XUẤT BẢN LẦN THỨ BA
có hiệu đính và bổ túcNXB INTERNETCANADA – HOA KỲ – 2007
Những gì quá khứ mới chỉ là khúc dạo đầu.• l ShakespeareTôi cảm thấy rằng được sống sót là mắc nợ người đã chết điều gì đó. Đó là nỗi ám ảnh phải nhớ đến họ, và ai không nhớ đến người đã chết là thêm lần nữa phản bội họ.• l Elie Wiesel, nhà vănGiải Nobel Hòa bình 1986Lời Nói ĐầuAnthony GreyThư gửi bạn đọc Trăng Huyết
Trong mùa hè năm 2004, một người bạn Việt Nam trẻ tuổi của tôi hiện học tại Anh đã đọc Trăng Huyết, bản phóng tác bằng tiếng Việt. Cô đối chiếu các phần của cuốn ấy với cuốn tiểu thuyết nguyên bản SAIGON của tôi, là cuốn hình thành cái lõi cốt yếu của tác phẩm khuếch đại và mới của người bạn đồng tác giả Nguyễn Ước. Vì tôi không biết và không đọc được tiếng Việt nên lúc ấy, tôi không có ý niệm về những gì Nguyễn Ước đã làm đối với bản văn của tôi. Trước khi thực hiện tác phẩm ấy, anh không tham khảo ý kiến tôi, cũng không tìm cách xin phép tôi cho tới khi anh đã hoàn tất. Thậm chí khi viết thư này, tôi vẫn không biết thật cặn kẽ những gì chứa đựng trong 400 trang mà anh thêm vào — ngoài việc biết rằng những thay đổi trong giai đoạn sau năm 1945 thì nhiều hơn trong phần đầu của cuốn truyện.Trước đây, tôi biết qua lời của chính Nguyễn Ước giải thích với tôi rằng anh nồng nhiệt tin tưởng cuốn tiểu thuyết của tôi với những đoạn thông tin và diễn dịch do anh thêm vào là “bộ tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà bình mà người dân Việt Nam đang trông đợi”. Trong lần liên lạc thứ nhất, anh nói với tôi rằng anh cảm thấy nó có sức mạnh “hòa giải và giải phóng” người dân Việt Nam khỏi những xung khắc thời quá khứ. Nhận thấy mình xúc động bởi niềm xác tín đó, tôi bất giác quyết định không chống lại cũng như không phản đối tức thời việc Nguyễn Ước đã làm.Tuy thế, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm khi người bạn sinh viên Việt Nam trẻ tuổi tại Anh ấy nói với tôi rằng cô rất xúc động qua những gì cô đã đọc. Cô nói, “Tôi xin cám ơn ông đã viết cuốn sách này. Tôi đã biết được rất nhiều về xứ sở và dân tộc của tôi mà trước đây tôi chưa hề biết. Tôi nghĩ rằng giá trị lớn lao nhất của cuốn truyện này là nó bảo tồn ký ức lịch sử cho những thế hệ mới của người Việt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Tôi cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết rất quan trọng cho dân tộc Việt Nam — và cũng cho mọi người khác nữa.”Vào năm 2005 này, ba mươi năm sau ngày Sàigòn thất thủ, dường như thế giới của chúng ta đang là chốn nguy hiểm hơn bao giờ hết. Cuộc chiến tranh cay đắng ở I-rắc do người Mỹ khởi động xâm lăng đầu năm 2003 đang ngày càng bị so sánh với cuộc chiến tranh Việt Nam trong hai thập niên 1960 và 1970. Dù sao, khủng bố và giết chóc vì lý do tôn giáo và chính trị đang lan rộng toàn cầu hơn bao giờ hết.Dường như toàn thể hành tinh của chúng ta hiện sống với trạng thái đề phòng hằng ngày sẽ có thêm một hành động “khủng bố” tập thể nữa. Trong tình huống ấy, điều quan yếu là những người mà số lượng ngày càng nhiều thêm trên thế giới, đang mãnh liệt khao khát chấm dứt vĩnh viễn toàn bộ chiến tranh và tàn sát, nên tin rằng có những lý do để cảm thấy mình được khích lệ. Đối với tất cả chúng ta, điều quan trọng là có những nền tảng để tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn và để không bị ám ảnh bởi sợ hãi.Ở cấp độ cao nhất, mục đích tái bản cuốn trường thiên tiểu thuyết khuếch đại [Trăng Huyết] này về những cuộc chiến lâu dài và cay đắng tại Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 là để nhắc nhở chúng ta thảm kịch kinh hoàng và vô ích của mọi cuộc chiến, cách riêng các cuộc chiến xuẩn động. Cả Việt Nam lẫn I-rắc đều rơi vào bản liệt kê buồn bã đó. Mọi người đều đau khổ trong các thời kỳ bi thảm như thế và chẳng một ai thật sự chiến thắng. Chiến tranh biến hết thảy chúng ta thành nạn nhân. Lúc này, điều quan yếu cho thế giới của chúng ta là tiến tới một trạng thái sinh tồn trong đó chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề giữa các dân tộc và các quốc gia mà chẳng cần tới bạo động và giết chóc. Cũng quan yếu không kém là việc chữa trị những vết thương khủng khiếp về tâm lý và thể lý của quá khứ, để giúp tạo dựng một tương lai hòa bình và tốt lành hơn cho tất cả chúng ta.Khi cuốn SAIGON được xuất bản lần đầu năm 1982, tôi ngạc nhiên và vui thích thấy nó trở thành sách bán chạy ở tầm quốc tế tại 15 nước, nói chín ngôn ngữ khác nhau. Thật rất hài lòng khi tại Việt Nam và Hoa Kỳ, nó được dùng trong lớp học để dạy dỗ các sinh viên sĩ quan trẻ tuổi của hải quân và quân đội — Đại học Quốc phòng của Quân đội Nhân dân tại Hà Nội và Học viện Hải quân Hoa Kỳ tại Anapolis. Nguyễn Ước đọc cuốn tiểu thuyết ấy lần đầu tiên bằng tiếng Anh lúc anh tới được trại tị nạn ở Indonesia sau khi trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền vào cuối thập niên 1980. Anh kể rằng anh đã khóc khi đọc nó hết phần này sang phần khác. Mãi về sau, anh quyết định dịch và tự chủ xướng việc khuếch đại vì anh cảm thấy cuốn truyện ấy, với sự thêm vào các sự kiện lịch sử cùng hư cấu nào đó của anh như một kẻ trong cuộc, sẽ khiến độc giả người Việt nhận ra rằng sự thật giải phóng chúng ta và hoà giải chúng ta.Như đã nêu rõ, tôi quyết định cứ tin vào sự bảo đảm mà Nguyễn Ước đã viết cho tôi, rằng anh không phản bội hình thức và dự phóng trong cuốn tiểu thuyết nguyên bản của tôi. Tôi phải bảo lưu quyền thẩm định đầy đủ và có cân nhắc cho tới một thời điểm tôi biết chính xác từng chữ những gì anh đã viết. Trong lúc này tôi đang đi theo con đường riêng của mình để SAIGON được dịch riêng biệt ra tiếng Việt, đúng chính xác những gì tôi viết mà không có bất cứ thêm thắt nào, và để cho nó được xuất bản công khai bởi một nhà xuất bản của người Việt tại Việt Nam. Như tôi đã viết vào tháng Chạp năm 2004, hiện ở Hà Nội đang có những thảo luận bước đầu về việc đó, nhân danh tôi, và chưa có kết quả rõ ràng. Tuy thế, tôi không biêt việc xuất bản ấy sẽ xảy ra sớm hay muộn — hoặc quả thật bao giờ.Rõ ràng Nguyễn Ước đã hết lòng với đam mê, lý tưởng và nghị lực để viết nên Trăng Huyết. Nếu anh ấy có lý và cuốn sách này có thể đóng góp đầy ý nghĩa để chữa trị và hòa giải các vết thương quá khứ, thì bằng những cách thức nhỏ bé, một tương lai hoà hợp hơn sẽ bắt đầu để làm nổi bật dân tộc Việt Nam — và việc đó chắc chắn dẫn tới kết quả là sẽ làm xúc động người dân của các quốc gia khác. Lúc ấy, mọi nỗ lực cần cù của Nguyễn Ước sẽ đáng giá. Dù xảy tới tình huống nào đi nữa, tôi vẫn ca ngợi hoài bảo, sự tự phát, những lao động tận tụy của anh và mong anh ấy gặp may mắn.Sự ngưỡng mộ và mến cảm của tôi đối với Việt Nam và dân tộc can trường cùng độc đáo ấy ngày càng tăng kể từ khi tôi bắt đầu nghiên cứu và viết cuốn SAIGON. Sự tái tục dính líu tới Việt Nam được gây ra bởi sự xuất hiện nổi bật của Trăng Huyết và việc tái bản tại Anh ấn bản mới cuốn SAIGON bằng tiếng Anh vì thế đang là nguồn khoái cảm lớn lao cho tôi. Vậy tôi xin cám ơn tất cả những ai quan tâm và chúc cho tất cả những ai đang đọc các trang này một hoà bình lâu dài và sự hòa hợp ngày càng tăng trong cuộc sống hằng ngày.• Bản dịch của Nguyễn Ước.• Xin xem nguyên văn tiếng Anh ở cuối Tập IVLời Giới Thiệucủa Nguyễn Minh DiễmNăm 1982, một nhà báo Anh từng làm việc và trải qua tù đày tại Trung Quốc nhưng chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam tên là Anthony Grey xuất bản cuốn tiểu thuyết SAIGON dày gần 800 trang khổ lớn (bản in của Nxb Little, Brown and Company-Boston-Toronto năm 1982 dày 787 trang kể cả bạt). Có thể nói Saigon trước hết là một tiểu thuyết lịch sử, vì nó dựa trên những sự kiện có thật, những diễn biến có thật, nhiều nhân vật có thật và các tình tiết của truyện trải dài theo dòng chảy của 50 năm lịch sử Việt Nam, từ 1925 đến 1975. Nó còn mang ý nghĩa lịch sử hơn khi mà để xây dựng tác phẩm, Anthony Grey đã phải bỏ ra suốt ba năm nghiên cứu sách vở tại các thư viện và thư khố ở Paris, Luân đôn, Washington D.C. và đại học Harvard. Ông đã tham khảo vài trăm cuốn sách và hàng ngàn tài liệu liên quan đến Việt Nam. Ông cũng từng gặp, trao đổi và xin ý kiến của các sử gia, nhà nghiên cứu và nhà báo nổi tiếng thế giới về những vấn đề của Việt Nam. Trong đó, có chuyên gia về Việt Nam trước thế chiến thứ hai Virginia Thompson; chuyên gia về Điện Biên Phủ Jules Roy, nhà nghiên cứu Mặt Trận Giải phóng Miền Nam Douglas Pike, tiểu thuyết gia Frank Snepp và nhiều người khác nữa, kể cả các chuyên gia về tình báo và quân sự ở Đông Nam Á. Tinh thần và cung cách làm việc như thế cho thấy tham vọng của Grey là dựng lại cả một giai đoạn lịch sử của Việt Nam như một tổng hợp, như một bức tranh toàn cảnh. Chính vì tinh thần làm việc nghiêm túc như thế mà Saigon đã được dùng như tài liệu giảng dạy về hai cuộc chiến Đông Dương cũng như lịch sử Việt Nam cho sinh viên sĩ quan Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis. Tác phẩm cũng đựơc dịch từng phần để làm sách tham khảo cho sinh viên sĩ quan của Học viện Quân sự Hà Nội, theo bức thư Anthony Grey viết cho Nguyễn Ước được in lại ở cuối sách.Nhưng trước hết, Saigon là một tiểu thuyết, cho dù nó có bám sát lịch sử đến đâu, và Anthony Grey khi viết cuốn truyện dài này đã có một mục đích rõ rệt, như ông xác nhận sau đó, là mang đến sự hoà giải, để “góp phần hàn gắn những vết thương khủng khiếp và những đau khổ mà người dân ở mọi phía trong xứ sở Việt Nam vốn đã bị tả tơi vì một cuộc chiến quá dài, dài hơn của bất cứ xứ sở nào”. Chính vì hoài bão mục đích ấy, mà các nhân vật trong Saigon đều được Anhony Grey cho một sức sống mãnh liệt, kiên quyết và có phần cực đoan, mê mị, lúc yêu đương cũng như lúc thù hận, lúc sống, cũng như lúc chết. Nếu coi Saigon là một sân khấu, thì những con người mà Anthony Grey tạo ra và đưa lên sàn diễn đều đã sống hết mình, hoạt động hết năng lực và không nghỉ ngơi trước khi rời khỏi ánh đèn. Những tính cách mạnh mẽ, năng động và cực đoan ấy của nhân vật có thể là do bản tính cá nhân, có thể là do hoàn cảnh hun đúc, mà cũng có thể là do một thế lực nào đó cố tình huấn luyện để sử dụng, nhưng nhất định chúng là nguồn gốc sâu xa của tấn bi kịch kéo dài quá lâu nơi đất nước Việt Nam, và khiến dân tộc chúng ta đã phải trả một giá quá đắt.Tuy nhiên, dù Anthony Grey tài ba cách nào thì ông cũng vẫn là một người phương Tây từ ngoài nhìn vào đất nước Việt Nam, ông có tài giỏi cách mấy thì ông vẫn không thể nhập vai người Việt Nam, và khung cảnh sống cũng như các nhân vật ông tạo ra vẫn không tránh khỏi có phần khập khiễng, lạc loài dưới con mắt phân tích của độc giả người Việt vì họ chỉ là “người Việt gốc ngoại”, được xây dựng từ kiến thức, sách vở về đất nước, con người cũng như lịch sử và văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, giống như công chúa ngủ trong rừng, Saigon đã gặp nguyễn Ước, để khung cảnh và các nhân vật của nó được thổi một luồng sinh khí Việt Nam để chúng được tái đầu thai. Nguyễn Ước đã làm một công việc chưa từng có là viết thêm vào một cuốn tiểu thuyết đã xuất bản và đang lưu hành. Từ trên 800 trang của Saigon, ông đã viết thêm khoảng 1/3 nữa để thành trường thiên tiểu thuyết TRĂNG HUYẾT dài hơn 1200 trang (Bản in của nhà xuất bản Nhân Văn, Canada năm 2004 gồm hai cuốn cùng khổ với Saigon, dày 621 trang và 645 trang). Mặc dù giữ nguyên bố cục của Saigon với tám phần, bắt đầu từ năm 1925 đời vua Khải Định, cho đến cuối tháng Tư năm 1975, Nguyễn Ước đã “viết chêm vào, khi thì trọn một chương, khi thì vài đoạn nghĩ tưởng, vài lời đối thoại, nhiều nhân vật phụ, v.v. để chính đính, minh hoạ; đào sâu tâm lý của các nhân vật người Việt, bổ túc nhiều chi tiết về hoàn cảnh chính trị, khuynh hướng cách mạng bản địa và thời đại, sự kiện lịch sử, nghi lễ cung đình, phong cảnh, nếp nghĩ, tục lệ và văn hoá dân tộc, v.v.” và điều mà ông “chủ tâm hơn cả là cố gắng để nói lên Việt tính của nhân vật và sự kiện, đồng thời trình bày sao cho hợp với cảm quan của độc giả người Việt”.Chính trong ý nghĩa ấy, có thể nói là Nguyễn Ước đã góp phần sáng tạo các nhân vật, và cả khung cảnh sinh hoạt nữa để họ trở thành những người Việt Nam, sống trong xã hội Việt Nam với những nét văn hoá đặc thù và nhờ thế mà độc giả người Việt chúng ta có thể buồn vui theo họ. Nguyễn Ước quả nhiên cũng là một tác giả, và điều độc đáo đã được thực hiện: một tác phẩm tổng hợp của hai người chưa bao giờ gặp nhau, hoàn thành phần nọ cách phần kia hơn 20 năm đã ra đời như một tổng hợp của kiến thức, tài năng và cảm tính.Trường thiên tiểu thuyết TRĂNG HUYẾT kết thúc khi chiếc máy bay trực thăng cuối cùng rời khỏi sân thượng toà đại sứ Mỹ tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố Sàigòn rạng sáng ngày 30 tháng tư năm 1975, như một dấu chấm hết cho cái tên “Saigon” từng tồn tại gần 300 năm trước của thành phố được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn đông”. Rất có thể sự bức tử của cái tên ấy đã khiến nó được dùng làm tên cho cuốn tiểu thuyết của Anthony Grey. Còn tên Trăng Huyết mà Nguyễn Ước đặt cho cuốn tiểu thuyết viết chung với Grey từ Saigon thì lại thành hình từ nỗi xúc động khi trôi theo nửa thế kỷ đau thương ly loạn trên khắp đất nước Việt Nam vì, như ông nói ở cuối sách, “trăng huyết” là trăng đỏ như máu, trăng báo điềm, và làm chứng cho nửa thế kỷ đau thương của đất nước.Khởi điểm của truyện là năm 1925, khi mà sự thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam bắt đầu gần 70 năm trước đó đang bị lung lay tận gốc bởi sự hà khắc của chế độ thực dân đã lên đến cực điểm, cũng có nghĩa là nỗi hận thù của dân chúng đã đến mức không thể đè nén được, trong khi số người đựơc giáo dục theo Tây học, có kiến thức về nhân quyền, dân quyền thì đã đủ để trở thành một lực lượng lãnh đạo có khả năng.Năm mươi năm của cuốn trường thiên tiểu thuyết Trăng Huyết có thể coi như giai đoạn sôi động nhất trong lịch sử cận và hiện đại Việt Nam, nếu so sánh với 25 năm trước đó, và 30 năm sau đó. Mà sôi động thật, vì một khi đã bắt đầu bắt đầu dở sách ra, thì người đọc liền bị cuốn hút vào nhịp sống sôi nổi của các nhân vật, sự mãnh liệt và cuồng nhiệt của từng cảnh huống cũng như sức đi vũ bão của các sự kiện lịch sử. Sự thảnh thơi ngồi yên thưởng thức một ly cà phê hay một ly rượu hình như chỉ xuất hiện một lần ở đầu truyện, khi các vị khách rồi sẽ thành nhân vật chính của truyện mới chỉ vào đến lãnh hải Việt Nam, chứ chưa đặt chân lên đất Sàigòn. Sau đó, thì không có lúc nào và không có ai được “rảnh rang” như thế nữa. Tương tự như nhiều tác phẩm vĩ đại kinh điển, ngay trong phần đầu dài 151 trang của Trăng Huyết (từ gần 100 trang của Saigon, với tiểu tựa rất súc tích và giầu hình tượng: Đời thuộc địa là thế!), tác giả đã giới thiệu các nhân vật chính của truyện, bao gồm thành viên của bốn gia đình mang tính đại biểu cho cái xã hội chứa đầy mâu thuẫn của Việt Nam trong suốt mấy chục năm của truyện. Tác giả đã minh họa nhiều cảnh tượng tiêu biểu của cái xã hội phân hóa, chất chứa vô vàn bất công, bất nhân, bất nghĩa và vô lý, cùng những đối nghịch không thể hóa giải, để xây dựng những nhân vật có thể coi như đại diện của từng thành phần. Những nhân vật ấy, theo diễn biến của lịch sử và định mệnh trải dài gần 1200 trang sách của 50 năm biến động nhất trong lịch sử Việt Nam, rồi đây sẽ gắn liền với nhau bằng tình yêu cũng như thù hận. Tình yêu thì cuồng nhiệt, và hận thù thì sục sôi, nhưng cả hai loại tình cảm ấy đều kiên định, đều cực đoan, và đều có phần mê mị do sự tàn khốc của định mệnh, cũng như đòi hỏi của hoàn cảnh hay phương pháp đấu tranh của các phe phái và chủ nghĩa.Nhân vật chính của Trăng Huyết là Joseph Sherman, người Mỹ, đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1925, khi mới 15 tuổi. Cậu cùng cha mẹ và anh đến thăm miền Nam Việt Nam, lúc ấy là một thuộc địa của Pháp. Là con của một thượng nghị sĩ, sinh ra và lớn lên trong một quốc gia tự do dân chủ, được giáo dục về giá trị cao quý của con người “vốn được sinh ra bình đẳng, và được tạo hoá ban cho những quyền không ai có thể xâm phạm, trong đó có quyền đựơc sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc”, Joseph đã có dịp được chứng kiến tận mắt những cảnh ngộ trong đó con người bị đối xử như một con vật, một phương tiện, một dụng cụ, hay một trò chơi tùy ý và tùy sức “sáng tạo” của chủ nhân, mà những chủ nhân ấy thường khi lại bệnh hoạn, hay ít nhất lệch lạc tính dục, khiến thú vui của họ càng mang vẻ quái đản, hoang dã và tàn bạo hơn. Đó chính là xã hội Việt Nam vào năm 1925, dưới sự cai trị trực tiếp của người Pháp.Cuối Phần thứ nhất, nghĩa là chỉ sau một thời gian ngắn ở Việt Nam, cậu thiếu niên Joseph đã có những thay đổi, chuẩn bị cho cậu sẵn sàng bắt đầu chuyến phiêu lưu trải dài đến dòng cuối của truyện: Cậu đã lần đầu tiên hưởng thú vui của dục tình, đã gặp những nhân vật Pháp cũng như Việt rồi đây sẽ trở thành đại diện cho những lực lượng và những phe phái chính trong cuộc chiến tranh nhiều mặt, kéo dài nhiều giai đoạn, mà lúc nào cũng khốc liệt và không bao giờ khoan thứ. Quan trọng nhất là Joseph gặp Kiều Lan, lúc ấy là một cô bé mười tuổi trong một hoàn cảnh đầy kịch tính. Cô là định mệnh của cậu, vì sau đó, sợi chỉ nối kết mọi diễn tiến trong truyện chính là mối tình vừa lãng mạn, dữ dội, vừa oan nghiệt như đã tiền định từ kiếp nào, lại vừa mang tính đam mê sáng tạo của hai người. Mối tình ấy, từ khi nẩy sinh, đã chi phối mọi vui buồn, mọi diễn tiến, mọi quyết định trong đời Joseph dù chính anh ý thức được hay không.Trong bốn người của gia đình Joseph đến thăm Việt Nam, thì đến cuối chương một, anh trai đã chết thảm, ông bố mất một cánh tay và vĩnh viễn mang bộ mặt biến dạng do tai nạn trong một chuyến đi săn ở gần Sàigòn. Thê thảm hơn, bà mẹ không còn là người cậu tuyệt đối kính yêu nữa, và niềm tin về sự bình đẳng của loài người như một tặng phẩm của tạo hoá cũng đã trôi đi theo những cơn mưa nhiệt đới trong rừng, khi cậu đứng chết trân chứng kiến những cảnh mà cho đến cuối truyện, và có lẽ cuối đời nữa, không bao giờ rời khỏi tâm trí của cậu.Gia đình thứ nhì được giới thiệu trong chương đầu tiên của truyện là vợ chồng Ngô Văn Lộc cùng hai con trai Ngô Văn Đồng và Ngô Văn Học. Đây là gia đình mà vì lòng hận thù tổng hợp tận cùng với thực dân Pháp, đã theo cách mạng, mới đầu là Quốc Dân đảng, rồi Việt Minh Cộng sản, và sau nữa là Bắc Việt Nam. Ước vọng duy nhất của gia đình này lúc đầu là giết ngoại xâm, rồi sau là để trả thù. Lòng hận thù của các thành viên trong nhà này cao và mãnh liệt đến nỗi mỗi khi họ xuất hiện, người đọc lại hồi hộp vì biết sẽ có máu đổ, mặc dù chưa biết là ai sẽ chết. Gia đình thứ ba là hai cha con người Pháp Jacques và Paul Devraux, lúc bấy giờ là chủ nhân của gia đình Lộc. Jacques sau trở thành người cầm đầu mật thám Pháp tại Đông Dương, còn Paul là sĩ quan quân đội Pháp trú đóng tại Yên Bái rồi Điện Biên Phủ. Cuối cùng là gia đình quan đại thần Trần Văn Hiếu của Nam Triều. Trong khi ông Hiếu trung thành với triều đình Huế và do đó cực kỳ tôn kính người Pháp, thì người con trai thứ của ông là Trần Văn Kim lại cấp tiến và theo cách mạng, về sau trở thành một cán bộ Cộng sản cao cấp. Con gái út của gia đình là cô Lan mặc dù được giáo dục theo lễ giáo phong kiến, nhưng lại mang một tinh thần nổi loạn. Cô trao thân cho Joseph sau khi gặp nhau chỉ vài lần và có một con gái với anh ta trước khi lấy Paul. Con trai của Lan với Paul sau trở thành sĩ quan Quân lực Việt nam Cộng hòa. Người về sau tử trận chỉ mấy năm sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Chồng Tuyết theo Cộng sản, nên bị chính phủ miền Nam bắt và tra tấn đến chết, để lại cho cô hai con nhỏ. Tuyết quyết tâm đòi nợ máu nên gia nhập Mặt trận GPMN và chạm trán tại trận địa mà không biết với người anh cùng mẹ khác cha. Tuyết và hai con - một trai tên Chương, một gái tên Trinh, sau Tết Mậu Thân ra sống ở ngoài Bắc. Tuyết và Chương chết mất xác trong một vụ oanh tạc của không quân Mỹ. Trinh theo đoàn quân Nam tiến, gặp được Joseph và hai ông cháu lên được chuyến trực thăng cuối cùng rời toà đại sứ Mỹ ở Sàigòn lúc rạng sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Câu chuyện chấm dứt với lời Joseph vỗ về bên tai Trinh: Cháu đừng lo. Ông cháu mình an toàn rồi - mọi sự rồi sẽ ổn thoả hết.Tác giả đã cho Joseph Sherman thực hiện một cuộc phiêu lưu kỳ lạ đầy bất ngờ dọc theo 50 năm của lịch sử Việt Nam. Anh ghé đất nước Việt Nam nhiều lần, mỗi lần là một cột mốc của đời anh, mà cũng là cột mốc của lịch sử. Không chỉ có mặt ở Sàigòn vào những thời điểm đặc biệt như khi vừa chấm dứt Thế chiến hai, trong giai đoạn cuối của Đệ nhất Cộng hòa, trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, những ngày Tết Mậu Thân, và khi Sàigòn thất thủ, Jospeh còn lái xe dọc theo quốc lộ một, chứng kiến cảnh hoang tàn của chiến tranh và nạn đói. Anh cũng ra Huế để thấy cảnh vua Bảo Đại thoái vị. Anh còn có mặt ở hang Pắc bó vào khi đội Tuyên truyền Giải phóng quân bắt đầu thành lập, ở Hà nội trong ngày 2 tháng Chín năm 1945, và từng đến thăm doanh trại của quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Joseph cũng hiện diện tại Paris trong thời gian các phe phái đang thảo luận về dự thảo một hiệp định đình chiến năm 1973, và tại Hoa Kỳ vào khi phong trào phản chiến lên đến cao điểm. Chính vì thế, mà trong truyện, tất cả các sự kiện chính trong 50 năm lịch sử cận và hiện đại của Việt Nam đều đựơc nói đến. Không chỉ nói đến, mà còn mô tả một cách tương đối chi tiết và chính xác. Không chỉ cảnh, mà cả con người nữa cũng được mô tả bằng những nét rất sắc rất gọn, từ những nhân vật phụ chỉ nhằm minh họa một hoàn cảnh, cho đến những nhân vật lịch sử như vua Bảo Đại, anh em ông Ngô Đình Diệm, ông Hồ Chí Minh, ông Dương văn Minh vân vân. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi rằng có lý nào mà tất cả các nhân vật ấy lại có thể xuất hiện trong dòng đời của một người thôi mà không có sự gượng ép nào trong việc xây dựng truyện, nhưng khi dong ruổi cùng Joseph qua hơn 1000 trang của Trăng Huyết, ta sẽ thấy là chuyện ấy xẩy ra thực, xẩy ra một cách nhuần nhuyễn và hợp lý nhờ những thủ thuật của tác giả. Rất có thể là tác giả đã muốn tận dụng mọi kiến thức của mình về lịch sử Việt Nam, nhưng lại nhân đó, cho chúng ta được thưởng thức một trường thiên tiểu thuyết lịch sử hàng đầu cho đến nay.Khi đọc đến dòng cuối của truyện, biết rằng hai ông cháu Joseph và Trinh sống, sẽ an toàn và sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, người đọc cảm thấy bàng hoàng vì lẽ tất cả các nhân vật khác đều đã chết. Không một ai chết bình thường, và không một ai chết bình thản. Tất cả đều chết dữ dội và trong hận thù:Người chết đầu tiên là anh Chuck của Joseph, bị trâu rừng húc trong một cuộc săn: Chuck ngã xuống, bụng bị đâm thủng. Trong khi cậu quằn quại đau đớn dưới đất, con trâu húc cậu thêm cú nữa. Trong cú húc thứ hai, một chiếc sừng trâu thọc vô phổi Chuck nơi vùng cao phía bên trái lồng ngực. Mũi sừng nhọn hoắt đâm thấu trái tim cậu. Trong khi con vật rống lên, ngúc ngắc đầu trên cơ thể Chuck, cậu thấy sát ngay trước mặt mình những sợi lông xám quanh cái mõm đen sì và rộng. Chuck ngã xuống, bụng bị đâm thủng. Trong khi cậu quằn quại đau đớn dưới đất, con trâu húc cậu thêm cú nữa. Trong cú húc thứ hai, một chiếc sừng trâu thọc vô phổi Chuck nơi vùng cao phía bên trái lồng ngực. Mũi sừng nhọn hoắt đâm thấu trái tim cậu. (Phần I).Gia đình Ngô Văn Lộc chết cả nhà: Vợ Lộc chết trong tù vì bị mật thám Pháp tra tấn. Lộc bị Pháp bắn chết ở Sàigòn trong khoảnh khắc bắt đầu cuộc Nam bộ Kháng chiến, Học chết vì bị kết án tử hình khi thất bại trong cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng, còn hai cha con Đồng thì tan xác khi được đưa từ Bắc vào chiến đấu tại miền Nam dưới danh nghĩa của Mặt trận Giải phóng Miền Nam: Đang cố hết sức kéo thi thể con trai vào miệng địa đạo, Ngô văn Đồng bị bắn trúng. Trong chớp mắt, hai quả tên lửa làm nổ tung thân thể hai cha con ra hàng ngàn mảnh. Một luồng khói trắng khổng lồ và đất đen phụt lên thành hình xoắn ốc, làm mù mịt nơi tử nạn. Và chung quanh họ, địa đạo sụp xuống, biến thành một nấm mồ chôn cả cha lẫn con. (Phần VI).Cả năm người của gia đình Ngô Văn Lộc, kể cả con trai của ông, đều chết không toàn thây với lòng thù hận không nguôi, trong những tình huống khác nhau của chiến tranh. Cái chết của họ, cũng như của hai cha con kẻ thù bất cộng đái thiên của họ là gia đình Devraux cũng cho thấy cái sự bất tận của hận thù, một trong những góc độ của tình hình xã hội Việt Nam trong thời gian của cuốn tiểu thuyết: Jacques bị Cộng sản ám sát, còn Paul thì bị Việt Minh bắn chết khi Điện Biên Phủ thất thủ, sau khi quân đội Pháp đã đầu hàng, và người quyết tâm tìm giết anh chính là Đồng: Với vẻ mặt méo mó quằn quại, người Việt Nam ngoéo chặt ngón tay vào cò súng tiểu liên trong vài giây. Và người sĩ quan Pháp té chúi nhủi vào vách hầm rồi úp mặt xuống mặt đất đầy bùn, không một tiếng kêu và không bao giờ còn cử động. (Phần V)Hai cha con Lan cũng không thoát khỏi cái chết nát thây ngay trên đường phố Sàigòn vì một chú bé đang học làm biệt động thành: Quả lựu đạn miểng buộc nơi bắp đùi cậu bé phát nổ chát chúa. Nó hất tung toàn thân Trần văn Hiếu và cậu bé lên khỏi mặt đất, rồi cả hai cùng rớt xuống thành một đống nhầy nhụa. Nhiều người đi ngang cũng gục xuống chung quanh cả hai, dưới con mắt kinh hoàng của đám tây thuộc địa đang ngồi uống cà phê bên trong tầng trệt khách sạn Continental. Máu của người đi ngang trộn với máu của kẻ sát nhân và nạn nhân thành một vũng lênh láng trên vĩa hè. Nhờ té ngửa người dưới đất khi lựu đạn nổ nên Joseph thoát nạn. Nhưng khi đứng lên và đi loạng choạng tới vị trí vừa xảy ra cuộc ám sát, anh nhìn thấy Lan. Thân thể nàng nằm cách cha nàng khoảng nửa thước, co quắp và rạn vỡ. Anh không thấy được mặt Lan vì nàng nằm sấp trên vĩa hè nhưng chiếc áo lụa trắng nàng mặc biến lẹ làng thành màu đỏ thẩm trong ánh nắng chói lọi. Và từ trên đầu chít chiếc khăn xanh kỷ niệm tới khắp chân tay mảnh mai của nàng không có một dấu hiệu động đậy nào. (Phần V).Và rồi Tuyết, con người đau khổ bậc nhất trong truyện cũng chết bất ngờ và đau đớn cùng con trai trong một trận đánh bom của B 52 tại Hà Nội: Tới giữa trưa, Trinh [con gái của Tuyết] nhìn chằm chặp thi thể dập nát của Tuyết và Chương vừa được người ta kéo lên chung một lượt. Hai mẹ con đang rúc vào nhau khi quả bom xoáy trúng hầm trú ẩn. Cả mẹ lẫn con cùng tử nạn trong khi ôm lấy người nhau. Gào từng chặp, Trinh điên cuồng lao vào thi hài mẹ. Phải mất gần mười phút vừa năn nỉ vừa dỗ dành, nhân viên cứu hộ mới nhấc bổng được con bé lên, đưa nó đi khỏi hiện trường. (Phần VIII) Và còn nhiều cái chết khác nữa, kể cả chết vì bị ném xuống biển, như nhân vật lạ lùng nhất trong truyện là Đào Văn Lật.Song song và ẩn hiện sau những cái chết ấy là hận thù. Trong Trăng Huyết, người ta không hận thù một người hay một dòng họ, mà hận thù từng nhóm người, từng giai cấp, từng tập thể, hay cả dân tộc, nên hận thù mang tính hàng hàng lớp lớp và không ai thấy mình đủ thời gian cũng như sức lực để giết hay để trả hận. Máu lại đòi thêm máu và máu tạo thêm máu. Chính vì thế mà trong truyện, có khi người ta gào thét trước khi giết, và đâm chém thêm, nã súng thêm vào thây ma sau khi giết. Ít khi có tiểu thuyết nào mà con người đối xử với nhau tàn bạo đến thế, và cũng ít tiểu thuyết nào mà tác giả lại tàn nhẫn với các nhân vật của mình đến thế.Có thể là tác giả muốn cực tả sự tàn bạo và phi nhân của chiến tranh nói chung và cuộc chiến nhiều mặt ở Việt Nam nói riêng. Nếu thế, thì sự bàng hoàng của người đọc khi gấp sách lại, và sự rờn rợn suốt thời gian đọc truyện, khi thấy những dòng chữ đầy máu đổ thịt rơi hóa ra lại là sự thành công của tác giả. Dân tộc ta quả nhiên đã mang những vết thương khủng khiếp trong một cuộc chiến quá dài, quá rộng và quá tàn nhẫn.Virginia, Hoa Kỳ,Mùa thu 2004NỘI DUNG
Lời nói đầu của Anthony GreyLời Giới Thiệu của Nguyễn Minh DiễmNội DungBài Thơ Cảm Đề của Nguyễn ƯớcTẬP MỘTPhần I. Đời Thuộc Địa Là Thế!1925Phần II. Hận Thù Của Triệu Cu-li1929-1930TẬP HAIPhần III. Sông Hương1936Phần IV. Chiến Tranh Và Nạn Đói1941-1945TẬP BAPhần V. Điện Biên Phủ1954Phần VI. Thái Bình Kiểu Mỹ1963TẬP BỐNPhần VII. Chúng Tôi Tranh Đấu Đã Ngàn Năm1968-1969Phần VIII. Chiến Thắng Và Chiến Bại1972-1975Tái BútThay lời bạt của Hoàng Khởi PhongPhụ lục:Tiểu Sử Tác GiảPhỏng vấn của Đài Á châu Tự doNguyên văn Lời Mở đầu của A. GreyCảm ĐềTRĂNG HUYẾT
Năm mươi năm cát bụi lầm,Nghe bần bật máu tiếng thầm lời thiêng.Bầy chim Lạc thuở trời nghiêng,Quạt đôi cánh giữa oan khiên chập chờn.Bay qua bão lửa mưa nguồn,Đau cơn mộng dữ thiên đường âm u.Thì thôi rũ áo hận thù,Hương lòng bát ngát, phù du sắc đời.Ai về gối đất làm ngôi,Ta đêm chấm mực khóc người truân chuyên.N.Ư