rất cao siêu nhưng về đời sống, các vị ấy không bằng Bác Hồ, không bằng ở đời sống rất giản dị của Bác. Người đời nể phục Bác cũng như Ngài Alexandre nể phục nhà hiền triết vậy. Vì Bác là người lãnh đạo tối cao của một nước, có quyền hưởng thụ mọi thứ theo bổn phận của mình nhưng lại khước từ. Đó là người thắng được bản năng hưởng thụ vốn tiềm ẩn trong mỗi con người.
Trong Đạo của chúng ta, Đức Phật là tấm gương tiêu biểu nhất về đời sống đơn giản. Trong thời đại đó, người ta quan niệm, sống khổ hạnh là một hạnh tu cao quý. Người ta cho rằng, người chiết phục được đời sống của cơ thể này thì tâm linh của họ sẽ bừng sáng, sẽ giác ngộ. Còn người cung phụng cho thể xác này thì tâm linh sẽ mờ tối. Đức Phật cũng tin như vậy nên đã thực hành khổ hạnh một cách rất khốc liệt. Ngài ép xác, ăn uống rất ít, nhịn thở để mong khi thể xác này kiệt quệ thì tâm linh Ngài bừng sáng. Nhưng qua sáu năm ép xác đến cùng cực, thấy mình sắp rơi vào hôn mê, tinh thần mờ tối, Ngài mới hiểu là mình đã sai và những người có quan niệm như vậy là sai. Rõ ràng, họ nói mà không thực hành, nói mà chưa có kinh nghiệm. Đức Phật hiểu ra rằng, thân xác kiệt quệ thì tâm linh cũng suy yếu. Ngài đã từ bỏ con đường khổ hạnh, và chọn con đường khác để đi đến giác ngộ, đi đến giải thoát. Đó là con đường Thiền định. Vậy, trước khi chứng Đạo, Ngài có một đời sống cực kỳ khổ hạnh, sống ép xác. Sau khi chứng đạo, Ngài không có nhu cầu gì nữa và sống rất đơn giản. Dĩ nhiên, chúng ta không thể sống được như Đức Phật. Nhưng người tu phải lấy đời sống của Đức Phật làm thước đo cho mình. Nghĩa là chúng ta xem mình cách Phật xa như thế nào để tự điều chỉnh, đừng đi quá xa.
Sau Đức Phật là Ngài Ma Ha Ca Diếp. Vị này phát nguyện sống đơn giản còn khủng khiếp hơn. Với Ngài, áo chỉ cần may bằng loại phấn tảo, là loại giẻ rách hoặc vải để lịm người chết người ta vứt đi. Thời đó, ở Ấn Độ kỹ thuật dệt chưa phát triển nên đa số nông dân, dân thường và những ẩn sĩ tu hành đều mặc vải được nhuộm từ vỏ cây. Hầu hết vải đều có màu đà hoặc nâu nâu, đỏ đỏ. Những người giàu có hơn lấy bông dệt ra vải có màu trắng và để nguyên màu trắng đó may quần áo mặc nên gọi là bạch y cư sĩ. Chúng ta đừng nghĩ lúc ấy Đức Phật mặc áo màu vàng. Ngài cũng mặc vải màu đà như những người khác. Kỹ thuật may của người Ấn Độ lúc bấy giờ cũng thua người Trung Hoa. Họ không biết may thành từng ống để xỏ tay chân vào mà dùng tấm vải lớn quấn vòng quanh người, qua ngực vòng lên vai rồi kẹp vào nách. Mặc như vậy nên người ta đi dứng rất khó khăn.
Một điều chúng ta cần lưu ý, trong cuộc sống tu hành, nếu tu chân chính, dần dần chúng ta sẽ có phước. Khi phước tăng lên, những vật dụng hằng ngày tự nhiên sẽ đến với mình. Đây là chỗ thử thách Đạo lực của chúng ta. Người có Đạo lực là người thắng được bản năng hưởng thụ, biết khước từ, giữ cho mình đời sống đơn giản. Người có Đạo lực yếu, sẽ không thắng được bản năng hưởng thụ, phước đến bao nhiêu, hưởng thụ bấy nhiêu.
2. Tu sĩ phải so sánh nhu cầu của mình với hoàn cảnh xã hội:
Trong đời sống, một tu sĩ muốn sắm sửa vật gì phải so với hoàn cảnh xã hội và với nhu cầu của mình. Nghĩa là phải xem mình cần gì và hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ như thế nào. Đây là điều rất quan trọng.
Ví dụ: Chúng ta phát tâm về vùng sâu, vùng sa, vùng hẻo lánh để đem Phật pháp đến cho người dân ở đó. Khi cất chùa, cất chánh điện, chúng ta nên xem cất như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội chung quanh. Lúc đó, được những Phật tử khá giả giúp đỡ, có thể chúng ta sẽ cất được một ngôi chùa bề thế, khang trang, nhưng nhìn xung quanh, thấy toàn nhà lá, nên chúng ta cũng làm một ngôi chùa đơn giản như họ, chỉ lợp tranh, lợp lá. Như vậy, chúng ta dễ hoà đồng với họ hơn. Đừng quá xa cách để khi buớc vào chùa, người ta có cảm giác đó không phải là thế giới của họ. Nếu đó là nơi chưa biết Phật pháp nhưng cuộc sống khá giả hơn, phố phường dông đúc, nhà cao cửa rộng, chúng ta có thể xây một ngôi chùa bề thế cũng không sao. Nói như vậy để thấy rằng, nhu cầu của mình, sự sắm sửa của mình phải phù hợp với hoàn cảnh xã hội chung quanh.
Về điểm này, ông Voltaire, người Pháp, đã từng phê bình những tu sĩ Thiên Chúa giáo (thực ra không chỉ riêng Thiên Chúa giáo, trong đạo Phật chúng ta cũng có vài trường hợp). Ông nói: “ Vì tôn giáo mà cung điện đã được dựng lên cho giáo sĩ”. Ông không nói là nhà thờ mà gọi nơi thờ tự đó là cung điện. Chúng ta thường thấy, nhà thờ bên đạo Thiên Chúa rất lớn, rất cao, khuôn viên rộng mênh mông. Những giáo sĩ đạo Thiên Chúa sống trong những nhà thờ lớn như vậy nên ông cho rằng nhờ có danh nghĩa tôn giáo Thiên Chúa giáo mà những tu sĩ đựơc ở trong cung điện, sa hoa hơn, sang trọng hơn, sung sướng hơn những người thường. Trong khi đó, đúng ra người tu hành phải sống bằng hoặc khổ hơn những người thường. Đây là chỗ mà chúng ta cần lưu ý.
Chúng ta phải so sánh sinh hoạt thời Phật và thời bây giờ về nhiều mặt để biết mình có những nhu cầu gì.
Về việc học: Ngày nay đi học, chúng ta cần những gì? Ngoài sách vở, bút viết, bàn ghế, chúng ta còn cần phương tiện đi lại. Ở thành phố, mỗi người phải có một chiếc xe để đi học. Lúc đầu là xe đạp, nhưng đường xa, lại thêm nóng nực và bụi băm, đi xe đạp lâu ngày cũng mất sức, nên ai cũng cố gắng sắm một chiếc xe gắn máy. Cách đây khoảng năm sáu chục năm trước, người tu thường đi bộ trông rất hay, ai đi xe đạp đã thấy lạ, vì làm mất đi vẻ oai nghi. Sau này, theo nhu cầu, người tu bắt đầu đi xe Honda, nhìn không còn vẻ nghiêm trang như trước. Nhưng cuộc sống đã đổi thay đến chóng mặt, chúng ta cũng phải thích nghi dần dần với nhịp sống ấy. Cứ thế, rồi mọi cái cũng trở nên quen thuộc, bình thường. Bây giờ, nhiều Thầy đi giảng xa phải dùng đến xe hơi, chúng ta cũng không có gì phải ngạc nhiên…
Xã hội ngày càng văn minh, con người càng đánh mất dần nếp sống mộc mạc của mình. Chúng ta cũng bị nhu cầu lôi cuốn, dần dần mất đi đời sống đơn giản, bắt đầu một cuộc sống sang trọng hơn.
Về việc tu: Thời chúng ta và thời Đức Phật có gì khác nhau? Nói về vấn đề tu Thiền, chúng ta thấy thời mình và thời Đức Phật có nhiều điểm khác nhau. Ngày xưa, các vị ngồi Thiền không có bồ đoàn, chỉ cần tọa cụ, là miếng vải để trải cho đỡ dơ. Các vị thường ngồi trên bệ đá hay dưới đất trắng nên phải trải toạ cụ. Bây giờ, chúng ta chế ra bồ đoàn để ngồi cho êm. Thực ra, theo kỹ thuật tọa Thiền, chúng ta không nên dùng bồ đoàn. Ngày nay, chúng ta chỉ cần dùng toạ cụ khi ngồi Thiền như các bậc tiền bối. Ngoài ra, khi ngồi Thiền, chúng ta còn cần thêm mùng để tránh bị muỗi đốt, cần quạt máy vì thời tiết quá nóng. Thậm chí, có người ngồi Thiền trong phòng máy lạnh. Ở phương Tây, nhà nào cũng có máy sưởi và máy lạnh, máy điều hoà nhiệt độ, người tu trong chùa cũng phải có đầy đủ như người thế gian. Đó cũng là điều bình thường.
Về việc thuyết giảng, truyền bá:
Chúng ta cần những kỹ thuật phương tiện: xe cộ để đi lại cho nhanh chóng, đúng giờ; máy móc, âm thanh ánh sáng, băng giảng, kinh sách…Để việc truyền bá giáo pháp được rộng rãi, thuận lợi, chúng ta cần ưu tiên tối đa, có thể sử dụng tất cả những gì tốt nhất. Vì đó là việc làm đem lại lợi ích cho chúng sinh.
Về việc ăn uống:
Thời Đức Phật, người tu đi khất thực, ai cho gì ăn nấy. Có người không biết, cho thịt cá, các Ngài cũng phải từ bi mà ăn hết. Sau này, Phật tử hiểu Đạo hơn nên nhiều người lên chùa cúng dường, quý Thầy dần dần chuyển sang ăn chay. Bên Bắc Tông Đại Thừa, người tu vẫn ăn chay. Đó là điều hợp với giáo lý từ bi của Đức Phật. Chỉ tiếc một điều, các Sư Nguyên thủy không ăn chay. Các Ngài cho rằng, thời Đức Phật cho gì ăn nấy nên người nào ăn chay, người đó không phải theo đạo Phật. Các sư thà chết, cương quyết bảo vệ ăn mặn cho bằng được. Thực ra, quan niệm như vậy là không nên. Vì khi đi xin, ai cho món gì, người tu ăn món nấy, không hề đòi hỏi là đúng. Nhưng đến lúc Phật tử mang lại chùa cúng, trong tâm họ đã có chủ ý rồi, chúng ta không nên ăn mặn. Nếu có người không biết cúng thức ăn mặn, chúng ta phải khuyên họ nên cúng chay. Chính vì quan niệm về ăn uống như vậy mà giữa Nguyên thuỷ và Bắc Tông nảy sinh những mâu thuẫn.
Chúng ta thấy rằng, với người tu hành, ăn chay vẫn hay hơn. Nhưng ăn chay phải hợp lý về dinh dưỡng. Nghĩa là bữa ăn phải có đủ bốn nhóm dinh dưỡng: thứ nhất là tinh bột (glucô), thứ hai là chất đạm ( prôtit-có nhiều trong đậu nành), thứ ba là chất béo (lipit - có trong dầu, sữa, tuyệt đối không dùng mỡ), thứ tư là chất xơ (rau quả). Dùng đậu nành lâu ngày có thể làm cho chúng ta ngán nên chất đạm sẽ không cung cấp đủ cho cơ thể, chúng ta có thể uống thêm viên đạm hoặc truyền dung dịch đạm. Điều đó cũng hợp lý.
Ngoài bốn chất căn bản ấy, cơ thể còn cần những chất vi lượng như vitamin, chất khoáng. Vì vậy, chúng ta ăn uống phải hợp lý, không được ép xác, khổ hạnh. Ép xác là một sai lầm, có thể dẫn tới tình trạng suy nhược cơ thể. Từ chỗ suy nhược cơ thể, chúng ta sẽ bị suy nhược thần kinh, suy nhược tâm thần. Nguy hiểm hơn là chúng ta không còn sáng suốt nữa, sau đó có thể bị rối loạn tư cách và trở nên điên loạn. Bởi vậy, chúng ta phải ăn uống cho hợp lý, không nên để cơ thể suy nhược, thần kinh suy yếu dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ. Trong bài tham dục, chúng ta sẽ nói kỹ hơn về vấn đề ăn uống.
Về mặc: Thời xưa, trong xã hội Ấn Độ, người ta thường quấn y vòng qua người. Xét cho cùng, đó chỉ là y phục ở Ấn Độ thời cổ, không phải là biểu tượng thiêng liêng của Đức Phật như nhiều người vẫn nghĩ. Tùy theo phong tục, tập quán, hoàn cảnh xã hội mà chúng ta ăn mặc cho hợp lý, không nhất thiết phải cố chấp giống thời Đức Phật. Chúng ta có thể mặc sao cho dễ phân biệt giữa người tu và người đời. Kiểu áo vạt nẻ của Phật giáo Việt Nam chúng ta rất hay, vừa giống áo bà ba, vừa đắp thêm miếng vải bên phải trông khác đi. Hoặc người Việt Nam hay mặc áo dài, chúng ta cũng có áo tràng tương tự như vậy, trông cũng hay hay. Hiện nay, theo qui định của chù,a Sa Di đi đường thường mặc áo kiểu Nhật, kiểu Tàu trông có vẻ rườm rà. Nói chung, chúng ta phải ăn mặc tươm tất, không lôi thôi, luộm thuộm. Vì cách ăn mặc cũng thể hiện lối sống văn hoá, thể hiện tư cách của con người. Người tu chúng ta có thể nghèo, có thể sống đơn giản nhưng không được phép bê bối, không được phép xấu. Dù mặc áo vá đi ra đường, miếng vá cũng phải ngay ngắn, phải đẹp, phải có sự thẩm mĩ. Vì mặc xấu, lôi thôi thể hiện giá trị tinh thần kém.
Ngày nay, kỹ thuật vải vóc, may mặc tiến bộ hơn trước nhiều. Chúng ta nên mặc những loại vải tương đối tốt, có độ bền cao nhưng đừng chọn những loại vải quá đắt tiền, quá sang trọng. Theo tiêu chuẩn chung, mỗi Thầy được ba bộ quần áo ( Tam y nhất bát) nhưng trong hoàn cảnh xã hội bây giờ không nhất thiết phải như vậy. Các Thầy có thể mặc nhiều hơn, ít nhất phải có năm bộ quần áo. Vì đề phòng mưa gió, hơn nữa vải vóc bây giờ quá nhiều, giá cả cũng phải chăng, không cần thiết phải tiết kiệm đến mức thiếu thốn nữa. Thời bây giờ, người bình thường có đến hai ba chục bộ đồ cũng là chuyện thường tình. Bởi vậy, tùy hoàn cảnh xã hội mà chúng ta điều chỉnh nhu cầu của mình cho hợp lý.
Về chỗ ở: Ngày xưa, Đức Phật ở dưới gốc cây trong rừng, cũng có khi ở tinh xá, chòi tranh, trong hang núi hay bờ suối. Bây giờ, do xã hội tiến bộ, hơn nữa cơ thể con người không đủ sức chịu đựng nên chúng ta phải ở trong nhà đàng hoàng, tươm tất. Tuy nhiên, chúng ta cố gắng không trang bị quá tiện nghi, cái gì không quá cần thiết, chúng ta đừng mang vào nhà để trông có vẻ sang trọng. Không ít người trong chúng ta bày biện trong phòng mình những món hàng sang trọng, đắt tiền.. Khi có phước, người ta cho mình nhiều thứ nhưng chúng ta phải cân nhắc, cái nào quá cần cho cuộc sống tu tập, chúng ta sẽ dùng. Nếu những món đồ ấy làm cho căn phòng của chúng ta trở nên sang trọng quá, chúng ta nên thôi, đừng mang vào nhà. Đây chính là chỗ thử thách Đạo lực của người tu, chúng ta phải cẩn thận. Chỗ ở đối với chúng ta chỉ cần tốt bền, rẻ, đẹp và tiện lợi.
3. Chùa to hay chùa nhỏ:
Chùa là sở hữu quan trọng, cũng là tài sản quan trọng của người tu. Vậy, chúng ta nên cất chùa to hay nhỏ, đẹp hay không đẹp? Thực ra, những ngôi chùa to đẹp thường tiêu biểu cho văn hoá Phật giáo. Ngày xưa, chúng ta có những ngôi chùa rất to, rất đẹp do vua chúa xây dựng. Bây giờ, chúng ta phải biết ơn những ngôi chùa đó vì chính những ngôi chùa to đẹp ấy đã góp phần tạo nên văn hoá vĩnh cửu cho đạo Phật. Nhìn vào ngôi chùa, chúng ta biết vào thời đại đó, người ta mộ đạo Phật đến mức nào. Có mộ Đạo, người dân mới chung công, góp sức xây cất một ngôi chùa to lớn. Nói chung, Đạo Phật rất cần có một số ngôi chùa to như vậy.
Nếu cất chùa để tu, chúng ta không cần nhiều đến hình thức, chỉ cất chùa đơn giản, có thể rộng để nhiều người đến tu. Nếu Phật tử đến tu đông quá, chúng ta có thể cất rất rộng, nhưng không cần phải sang trọng. Theo triết lý âm dương, cái chìm sâu khuất kín là âm, cái bộc lộ ra bên ngoài là dương. Nhìn vào một ngôi chùa, chúng ta cũng sẽ thấy hai mặt âm dương đó. Âm là nội dung, dương là hình thức. Nội dung của một ngôi chùa chính là sức tu hành của đại chúng trong chùa đó. Sức tu hành ấy khuất kín, chìm sâu không phải nhìn vào là thấy ngay được. Cái chúng ta có thể nhìn thấy là vẻ đẹp về kiến trúc, về đường nét, màu sắc của ngôi chùa. Trong Dịch lý có công thức thể hiện sự khôn ngoan của người xưa là: “năm âm một dương”. Nghĩa là, nếu nội dung bên trong( cái âm) có tới năm, chúng ta chỉ bộc lộ ra bên ngoài một mà thôi Như vậy, sẽ rất bền. Như vậy, khi xây dựng chùa, chúng ta cần cân đối hình thức và nội dung theo tỉ lệ 1/5. Nghĩa là sức tu tập năm phần, xây dựng một phần. Trong thực tế, có không ít chùa rất to, rất đẹp- đẹp vô cùng nhưng sức tu của đại chúng lại không cân xứng với chùa. Những chùa như vậy sẽ không tồn tại bền vững vì âm- dương không cân đối, hài hòa.
Đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý. Nếu muốn cất chùa đẹp phải xem sức tu của đại chúng trong chùa mình có gấp năm lần cái đẹp đó hay không. Nếu chỉ chú trọng hình thức, cất ngôi chùa rất đẹp nhưng đại chúng tu không tốt thì chùa sẽ rất hoang tàn. Ngày nào đó, chùa không còn người chân tu ở thì người ngoài sẽ làm những điều bậy bạ. Nhiều chùa ở Trung Hoa đã xảy ra tình trạng đó. Có những ngôi chùa cổ rất to, rất đẹp sau này khi Ngài Hư Vân đến chỉ còn là nơi người ta nuôi heo, nuôi bò. Ngài phải chấn chỉnh, tu sửa lại tất cả.
Tóm lại, có ba điều chúng ta cần để ý: Nơi thờ Phật cần trang nghiêm. Nơi ở của chúng cần tiện nghi. Nơi ở của trụ trì cần đơn giản. Đó là cái đạo cho đại chúng. Nghĩa là người lớn bao giờ cũng phải lo cho người nhỏ trước. Người trụ trì phải nghĩ cho đại chúng trước. Có như vậy, sau này đại chúng mới hiểu rằng, Thầy mình luôn hy sinh cho đệ tử. Tấm gương ấy sẽ được soi sáng và lưu truyền mãi mãi cho Phật pháp.
4. Trường hợp có phước:
Trường hợp chúng ta có phứơc, vật dụng sẽ tự đến một cách sung mãn, dù mình không mong muốn. Lúc ấy, chúng ta phải bố thí san sẻ cho người khác. Đó là xét trên tư cách cá nhân. Nếu tự nhiên chùa mình được nhiều người cúng dường, trở nên sung mãn, dư dã, chúng ta phải giúp cho chùa khác, đại chúng khác. Nhưng lúc này, của cải có được không phải của cá nhân mình, mà của đại chúng, chúng ta phải cho họ biết. Vì một khi là của đại chúng, người trụ trì không được hoàn toàn sử dụng. Nếu sử dụng tùy tiện, chúng ta sẽ mang tội.
Thậm chí, có trường hợp Phật tử chỉ cúng cho Thầy trụ trì thôi, nhưng lúc ấy, người trụ trì phải hiểu rằng có cái đức của đại chúng trong đó. Cho nên, không được tùy tiện sử dụng riêng. Nếu muốn cúng dường qua một đại chúng khác, một chùa khác, chúng ta cũng phải báo cho chúng biết, phải hỏi ý kiến đại chúng. Chúng hoan hỉ thì chúng ta san sẻ bớt cho chùa này, chùa kia trên tinh thần “Mười phương Tăng là một”. Chúng ta phải giữ đời sống của đại chúng vừa đủ. Nếu dư, chúng ta phải cúng dường cho Tăng Ni khác. Tích lũy quá nhiều, không những người trụ trì mang tội mà cả chùa cũng mang tội.
Có hai mức độ của kém Đạo đức và hai mức độ của Đạo đức là tham cái mình không có và tham giữ cái mình có. Trường hợp thứ nhất là khi thấy người khác có vật gì, chúng ta băn khoăn, suy nghĩ làm sao mình cũng có được. Đó là cái tham sai, chúng ta nên từ bỏ. Vì phước của mỗi người vốn khác nhau. Dân gian ta thường nói:“ Trời kêu ai người nấy dạ” hoặc “ Cờ đến tay ai, người nấy phất”. Trường hợp thứ hai là khi có trong tay nhiều của cải, chúng ta tham giữ, không buông xả, không chia bớt cho người khác. Không tham cái mình không có đã khó, khước từ, buông xả cái mình có còn khó hơn nhiều. Đây là chỗ khó xử của con người mà chúng ta phải cố gắng.
5. Những sản phẩm mới:
Sống trong thời đại văn minh, tiến bộ, hàng loạt những sản phẩm mới ra đời, chúng ta phải xem những sản phẩm mới ấy có cần thiết cho đời sống tu hành của mình hay không.
Đối với bia và thuốc lá, chúng ta phải tuyệt đối, phải cương quyết khước từ. Thời Đức Phật chưa có hai sản phẩm này nên Ngài không chế giới. Nhưng bây giờ, chúng ta phải tự chế giới. Sở dĩ chúng ta cương quyết khước chúng từ vì hai lẽ: Thứ nhất, dùng bia và thuốc lá rất lãng phí. Phật tử cúng dường để cho chúng ta tu học chứ không phải để làm những điều vô bổ. Nếu đốt thuốc là đốt tiền của Phật tử, chúng ta sẽ phạm tội rất nặng. Thứ hai, bia và thuốc lá là những thứ có hại cho sức khoẻ. Không những chúng chỉ tàn phá sức khoẻ của của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người xung quanh. Là người tu, chúng ta phải hiểu đó là cái ác và là sự ngu si. Cho nên, chúng ta không nên dùng. Hiện nay, trên thế giới, người ta cũng đang kịch liệt chống hút thuốc lá. Chúng ta đừng để cư sĩ than phiền về việc người tu ra đường phì phèo điếu thuốc lá vừa thiếu văn minh, vừa không còn sự nghiêm túc của một bậc tu hành. Đôi khi bia đuợc cho là vị thuốc trợ tiêu hóa nếu sử dụng rất ít. Ta hãy chờ xem.
Đối với những sản phẩm điện tử như Ti vi, Vidéo, Radio, Cassette: Chúng ta không hoàn toàn phản đối hay khước từ. Vì chương trình tivi hiện nay rất phong phú. Bên cạnh ca nhạc, phim ảnh, bóng đá, tivi còn phát những chương trình về y học, về sức khỏe, về khoa học …Đó là những vấn đề rất bổ ích đối với tất cả mọi người. Chúng ta không nên mất thời gian tu hành vì những điều vô bổ, nhưng những thông tin bổ ích chúng ta cũng không nên bỏ qua. Nói chung, với tivi, chúng ta nên sử dụng một cách dè dặt. Radio bây giờ chủ yếu dùng để nghe tin tức. Với chúng ta, nó không cần lắm. Cassette rất cần để nghe băng thâu những bài giảng kinh, những bài hát ngợi ca Đức Phật. Chúng ta không nên dùng vì những mục đích giải trí tầm thường. Vidéo cũng vậy, rất cần để chúng ta xem băng hình, băng phim về Đạo, về những buổi giảng pháp của các bậc chân Sư. Chúng ta không được xem những phim chưởng, phim tâm lý xã hội đang phát hành nhan nhản trên thị trường. Thực ra, trong các phim ấy cũng có nhiều đạo lý, nhiều triết lý thâm thuý. Nhưng để hiểu được triết lý đó qua phim, chúng ta phải thức đêm, vừa mất thời gian, vừa hại sức khoẻ. Với người tu hành như chúng ta, tốt nhất là đi tìm đạo lý trong kinh, trong những bài giảng, trong đời sống của những người xung quanh và trong đời sống của chính mình.
Với tủ lạnh, bếp gas: Để dự trữ thức ăn, trong chùa cũng cần có tủ lạnh. Còn bếp gas, chúng ta cũng rất cần. Hiện nay, người ta khuyến khích nên xài bếp gas, nên hạn chế dùng củi, dùng than. Vì người càng lúc càng đông, nhu cầu dùng củi ngày càng tăng sẽ dẫn đến nạn phá rừng. Đó là chưa kể dùng than củi nhiều sẽ làm ô nhiễm môi trường.
Đối với xe hơi, xe tải, xe máy xới: Chúng ta cũng cần những phương tiện ấy. Xe hơi tiện cho việc đi lại, nhất là đi giảng xa, vừa nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn. Trong công việc sản xuất, xây dựng, xe máy xới cũng rất cần thiết. Sử dụng những phương tiện ấy, chúng ta sẽ tiết kiệm được sức khoẻ và thời gian. Khi không mệt mỏi, có sức khỏe, chúng ta ngồi thiền sẽ tốt hơn. Nói chung, áp dụng những phương tiện, áp dụng khoa học vào đời sống cũng là điều tốt, không có gì chúng ta phải băn khoăn.
Đối với computer: Máy vi tính rất cần đối với chúng ta. Mỗi người phải học sử dụng máy vi tính. Đó là phương tiện hiện đại, hỗ trợ rất tốt cho chúng ta trong học tập và trong công việc.
Đối với điện thoại viễn thông: Đây là một phương tiện giao tiếp hiện đại, cũng cần cho chúng ta. Nhưng sử dụng điện thoại cũng có những phiền phức riêng. Người tu vốn hạn chế giao tiếp với bên ngoài. Bên cạnh cửa chùa, điện thoại cũng là một cửa để chúng ta phải tăng thêm quan hệ, giao tiếp. Tuy có những tiện lợi nhưng điện thoại thường làm mất thì giờ của chúng ta. Đôi khi đang ngồi thiền, đang tụng kinh, điện thoại reo làm chúng ta, mất tập trung, mất sự thanh tịnh. Nói tóm lại, chúng ta không phản đối việc dùng điện thoại, cả điện thoại di động. Nhưng vì có nhiều điểm không hay, chúng ta nên sử dụng hạn chế.
Đối với điện, đèn: Chúng ta cũng rất cần. Đèn cần cho việc tụng kinh, học bài. Điện nói chung cần trong sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta không thể không sử dụng điện.
Đối với tô chén, đũa và các vật liệu mới: Chúng ta cũng cần cho cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, khi sử dụng, chúng ta không nên lạm dụng, dùng một cách thừa thải.
6. Kinh tế tiêu thụ:
Theo kinh tế học, người ta quan niệm sự tiêu thụ sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều đó hoàn toàn có cơ sở. Vì khi sản phẩm sản xuất ra, được người tiêu dùng tiêu thụ nhiều, cơ sở sản xuất sẽ mở rộng kinh doanh, sẽ thu hút nhân lực, góp phần làm cho xã hội phát triển. Ví dụ, một công ty chuyên sản xuất kinh doanh ngành may mặc, sản xuất ra nhiều loại vải, quần áo được khách hàng ưa chuộng. Hàng của họ được tiêu thụ nhanh nên công ty phát triển rất nhanh. Họ mở rộng kinh doanh, thu nhận nhiều công nhân, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Kinh tế xã hội cũng nhờ thế mà phát triển.
Có một thời gian, nền kinh tế Pháp bị suy thoái. Chính Tổng thống Pháp đã kêu gọi dân chúng phải tiêu thụ nhiều, mua sắm nhiều để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đó là lý luận của kinh tế học, và cũng là điều hợp lý. Người ta có những biện pháp kích cầu như giảm ngày làm, tăng ngày nghỉ trong tuần để người dân có thời gian mua sắm. Mấy năm gần đây, nhà nước ta cũng khuyến khích mua sắm bằng hình thức cho cán bộ, công nhân, viên chức nghỉ ngày thứ bảy.
Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần lưu ý. Muốn sản xuất được nhiều, chúng ta phải khai thác tài nguyên thiên rất nhiều: Khai thác dầu mỏ, kim loại, khai thác rừng…làm sớm cạn kiệt nguồn tài nguyên, đồng thời gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, xe hơi, xe máy xuất hiện ngày càng nhiều cùng với khói từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra đã làm cho môi trường xung quanh chúng ta bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, nạn phá rừng diễn ra khắp nơi, lá phổi tự nhiên của con người không còn nữa làm cho môi trường càng trở nên ô nhiễm. Bởi vậy, quan niệm tiêu thụ mạnh để tăng trưởng kinh tế cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Trên thế giới, ở một số nước tư bản còn sinh ra tình trạng khủng hoảng thừa do cung và cầu không hợp lý.
Đạo Phật ngày nay cần nhìn lại vấn đề một cách trung dung. Chúng ta phải chọn cách khác để đi, không thể cho rằng, tiêu thụ nhiều để kinh tế phát triển mà gây nên những vấn nạn cho xã hội. Chúng ta phải sống một cuộc sống đơn giản. Nếu có ai đó cho rằng, sống đơn giản không kích thích sự phát triển kinh tế, chúng ta cũng có lý để giải thích cho cặn kẽ. Chúng ta phải vững tin mà đi trên con đường Đức Phật đã dạy, cố gắng tìm đời sống đơn giản và hợp lý.
7. Một vài tấm gương:
Trong cuộc sống có không ít những tấm gương về đời sống đơn giản. Trước hết, chúng ta phải kể đến ông Krishnamurti. Ông được người đời cho là một bậc Thánh nhân của thời đại, một bậc Đạo sư của thời đại, là người có được sức giác ngộ của nội tâm. Xuất thân từ Ấn Độ, ông đi khắp các nước, cuối cùng định cư ở Mỹ và chết tại đó. Ông đi giảng nhiều nơi trên thế giới, người ta theo ông rất đông, nhưng ông có một đời sống vô cùng đơn giản. Mặc dù sống trong một thế giới rất văn minh, rất tiện nghi nhưng ông vẫn giữ cho mình một lối sống đơn giản. Đây là điều rất đáng trân trọng. Sống như vậy, không có nghĩa là ông hoàn toàn khước từ và đứng ra ngoài sự tiến bộ của khoa học. Ông vẫn dõi theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những phát minh của con người. Khi đi giảng, ông cũng sử dụng những phương tiện kỹ thuật như micro, âm thanh. Ông ngồi kiết già bất động hai tiếng đồng hồ để nói, không nhúc nhích, với thái độ rất trầm tĩnh, an lạc. Người ta rất nể phục ông. Rất tiếc, những cuốn sách của ông được dịch sang tiếng Việt còn tối nghĩa quá nên người đọc rất khó hiểu. Chỉ có những người hiểu đạo Phật, hiểu sâu sắc lý Thiền mới cảm nhận được đó là một Thiền sư đắc Đạo.
Hoặc chúng ta từng được nghe chuyện về cuộc đời Thánh Milarepas của Tây Tạng. Trong thời gian tu hành, có lúc ông không một mảnh vải che thân. Người em gái phải tìm cho ông miếng vải che tạm những chỗ cần thiết. Ông sống rất đơn giản. Mùa đông tuyết lạnh, không cần áo mặc ông vẫn sống được. Đó là nhờ sức tu. Gần đây nhất là Hòa Thượng Hư Vân, người tu theo đạo Phật. Ông cũng có một đời sống vô cùng đơn giản. Chỉ vài manh áo đơn sơ, tài sản chẳng có gì nhưng Ngài sống thật tuyệt vời, chúng ta không thể hình dung được. Chúng ta không thể sống được như những con người phi thường ấy, nhưng có thể xem đó là những tấm gương để mình cảm phục và kính ngưỡng.
8. Chọn mức sống hợp lý:
Chúng ta phải chọn một mức sống hợp lý vì sống dư thừa sẽ tổn phước, đắm nhiễm và không làm gương cho người sau. Còn nếu sống quá khổ hạnh, chúng ta sẽ bị hạn chế, khó làm việc Đạo được. Hai lối sống ấy phải được cân đối lại, khi quyết định chọn đời sống như thế nào. Chúng ta nên nhớ rằng, sống dư dả là chúng ta đã rời xa Đạo đức và Lý tưởng sống đơn giản của Đạo Phật. Nhưng nếu tự hạn chế, sống quá khổ, không có gì hết, chúng ta cũng không làm được những việc Đạo cần thiết phải làm. Bởi vậy, tùy từng trường hợp, tùy theo hoàn cảnh và theo trí tuệ xét đoán, chúng ta chọn cho mình một đời sống trung dung hợp lý.