Chương 1

Vừa đi tới, đi lui bên bãi giữ xe, Hạnh Lâm vừa luôn miệng cằn nhằn:
− Cái thằng trời đánh ấy làm gì mà giờ này vẫn chưa ra tới? Chờ nó không khéo hỏng việc của người ta.
Khác với vẻ nóng nảy của cô em gái, Hạnh San dịu dàng nói:
− Em cứ về trước đi. Chị ở lại một mình được mà.
Nhìn đồng hồ, Lâm dài giọng:
− Hổng dám để chị ở lại một mình đâu. Lỡ có chuyện gì chắc bán mạng mà đền người ta sợ cũng chưa đủ.
San xịu mặt:
− Hai đứa bây lúc nào cũng coi thường chị.
Hạnh Lâm chặc lưỡi:
− Không phải tụi em coi thường, nhưng sắp tới giờ cao điểm, một mình cịh làm sao quản lý nổi việc này?
Rồi cô lại tiếp tục càu nhàu:
− Thằng quỷ Lập đúng là ham chơi. Không dũa thì nó lừng. Hừ! Phải cho nó một trận mới vừa.
Hạnh San ngắt lời em gái:
− Nó ra tới kìa. Đừng cằn nhằn nữa. Em giống má lắm rồi đó.
Liếc San một cái, Lâm bước tới gốc cây nơi Lập vừa dựng chiếc xe đạp.
Hất mặt lên y như dân anh chị, cô gằn giọng:
− Em làm quái gì mà giờ này mới lết xác ra đây?
Vò vò cái đầu đinh vuông lởm chởm, Lập tỉnh bơ:
− Lỡ ngủ quên mà cũng la. Chị thế chỗ má hồi nào vậy?
Hạnh Lâm trừng mắt:
− Lúc nào cũng chỉ ăn với ngủ. Nhà có mình em là con trai, nhưng vô tích sự. Nghĩ mà chán.
Lập lẩm bẩm:
− Chán sao còn trông người ta?
Lâm hơi dịu giọng:
− Lo phụ chị San đi. Tao sắp trễ rồi đây.
Dứt lời, cô tất tả dắt chiếc xe đạp cũ mèm ra cong lưng đạp đi. Vừa xin được chân bán hàng trong một siêu thị vào buổi tối, nên Lâm không dám đến trễ. Với cô, một ngày qua nhanh hơn là gió, cứ xen lẫn vào những giờ học là những khoảng thời gian chạy đôn chạy đáo đi kiếm tiền bằng các công việc vặt vãnh, vậy mà vẫn thiếu trước hụt sau. Lắm lúc, Lâm cứ mong mình có ba đầu, sáu tay, mười hai cái chân, hoặc có phép phân thân để một lúc làm được nhiều việc cho thu nhập khá hơn.
Sắp tới đây, cả ba chị em cô đều cần những khoảng tiền rất lớn để đóng học phí, nếu không lo được thì coi như vứt đi sự nghiệp ăn học lâu nay. Chị San đang học năm cuối, Lâm học năm thứ ba, còn Lập vừa đặt chân vào ngưỡng cửa đại học, không ai có thể bỏ dở dang được. Nhất là chị San và Lập...
Bỗng dưng Hạnh Lâm thở dài khi nghĩ tới những gánh nặng đang đè lên vai của chị em cô.
Ngừng xe ở siêu thị Lan Anh, Lâm vội vội vàng vàng đưa xe đi gởi, rồi chạy ù vào trong thay đồng phục. Sửa lại cái nơ cánh bướm ở cổ áo, Lâm chải cho thẳng mái tóc dài đen bóng, cô hài lòng bước ra quầy.
Vừa thấy Lâm, cô gái ngồi trên ghế cao đã reo lên:
− Em luôn đúng giờ. Đỡ ghê. Chả bù với con nhỏ trước đây chuyên môn đi trễ, về sớm. Chờ nó tới để đổi ca mà hụt hơi dài cổ. Thôi, ở lại làm việc nghe. Chị về.
Hạnh Lâm nhìn theo dáng vẻ nhún nhảy yêu đời của cô ta mà phát... thèm. Rời chỗ làm việc, Hường sẽ đi chơi với người yêu tới khuya lắc khuya lơ mới về nhà ngủ một giấc đầy mộng đẹp cho tới sáng, chớ đâu khổ như Lâm phải vùi đầu vào đống bài vở ê chề rồi ngủ gà ngủ gật bên bàn học. Ước gì Lâm được hưởng chừng phân nữa hạnh phúc của cô ta nhỉ?
Lơ đãng, Lâm xốc lại những móc treo quần áo theo quán tính rồi ngồi chống tay chờ khách. Khác với hôm mới vào làm, cô đã hết săm soi, ngắm nghía, trầm trồ những mặt hàng cao cấp ở đây. Lâm biết sức mình không thể nào với tới chúng, tốt hơn hết hãy an phận với công việc của người làm công mà mức lương tháng chưa mua nổi phân nữa cái áo dạ hội rẻ nhất được trưng bày trong chiếc tủ ở góc cửa hàng.
Cửa kiếng xịch mở, Hạnh Lâm vi nhoẻn miệng cười, kiểu cười Hường hay gọi đùa là nụ cười mua bán, nhưng khi nhận ra khách vừa bước vào là ai, cô liền đưa tay lên che miệng.
Thái độ của cô khiến Long ngạc nhiên. Anh hỏi:
− Sao đang cười Lâm lại mếu? Bộ không hoan nghênh khách hàng này hả?
Hạnh Lâm tủm tỉm:
− Đâu có. Nhưng tôi phải đổi lại nụ cười khác dành cho bạn bè. Còn nụ cười tôi vừa kịp... nín là gọi là nụ cười nghề nghiệp, chẳng có bao nhiêu tình cảm đâu.
Long "ồ" lên thích thú:
− Thì ra là thế. Tình cảm thể hiện trong nụ cười thứ hai là tình cảm gì vậy? Có chút nào đặc biệt không?
Hạnh Lâm lảng đi:
− Long định mua gì? Tôi lựa hộ cho. Nếu mua quà tặng người yêu, tôi sẽ gói thật đẹp.
Long nhìn cô chăm chú:
− Tôi mua quà tặng sinh nhật mẹ.
Lâm mau miệng:
− Vậy tôi sẽ gói đẹp hơn nữa.
Long nheo nheo mắt:
− Lời nói vừa rồi xuất phát từ tình cảm hay nghề nghiệp vậy?
Hạnh Lâm chớp mi:
− Xuất phát từ trái tim, vì tôi rất thương mẹ nên luôn trân trọng những ai biết nghĩ tới mẹ.
Long mỉm cười:
− Cảm ơn trái tim của Lâm. Có thể nào lựa hộ tôi một cái khăn choàng không?
Lâm nhiệt tình:
− Ô! Được chứ. Khăn rất nhiều giá. Long định chọn giá nào?
− Dĩ nhiên là loại tốt nhất, đẹp nhất. Với tôi, giá cả không thành vấn đề.
Hạnh Lâm hơi khó chịu vì cách nói của Long. Cô biết gia đình anh chàng khá giả, nhưng dầu có thế cũng đâu cần... khoe với đứa bạn nghèo như cô. Nhưng anh ta vào đây, hãy xem như khách, cỡ nào cũng đẩy đưa cho vừa lòng.
Miệng vẫn tươi như hoa, Hạnh Lâm bước tới tủ kính, lôi ra một lô khăn đủ màu tuyệt đẹp. Lấy một cái màu tím than có những hoa vàng nhạt trông sang trọng. Cô đưa cho Long.
Anh chàng gật gù:
− Đẹp lắm. Mẹ tôi rất thích màu tím. Lâm thật khéo chọn.
Hạnh Lâm nói:
− Vậy tôi gói nha?
Chống tay lên mặt kính, Long hóm hỉnh:
− Tôi đang chờ xem Lâm trổ tài khéo léo đây.
Lựa tờ giấy bạc gói quà có những khóa sol màu hồng nhạt, Lâm chăm chú bắt tay vào việc.
Vừa nhìn Lâm gói quà, Long vừa hỏi:
− Suốt ngày Lâm bận bịu, thời gian nào dành cho việc học, thời gian nào dành cho người yêu?
Hạnh Lâm nghiêng đầu:
− Thì cũng phải chia nhỏ hai mươi bốn tiếng ra chớ.
- Thế người yêu được mấy tiếng?
Dán miếng băng keo vào mép giấy, Hạnh Lâm lơ đãng:
− Với tình yêu, thời gian vô tận. Làm sao mà tính.
− Hạnh phúc thay cho ai là người Lâm yêu. Mà này! Lâm có dành thời gian cho bạn không?
Nhìn Long một cái rồi cúi xuống tiếp tục phần việc của mình, Hạnh Lâm nói:
− Dĩ nhiên là có. Nhưng còn tùy bạn. Thời gian của mình rất quý, nên không thể phung phí.
Long gõ tay lên mặt tủ, giọng hơi ngập ngừng.
− Tôi rất muống mời Lâm đi uống cà phê. Tối nay được không?
Dán cái nơ màu tím xanh lên gói quà, Hạnh Lâm nghĩ thầm... Long là người giới thiệu cô tới làm cho siêu thị Lan Anh này, cô chỉ cảm ơn suông, chớ chưa hề... trà lá gì đáo lại anh. Trái lại, Long đã mời cô vào quán mấy lần, nhưng lần này lại viện lý do nào nữa thì cũng kỳ.
Lâm nói:
− Tôi về trễ lắm, sợ Long phải đợi mất thời gian.
Mặt Long tươi hẳn lên:
− Chín giờ đóng cửa siêu thị, còn sớm chán. Tôi nhất định đợi.
− Với điều kiện, tôi sẽ là người trả tiền.
− Ôi trời! Lâm lại nghĩ tới chuyện đền đáp ơn nghĩa rồi. Tụi mình còn trẻ, không nên lẩm cẩm như người già.
Lâm cương quyết:
− Nếu Long nói vậy, coi như tối nay xù.
− Ấy! Đừng... xù. Tôi tôn trọng ý kiến của Lâm.
Hạnh Lâm lại ra điều kiện:
− Đi với tôi là vào quán bình dân, vỉa hè thôi à nha.
Long hơi khựng lại rồi gật đầu:
- OK. Vỉa hè cũng có cái lãng mạn của vỉa hè. Tôi nhất định chờ Hạnh Lâm.
Nheo mắt với cô, Long cầm gói quà mang sang quầy tính tiền trong khi Hạnh Lâm đang đứt ruột nghĩ tới số tiền phải chi ra cho buổi cà phê... cà pháo tối nay.
Nghèo đúng là khổ, muốn làm bất cứ việc gì cũng đắn đo suy đi nghĩ lại. Nhưng đây là việc phải làm, keo kiệt cỡ nào cũng đành móc hầu bao ra thôi.
Đang ngồi thẩn thờ tiếc món tiền sắp sửa bay khỏi túi thì cô thấy một nhân viên siêu thị mặc đồng phục giống mình bước đến.
− Giám đốc mời chị lên làm việc kìa.
Tim chợt thắt lại, cô ấp úng.
− Chuyện gì vậy? Chị biết không?
Cô nhân viên lắc đầu:
− Không. Tôi chỉ biết bổn phận mình là tới đây thế chỗ chị tối nay.
Hạnh Lâm nhíu mày:
− Vậy à?
Cô máy móc bước đi, lòng phập phòng lo. Tới phòng ghi hai chữ "Giám đốc" màu trắng, cô dè dặt gõ cửa và nghe một giọng lạnh lùng vang ra:
− Vào đi.
Hạnh Lâm đẩy cửa và lễ phép gật đầu chào người phụ nữ ngồi sau bàn tiếp tân. Đây là lần đầu tiên Lâm gặp giám đốc nên hết sức ngạc nhiên khi thấy đó là một phụ nữ trạc ngoài ba mươi một chút.
Cô ta hất hàm:
− Ngồi đi.
− Dạ.
Lấy trong hộc tủ ra một phong bì, giám đốc Lan Anh nói:
− Đây là tiền lương tháng này của em. Tuy em mới làm được một tuần, nhưng chúng tôi vẫn cho em lãnh trọn tháng. Có điều bắt đầu từ giờ trở đi, em không làm việc ở siêu thị nữa.
Dù linh tính báo mình sẽ gặp chuyện không may, nhưng Lâm vẫn hết sức bất ngờ khi nghe lời phán quyết đó. Cô liếm môi:
− Thưa... Em đã phạm lỗi gì à?
Lan Anh điềm đạm đáp:
− Trong công việc em không phạm lỗi gì hết, thậm chí quầy của em bán rất chạy, nhưng rất tiếc là tôi không giữ em lại được.
Mắt tối sầm vì thất vọng, Hạnh Lâm hỏi:
− Em có thể biết lý do không?
Đan hai tay vào nhau trong im lặng khá lâu, Lan Anh mới trả lời:
− Long rất có cảm tình với em. Ba mẹ tôi không vừa lòng khi thấy nó cứ tìm đủ cách la cà bên quầy của em. Do đó, chúng tôi sa thải, dù em do Long giới thiệu vào.
Hạnh Lâm khá ngạc nhiên khi nghe Lan Anh nói thế. Thì ra siêu thị này của gia đình Long, vậy mà anh bảo của gia đình người quen.
Giọng Lan Anh lại vang lên:
− Tôi có một đề nghị nhỏ.
Lâm gượng cười:
− Xin chị cứ nói ạ.
− Tôi biết hoàn cảnh em đang khó khăn, do đó ba mẹ tôi sẽ giúp em một số tiền để đóng học phí với yêu cầu em phải cách xa Long ra.
Mặt Hạnh Lâm đỏ ửng lên:
− Xin lỗi, chị đã hiểu lầm, em chỉ xem Long là bạn, một người bạn rất tốt.
Môi Lan Anh nhếch lên:
− Cô gái nào khi đụng chuyện chẳng dẫy nẫy như em, để rồi sau đó... Ôi dào! Mệt. Nói thật nhé. Xã hội đã phân chia kẻ giàu người nghèo rất rõ. Muốn đổi đời bằng cách bám vào một gã giàu có ngờ nghệch như em trai tôi, xem ra không dễ đâu. Hãy dẹp mơ mộng hão ấy đi.
Đứng phắt dậy, Hạnh Lâm xẵng giọng:
− Tôi không phải hạng như chị nói và tôi cũng chẳng có chút cảm tình nào với em trai chị. Bằng không, những gì tôi muốn chị cũng chẳng cản nổi đâu.
Cầm bao thư đựng tiền lên, Lâm bình tĩnh đếm rồi lấy một phần tư số tiền:
− Tôi chỉ nhận đủ công sức mình bỏ ra thôi. Chào chị.
Lâm vừa quay lưng đã nghe tiếng Lan Anh đuổi theo:
− Nhớ là tránh xa thằng Long ra nghe chưa, con nhóc hợm hĩnh. Nếu không, đừng có trách.
Hạnh Lâm mím môi, đáp lại:
− Tốt nhất gia đình chị nên giữ Long cho kỹ, tôi cũng chẳng thích hắn bám theo đâu.
Bước tới hành lang, Lâm dựa vào tường để thở. Vừa bị xúc phạm, vừa mất việc làm thật là đau, nhưng cô không nản đâu.
Ngẩng cao đầu, Hạnh Lâm dằn mạnh gót giầy trên nền gạch bóng loáng. Rồi cô sẽ tìm được việc làm mới. Nhất định là thế.
Vừa ngồi xuống ghế, Cẩm Tiên đã hỏi Hạnh Lâm bằng giọng xúc động:
− Ê! Mày hay gì chưa?
Mắt vẫn dán vào mớ tài liệu trên bàn, Lâm hờ hửng.
− Chuyện gì nói đại đi. Tao không có thời gian động não đâu.
Cẩm Tiên thì thầm:
− Long bỏ nhà đi bụi rồi. Tất cả tại mày đó.
Hạnh Lâm kêu lên:
− Sao lại tại tao? Mày thật vớ vẩn.
Cẩm Tiên vụt hỏi:
− Mày hết làm ở Lan Anh rồi, phải không?
Lâm ậm ừ:
− Đúng. Mới bị nghỉ tối hôm qua.
Tiên dài giọng:
− Vậy là đúng rồi. Long vì chuyện này mà bỏ nhà đấy. Tối qua mày cho hắn leo cây thoa mỡ bò mà.
Lật lật những trang sách một cách máy móc, Hạnh Lâm ấm ức:
− Bị đuổi việc còn lòng dạ nào mà cà phê cà pháo nữa. Đã vậy, còn nghe bà chị của Long nói những lời hết sức khó chịu. Nói thật, nếu tao biết siêu thị Lan Anh là của gia đình hắn, tao không vào làm. Nhưng tại sao chuyện Long bỏ nhà lại là do tao?
Cẩm Tiên nhún vai:
− Biết bà Lan Anh cho mày nghĩ việc, hắn về nhà quậy tưng bừng lên, sau đó xách balô tới nhà trọ ở với Tuấn. Suốt đêm hắn say khướt ói tùm lum khiến ông Tuấn chả ngủ nghê gì được.
Hạnh Lâm nhún vai:
− Cậu ấm làm nũng vài hôm rồi cũng quay về tổ. Chẳng qua Long tự ái chớ đâu phải tại tao.
Cẩm Tiên nói:
− Hắn đòi nghỉ học luôn đấy.
Lâm khịt mũi:
− Đúng là điên. Đàn ông gì yếu đuối thế. Mà nhà hắn giàu, cần gì phải học cho cực.
Cẩm Tiên nghiêng đầu nhìn Lâm, chăm chú:
− Mày không mảy may xúc động ư?
− Không hề.
− Chậc. Đúng là dân máu lạnh. Chỉ tội lão Long đang nằm nửa tỉnh nửa mê vì mày.
Hạnh Lâm nhăn nhó:
− Khổ quá. Mày đừng gài tao vào, vì sẽ chẳng đi tới đâu đâu. Tao không muốn bị gia đình hắn sỉ nhục.
Cẩm Tiên gắt:
− Nhưng hắn đang bệnh, chỗ bạn bè, chả lẽ mày để mặc? Tao biết Long rất thích mày.
Lâm im lặng, Tiên không nói cô cũng thừa hiểu Long có cảm tình với mình. Cô đâu phải người thiếu trái tim, ngược lại, tim Lâm đang xao động vì những gì vừa được nghe.
Giọng hạ thấp xuống, Hạnh Lâm nhỏ nhẹ:
− Là con gái, tao biết phải làm gì đây? Với lại tao cũng không có thời gian.
Tiên vặn vẹo:
− Nhưng mày có thích hắn không?
Hạnh Lâm ngập ngừng:
− Tao không biết nữa.
Cẩm Tiên lém lĩnh:
− Miễn là đừng ghét là được rồi. Hắn si mình, ngu gì không làm tình làm tội hắn chứ?
Hạnh Lâm thành thật:
− Tao không nghĩ tới việc làm tình làm tội ai hết. Điều tao quan tâm nhất hiện nay là cơm áo, gạo tiền... học phí. Không một gã đàn ông nào có mặt trong trái tim đang bấn loạn vì sinh kế của tao đâu.
Cẩm Tiên bĩu môi:
− Mày làm như tao không lo vậy. Dân tỉnh lẻ ra thành phố học như tao và Tuấn còn lo nhiều thứ hơn dân Sài Gòn như mày nhiều.
− Nhưng mầy chỉ lo thân mầy. Còn tao, ôi thôi... cả nhà gồm ba mạng.
Cẩm Tiên ngắt ngang lời Hạnh Lâm:
− Mất chỗ làm ở Lan Anh, giờ mày tính sao?
Chống tay dưới cằm, Hạnh Lâm lắc đầu thay câu trả lời. Tối hôm qua, cô và Hạnh San đã rù rì cả đêm về vấn đề này. Mất chỗ làm đó, chị em cô có khốn đốn, nhưng không vì thế mà chết đói. Rồi bọn cô sẽ chạy vạy những chỗ khác, sẽ vất vả hơn nhưng không bị xúc phạm.
Giọng Cẩm Tiên thì thầm:
− Bọn Hương Thảo rủ tao đi tiếp thị bia, việc này nhẹ và dễ kiếm tiền lắm.
Hạnh Lâm xua tay:
− Cho tao xin đi mày. Nhẹ phần xác, nhưng nặng phần hồn. Lỡ sẫy chân là chết cả đời đó.
Cẩm Tiên phì cười:
− Mày lại nghiêm trọng hóa vấn đề. Suy nghĩ nhiều quá, khó kiếm tiền lắm.
Rồi Tiên nghiêm mặt:
− Tao định ngày mai đi làm thử.
Lâm tò mò:
− Tuấn không cản mày à?
Tiên trả lời bằng một câu hỏi:
− Sao lại cản khi việc tao làm hết sức đứng đắn? Mày cần dẹp thành kiến qua một bên, sống cởi mở một chút sẽ bớt nặng nề. Căng thẳng quá chỉ tổ đau thần kinh.
Im lặng một tí. Cẩm Tiên lại nói tiếp:
− Bản lĩnh như mầy dễ gì sảy chân. Nếu có mầy đi cùng, tao sẵn sàng tiếp thị bia để kiếm tiền đóng học phí. Dù gì cũng sắp hết hạn rồi. Mày thiếu nợ là khỏi thi đó.
Hạnh Lâm nuốt tiếng thở dài vào lòng. Cô hỏi:
− Cụ thể của việc tiếp thị là làm gì?
Cẩm Tiên ngập ngừng:
− Mời khách uống bia, họ uống bao nhiêu lon sẽ tính bấy nhiêu tiền.
Hạnh Lâm mỉa mai:
− Vậy mày là tiếp viên chớ tiếp thị gì?
Cẩm Tiên nhăn nhó:
− Thôi đi mầy.
Lâm ngó ra sân trường. Giờ này đã trễ, nhưng giáo viên vẫn chưa đến. Đang lúc cô sốt ruột nhìn đồng hồ thì nghe có tiếng lớp trưởng thông báo:
− Thầy nghĩ. Mình được về, quý vị ơi.
− Ôi! Quá đã. Tao đến chỗ Tuấn. Mày đi không? Sẵn thăm Long luôn.
Hạnh Lâm lắc đầu:
− Tao phải về phụ chị San. Để bả trông xe một mình, tao không an tâm.
− Xời! Chị San lớn hơn mày những mấy tuổi, lo gì mà lo. Thế mấy ngày khác mày đi học, ai phụ chị ấy?
Lâm giải thích:
− Lúc nào thằng Lập và tao cũng phụ trách chính. Chị San chỉ phụ thôi. Sáng nay Lập bận công chuyện, bả giữ xe một mình, chả biết sao đây.
Cẩm Tiên dài giọng:
− Thì ra là thế. Tao đành sô lô vậy. Có gởi lời gởi vốn gì không?
Hạnh Lâm bĩu môi:
− Hắn say rượu chớ có bệnh hoạn đâu mà gởi lời thăm cho lỗ.
Tiên cười cười:
− Tao sẽ mách lại y chang lời của mày.
Lâm xốc cái túi xách lên vai:
− Đúng là nhiều chuyện. Mày biến đi cho tao nhờ.
Cẩm Tiên cười hì hì trước khi... biến theo yêu cầu của Hạnh Lâm. Móc tiền trả tiền gởi xe, cô lại tiếc khi nghĩ đến công việc thường ngày phải làm. Nhếch môi chua chát, Lâm cắm cúi đạp xe.
Về tới chung cư, Lâm thấy có nhiều người đứng lố nhố. Tim đập mạnh, Lâm vứt đại xe đạp vô gốc cây, rồi nhào tới chỗ Hạnh San đang ngồi.
Nhìn gương mặt thất sắc của chị, lòng Lâm nhói lên. Tự nhiên cô buột miệng:
− Mất xe hả?
Hạnh San mếu máo:
− Sao em biết?
Không trả lời chị, Lâm ngồi phịch xuống ghế, mặt cau lại:
− Xe gì?
− Citi.
− Trời ơi!
Giọng người đàn bà mất xe đanh đá vang lên:
− Trời đất gì? Mấy người tính sao thì tính lẹ đi chớ. Gia tài tôi chắt chiu bao nhiêu năm mới có cái xe đó.
Hạnh Lâm đưa mắt nhìn quanh như cầu cứu. Ai cũng nhìn chị em cô với cái nhìn cảm thông. Nhưng ai cứu được chị em cô chứ?
Giọng ông Tám, bảo vệ chung cư ôn tồn:
− Chuyện đâu còn có đó. Xin chị đừng nóng.
Quay sang chị em Lâm, ông bảo:
− Bác nhờ người đi báo công an rồi. Giờ con Lâm ở lại bãi trông xe con San vào trong nói chuyện với khách.
Hạnh Lâm liếm môi:
− Nhờ bác Tám giúp dùm tụi con.
− Yên tâm đi. Dầu gì cũng phải năn nỉ họ trước, được tới đâu hay tới đó.
Lâm rầu rĩ gật đầu. Cô muốn khóc cho hả, nhưng đôi mắt ráo hoảnh. Bất giác Hạnh Lâm kêu:
− Mẹ ơi! Mẹ!
Từ ngày mẹ mất tới nay, chị em cô toàn gặp chuyện không may. Nhà cửa không có, ba người được cho ở dưới gầm cầu thang của chung cư, được địa phương giúp đỡ bằng cách được giữ xe cho chung cư và cho siêu thị ở tầng trệch. Thu nhập chả bỏ vào đâu, vì tiền gởi xe mỗi chiếc phải theo đúng giá quy định, mà chị em cô cũng chẳng dám... chặt đẹp ai. Bây giờ thì... tàn đời rồi. Đào đâu ra tiền lớn đến thế để đền cho người ta đây?
Người Lâm uể ải, rã rời khi nghĩ tới chuyện xui xẻo vừa ập đến. Nhưng dù nản cỡ nào, cô cũng phải làm việc để tồn tại và để hướng tới tương lai.
Cố kìm sự lo lắng xuống, Lâm tiếp tục nhận xe vào bãi và trả xe cho khách, lòng tức anh ách vì không hiểu chị San hơ hỏng cỡ nào mà để mất xe oan uổng như vậy.
Đang nẫu rut vì lo, Hạnh Lâm bỗng nghe có người gọi mình. Quay lại, cô thấy Long. Anh đang nhìn cô bằng cái nhìn buồn bã lẫn si mê, làm cô phải chớp mắt...
Bước đến kế Hạnh Lâm, Long trầm giọng:
− Xin lỗi Hạnh Lâm về việc chị Lan Anh đã quyết định. Tôi... tôi... rất tiếc và rất khổ tâm.
Hạnh Lâm gượng gạo:
− Long đâu có lỗi gì.
− Tôi sẽ tìm cho Lâm một chỗ làm khác.
− Cảm ơn!
Nói tới đây, tự dưng Hạnh Lâm nghẹn lời. Nỗi lo lắng, khổ sở cô vừa cố nén xuống chợt dâng trào, khiến mắt mũi cô cay xè.
Long nhíu mày:
− Lâm sao thế? Đang buồn tôi phải không?
Mắt rưng rưng, Lâm vừa lắc đầu, vừa nghẹn ngào:
− Mất xe rồi.
Long ngạc nhiên:
− Xe... xe gì?
− Xe của khách. Tôi không biết lấy đâu ra tiền để đền cho họ đây.
Nhìn gương mặt đầm đìa nước mắt của Lâm, Long cuống lên. Anh van vỉ:
− Đừng khóc mà Lâm. Tôi chịu không nổi những giọt nước mắt nầy đâu.
Lời nói có vẻ tình tứ hơn ngày thường của Long khiến Hạnh Lâm sực tỉnh. Cô quay mặt, lau nước mắt và thấy ngượng vì mình đã để lộ sự yếu đuối trước mặt Long.
Giọng Long lại vang lên:
− Chuyện xảy ra thế nào, hả Lâm?
− Tôi không biết nữa. Vừa ở trường về tới, đã nghe mất chiếc Citi. Chị San và bác Tám bảo vệ đang năn nỉ chủ xe, chả hiểu họ có thông cảm không. Thú thật, tôi rối trí quá.
− Lâm vẫn còn bạn bè và còn cả tôi nữa, không ai bỏ rơi Lâm đâu. Đừng lo.
Định nói sẽ không nhận sự giúp đỡ nào nữa từ Long, nhưng cô đã kịp lặng thinh khi nghĩ tới số tiền lớn mình sắp cần tới.
Bạn bè cô không người nào giàu như Long, ngoài anh ra, khó ai có thể giúp cô vượt qua giai đoạn ngặt nghèo này. Bám vào sự giàu có đó, là lợi dụng và không nên, song trước mắt Lâm biết bám vào đâu đây?
Vờ như không biết cả đêm qua Lâm bỏ nhà, Lâm chớp mắt, hỏi:
− Ủa! Sáng nay Long được nghỉ học à?
Long nói.
− Tại tôi nghỉ chớ đâu được nghỉ.
− Sao lại nghỉ vậy?
− Nhức đầu quá, đến lớp cũng gục lên bàn.
Hạnh Lâm lại hỏi:
− Sao không ở nhà cho khoẻ.
Môi nhếch lên đầy khinh mạn, Long nói:
− Ở đây với Lâm thích hơn ở nhà.
Lâm nhè nhẹ:
− Đừng nói vậy. Tội tôi lắm.
Long hạ giọng:
− Thật đấy. Gia đình đối với tôi không phải là tổ ấm. Sau khi biết chị Anh bức Lâm nghỉ việc, tôi đã bỏ nhà ra đi.
Hạnh Lâm nói ngay:
− Đó là việc làm nông nổi, bốc đồng, tôi chẳng tán thành chút nào. Long nên trở về nếu không tôi sẽ bị trách.
Long nhìn cô:
− Tôi muốn gia đình tôn trọng mình. Chị Anh đã làm tôi mất uy tín với bạn bè, tôi còn về nhà làm gì nữa.
Lâm nói:
− Chị Anh có lý của chị ấy khi cho tôi thôi việc. Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cách cư xử đó.
Giọng Long chùng xuống:
− Thế Lâm có hiểu tình cảm của tôi dối với Lâm không?
Hạnh Lâm tránh né:
− Tôi đang rối trí, xin Long đừng hỏi nữa.
− Nhất định tôi sẽ gỡ rối cho Lâm.
− Tôi sẽ yên tâm hơn nếu Long về nhà. Bằng không, đừng tìm gặp tôi.
Long bảo:
− Tôi sẽ về, nhưng không phải lúc này. Lâm cho tôi giữ xe hộ nha.
Hạnh Lâm chưa kịp trả lời, Long đã nhanh nhẹn bước tới dẫn xe cho một ông khách. Lâm đành theo anh ghi số, gởi thẻ cho ông ta với nụ cười nhẹ nhỏm trên môi.
So với lúc nãy, tâm trí Lâm đã bớt căng thẳng, vì có một người động viên an ủi. Vào thời điểm nóng nầy, Long là điểm tựa tinh thần duy nhất của cô.
Hạnh Lâm hy vọng và tin tưởng anh sẽ giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn, dù sau đó chắc chắn cô sẽ gặp rắc rối từ phía gia đình anh.
oOo
Nhìn những thùng bia không, những lon bia rỗng nằm chỏng chơ trên sàn, Cẩm Tiên cười toe toét:
− Nhỏ Lâm vậy mà có... duyên tiếp thị ghê. Nó đã mở miệng mời, khó tay nào can đảm từ chối.
Hương Thảo hơi đố kỵ:
− Đã bảo sắc đẹp là vốn quí của phụ nữ mà. Nhóm mình đâu đứa nào... vốn mạnh bằng nó. Nhưng hồng nhan đa truân. Đẹp mà khổ, tao không ham.
Cẩm Tiên bỉu môi:
− Có ham cũng chả được.
Mím môi, khiêng một thùng bia còn nguyên ra, Hương Thảo khệ nệ bước lên cầu thang. Đi được nữa chừng, cô dừng lại, giọng khó chịu:
− Nếu biết trước bị dành khách, tao đã không rủ tụi bây làm chung cho mất mối.
Cẩm Tiên hơi ngớ ra vì những lời Thảo nói, nhưng ngay lập tức cô phản ứng:
− Quản lý nhà hàng phân công đi đâu, tui tao tới đó. Ai thèm dành với mày. Bạn bè sao nói khó nghe quá.
Thảo khinh khỉnh:
− Tụi bây chỉ biết tiền thôi chớ biết nghĩ gì tới bạn bè.
Cẩm Tiên hậm hực nhìn theo Hương Thảo, rồi cô cũng bưng một thùng bia ra bàn nơi Hạnh Lâm đang trổ tài uốn ba tấc lưỡi để mời khách uống bia.
Một gã mặt đỏ, đầu hói bóng lưỡng, lè nhè hỏi Lâm:
− Em là sinh viên à?
Hạnh Lâm gật đầu:
− Dạ. Em đang học năm thứ ba ạ.
Gã ta ré lên cười:
− Giỏi thiệt đó. Nhưng đẹp gái như em, học làm chi cho cực thân.
Lâm vẫn tươi cười:
− Dạ học để sau này có một chỗ làm chứ ạ.
Gã khách khoát tay:
− Cần gì phải thế. Cưng uống hết thùng này với anh là có chỗ làm ngay. Công việc nhàn hạ, bảo đảm lương cao.
Hạnh Lâm chúm chím:
− Dạ... em chỉ được phép mời các anh, chớ không được phép uống.
Gã đeo kính ngồi kế bên, kêu lên:
− Luật lệ ở đâu kỳ vậy?
Lâm hết sức nhỏ nhẹ:
− Các anh thông cảm. Ngày mai em còn đi học, nên không được phép uống.
Gã liền hất mặt:
− Vậy thì thôi. Bọn anh ngày mai cũng phải làm việc, nên tối nay đâu dám uống. Bọn em qua tiếp thị mấy cụ bên kia kìa.
Hạnh Lâm cố nài nỉ bằng giọng nũng nịu:
− Hai anh uống giúp em năm lon thôi. Bia này nhẹ, không say đâu.
Gã đầu hói lắc đầu, ngâm nga:
- Môi cười mắt liếc chua ngoa.Năm lon bia đủ say ba bốn ngày... Thôi thì ủng hộ em sinh viên này năm lon bia vậy.
Hạnh Lâm vừa cảm ơn, vừa lấy bia để trên bàn. Thấy cô còn ngần ngừ, gã đeo kính giục:
− Sang bên các "bố già" đi. Các cụ nặng túi lắm. Nếu cưng khéo nói, mỗi cụ "boa" chừng một cái "vé" là đủ học phí cả bốn năm rồi. Nếu ngại, anh sẵn sàng dẫn sang giới thiệu.
Hạnh Lâm xua tay:
− Cảm ơn anh. Em tự sang được mà.
Miệng nói thế, nhưng Lâm vẫn thấy chùn chân khi nghĩ đến lúc phải đẩy đưa uốn éo với các bậc... trưởng lão. Nhưng một liều, ba bảy cũng liều. Lâm đang cần tiền để trả nợ cơ mà. Cô đâu muốn bị ràng buộc ơn nghĩa với Long mãi.
Đưa mắt tìm Cẩm Tiên, cô thấy con bé đang líu lo đấu hót với đám choai choai trạc tuổi thằng Lập.
Vậy đó. Đứa phải ỏng ẹo với bọn đáng em mình. Đứa phải đỏng đảnh với các bậc đáng cha chú. Càng đi vào các quán xá, nhà hàng, Lâm càng thấy sợ đàn ông. Họ sao lắm thói hư tật xấu thế. Vậy mà trước khi nhắm mắt, mẹ vẫn bắt chị em cô hứa phải tha thứ cho ba, cho người chồng vô thủy vô chung của mẹ. Người cha vô trách nhiệm với các con. Khổ nổi, chị em Lâm có biết hiện giờ ba mình ở chỗ nào, và cũng có ai đâu để tha để thứ.
Hạnh Lâm vuốt lại mái tóc dài rồi bước đến bàn của các... bố già.
Cô chưa kịp mở lời, một ông bố đang cầm ly rượu chân cao đã quay sang hỏi:
− Gì đây con gái? Tiếp thị bia phải không? Các chú chỉ uống rượu thôi.
Hạnh Lâm mỉm cười:
− Rượu có hại cho sức khoẻ lắm. Các chú dùng bia tốt hơn ạ.
Một ông bố ngồi quay lưng về phía chợt lên tiếng:
− Rượu này là rượu thuốc "Cải lão hoàn đồng", làm sao lấy bia sánh với nó được. Sau khi uống xong chai này, em phải gọi các chú là anh đấy.
Cả bàn các bố cùng cười hô hố khoái trá, làm ông ta hứng chí đứng dậy đọc thơ:
- Mời em gọi chú bằng anh. Dầu cho chú phải hy... sinh cuộc đời.
Mặt Hạnh Lâm tái đi khi ông ta cầm ly rượu ngất ngưỡng quay lại nơi mình.
− Em uống một ly rượu, anh sẽ hy sinh đời anh bằng một thùng bia.
Lâm sững sờ đứng ngây người ra, mắt cô trừng trừng căm phẩn. Cái nhìn giận dữ như có lửa của Lâm, khiến ông bố khựng lại. Ông ta cũng nhìn cô trân trối rồi môi mấp máy:
− Hạnh Lâm hả?
Môi mím chặt, Lâm quơ tay gạt đổ ly rượu, miệng rít lên:
− Đúng là đồi bại!
Quay người thật nhanh, Lâm tất tả chạy đi trong tiếng vỡ của thủy tinh, tiếng bát nháo lẫn lè nhè của những bợm nhậu và tiếng tức tưởi của chính mình.
Vừa chạy tới cầu thang, Lâm đã bị một bàn tay mạnh mẽ ghị lại. Ngước lên nhìn, cô thấy Long.
Giọng anh hết sức giận dữ:
− Thì ra công việc ban đêm của Lâm là ở chỗ này chớ không phải đi dạy kèm như tôi vẫn tưởng.
Hất mạnh tay Long ra, Lâm chạy tuốt ra tận khuôn viên nhà hàng. Ngồi xuống ghế đá, Lâm để mặc nước mắt tràn ra.
Long bối rối:
− Tôi xin lỗi đã nặng lời với Lâm.
Cô gào lên:
− Để cho tôi yên.
Long chợt đập tay lên thành ghế:
− Chuyện gì? Thằng nào sàm sỡ em phải không?
Đầu gục xuống, Hạnh Lâm ôm mặt. Giọng Long bỗng dịu lại:
− Những chỗ này không phải dành cho em. Anh sẽ tìm cho em một công việc phù hợp hơn. Mình về thôi.
Ngẩng đầu lên, Hạnh Lâm đanh đá:
− Đừng anh anh em em với tôi. Chướng tai lắm. Chúng ta là bạn cùng lớp, không thể xưng hô như thế. Dù tôi đang là con nợ của Long, Long cũng không nên cho minh quyền gọi tôi là em.
Long có vẻ ngượng vì những lời thẳng của Hạnh Lâm. Anh im lặng, đốt cho mình điếu thuốc, vừa lúc người đàn ông lúc nãy ra tới. Ông ta dáo dác tìm rồi vội vã đến bên cô.
− Hạnh Lâm!
Lâm chưa có phản ứng gì, Long đã tới chộp ngực ông ta, đẩy mạnh ra sau, mặt danh lại:
− Mẹ kiếp! Ông định giở trò vớ vẩn Hạnh Lâm hả? Đừng nghĩ có tiền là vung ra là mua gì cũng được nghe. Tôi sẽ cho ông một bài học đấy.
Vừa nói, Long vừa đè ông khách sát tường, mắt long lên như muốn ăn tươi nuốt sống, khiến Hạnh Lâm phát hoảng.
Cô kéo tay anh ra, giọng run rẩy:
− Buông ông ta ra...
Long hầm hầm mắng:
− Đồ già mắc dịch!
Lâm lôi anh đi:
− Tôi xin anh đừng chen vào việc của tôi.
Long cay cú:
− Nếu Lâm không phải là bạn, tôi cũng chẳng muốn chen vào những chuyện kiểu này.
Dứt lời, Long nhảy lên chiếc Max phóng vút đi. Hạnh Lâm liếc vào cửa hàng rồi vòng ra phía sau lấy chiếc xe đạp, đạp về. Việc xảy ra vừa rồi khiến cô chẳng còn tâm trí đâu để tiếp tục mời mọc, nói cười với khách. Cô thấy chán và hận đời quá. Có lẽ Long rất đau lòng và rất giận cô, nếu không anh đã chẳng bỏ cô về như thế. Giá như Long hiểu được hoàn cảnh riêng tư của cô, chắc anh sẽ không làm thế. Giá như cô có thể yêu Long, chắc giờ này, cô đã vùi đầu vào ngực anh để khóc cho đỡ tủi, cho thỏa thê rồi.
Nhưng tất cả chỉ là.. giá như. Cái hình ảnh lãng mạn được gục đầu lên vaii một chàng trai nào đó chỉ có trong mơ. Mà Lâm cũng đừng nên vọng tưởng làm gì, vì đàn ông đáng sợ lắm.
Những lời trây trúa của ông ta lại vang lên, khiến Lâm rùng mình, giận dữ. Tại sao cô gặp ông ta, mà gặp trong hoàn cảnh trớ trêu này cơ chứ? Cũng may là ông ta còn nhận ra cô.
Lâm lại tấm tức khóc. Chưa bao giờ cô thèm có một người đáng tin cậy để chia sẻ buồn vui như bây giờ. Song những điều gần như bí mật này có mấy ai là người có thể sẽ chia thông cảm?
Thảy xe ở chân cầu thang, cô chui vào cái hốc nhỏ của mình và hơi khựng lại khi thấy Hạnh San đang ngồi với một người đàn ông.
Sự xuất hiện đột ngột của cô làm cả hai mất tự nhiên. Khi gã đàn ông gật đầu chào Hạnh Lâm thì Hạnh San giả lả:
− Sao hôm nay em về sớm vậy? Để chị giới thiệu. Đây là anh Thái.
Thái mỉm cười, tiếp lời San:
− Em là Hạnh Lâm. Đúng không?
Hạnh Lâm khó chịu nhìn xoáy vào mặt Thái:
− Nhà này chỉ có hai Hạnh, không Hạnh này thì là Hạnh kia chớ sao nữa. Khéo hỏi.
San gượng gạo:
− Em mệt rồi. Vào nghỉ đi Lâm.
Lâm cau có:
− Em đang bực bội chớ không mệt mỏi gì hết. Nhưng em cũng không ở đây làm kỳ đà đâu.
Mặc cho Hạnh San nhìn mình đầy trách móc, Lâm bước qua công viên của chung cư và ngồi xuống ghế đá với tất cả chán chường.
Giờ cô đã rõ. Mỗi tối khi cô lao vào kiếm tiền bằng tất cả nhọc nhằn thì Hạnh San và Lập làm gì rồi. Một người đi... mút chỉ, còn một người mải mê vui vẻ với bồ, chẳng ai cực thân như cô. Không phải Lâm so đo với chị em, nhưng sao cô lại khổ như vậy.
Bắt đầu ngày mai, cô bỏ mặc mọi thứ, thử xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nước mắt lại tràn mi, cô chợt căm ghét thói mít ướt của mình. Nhưng không khóc sao dược, khi San biết cô ngồi phơi sương một mình ngoài công viên mà vẫn chưa chịu tống cổ gã đàn ông ấy về.
Đang ngậm nỗi bất bình, Lâm chợt nghe tiếng chân trên sỏi. Ngước lên, cô thấy Long. Anh bước tới ngồi kế bên cô, giọng thật hiền:
− Muốn giận Lâm ghê lắm, nhưng vẫn không sao giận được. Trở vào nhà hàng, chỉ thấy Cẩm Tiên, thế là tôi về đây.
Lặng lẽ nhìn cô, Long dịu dàng:
− Lại khóc à? Ngồi ngoài sương mà khóc dễ cảm lạnh lắm. Nín đi.
Hạnh Lâm nói qua nước mắt:
− Tôi đang buồn, nếu không khóc, chắc tôi chết mất.
Long bối rối:
− Buồn tôi à? Xin lỗi đã cáu gắt với Lâm.
Lâm nhếch môi:
− Ngoài xin lỗi và năn nỉ ra, Long còn biết nói gì khác không? Tôi xin Long đừng dịu dàng với tôi, đừng làm tôi phải khó xử.
− Tôi dịu dàng với người mình yêu thì có gì là không tốt chứ? Hạnh Lâm! Tại sao em cứ dối lòng? Tại sao em cứ khó xử khi chúng ta có quyền đến với nhau?
Hạnh Lâm kêu lên:
− Đừng nói nữa Long. Với Long, tôi không có quyền gì hết.
Long dang tay:
− Tôi không cho là như vậy. Nhưng em trả lời đi. Em có yêu tôi không?
Hạnh Lâm chịu không nổi cái nhìn chờ đợi của Long, cô nhè nhẹ lắc đầu và đáp nhỏ:
− Không.
Ghì mạnh vai Lâm, Long gằn từng tiếng:
− Em nói dối.
Hạnh Lâm lặng lẽ gỡ tay Long ra. Có lẽ tiếng "không" của cô quá phủ phàng so với những gì Long đã giúp đỡ cô từ trước cho tới tận bây giờ. Nhưng nếu Lâm gật đầu nói có, khác nào cô tự dắt mình vào ngõ cụt.
Lời nói của Lan Anh vẫn còn rõ từng tiếng trong tâm trí Lâm. "Xã hội đã phân chia kẻ giàu người nghèo rất rõ". Cô phải tỉnh táo để nhận ra mình đang đứng đâu trong cái xã hội này.
Lâm nói:
− Tôi sẽ cố hết sức để trả tiền cho Long trong thời gian ngắn nhất.
− Đó không phải là điều tôi muốn nghe.
− Nhưng dó là mối quan tâm hiện giờ của tôi.
Long nhếch môi cay đắng:
− Thì ra giữa tôi và Lâm chỉ ràng buộc vì món nợ ấy? Nếu đúng thế, Lâm ác quá.
Hạnh Lâm nhói đau vì lời trách của Long. Cô đúng là ác. Đã mang tiếng phải làm tới luôn, Lâm hết sức lạnh lùng:
− Long về đi. Tôi không thích hợp với Long.
Dứt lời, cô đứng dậy. Long kéo tay cô ghì mạnh đến mức Lâm té ngồi trên ghế đá. Lúc cô chưa kịp lấy lại thăng bằng, Long đã ôm cô thật chặt. Sự việc diễn ra quá nhanh, làm Lâm không kịp phản ứng. Cô hoảng hồn nhìn Long và đọc được rất rõ sự khát khao mê đắm trong đôi mắt đầy cảm xúc này. Long cúi đầu và như vô tình, môi anh chạm nhẹ vào môi Hạnh Lâm. Một tiếng kêu chưa kịp thoát ra đã tắt nghẹn trong họng cô. Lâm định đẩy Long ra, nhưng không hiểu sao, cô không nỡ vì mới vừa rồi, cô đã làm anh đau, bây giờ cô không thể...
Mắt nhắm lại như trốn chạy hiện thực, Hạnh Lâm nghe chính tim mình đập hoảng loạn và sự run rẩy của Long trong nỗi đam mê đầu đời.
Rồi Long hôn lên mặt cô, những nụ hôn âu yếm dịu dàng:
− Hạnh Lâm! Anh rất yêu em. Anh vô cùng yêu em. Anh không muốn gì hơn là được lo cho em. Đã có anh rồi, mỗi khi cần gì, em hãy trông cậy vào anh.
Lâm thở dài:
− Long đừng nói như thế. Tôi xin Long mà.
Long nhỏ nhẹ:
− Anh hiểu. Anh không muốn quan hệ giữa chúng ta phát triển theo chiều hướng vì những lời độc địa của chị Lan Anh. Nhưng anh không cưỡng được tình cảm của mình. Bây giờ chúng ta đang ngồi cạnh nhau, vì đó là điều quan trọng nhất đối với anh. Anh sẵn sàng bỏ qua gia đình vì em, sẵn sàng chịu đựng mọi cực khổ để được có em.
Hạnh Lâm nghẹn ngào:
− Không. Không thể có chuyện đó.
Long hỏi bằng giọng thảng thốt:
− Tại sao không? Em không hài lòng về anh hay em mặc cảm về thân phận?
Hạnh Lâm hờn tủi:
− Đừng hỏi nữa. Em van anh. Chúng ta hãy quên chuyện xảy ra vừa rồi đi.
Long nhăn trán:
− Anh biết em cũng thích anh. Nếu không, em đã chẳng...
Hạnh Lâm quanh co:
− Tất nhiên em thích có một người bạn như anh. Nhưng chúng ta chỉ là bạn thôi. Em chưa sẵn sàng ràng buộc mình vào ai đó.
Những nếp nhăn trên trán Long dãn ra:
− Anh hiểu điều này và anh nhất định đợi cho tới khi em sẵn sàng yêu anh như anh yêu em.
Hạnh Lâm im lặng. Cô không biết bằng cách nào có thể nói cho Long hiểu ý của cô mà không làm anh bị tổn thương. Nhưng cô cũng muốn để mặc cảm xúc lấn áp lý trí. Cô muốn được ngã vào lòng anh, để được an ủi, để xua đẩy hết mọi buồn phiền nặng nhọc ở trong lòng. Làm như vậy, cô sẽ được lợi nhiều mặt. Một nguồn lợi bất chánh và không công bằng từ một tình yêu cô đã không đáp lại, và sẽ không bao giờ đáp lại.