THE STRUCTURE OF SCIENTIFIC REVOLUTIONS
Người dịch: Nguyễn Quang A
LỜI GIỚI THIỆU

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ mười hai° của tủ sách SOS2,  cuốn Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học của Thomas S.  Kuhn. Cuốn sách này đã trở thành kinh điển từ lần xuất bản đầu  tiên năm 1962. Bản dịch dựa vào bản xuất bản lần thứ ba năm  1996. Đây là một cuốn sách về triết học khoa học, phân tích cấu  trúc của các cuộc cách mạng khoa học, cấu trúc các cộng đồng  khoa học, sự phát triển của khoa học. Ông phân sự phát triển của  các khoa học thành các giai đoạn tương đối “ổn định” mà ông gọi  là khoa học thông thường, bị ngắt quãng bởi các thời kì được gọi  là cách mạng khoa học. Trong khoa học thông thường về cơ bản  không có cạnh tranh, các nhà khoa học tiến hành công việc khoa  học như việc giải các câu đố. Khi các dị thường (sự không khớp  giữa các tiên đoán và quan sát) xuất hiện, các nhà khoa học  thường tìm cách giải quyết nó, và thường thành công. Tuy vậy có  các dị thường có thể gây ra khủng hoảng. Khoa học khác thường nổi lên trong các giai đoạn như vậy. Nảy sinh nhiều trường phái  khác nhau. Vì có tự do tư duy và cạnh tranh, thường chỉ có một  trường phái duy nhất sống sót, và khoa học lại bước vào pha khoa  học thông thường mới. Tuy ông lấy các thí dụ chủ yếu từ lĩnh vực  vật lí học, cuốn sách đề cập đến khoa học nói chung, và chủ đề của nó càng có ý nghĩa đối với các khoa học xã hội, các khoa học  “chưa” thật “trưởng thành”.
Khái niệm paradigm do ông đưa ra được thảo luận chi tiết  trong cuốn sách này. Theo từ điển các từ Việt Nam tương ứng với paradigm là mẫu, mô hình. Do chưa có thuật ngữ Việt thống nhất  tương ứng, chúng tôi tạm dùng từ “khung mẫu” để chỉ khái niệm  này. Khung mẫu là cái mà một cộng đồng khoa học chia sẻ, là  hình trạng (constellation) của các cam kết của một cộng đồng  khoa học, là mẫu dùng chung của một cộng đồng khoa học. Có lẽ nên dùng nguyên paradigm thay vì “dịch” ra tiếng Việt. Trung  Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thường chỉ phiên âm các khái niệm  mới, không đặt vấn đề “dịch” khái niệm ra tiếng mẹ đẻ vì việc  dịch như vậy là không thể làm được và không có ý nghĩa [ma trận  xuất phát từ matrix phiên âm qua tiếng Trung Quốc là một ví dụ khá quen thuộc]. Trong bản dịch này khung mẫu không phải là từ “được dịch” của paradigm, nó là một từ được dùng để chỉ khái  niệm paradigm. Bạn đọc đừng bận tâm paradign, khung mẫu,  matrix, ma trận “có nghĩa” là gì, chúng chỉ là những cái tên, các  nhãn của các khái niệm. Phải tiếp cận với các khái niệm trước và  sau đó dùng các tên hay các nhãn như vậy để gọi chúng. Ta sẽ bắt  gặp thêm các khái niệm như cộng đồng khoa học, cách mạng khoa  học, khoa học thông thường, khoa học khác thường, v.v. trong  cuốn sách này. Tất nhiên trong một cộng đồng ngôn ngữ việc  thống nhất tên gọi của các khái niệm là hết sức quan trọng.
Cuốn sách sẽ bổ ích cho các triết gia, các nhà sử học, các nhà  khoa học (tự nhiên và xã hội), các sinh viên, và tất cả những ai  quan tâm đến khoa học, đến sáng tạo.
Người dịch đã cố hết sức để làm cho bản dịch được chính xác  và dễ đọc, song do hiểu biết có hạn nên khó thể tránh khỏi sai sót.  Phần chỉ mục nội dung, ở mỗi mục chính, có kèm theo thuật ngữ tiếng Anh để bạn đọc tiện tham khảo.
Mọi chú thích của tác giả được đánh bằng số. Tất cả các chú  thích đánh dấu sao (°) ở cuối trang là của người dịch. Trong văn  bản đôi khi người dịch có đưa thêm từ hay cụm từ để cho câu  được rõ nghĩa, phần đó được đặt trong dấu [như thế này]. Bản  dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ,  và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống,  54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25/B7 Nam Thành Công], hoặc  qua điện thư thds@hn.vnn.vn hay nqa@netnam.vn

06-2005

Nguyễn Quang A
° Các quyển trước gồm:
1. J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt  Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002.
2. J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
3. J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT  2002
4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính, sắp xuất bản
5. H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, sắp xuất bản
6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu? sắp xuất bản
7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô, sắp xuất bản
8. G. Soros: Xã hội Mở, sắp xuất bản
9. K. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử, sắp xuất bản.
10. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
11. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx