Cùng thời điểm ấy tại Sài Gòn, nơi văn phòng dành riêng cho viên chức trực phân sở CIA trong Đại sứ quán Mỹ, Guy Sherman ngồi sau bàn giấy đọc báo cáo. Thỉnh thoảng, hắn ngừng đọc, ngẩng đầu thận trọng nghe ngóng tiếng pháo nổ ran trên các đường phố bên dưới. Đêm càng khuya tiếng nổ càng rời rạc và Guy đợi cho tới lúc tai nghe một tiếng nổ đặc biệt lớn để chấm dứt một tràng pháo như thường lệ. Sau đó, hắn đứng lên bước tới khung cửa sổ, đưa mắt nhìn xuống mái những toà nhà chung quanh nhưng hắn không thể quan sát bao quát vì lớp lá chắn hoả tiễn bảo vệ sứ quán làm tầm nhìn bị thu hẹp.Đây không phải lần đầu Guy thấy mình bỗng bất giác đưa tay sờ vào khẩu súng lục tự động.38 đang nằm yên trong bao da đeo dưới nách trái. Hắn không biết chắc động tác sờ súng ấy chỉ là thói quen của người thích đi săn hoặc chỉ để yên chí súng vẫn còn đeo bên mình sẵn sàng ứng chiến. Nhưng hắn hiểu rõ ràng rằng đêm nay, trong khu vực Đại sứ quán, hắn không phải là kẻ duy nhất cảm thấy thần kinh căng thẳng khi nghe tiếng pháo cứ nối tiếp nhau nổ ran từng chặp. Lần nào đi một vòng tuần tra Guy cũng nhận thấy vẻ mặt của lính Thủy quân Lục chiến canh gác phía sân trước và trên nóc sân thượng sứ quán đều như căng ra và đanh lại. Họ cố che đậy tâm trạng bứt rứt bằng những câu nói đùa dí dỏm và động tác giả vờ chụp vũ khí mỗi khi nghe vang một tiếng nổ đặc biệt. Nhưng rõ ràng thái độ bông đùa đó hé cho thấy trong ruột họ đang bồn chồn nóng nảy. Họ đã biết các báo cáo về tình trạng Việt Cộng vi phạm ngưng bắn bắt đầu lan rộng khắp nơi từ đêm qua và suốt hôm nay. Và họ bực bội vì tiếng pháo mừng xuân nổ ròn trên đường phố Sài Gòn làm họ mất định hướng, không thể dùng thính giác để đoán có cuộc đụng độ nào vừa nổ ra hay không.Guy cố nói vài lời trấn an lính gác rằng theo như hắn thấy cho tới giờ này, tình hình đô thành vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ VNCH. Nhưng hắn biết rõ những lời vỗ về đó không thể làm họ thật sự yên tâm. Cuối cùng, khi mọi sự im lặng trở lại, Guy rời cửa sổ quay về bàn giấy, ngồi xuống, tiếp tục nghiên cứu bản báo cáo dài lê thê vừa do một phái viên mới tuyển ở lục tỉnh gởi về. Hắn cố tập trung vào lối hành văn lủng củng và nội dung rối rắm của nó để phân biệt đâu là ý kiến chủ quan của người viết đâu là sự kiện cụ thể đáng ghi nhận. Cứ thế, dần dần Guy không còn nghe ra tiếng pháo và rồi, chỉ một lát sau, hắn gần như không còn để ý tới các tiếng động chung quanh.Trong khi Guy Sherman ngồi giải quyết công việc thì bên trong một ga-ra sửa chữa ô tô khoá kín cửa trên đường Phan Thanh Giản, cách Đại sứ quán Mỹ khoảng tám trăm thước, một toán hai mươi đặc công cảm tử tinh nhuệ của Tiểu đoàn C-10 thuộc Lực Lượng Võ trang Giải phóng Nhân dân tụ tậïp kế bên chiếc xe vận tải nhẹ một tấn, hiệu Peugeot. Trên sàn xi-măng loang lổ vết dầu nhớt dưới chân các đặc côngï, sắp sẵn các thúng gạo và mấy cần xé cà chua bên trong giấu những bộ phận rời của súng phóng hỏa tiễn B-40, súng chống tăng ba-zô-ca, súng máy, lựu đạn và cả ngàn băng đạn. Nhưng lúc này, các du kích quân tạm thời không ngó tới vũ khí. Họ đang dồn mọi con mắt vào viên chính ủy đứng với tờ giấy đánh máy dưới một bóng đèn không có chụp, treo lơ lửng giữa trần nhà đầy mạng nhện. Vách ga-ra bằng tôn mỏng, cửa sổ chỉ được che kín bằng bao bố, âm thanh nào hơi lớn một chút là có thể lọt ra ngoài nên người bên trong chỉ có thể nói thì thầm. Tuy thế, với vẻ mặt cực kỳ nghiêm trọng, giọng của viên chính ủy vừa đủ nghe nhưng vẫn nhấn mạnh từng tiếng để nội dung khích động của lời kêu gọi thấm sâu vào lòng từng chiến sĩ sắp vào trận.- “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!” — đó là lời của Hồ Chủ tịch phát đi từ Hà Nội cho tất cả các cán bộ và chiến sĩ tham gia cuộc tổng tấn công lịch sử này. Câu chúc Tết đó của Bác Hồ cũng là hiệu lệnh xung trận cho toàn thể quân đội và toàn thể nhân dân chúng ta.Càng nghe chăm chú, nét mặt của các đặc công càng căng thẳng khi nghĩ tới cuộc tấn công quyết liệt sắp tới, do chính họ chủ động. Y phục của toán đặc công không người nào giống người nào với những màu sắc đen, tím, nâu... lộn xộn. Đầu không đội mũ. Chân đi dép Nhật. Bên trên chiếc quần tây nhăn nhó là áo sơ-mi bèo nhèo. Kiểu cách ăn mặc ấy thích hợp với nhân dáng người nhà quê, làm họ trông giống như phu phen lao động nặng nhọc và không gây chú ý khi di chuyển trong thành phố tới chỗ tập trung quân. Và lát nữa, người ta sẽ thấy toán đặc công không có vẻ gì đặc biệt nếu bị chặn hỏi trên chuyến xe chở họ tới đột nhập khuôn viên và tòa nhà của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Người trẻ nhất trong toán quyết tử là Ngô Văn Kiệt, cháu thừa tự duy nhất của kẻ từng có thời là “chú bồi” trại săn của Jacques Devraux. Mím miệng và liếm môi, Kiệt gồng người bóp chặt hai nắm tay và ép thật sát vào hai cạnh sườn để đè nén cảm giác khích động đang làm lộn lạo ruột gan.Hai gò má Kiệt còn nguyên vẻ bầu bỉnh, không một sợi lông măng, với hai con mắt thơ ngây của một thiếu niên mười bảy tuổi. Đồng đội khi muốn chọc quê cậu vẫn gọi đùa là “Ốc Tí”, như Ngô Văn Đồng, người cha quá cố thường gọi thuở cậu còn là thiếu nhi giao liên. Trong khi nghe chính ủy nói, hai mắt Kiệt không nhấp nháy. Cậu cố dương dương khí thế để che lấp số tuổi còn quá nhỏ của mình. Ngược lai, mấy đầu ngón tay của cậu thỉnh thoảng âm thầm sờ vào đường lằn quanh hông, chỗ phía dưới thắt lưng, nơi cậu quấn chặt quanh mình một dải lụa màu xanh đỏ và lận thật kỹ bên trong hai lớp vải quần ka ki vàng và áo sơ-mi nâu. Mọi khi, cậu giấu dải lụa ấy ở nơi chỉ một mình cậu biết, nhưng lần này, cậu đeo nó theo trong người vì đây là đêm mười chết một sống.Dải lụa xanh đỏ ấy rất cũ, gần như phai màu hết một nửa. Nó nguyên là băng cờ xung trận thuở nào được thân phụ của Kiệt, cùng kề vai sát cánh với ông nội và chú của cậu, phất lên thật cao khi phóng bàn chân trần lao vào trại binh của Pháp tại Yên Bái năm 1930. Sau đó, nó được truyền lại cho Kiệt vào ngày đầu tiên cậu được kết nạp làm thành viên đội thiếu nhi giao liên của Mặt trận Dân tộc GPMN tại Mộc Linh. Dù trong lòng tự hào vô bờ bến về dải băng cờ đó, Kiệt lúc nào cũng theo đúng lời dặn nghiêm khắc của cha là phải thận trọng giữ nó kín đáo tuyệt đối, cực kỳ bí mật. Tuy không hiểu rõ nguyên nhân nhưng Kiệt biết một thực tế là từ trước tới nay, các đảng viên Cộng Sản lớn tuổi tuy lớn tiếng hô hào đấu tranh cho độc lập dân tộc, họ vẫn đánh giá, một cách chính thức, rằng hoạt động thuở trước của những người dân tộc chủ nghĩa đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng không đáng được liệt vào lịch sử cách mạng Việt Nam. Theo lời mẹ Kiệt kể lại, cha cậu có lần cắn chặt răng, âm thầm đốt bỏ một tài liệu học tập về công trạng của Đảng Cộng Sản Đông Dương trong đó có ghi lời phán xét của Bí thư thứ nhất Lê Duẫn rằng khởi nghĩa Yên Bái chỉ là một cuộc bạo động bất đắc dĩ, hăng hái nhất thời và non yểu của bọn tư sản, đồng thời, câu nói ‘Không thành công thì thành nhân’ của Nguyễn Thái Học chỉ biểu lộ đặc tính thiếu kiên trì của tầng lớp tiểu tư sản trí thức. Nhận định rẻ rúng ấy chưa phản ánh đúng mức thái độ quyết liệt của đảng Cộng Sản trong thực tế. Họ luôn luôn xem Việt Nam Quốc Dân Đảng là một kẻ thù tiềm ẩn và truyền kiếp. Khi đấu tố cải cách ruộng đất, họ hào phóng chụp chiếc mũ Việt Quốc lên đầu hàng chục ngàn con cháu địa chủ, trong đó có vô số người từng tham gia kháng chiến ở cấp ủy viên chính trị và cấp chỉ huy trưởng quân sự.Lúc này, viên chính ủy bắt đầu đọc chậm rải theo nguyên văn ghi trong tờ giấy:- Đúng theo lệnh tấn công của Ủy ban Trung ương của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Miền Nam, tất cả cán bộ và chiến sĩ của Lực lượng Võ trang Giải phóng lúc này hãy tiến lên tấn công thẳng vào các bộ chỉ huy địch, bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ và đập tan ngụy quyền ngụy quân bù nhìn, tay sai của Mỹ. Mục tiêu chủ yếu của chúng ta là phục hồi quyền lực cho nhân dân, giải phóng toàn bộ mười bốn triệu nhân dân Miền Nam và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng thiết lập nền dân chủ trên cả nước!Chính ủy ngước lên, mắt lấp lánh nhìn lần lượt từng bộ mặt của hai mươi chiến sĩ đặc công, rồi đọc tiếp:- Các đồng chí, cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968 này sẽ là trận chiến vĩ đại nhất trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc ta. Nó sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới nhưng nó cũng đòi hỏi nhiều hi sinh. Nó sẽ quyết định vận mệnh và sự sống còn của tổ quốc ta và làm rúng động thế giới... Đất nước chúng ta có một lịch sử bốn ngàn năm chiến đấu và đánh bại ngoại xâm, đặc biệt những chiến thắng vinh quang như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa và Điện Biên Phủ. Chúng ta đã đánh bại cái gọi là chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và chúng ta đang đánh bại cái gọi là chiến tranh giới hạn của bọn chúng. Giờ đây, chúng ta nhất quyết tiến lên đánh bại hoàn toàn bọn xâm lược Mỹ để phục hồi độc lập và tự do trên tổ quốc của chúng ta!Với ánh mắt mê mẩn, các đặc công quyết tử nhìn viên chính ủy từ cấp trung đoàn được đặc biệt điều xuống để động viên trung đội của họ. Rõ ràng họ bồi hồi xúc động bởi vẻ hùng tráng trong lối đọc đầy ấn tượng của ông ta. Hết thảy họ đều biết rõ rằng ông từng là tự vệ thành Hà Nội chiến đấu chống Pháp suốt cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất, từ thuở cách mạng bùng lên rồi kháng chiến trường kỳ, cuối cùng ông bị thương tại Điện Biên Phủ. Bàn tay phải của ông cụt hết ba ngón. Vết thương chiến trận ấy làm chân ông đi khập khểnh. Họ thấy ông cũng bị xúc động trước thời điểm này và ông không che giấu chút nào những giọt lệ long lanh trong mắt.Ông đọc tiếp, giọng rưng rưng:- Các đồng chí thân mến, bọn xâm lược Mỹ biết rõ chúng đang thua. Tiếng gọi xung phong để giành độc lập đang vang lên! Dải Trường Sơn uy hùng và sông Cửu Long vĩ đại đang chuyển mình để tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh lớn lao của sông núi! Đêm nay, các đồng chí phải hành động như những vị anh hùng của Việt Nam. Các đồng chí phải hành động với tinh thần và lòng tự hào của người chiến sĩ chân chính của Quân đội Giải phóng! Các đồng chí phải chiếm lĩnh Đại sứ quán Mỹ! Phải giết sạch bọn chúng ở trong đó! Phải đẩy lùi tất cả các nỗ lực tái chiếm của địch! Các đồng chí phải chiến đấu tới giọt máu cuối cùng — và không bao giờ đầu hàng!Hạ thấp tờ giấy rồi với hai con mắt rực lửa, ông thêm lần nữa lần lượt nhìn chầm chậm vào mặt từng cảm tử quân:- Đồng chí ạ, chiến thắng cuối cùng nhất định sẽ về ta!Hai mươi đặc công đồng lòng như một, cùng nhau lặp lại lời thúc quân tối hậu ấy với giọng thì thào khản đặc: “Chiến thắng cuối cùng nhất định sẽ về ta!” Họ vừa hô vừa cung tay đưa lên cao quá đầu mình. Viên chính ủy đứng nhìn hết người này tới người nọ thêm ba mươi giây nữa rồi trở gót, chuồi người thật êm và thật lẹ ra khỏi ga-ra.Lập tức cậu thiếu niên Kiệt cùng mười chín đồng đội bắt đầu xúc gạo ra khỏi thúng, lấy hết cà chua ra khỏi cần xé, để lộ ra những vũ khí đạn dược đã được lén lút đem vào trung tâm Sài Gòn suốt tuần lễ vừa qua. Sau khi lẹ làng ráp súng, các đặc công chuyền vũ khí, ếm hết sức cẩn thận lên thùng xe Peugeot và cốp của một chiếc xe tắc xi Renault nhỏ, móp méo, sơn màu trắng xanh, đã đậu sẵn ở mé sau ga-ra. Kiệt chạy ra kéo mạnh sợi xích sắt, nâng liếp cửa mở thẳng ra đường. Trong khi xích còn rung lẻng xẻng, hai chiếc xe đã chạy ra ngoài và Kiệt thả sợi xích, chạy theo nhoài người đu lên xe tải. Mười phút sau khi viên chính ủy đọc xong lệnh ra trận, hai chiếc xe nổ bình bịch, không bật đèn, nối đuôi nhau chạy qua mấy con đường Sài Gòn vắng vẻ, tiến vào mục tiêu.