Trần Văn Kim đưa tay lên chỉ lòng vòng mấy dãy tượng đá các chiến sĩ, nữ thần và nhà hùng biện đứng dọc bờ tường giữa hàng cột lớn của cung điện Palais du Louvre đang nhanh chóngï hiện ra trong tầm mắt, dưới ánh sáng càng lúc càng chói lọi. Trong ánh tuyết lung linh phủ trắng xoá công viên Tuileries, anh vừa bước đi bên cạnh Joseph vừa nói:- Monsieur Sherman này, người Pháp là thí dụ cổ điển cho một dân tộc quá khôn ngoan vì những lợi ích của chính họ. Tôi hy vọng rằng người Mỹ không chứng tỏ rằng mình quả thật cũng giống y như thế.Nói xong, Kim mỉm cười nửa miệng với Joseph rồi lẹ làng quay mặt ngó chỗ khác và tiếp:- Anh biết không, người Pháp không bao giờ tự kềm chế nổi tập quán phù hoa cùng với tính tự cao tự đại của họ. Thật chẳng đáng ngạc nhiên chút nào khi hàng ngày phải đối mặt với các dinh thự nguy nga và trang trí quá đáng như thế này nên cuối cùng những người cùng khổ của Paris nổi trận lôi đình, vùng lên chặt đầu những tên quí tộc cao ngạo không chịu nổi, từng xây dựng lên chúng? Chính sự hiện hữu của các toà nhà sừng sửng này ở giữa những người cùng khổ là một khiêu khích không thể tha thứ — đó là lý do người ta phải phóng đại quá đáng và nói liên tu bất tận về giá trị của chúng.Thọc hai tay sâu hơn vào túi áo măng-tô Joseph không trả lời. Trời vẫn dày đặc tuyết. Những hình tượng điêu khắc trên mặt tiền khổng lổ đầy vẻ cực kỳ hoa mỹ của điện Le Louvre tựa như những lính canh đứng yên trong ánh sáng ban mai ướt đẫm và âm ấm. Từ đường Rivoli và các kè đá dọc bờ sông Seine, tiếng động của xe cộ lưu thông lúc tinh sương chỉ là tiếng rì rầm xa xa, nghe như tiếng vo ve của lũ ruồi đang hấp hối lúc trời mới vào đông.Kim chỉ tới một gờ mái nghiêng nghiêng ở mé nam:- Anh hãy nhìn thiên thần đang dang đôi cánh với chiếc kèn kia. Đó là công việc xuất sắc nhất mà người Pháp có thể làm, là thổi chiếc kèn của chính họ.Ngừng lại và tự tán thưởng câu nói dí dỏm của mình bằng một nụ cười, rồi liếc Joseph anh tiếp:- Anh từng thấy sự phô trương giống y thế này ở mặt tiền Nhà Hát Lớn Sài Gòn — và ở những dinh thự cũ của thống đốc Nam kỳ. Lối kiến trúc khoa đại và thái độ hống hách của Phápï tại Việt Nam đã tác động lên đồng bào của tôi không khác gì các dinh thự này tác động lên những người cùng khổ của nước Pháp — chúng biến nhân dân cả hai nước thành những nhà cách mạng.Người Việt Nam nhắm mắt lại, vừa đi vừa hít thật sâu hơi lạnh vào buồng phổi. Anh tiếp tục cất bước, thở ra thật dài và nói:- Nhưng quả thật cũng tốt khi trở lại Paris sau những năm dài như thế. Chúng tôi luôn luôn nhớ rằng chính cái tính ngạo mạn và lòng thèm muốn phô trương mình cho một dân tộc hèn mọn thấy đã khiến các tây thực dân người Pháp mang những trí óc xuất sắc nhất của chúng tôi sang đây để giáo dục — và cũng chính tại đây lần đầu tiên chúng tôi được học hỏi những lời giảng dạy của Marx và Lênin. Con đường đưa chúng tôi tới nước Pháp cũng là con đường giúp chúng tôi học được cách chống Pháp hữu hiệu nhất.Nói xong những lời ấy, Kim thêm lần nữa liếc thật lẹ vẻ mặt của Joseph và tiếp:- Nhưng bất chấp những khác biệt đó, cả hai dân tộc đều có chung một số điểm. Người Pháp lẫn người Việt đều là những dân tộc không ủy mị. Dĩ nhiên, chúng tôi khác với người Mỹ.Joseph đột nhiên mở miệng:- Nhân nói tới vấn đề không ủy mị, chẳng biết anh có nhân dịp mình đang ở đây để tới thăm anh Tâm của anh không? Tôi chắc chắn anh đã biết Tâm vừa mới sang đây để tham gia phái đoàn Sài Gòn. Hôm qua, tôi có trò chuyện với anh ấy — từ lúc hai anh em anh gặp nhau lần cuối tới nay dễ đã ba mươi mấy năm rồi nhỉ.Joseph quan sát bộ mặt vẫn đầy vẻ trẻ trung của Kim nhưng không thấy trên đó biểu lộ chút cảm xúc nào. Và Kim không trả lời. Dù tuổi sắp sáu mươi, mái tóc đen nhánh của Kim vẫn không điểm một sợi bạc. Khuôn mặt tròn trịa đẹp trai và có vẻ trẻ thơ của Kim cũng rất giống khuôn mặt Tâm. Vẫn giữ ánh mắt chăm chú quan sát Kim, Joseph nói thêm:- Nếu anh muốn nói chuyện với Tâm thì thế này. Tâm ở riêng một lô chúng cư tại số 3 Đại lộ Léopold II trong Khu vực Mười sáu. Tâm từng có lần nói với tôi rằng tuy giữa hai người có những khác biệt nhưng anh ấy không bao giờ có thể quên anh là đứa em ruột thịt của mình.Kim quay mặt ngó hẳn sang phía bên kia công viên. Joseph không thể thấy nét mặt của anh ta. Trong một lúc, cả hai im lặng đi bên nhau rồi Kim lắc đầu tỏ vẻ khước từ:- Monsieur Sherman, tôi đến Paris không phải vì chuyện gia đình. Như anh có thể đoán ra, tôi cũng không tới công viên này để thảo luận với anh về triết lý và lịch sử. Tôi yêu cầu anh gặp tôi vì tôi muốn kể cho anh nghe những lý do thật sự nằm đằng sau sự tan vỡ các cuộc thương lượng tại Gif-sur-Yvette.- Tại sao lại kể với tôi?- Vì anh nổi tiếng là người chỉ trích có thẩm quyền về chính phủ của anh — và lúc này anh đang viết cho một tạp chí phương tây có ảnh hưởng và ở bên ngoài Hoa Kỳ. Nếu anh kể sự thật này trong ấn bản ngày mai của tờ The Times thì có lẽ các kế hoạch quỉ quái của tổng thống các anh sẽ bị phá ngang.- Một cách chính xác, anh đang đề cập tới “kế hoạch quỉ quái” nào vậy?Ưỡn ngực thở vào thật lâu, Kim vừa đi vừa quay sang nhìn người Mỹ:- Rõ ràng là tổng thống của anh và Tiến sĩ Kissinger chẳng bao lâu nữa sẽ nói với thế giới rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm về việc làm ngưng cuộc hoà đàm — nhưng đúng ra, sự thật hoàn toàn trái ngược. Vào đầu tháng Mười vừa qua, chúng tôi đã đề nghị các điều kiện ngừng bắn theo đó có nghĩa chấp thuận những phác thảo trước đó của Hoa Kỳ. Kissinger đã hoan hỉ đồng ý. Chỉ sau khi tham khảo ý kiến của chế độ Thiệu tại Sài Gòn, Kissinger và tổng thống của anh mới khởi sự yêu cầu thảo luận lại từ đầu bản hiệp định. Người ta biết rất rõ rằng, về mặt nguyên tắc, Thiệu sẽ chống đối việc ký kết bất cứ bản hiệp định nào vì chỉ một thay đổi nhỏ nhặt nhất cũng đủ xói mòn chế độ độc tài của hắn. Nhưng lúc này hắn đã nêu ra ít nhất sáu mươi bốn điểm phản đối bản dự thảo của chúng tôi — và tổng thống của các anh thay vì ép buộc hắn phải chấp nhận các điều kiện đã được đôi bên thoả thuận giờ đây lại yêu cầu chúng tôi tái cứu xét hết thảy sáu mươi bốn điểm đó. Hình như Nixon và Kissinger không sợ điều gì hơn là việc cãi nhau om sòm và công khai với thằng Thiệu bù nhìn!Kim ngừng nói, mắt long lanh giận dữ:- Mới đây, qua nguồn tin tình báo của Liên Sô, chúng tôi được biết rằng tại Washington, Nixon đang chuẩn bị điều mấy phi đội oanh tạc cơ khổng lồ tới dội bom các thành phố của chúng tôi trong thời kỳ lễ Giáng Sinh năm nay để ép buộc chúng tôi phải chấp nhận những thay đổi mới ấy — đó là sự thật nằm đằng sau các cuộc hoà đàm.Trong một chốc, Joseph im lặng suy ngẫm lời của Kim:- Anh đến Paris lúc nào vậy Kim?- Mới hôm qua.Mặt Joseph lộ vẻ trầm ngâm:- Tôi tự hỏi không biết anh đang có ý kể đúng sự thật hay không? Có phải anh và những người còn lại trong Bộ Chính Trị ở Hà Nội đột nhiên nhận ra, một cách trễ tràng, rằng có thể Lê Đức Thọ đã và đang chơi bạo tay hơn quí vị — và quí vị dự tính dùng tôi hoặc một người nào đó giống như tôi để quí vị vượt qua khó khăn ấy?Kim quày quả lắc đầu nhưng Joseph làm như không để ý. Anh nói tiếp:- Kim ạ, tôi già rồi, già tới độ có thể nhận ra sự tiết lộ nào là cố ý một khi tai mình nghe nói tới nó. Tôi biết anh lúc nào cũng tin rằng anh và các đồng chí của anh có thể đập tan nát chế độ Nguyễn Văn Thiệu vào một ngày nào đó nếu quí vị đẩy tới đủ mạnh. Nhưng nếu ngay lúc này quí vị đang sợ hãi cái ý tưởng đó thì tôi không phải là kẻ tiếp tay cho quí vị. Tôi có thể là người chỉ trích chính phủ của tôi — nhưng tôi không phải là kẻ chạy việc vặt cho Cộng Sản.Cả hai im lặng, tiếp tục đi trên mặt tuyết rồi nét mặt của người Việt Nam chợt ánh lên vẻ tính toán:- Monsieur Sherman này, thế thì anh chẳng quan tâm chút nào nếu Hà Nội bị dội bom sao?Đang đi đều bước Joseph bỗng chửng lại. Anh nhìn chằm chặp vào mặt Kim:- Anh đang có ý nói tới cái quái quỉ gì vậy?Kim chăm bẳm ngó lại Joseph:- Tuyết, con gái anh, và hai con của nó sống ngay tại Hà Nội từ bốn năm nay — hoặc giả anh quên hết chúng nó rồi?Những bông tuyết nhỏ dần, điểm lấm tấm giữa hai người đàn ông khi họ nhìn thẳng mắt nhau. Rồi Joseph lẹ làng rướn một bước tới trước mặt người Việt Nam. Hơi thở anh dồn dập, hai bàn tay đang cặp sát hai bên hông bỗng hết bóp chặt lại nhả ra:- Kim này, “không ủy mị” là tiếng áp dụng đúng cho anh đấy. Anh “không ủy mị” một cách khốn nạn tới độ sự đứng đắn nói chung của con người dường như chẳng có ý nghĩa chút nào đối với anh. Bộ anh tưởng rằng tôi cho là anh không dính dáng chút nào tới những gì tàn tệ đã xảy ra cho thằng Mark con của tôi sao? Chắc chắn anh và những người còn lại trong Bộ Chính Trị của anh đã nghiên cứu kỹ lưỡng từ đầu tới cuối họ và tên của từng phi công Mỹ bị các người bắt, để xét xem có thể khai thác họ từng chút nhằm kiếm thêm chút vốn liếng cho canh bạc chính trị của các người không. Nếu không tỉ mỉ cẩn thận từng li từng chút như thế thì các người chẳng là cái quái gì cả!Joseph giận run người trong khi người Việt Nam vẫn bình thản:- Monsieur Sherman ạ, các đồng chí của tôi và tôi không có thời giờ để đích thân quan tâm tới các chi tiết nhỏ nhặt. Chúng tôi phải thực hiện các nghĩa vụ phức tạp hơn nhiều.Joseph nói thật ác liệt:- Tôi cũng có nhiều “nghĩa vụ phức tạp” cần thực hiện nhưng trong đó không có cái việc viết lời tuyên truyền trá ngụy nhân danh Đảng Lao Động của anh — cho dù có bị người ta dùng thủ đoạn hăm dọa tới mấy đi nữa.Anh giận dữ nhìn Kim rồi đột ngột quay gót, đi thẳng vào vùng tuyết trắng dày đặc. Kim nhìn theo Joseph trong một chốc, rồi rút từ túi áo bên trong ra cuốn sổ tay và ghi rất nhanh. Chờ cho tới khi Joseph khuất khỏi tầm mắt, Kim chầm chậm rẽ lối, quay trở lại cổng vào công viên Tuileries, mé đường Rivoli. Tại đó, anh vẫy một chiếc tắc-xi đang chạy ngang. Sau khi liếc mắt thật lẹ dọc cả hai đầu đường, anh chui vào xe, mở sổ tay đọc địa chỉ ở khu vực Mười sáu vừa được Joseph nói cho biếtVì tuyết rơi mỗi lúc một thêm dày đặc, Kim không thấy chiếc xe hơi nhỏ có gắn cần truyền tin được lái bởi gã ký giả Pháp mặc áo da màu đen, kẻ đã trao tờ nhắn của anh cho Joseph tại Gif-sur-Yvette. Chiếc xe nhỏ đó đậu bên lề bắc đường Rivoli, sát hông khách sạn Intercontinental. Một nhân viên mật vụ Bắc Việt môi màu tro, mặt chàu quạu, ngồi một bên gã ký giả Pháp hất đầu ra hiệu cho tài xế chạy theo chiếc tắc xi khi nó đi thẳng về hướng La Place de la Concorde. Chiếc xe có cần truyền tin cẩn thận giữ khoảng cách một trăm thước đằng sau chiếc tắc xi dọc theo sông Seine tới cầu Pont d’Iena nơi cả hai xe cùng qua sông.Tại đường La Fontaine bên kia vòm phát sóng của trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình Pháp, Kim ra hiệu dừng xe tắc-xi và bảo tài xế chờ. Nhân viên mật vụ nhìn theo bóng Kim, ra lệnh cho tài xế chạy chậm lại. Từ trong xe, cả hai quan sát Kim đi quành qua góc đường, rồi khuất vào Đại lộ Léopold II. Khi chiếc xe mật vụ chạy tới ngả tư, người bên trong xe thấy Kim bấm chuông cửa số 3 ở góc một chúng cư. Và gần như lập tức, cửa mở, xuất hiện một người Việt Nam mặt đầy vẻ sửng sốt. Và rất giống Kim. Khi Trần Văn Tâm bắt tay người em ba mươi sáu năm nay không gặp rồi đưa tay lên choàng cổ em, nhân viên mật vụ lẹ làng chụp một bức hình với chiếc máy ảnh cực nhỏ. Trước khi Tâm kéo Kim vào bên trong, nhân viên mật vụ chụp thêm một bức hình nữa. Và sau khi ghi lại địa chỉ ấy, y ra lệnh cho gã ký giả Pháp quành xe lại rồi lái ngang đằng trước chúng cư một lần nữa để y có thể chụp bức thứ ba lấy đầy đủ hình ảnh của toà nhà.Bên trong chúng cư nơi tầng trệt, hai anh em vốn đã không gặp nhau kể từ buổi chiều có giải vô địch quần vợt tại Sài Gòn năm 1936, lúc này đang nhìn nhau, long lanh ngấn nước mắt. Kim nói, giọng thì thầm nghèn nghẹn:- Em chỉ có thể ở lại vài phút. Và phải tuyệt đối không nói chuyện chính trị.