Những chiếc xe con của đoàn kiểm tra và khách tham quan các tỉnh nối đuôi nhau rời khỏi sân miếu ông Cuội. Hai tay giơ lên tự nắm vào nhau rung rung chào khách vừa hạ xuống, Hiếu quay lại cười cười với hàng chục cán bộ của xã đứng sau anh: Hàm răng trắng hơi nhô ra vừa tới cái ranh giới để có cảm giác “vổ”, lập tức nó vòng lại, rộng ra trông rất sang và có duyên. Hàm răng ấy vẫn cười cười hào phóng trong suốt cuộc hội ý của đảng uỷ. Sau bất cứ đoàn kiểm tra hoặc tham quan nào đi, đảng uỷ cũng hội ý rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng tiếp khách mới. Hôm nay ưu điểm là chủ yếu. Nhà ông Mây có ba con đi bộ đội. Hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ của ông ở trong một nhà tranh dột nát và ải mọt chỉ chực xô đi, khuỵu xuống, trông lụp xụp quá. Sáng sớm nay vợ chồng con cái kéo nhau sang ở nhà ông Hỷ mới xây. Lạ nhà nhưng không hề ngượng ngập chút nào. Đoàn tham quan kéo vào nhìn cơ ngơi khang trang, cả 40, 50 người ai cũng gật gù khen: “Khá quá”. Bà Ba Sòi là mẹ liệt sĩ, một thân một mình, già yếu vẫn ở túp lều trông như cái chuồng lợn đã được anh Nạc đón về từ chiều hôm qua để bà nhận mặt nhớ tên các cháu. Đêm bà lại về lều, sáng sớm nay lại sang ở với vợ chồng anh (!) Khi đoàn đến, các cháu con anh Nạc xúm xít quanh bà đọc báo cho bà nghe tin tức. Được khen: “Ấm cúng quá. Thế này các chiến sĩ ở ngoài chiến trường chả còn lo gì mẹ già con thơ ở nhà”. Các y sĩ, y tá, của xóm của thôn mặc áo choàng trắng, đội mũ chữ thập đỏ nghe tim, nghe phổi, bắt mạch đo huyết áp đánh mắt hột cho hết mẹ liệt sĩ lại đến con bộ đội như là sinh ra các gia đình quân nhân là phải ốm đau để y tế còn chăm lo, chữa chạy. Các cháu thiếu nhi thì đến giúp các nhà vợ bộ đội neo bấn. Nào quét tước nhà cửa, chăm lợn, nuôi gà (nhà nào không có gà, mang của nhà khác đến nhốt trong các chuồng, các nơm) trông cứ là ngăn nắp, sạch bong. Đoàn kiểm tra của tỉnh và khách tham quan các tỉnh bạn đến thống nhất kết luận: “Đây là một bài học thực tế sinh động, hết sức sáng tạo trong công tác hậu phương của xã Đại Thắng. Có lẽ không có một bài bản, sách vở lí luận nào lại có sức thuyết phục bằng ở đây. Đặc biệt là sự thương yêu đùm bọc của bà con thôn Cuội đáng là tấm gương để các nơi khác phải học tập noi theo mà phấn đấu”. - Vâng thì chúng ta còn nhiều đoàn tham quan – Bí thư đảng uỷ nói sau khi nghe trưởng ban tuyên huấn tổng kết kết quả thu được. Phải mở rộng thêm chuồng trại. Phát triển thêm đầu lợn của hợp tác. Quây thêm đăng ở đầm Cuội thả cá chép. Mỗi con ít nhất là một cân trở lên để còn đón nhiều khách. Rồi anh yêu cầu nuôi một vụ gà đẻ lấy trứng. Các đoàn thể từ các cháu thiếu nhi đến các cụ phụ lão phải có mỗi người một “đầu gà”. Có những đôi vợ chồng tham gia cả bốn, năm ngành, giới, lại là bố mẹ của một vài thiếu nhi là con của hai cụ phụ lão, nghiễm nhiên phải có hơn chục “đầu gà” thịt, “đầu gà” đẻ nộp cho xã. Ngoài ra phải trồng cam, chanh quýt, na, chuối, mít, vải nhãn ở tất cả mọi chỗ, mọi nơi để lấy quả. Không có quả thì đi mua để có “cây nhà lá vườn” làm quà tặng khách. Cũng là kết quả của phong trào “ba đảm đang” và “cây tình nghĩa” của người ra đi, với người ở lại để khách thấy được sự sáng tạo của xã mình. Đậu xanh, lạc vừng là sản phẩm của vùng này thì không nói. Cái “anh” gạo nếp cũng phải có dăm ba tấn. Nó đi kèm với đậu xanh, lạc là có ý nghĩa lắm. Cho nên cũng phải có dăm mẫu ruộng “thí nghiệm tăng sản lúa nếp”. Bất cứ việc gì bí thư đảng uỷ đề ra, là có hàng hàng chục nghị quyết của đảng, chính quyền đoàn thể và không biết bao nhiêu là cuộc họp để “quán triệt”. Có những người bảo cứ yết lên bảng hoặc gọi loa để mọi người làm, khỏi phải họp. Làm tất cả những việc đó không mệt nhọc bằng họp bàn về nó. Thế nhưng không họp bà con lại buồn, nhớ và nhiều lúc không có việc gì mà làm. Vả lại, nhiều việc phải phổ biến nội bộ, chỉ thị riêng trong nội bộ, xử lí trong nội bộ, bàn bạc cãi cọ nhau trong nội bộ. Cũng là lạ. Không biết nội bộ nó là gì mà phổ biến đến tận đứa trẻ con. Ngành nào, cấp nào làm gì cũng là làm theo những chỉ thị, nghị quyết nội bộ chứ không làm theo luật pháp. Luật pháp cứ ra, cứ học, cứ thuộc ra rả như con vẹt mà làm gì, xử lí bất cứ việc gì, kể cả tội giết người cũng cứ là từng làng, từng xóm, từng ngành, từng giới có cách giải quyết riêng theo những chỉ thị, nghị quyết nội bộ của người ta. Luật pháp coi như thừa, vô tích sự “Luật pháp của bà con nông dân mình đặt ra để phục vụ bà con mình chứ nó là cái gì mà phải sợ nó. Không có lãnh đạo, luật pháp vứt”. Anh Hiếu bảo thế. Nên cả làng, cả xã sợ những chỉ thị, những ý kiến nói mồm truyền tụng “nội bộ” của anh Hiếu và các ông uỷ ban, đảng uỷ chứ chả sợ gì luật pháp. Việc tày đình các anh ấy đã tha, đã có “chỉ đạo” thì luật pháp coi là cái đinh mục. Quả là khách quan ngày càng tấp nập. Khí thế của xã cũng phấn khởi bừng bừng. Cán bộ từ ban chỉ huy đội trở lên đều phải lo toan việc tiếp khách, phải sấp ngửa ngược xuôi trong những dịp mổ hàng chục con lợn, vài ba con bò, hàng năm tạ gà, và cá... Cứ là rậm rịch náo nhiệt, nô nức hàng tuần lễ. Hàng mấy trăm người phục dịch đều có tí chút cải thiện hơn ở nhà quanh đi quẩn lại chỉ mấy củ khoai lang, bát cơm bột ngô nguội. Thế là vui. Anh chị em phục vụ vui, vợ chồng con cái họ ở nhà cũng thấy vui. Cả làng cũng vui. Dân mình chỉ cốt lấy cái vui làm chính. Vui lắm. Nhưng không bao giờ bí thư đảng uỷ, sờ đến một điếu thuốc lá của công. Anh phải tiếp hàng trăm, hàng nghìn cán bộ của tất cả các ngành giới từ các tỉnh đến trung ương. Cuộc nào anh cũng phải đứng ra cười, bắt tay và “vinh dự quá”. Không có anh, khách coi chuyến đi của mình là “thất bại”. Xã thì buồn lặng hẳn đi. Ai cũng thấy vắng bí thư thành tích xã mình “chìm” hẳn. Thành ra, đoàn khách nào muốn chắc chắn gặp được bí thư đảng uỷ phải đăng kí trước. Có được thư riêng của bí thư, chủ tịch tỉnh càng “chất lượng”. Dẫn khách đi xăm xăm khắp xã suốt ngày. Nói xa xả suốt ngày. Đến khi khách ăn bữa cơm “rau dưa” anh lại lẻn đi đâu đó, hút điếu thuốc lào, làm vài củ khoai lang, nắm ngô rang hoặc củ dong riềng, uống bát nước vối rồi lại ra cạnh xe cười, nắm tay lại, gật gật tiễn khách. Có lần anh đã phải gắt lên khi đảng uỷ “rút kinh nghiệm”. - Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi. Các anh đừng quan tâm đến việc tôi có ăn hay không làm trọng. Bằng cách nào để chúng ta đạt được kết quả cao như chúng ta mong muốn chứ không phải chuyện miếng ăn. Các anh thử nghĩ xem xem, khi tôi không ngồi vào với khách trong bất kì trường hợp nào thì chúng ta huy động sự đóng góp của dân và tranh thủ sự hỗ trợ của trên kết quả hơn, hay tôi sà vào với khách rượu chè say sưa có kết quả hơn? Phải nói, dăm bảy năm nay, kể từ khi vận động xây dựng hợp tác xã, Hiếu đã đưa Đại Thắng trở nên những xã hàng đầu của tỉnh, trong tất cả mọi lĩnh vực. Dân chúng nai lưng ra làm, của đổ ra tiếp khách tặng quà cũng lắm. Nhưng cũng được bao nhiêu là việc. Đường sá, nhà cửa, vườn tược, chuồng trại, kho tàng, hội trường, trụ sở, trường học, trạm xá xã trông cứ khang trang, sạch, đẹp hẳn lên. Thanh niên đi bộ đội nhiều, làng cứ quang hẳn ra. Việc lại nhiều lên. Xong tất. Thế mới biết cái sức của bà con nông dân mình ghê thật. Căn bản anh đứng đầu có làm cho người ta moi hết sức mình ra hay không? Phải nói anh Hiếu giỏi. Hàng trăm, hàng nghìn đoàn đến xã này đều phải nhận ra vai trò của anh. Vậy mà một thằng nhà báo mất dạy nó đã dám láo xược nói anh không ra gì. Thằng ấy nó về đây ba lần không viết nổi một chữ lên mặt báo. Chính nó “đổi” cái tên Lưu Minh Hiếu của anh thành Lưu Manh Hiêu. Hôm ấy, sau khi họ ăn uống tiệc tùng, anh đến định “tán dóc” với đám nhà báo. Vào đến cửa đã thấy họ buông màn, nằm hóng chuyện. Thằng nhà báo kính cận, mặt nghênh nghênh trông rất đáng ghét. Nó ngồi hút thuốc vặt ở ghế, nó chõ vào: - Tay này có khả năng và mưu mẹo rất ghê đấy. Nhưng không Minh mà cũng chẳng Hiếu đâu các ông ạ. Rồi các ông cứ nghiệm mà xem. Cái mắt và cái mồm của hắn rất chửi nhau. Cái mồm là mồm thằng tán gái thành thần. Con kiến trong lỗ cũng phải chui ra với nó. Còn cái mắt lạnh tanh, bạc. Kinh. Cái mắt gian ngoan xảo quyệt, mưu mẹo và tàn nhẫn lắm. Nhưng tất cả những cái ấy lại được giấu kín đi ở những cái nhìn thường xuyên khép hờ, kiểu kín kín hở hở, rất khó có ai phát hiện ra con người thật của hắn. Đúng ra tên của tay này phải là Lưu Manh Hiêu chứ không thể là Lưu Minh Hiếu được. Hiếu đã định cho dân quân gô cổ thằng nhà báo phản động lại. Đây không chỉ là chuyện mê tín gieo rắc tư tưởng hoài nghi trong nhân dân mà rõ ràng là âm mưu của địch nhằm phá vỡ những cơ sở vững chắc của hậu phương chúng ta. Nhưng làm thế sẽ ầm lên. Những cái mồm của bọn nhà văn, nhà báo nó mà “toe” lên thì có giời bịt lại. Không được đăng lên báo, nó cũng truyền mồm cho nhau. Bọn này quan hệ nhiều, lại nhớ dai. Trị nó mà để nó biết, là hạ kế. Tốt nhất là coi như không hề nghe thấy gì. Với uy tín của mình, chỉ cần cái thư gửi đến, chắc chắn thủ trưởng của nó sẽ phải đuổi nó, việc gì phải làm ầm ĩ lúc này. Anh đã làm cái việc để tên nhà báo kia trở thành kẻ phá hoại phong trào “điển hình” phải ra ngoài biên chế một cách dễ dàng. Nhưng với anh, mãi mãi sau này nó cứ ám ảnh cái tên của thằng nhà báo nó nói. Khi anh làm phó chủ tịch tỉnh và có những “quan hệ” bị vỡ lở cùng với việc vỡ đê Quân Tải do anh trực tiếp chỉ huy, mất khoảng hơn một tỉ đồng, không biết từ đâu truyền ra, cái tên Lưu Manh Hiêu của anh cả tỉnh biết. Đây là chuyện sau này. Còn hiện giờ? Ngay sáng ngày hôm sau anh vẫn cho tặng đoàn báo chí văn nghệ gạo nếp, gà, cam, đỗ xanh, và chè thuốc. Anh cười rất vui nắm chặt tay thằng mang kính cận hẹn: - Khi nào có điều kiện anh lại về với tôi. Anh em mình có dịp hàn huyên với nhau. Tôi sẽ dẫn anh đi và kể cho anh nghe những điển hình ở đây, tha hồ anh viết. Hàng năm không hết chuyện. Lại rút kinh nghiệm. Lần này họp vào buổi tối. Thành phần cũng mở rộng đến các đội trưởng sản xuất và tổ trưởng các giới. Lại khen ngợi và khâm phục, lại biểu dương và học tập. Cái khó của việc tiếp các đoàn tham quan sau này là làm sao nói được khác với những đoàn trước. Có chữ nào hay ho, đắt giá nhất họ dùng hết cả rồi. Nhưng lời lẽ với làng này quan trọng gì! Căn bản người nói là ai? Kì này toàn các đoàn “cốp” nên có nhiều báo chí đi theo. Các đài báo lại tha hồ mà ca ngợi, tán dương, lại nghe không kịp, đọc không xuể cho mà xem. Thành ra, người chủ trì rút kinh nghiệm hôm nay chỉ nói vài câu còn chủ yếu để cho gần trăm đại biểu xuýt xoa “bổ sung”. Ai cũng ki cóp, nhặt nhạnh từng lời, từng động tác, cử chỉ của khách để làm “tài liệu” và để lại xuýt xoa phổ biến cho các đội, các xóm về sự đánh giá thành tích của xã nhà trong đợt này. Hết phần một, rút kinh nghiệm. Phần hai, bổ bưởi. Những cờ, huy hiệu, tặng phẩm và “sổ vàng” để ở nhà truyền thống như mọi khi. Còn 50 quả bưởi Đoan Hùng phải bổ ra chia cho 510 gia đình quân nhân. Những gia đình có từ ba con trở lên và gia đình liệt sĩ do bí thư và chủ tịch trực tiếp đưa đến. Còn tất cả các cán bộ trong toàn xã phải chia nhau đến từng nhà. Tuy mỗi gia đình chỉ được một múi bưởi nhưng tất cả mọi công sức và những phấn khởi tự hào ở trong ấy. Vậy nên tất cả được phổ biến cách làm như sau: Người đưa bưởi phải cầm cả hai tay nói: “Hôm nay chúng tôi (hoặc chúng em, hoặc chúng con, hoặc chúng cháu) được đảng uỷ, uỷ ban uỷ nhiệm đến báo cáo với ông (hoặc cụ, hoặc bà, hoặc chị, hoặc cô) là: Nhờ có gia đình ta hết lòng động viên anh (gì đấy) đánh giặc rất là giỏi ở chiến trường nên cả trung ương và các tỉnh đều biết đến gia đình ta. Đây là chút kỉ niệm rất là nhỏ của trung ương và tỉnh uỷ tỉnh bạn giao cho đảng uỷ và uỷ ban là phải mang đến tận tay mỗi gia đình có công góp lớn cho cách mạng”. Gia đình nào cũng run run cảm động, cũng giàn giụa nước mắt và chia nhau cả nhà ăn múi bưởi xong, những ngày sau lại nuôi lợn, nuôi gà, lại nộp đỗ, nộp lạc “buộc bụng đãi khách” mà vẫn cứ phấn khởi tự hào, lại sẵn sàng cho con đi ra mặt trận, lại sẵn sàng gánh chuối, gánh khoai, gánh lạc, gánh đỗ đi tặng bộ đội cao xạ, bộ đội hành quân trú tạm ở xã bên. Vậy mà người nào cũng cứ thấy nhẹ nhàng lâng lâng. Vui. Căn bản là vui quá. Cái niềm vui của Hiếu đã hút được từ tấm lòng chân thành, từ tình yêu làng, yêu nước nồng nàn vốn có của người dân để bày ra các trò cho mọi người được vui vầy theo ý của mình. Sáu gia đình có 3 con đi bộ đội và 9 bố mẹ liệt sĩ nhưng chủ tịch lại nhặt 16 múi bưởi. Hai người đi hết một lượt 15 nhà và gần 12 giờ đêm. Còn lại một múi chủ tịch rụt rè nói với Hiếu: - Anh để tôi đem lại biếu bà cụ. Hiếu gạt phắt đi. Nói thế nào cũng không được. Cuối cùng nó là múi bưởi “thừa”, “anh cầm về cho con cháu” Hiếu mới chịu nhận. Thấy anh đến, thằng Sau cuống quýt gọi mẹ. Cả mấy tháng giời nay anh không đến nhưng ngày nào anh đi đâu, làm gì, con Huyền nó vẫn nói. Thằng Sau nghĩ: anh ấy bận quá. Cũng có thể anh ấy giận mẹ về tội anh Mai chạy theo giặc. Mẹ nghĩ: Nó sợ liên quan, người ta sẽ làm mất uy tín của nó. Thôi, đằng nào mẹ cũng chịu mang tiếng rồi để nó tránh đi, nó còn phải làm việc. Nghĩ vậy, bà vẫn thấy tủi thân. Cũng dứt ruột để con ra đi vào nơi hòn tên mũi đạn như mọi người. Đến khi mọi người có “tiêu chuẩn, chính sách” ưu tiên, bà lại trở thành con mẹ thằng phản bội tổ quốc. Mọi người có bao nhiêu người hỏi han chăm lo, dù chỉ là một lời hỏi thăm, bà lại là kẻ người ta phải quên đi, phải chừa ra. Hàng trăm đoàn tham quan đến xã xem xét từng gia đình bộ đội được đối đãi ra sao, có gì khó khăn, có gì còn thiếu hụt? Ai ai cũng được an ủi, khích lệ. Còn bà thì người ta phải đem “giấu” đi và lại như một con hủi phải chạy trốn khỏi khách thập phương biết mặt, biết trong xã này có một mẹ thằng phản quốc. Thấy con đến bà vừa mừng, lại vừa giận. Tủi thân quá, mong mỏi con quá mà giận chứ nó có tội tình gì. Rồi bà lại thấy sợ nữa. Không biết nó đến có chuyện vui hay lại để trút lên đầu bà những chuyện buồn bực. Hay đoàn kiểm tra của trên về có sự cự nự trách cứ gì nó về tội thằng Mai? Vì không biết đầu đuôi thế nào nên từ dưới bếp bà uể oải đi lên, không ra vồ vập cũng không phải lạnh lùng. Hiếu chưa nhìn thấy bà, hỏi em: - Mẹ đâu. Đi ngủ rồi à? - Tôi đây. Có việc gì, anh phải sang muộn thế? - Có đoàn tham quan người ta tặng ít bưởi cho các gia đình quân nhân. Mỗi nhà có một múi, nhiều nhặn gì. Sau cầm đưa cho mẹ này. - Gia đình này làm gì có tiêu chuẩn. - Nó làm nó chịu. Mẹ đẻ ra nó, cho nó đi bộ đội thì mẹ là gia đình bộ đội. - Tôi khốn khổ khốn nạn vì trót đẻ ra nó! - Nó đi rồi, mẹ có xui nó đâu mà sợ. - Sao bây giờ anh mới nói với mẹ anh thế? - Thì cái gì nó cũng phải lựa xem lúc nào. Mẹ tưởng bây giờ người ta đã để yên cho mẹ chuyện ấy à! Nhưng thôi. Để mọi việc tôi sẽ phải lo. Bây giờ tôi muốn cho thằng Sau đi bộ đội. Mẹ thấy thế nào? - Thằng anh thế, ai người ta dám để thằng em đi? - Thằng Sau thích đi, tôi sẽ xin. Sau: - Được đi thì em thích quá. Anh xin cho em đi đi anh. - Định đi phải không vướng mắc gì cả. - Chỉ lo mẹ ở nhà. - Dễ thường ở nhà người ta chết cả đấy. Định đi thì phải xác định quyết tâm lập công. - Em sẽ rửa nhục cho mẹ, để mẹ cũng phải như những người khác. - Xác định thế cũng tốt. Lúc hành động mới quan trọng. Phải chấp hành mọi kỉ luật mệnh lệnh cho thật nghiêm. Lúc đánh nhau phải nghĩ chết thì thôi, đừng làm thằng hèn. Nhục lắm. - Anh cứ yên tâm. Không bao giờ em để cho mẹ nhục nhã nữa đâu. - Tao cũng nghĩ thế, nhưng đêm nay cứ phải suy xét cho kĩ đi. Sáng mai trả lời tao.
°