Chương 1

Khuya lắm, Dung vẫn chưa ngủ được. Khóc nhiều, mắt đỏ hoe, Dung thấy mệt rã rời. Cô ngồi dậy đưa mắt lơ đãng nhìn căn phòng đầy đủ tiện nghi: giường nệm trắng tinh, tủ kiếng lớn, máy điều hòa nhiệt độ… Đối với Dung, những thứ đó bây giờ có ý nghĩa gì nữa đâu. Tất cả đều có giá của nó đấy… Đang suy nghĩ mông lung, chợt Dung bật dậy, chạy đến bên tủ đứng, mở tung hai cánh cửa. Hơn chục bộ áo quần hiện ra rực rỡ trước ánh điện. Đây là chiếc áo dài màu xanh nhạt, cô đã mặc lần đầu đến nhà Thu. Chiếc áo dài cô thích nhất. Thu ơi, anh chưa thấy em mặc áo dài. Ngày chúng mình yêu nhau, anh chỉ thấy em trong bộ áo bà ba cũ sờn, bộ đồ Thu Hiền thải ra… Đây là chiếc áo trắng học trò… Các bạn ơi, Dung sẽ không bao giờ đến lớp nữa. Ngày mai vào lớp, thầy và các bạn có ngạc nhiên, có buồn không khi chỗ ngồi của Dung bỏ trống?… chiếc áo màu hồng nhạt, Dung đã mặc trong buổi giỗ ông nội… Bộ đồ mà ba Dung đã trả với giá rất cao để tiệm may phải may nó trong vòng một ngày, để sau đó những người bà con phải chú ý và quấn quít hỏi thăm cô. Đó là lần đầu tiên cô biết mặt họ. Cũng như Dung, tất cả họ hầu như lần đầu biết Dung. Nghe giới thiệu xong tên tuổi và thứ bậc họ hàng, cô lại quên mất, nên không dám bắt chuyện với ai, vì không biết xưng hô ra sao. Lạ lẫm như cô dâu về nhà chồng khác xứ…Tạm biệt chiếc áo dài vàng nhạt điểm những bông hoa tím li ti. Chiếc áo Dung mặc khi theo ba về thăm nhà ông Bí thư tỉnh ủy. Chiếc áo ấy tôn sắc đẹp thùy mị của Dung thành sự lộng lẫy đến mức, Thảnh, con trai ông Bí thư đã ngây ra ngắm cô, ngay từ lần đầu gặp mặt, đã thầm yêu cô và quên cả ngượng ngùng, năn nỉ ba má đến hỏi cô làm vợ. Thảnh đâu biết, chính anh đã làm cho cô khổ sở…Và có lẽ không chỉ riêng cô. Dung lục sang phần tủ bên trái. Những bộ quần áo cũ nằm gọn ở đây nhắc cô nhớ lại những năm tháng cơ cực. Chiếc áo đen và những mảnh vải khác màu này cô đã mặc nó trong những ngày vật lộn với bầy heo. Chúng ăn, tranh giành, vung vẩy làm nó lấm lem. Chưa kịp đổ cám vào máng, chúng lồng lên, kéo áo, húc xô cám…Chúng làm Dung khổ sở nhưng không hiểu sao, cô thương chúng và cô có cảm giác chúng thông cảm với cô, thương cô là đằng khác…Này đây: đồng hồ, dây chuyền, hạt xoàn, phấn son ngoại… để lại cho chủ mày. Dung sẽ về với anh, nguyên vẹn như những ngày chúng mình yêu nhau và sống bên nhau. Anh sẽ hiểu: Dung sống trong nhung lụa nhưng nào có thấy sung sướng gì đâu.
Vừa khóc, Dung vừa soạn quần áo. Cô chọn mấy bộ đồ cũ nhét vào giỏ xách, chúng có ngắn chút xíu, nhưng chẳng sao vì chúng là của cô. Dung soi mình qua tấm gương, chải vội mái tóc rối. Cô giật mình, người con gái trong gương có đôi mắt đỏ hoe và tâm thần phờ phạc. Không còn nữ trang trên người, Dung thấy mình lạ hẳn đi. Thôi kệ, Dung quả quyết ra khỏi phòng, đi qua nhà ngang. Cô khe khẽ rút chốt. Cánh cửa hé mở. Dung lách mình ra ngoài. Mọi động tác đều chính xác. Cô quá quen đường đi lối lại trong nhà…
Đêm tĩnh lặng. Con lộ trước nhà vốn cuồn cuộn xe cộ, giờ không một bóng người. Chiếc hon da phóng hết ga như có việc gì khẩn cấp, cứ giữa lộ mà phóng. Không một ngọn gió. Chỉ có vầng trăng cuối tháng yếu ớt, rải xuống cảnh vật một làn sáng mỏng, đủ cho Dung cảm thấy se lạnh. Bầy chó nằm khoanh tròn ngủ. Dung đi qua khoảng sân bằng bê tông rộng hàng ngày xe của ba cô, của quan khách vẫn chạy đến đó, lượn nửa vòng rồi đậu lại…
Dung đi ra cổng theo con đường lát gạch cho xe hơi vào ra. Bất chợt con chó trắng nhà bà Ba xổ ra, vẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm hai chân trước lên người cô, mũi khịt khịt. Con chó mập ú, trắng muốt. Cái mõm bé xíu. Nó nhìn cô như muốn nói: đừng đi, đừng đi!… Nó linh cảm được chăng? Đôi mắt nó lóng lánh. Dung cúi xuống ôm lấy nó. Con chó đứng im, tin cậy. Dung nắm lấy cái mõm bé tí: Lần này con chó không vùng ra khỏi tay cô. Nó ráng chịu đau để chiều cô. Kina ơi! Mày biết tao bỏ đi rồi phải không? Mày ra tiễn tao ư? Chỉ có mày biết thương tao và hiểu tao thôi. Biết bao giờ gặp lại mày. Lúc đó hẳn mày già lắm. Hay mày đã … Sống mũi Dung cay cay…Dung đứng lên, con chó vẫy đuôi nhìn. Dưới ánh trăng, Dung thấy mắt nó có nước.
Dung nhè nhẹ mở khóa cổng. Cánh cửa sắt khua rổn rảng. Dung giật thót, tim đập mạnh… Dưới ánh trăng hạ tuần, ngôi nhà hai tầng đồ sộ vẫn chìm trong tĩnh lặng. Chuồng gà công nghiệp, chuồng heo cũng yên lặng. Bầy vịt ngủ im lìm bên bờ ao, trắng như một đống vôi.
Dung bước qua bên kia lộ. Cứ thế, Dung cắm cúi đi. Con Kina chạy theo, kêu ư ử, thống thiết. Dung đuổi nó về. Con chó tội nghiệp! Nó từng chung sống với Dung dưới một mái nhà. Cô thường cho nó ăn, tắm rửa cho nó. Ngày cô chuyển sang nhà bà Năm, nó chui qua hàng rào thăm cô luôn. Bên nhà bà Ba không còn ai hỏi thăm cô nữa, chỉ mình nó vẫn quấn quít bên cô.
Đến bây giờ Dung vẫn thấy bàng hoàng; mình là con ruột của bà Năm ư?! Mọi chứng cứ chứng tỏ Dung là con ruột của ông bà Năm đều khớp và đúng. Vậy mà cô cứ cảm thấy nó thế nào ấy. Chuyện ba má nhận ra cô bắt đầu từ bữa bà Năm ngắm Dung chải tóc. Mái tóc của cô đen mượt như tơ. Nó làm bà Năm chạnh lòng nhớ tới tuổi xuân của mình. Ngày ấy tóc bà cũng xanh mượt như tóc Dung. Mái tóc làm bao chàng trai mê mẩn. Hồi ấy bà cũng đẹp như cô bé Dung bây giờ. Bà giật mình, lẽ nào con bé kia lại giống mình hồi còn con gái đến thế? Nét đẹp của tuổi dậy thì…
Khi Dung đưa tay ngược ra phía sau búi lại lọn tóc, bà nhận ra vết bớt hình bầu dục, màu tím dưới cánh tay trần, chỗ gần nách. Vết bớt ấy làm bà nhớ tới đứa con gái đã mất của mình. Nó cũng có vết bớt ở cánh tay phải. Lúc đầu nó chỉ nhỏ bằng hạt gạo, bà không để ý tới. Đứa bé càng lớn, vết bớt càng rộng và có hình bầu dục. Hồi ấy con gái bà mới tròn một tuổi, vết bớt chỉ bằng đầu ngón tay. Bà Năm rưng rưng nước mắt. Con gái bà hồi đó bụ bẫm, xinh xắn làm sao. Bà ẵm con theo chồng ở trong vùng căn cứ cách mạng. Đó là vùng đồi núi um tùm cây cối và lởm chởm đá tai mèo. Hồi đó, ông Năm là tỉnh ủy viên, phụ trách binh vận. Một hôm giặc đổ quân bất ngờ vây chặt căn cứ. Lực lượng ít ỏi, ông Năm biết không thể đương đầu được với chúng nên ra lệnh cho đơn vị của mình rút ra khỏi vòng vây bằng lối bí mật. Bà Năm ẵm con chạy theo chồng. Đội hình len lỏi giữa những tảng đá rút đi. Nhưng đứa bé khóc oa oa. Đoàn người đi đến đâu, địch cứ theo tiếng khóc của đứa bé bám theo đến đấy. Bà Năm lấy khăn nhét vào miệng bé. Chỉ chút xíu, đứa bé nghẹt thở, đành phải lôi khăn ra. Bà Năm vướng con, chạy rất chậm. Nếu cứ lẩn quẩn với đứa bé, sẽ chết cả đơn vị. Nhưng không ai nỡ nói ra điều đó, chỉ có cha mẹ đứa bé mới quyết định được. Đồng đội nhìn ông Năm căng thẳng. Bà Năm khóc… Phía sau tiếng súng đang gần lại, tiếng rít và tiếng phầm phập của mảnh đạn xung quanh buộc ông Năm phải quyết đoán. Ông nói với vợ bằng giọng dứt khoát: "còn gà mái là còn gà con. Để nó lại!" Bà Năm rùng mình, ôm chặt con vào lòng. Ông Năm giằng lấy con chạy vào góc nhà sàn ven suối. Bà Năm lảo đảo đuổi theo, giọng lạc đi “Con ơi!…” Ông Năm hất hàm ra hiệu. Hai chiến sỹ đuổi theo, chặn bà Năm lại, xốc nách dìu bà mà thực ra gần như lôi bà đi theo đoàn quân…Đoàn rút an toàn. Hôm sau, ông Năm quay lại tìm con. Vùng căn cứ bị bom pháo tan hoang. Ngôi nhà sàn bên suối chỉ còn trơ ra mấy cái cột cháy đen thui. Ông bỏ cả ngày đào bới và được sự phụ giúp của anh em, cả bà Năm nữa, nhưng không tìm thấy thi thể của đứa bé…
Ông Năm được tỉnh ủy nêu gương cho mọi người học tập tinh thần hy sinh con để bảo tồn sinh mạng cho đơn vị. Uy tín ông vì thế mà được nâng lên.
Bà Năm cố nhớ lại khuôn mặt con gái mình. Nhưng thời gian đã xóa nhoà nó khỏi ký ức. Hồi đó, chân tay nó bụ sữa, miệng cười hé ba chiếc răng bé xíu. Nó chưa có nét nào cho bà nhớ ngoài chiếc bớt hình bầu dục kia. Không dằn được tò mò, bà kêu Dung:
- Lại đây bác biểu.
Dung đi lại phía bà Năm. Bà cầm tay cô và kéo ống tay áo cô lên. Vết bớt màu tím than trông xa như vết nhọ đây. Đúng ở vị trí này. Bà hồi hộp hỏi:
- Vết bớt này có từ bao giờ?
Dung đáp:
- Dạ từ hồi nhỏ.
- Thiệt không?
- Dạ thiệt ạ. Con còn nhớ hồi năm tuổi, con đã lấy dao cạo rớm máu mà nó không mất. Con khóc hoài vì sợ nó.
Bà Năm gật đầu. Thật ra, bà đã nhìn thấy vết bớt từ lâu, từ hồi Dung mới sang nhà bà, nhưng hồi ấy Dung còn bé, đen đúa, rách rưới nên vết bớt ấy chưa đủ sức làm cho bà nhớ đến đứa con gái mất tích của mình. Tuy vậy, nó cứ ám ảnh bà hoài… công việc kinh doanh cuốn bà đi. Bà quên hẳn nó. Cho đến hôm nay, Dung chải tóc trước tấm kiếng lớn…
Hôm sau, ông Năm về, bà nói với chồng:
- Này ông. Tôi thấy con Dung có cái bớt y như của con Hoàng Lan nhà mình hồi trước. Nó cũng có nét hao hao giống tôi. Ông có để ý đến không?
Ông Năm giật mình, sực nhớ ra:
- Ừ, tôi cũng định nói với bà về chuyện đó. Nhìn nó, cứ thấy ngờ ngợ.
- Tôi cũng vậy. Mãi hôm qua thấy nó chải tóc và coi kỹ vết bớt ở tay nó, tôi mới nhớ, hồi đó con Hoàng Lan cũng có vết bớt như vậy.
- Vậy hả. Hồi nhỏ nó có vết bớt hả. Để tôi điều tra lại coi. Nếu đúng thế thì có nỗi mừng nào lớn hơn.
- Ông điều tra làm sao?
- Hỏi nó, hỏi làng xóm quê nó. Phải tìm đến cội nguồn nó xuất thân.
Hai ông bà thao thức đến sáng. Thỉnh thoảng bà Năm quay về phía ông thì thầm, giọng hồi hộp:
- Dám nó là con mình rồi ông ạ.

*

°
Ông Năm dậy từ bốn giờ sáng, ngồi nghĩ vẩn vơ bên bàn trà. Sáng nay ông sẽ phải chủ trì cuộc họp của thường trực ủy ban tỉnh, có dễ phải vắng mặt. Ông nôn nóng đến không thể trì hoãn việc điều tra lai lịch con gái sang ngày hôm sau. Ông phác ra kế hoạch tìm kiếm. Bắt đầu công việc này từ đâu? Có lẽ phải về quê nó trước. Về đó, hỏi thăm bà con lối xóm. Phải nhờ vào chính quyền địa phương. Ông về, hẳn là địa phương phải hết lòng giúp ông.
Con đường lần ra nguồn gốc của Dung thật rắc rối. Nhưng ông Năm không nản chí, bởi ông nghĩ, phàm con người ta đã sinh ra và sống trên đời thì chẳng dễ gì mất hết tung tích. Có lúc tưởng như bế tắc, nhưng nhờ may mắn tình cờ, ông lại phăng tới…Người cuối cùng ông hỏi là ông Bảy, gần nhà má nuôi Dung. Lần má nuôi Dung bị bệnh nặng, cũng chính ông giúp đỡ, đưa lên bệnh viện. Chỉ có ông, người duy nhất được bà Mười - má nuôi Dung thổ lộ điều bí mật ấy. Má nuôi Dung kể, bà nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết của trẻ con văng vẳng đâu đó giữa tiếng bom, đạn. Tiếng khóc đó cào cấu bà. Không chịu nổi nữa, bà vùng dậy, vọt ra hầm chạy theo hướng có tiếng trẻ. Và bà tìm thấy có đứa con gái chừng thôi nôi, nằm khóc trên sàn nhà bà. Bà vội vã ẵm nó vào hầm trú ẩn. Pháo giặc dập đến tơi bời. Người dân ở vùng tranh chấp này đã quen với chiến tranh khói lửa, nên không quá khiếp đảm đến quên mất sự cưu mang đối với trẻ thơ lúc bom đạn. Bà ẵm nó, đưa vội ra hầm.
Lúc trận càn chấm dứt, bà ẵm bé lên khỏi hầm và cảm thấy ngỡ ngàng vì xung quanh trở nên quang đãng lạ. Cây cối đổ ngổn ngang, tơi tả. Không gian nồng mùi thuốc đạn khét lẹt. Ngôi nhà sàn của bà cháy trụi, trơ mấy cái cột đỏ rực, nghi ngút khói. Bà ẵm đứa bé lội ra vùng tạm chiếm. Ngày ngày bà xin sữa cho bé ăn và xin cho bé được bú thêm. Hồi đó, bởi gương hy sinh con mình cứu đồng đội của ông Năm có tiếng vang lớn nên bà Mười biết được đứa bé là con của ông Năm. Hồi đó bà không có điều kiện và cũng chẳng có cách gì nhắn cho ông Năm đến nhận con được nên thôi. Sau này bà càng quấn quýt lấy con và khi đó bà thôi luôn ý định trả con cho ông Năm. Với lại, bà có biết ông Năm ở đâu mà tìm, giữa thời buổi chiến tranh, loạn lạc này.
Ông Năm mừng lắm. Mọi chi tiết đều ăn khớp. Đặc biệt là tuổi đời của Dung rất đúng với năm vợ ông sinh ra Hoàng Lan. Còn cái bớt…hồi đó không để ý đến. Phải chịu mẹ nó - ông Năm thầm nghĩ - Người mẹ hằng ngày chăm ẵm, tắm rửa cho con nên nhớ rất kỹ mọi đặc điểm trên người con. Như vậy, đích thực là con gái mình rồi.
Ông về kể cho vợ nghe kết quả cuộc điều tra. Miệng méo xệch, nước mắt chan hòa, bà Năm nắm lấy tay chồng:
- Ôi con tôi! Tội nghiệp chưa! - Vẫn nước mắt lã chã, bà cười: - ông kêu con Dung… à con Hoàng Lan lên đây cho tôi gặp mặt đi. Tội nghiệp con tôi, mười mấy năm lưu lạc, khổ sở!
Ông Năm ngẫm nghĩ, ôn tồn bảo:
- Chưa làm gì mà vội. Để cho chắc chắn, ta phải thử máu xem nó có cùng nhóm máu của tôi, của bà không. Phải tin vào khoa học bà ạ.
Bà Năm náo nức:
- Sớm mai ông làm ngay đi. Đừng để con phải chịu thêm một ngày khổ cực.
Ông Năm:
- Bây giờ bà cho nó nghỉ làm được không. Bà tham việc quá.
- Tham cho ai? - Bà gắt gỏng, chợt nhớ việc chính, bà quên ngay, giọng phấn khích. - Cho nó nghỉ ngay thôi. Từ bây giờ!
Dung được gọi lúc cô đang tắm cho bầy heo, quần áo bê bết phân. Cô chỉ kịp rửa chân tay, và cứ thế bước lên nhà. Đang hồi hộp, cô hết sức ngạc nhiên khi nghe lời nói dịu dàng của bà:
- Ngồi xuống ghế đi con.
Dung lúng túng. Chưa bao giờ Dung được nghe giọng nói ngọt ngào như thế từ miệng bà Năm. Ông Năm ôn tồn:
- Con có nghe má nuôi con nói: Con là con nuôi không?
Mắt Dung đỏ hoe. Cô nhớ đến bà mẹ nuôi nằm trên giường bệnh. Nhớ nhất lúc mẹ đi chợ về và cất tiếng gọi tìm cô… Dung run run trả lời:
- Dạ, con có nghe má nói trước lúc hấp hối.
Ông Năm hỏi tiếp:
- Con có nghe bà kể xin con từ đâu không?
Dung vừa nấc vừa đáp:
- Thưa… má con không kể… mãi đến ngày má trối trăng…
Ông Năm gật đầu:
- Được rồi. Hai bác hiểu hoàn cảnh của con. Từ nay con không phải ra chuồng heo nữa. Con được… nghỉ ngơi…
Thái độ chú ý khác thường của bà Năm mấy hôm gần đây làm Dung cảnh giác, cô lo sợ hỏi:
- Như vậy là… ông bà không nuôi con nữa?
Bà Năm cười, nước mắt chảy ròng ròng, bà đáp giọng cố nén tiếng nấc trong lòng:
- Con được ở không… như Thu Hiền đó. Thôi bác cho con cục xà bông thơm này. Đi tắm gội đi. Từ rày con không phải làm lụng nữa, nhớ không…
Tiếng "con" dịu hiền không làm mất sự hoài nghi trong cô. Dung càng phân vân, lo sợ hơn. Tuy vậy, Dung vẫn xuống chuồng heo, chuồng gà. Cô làm vệ sinh cá nhân xong, bỗng thấy mình quá rảnh rỗi. Mọi việc, từ nay Hải phải làm lấy. Chính Hải cũng ngạc nhiên khi thấy ông bà chủ đối xử ưu tiên với Dung. Không có Dung, trách nhiệm cột vào cổ nặng hơn, mất chỗ dựa, Hải biết mình không còn làm biếng được nữa.
Ngồi trên xe hơi vào bệnh viện thử máu, Dung cứ nghĩ vẩn vơ mãi. Vì sao ông bà Năm đối xử với cô tử tế thế. Còn quan tâm đến sức khỏe của cô nữa. Hay ông bà sợ Dung mang trong mình bệnh gì hay lây…
Gần trưa, Dung nghe thấy tiếng bà Năm. Cô chưa kịp đứng lên, đã thấy bà Năm xô cửa ào vào. Bà ôm chầm lấy cô, khóc: "Con gái của mẹ! Tội nghiệp con tôi!" Dung hoang mang tột độ. Bà Năm rối rít kể như sợ người khác nói mất phần:
- Đi ra ngoài này cho ba con nhận mặt. Lẹ lên con!
Bà Năm kéo Dung lên nhà trên. Ôm lấy con, ông Năm run run:
- Con gái của ba!
Giọng ông nghẹn đi. Cử chỉ của ông Năm làm Dung hoảng sợ. Ông vốn nghiêm nghị. Mặc dù đối xử với cô nhân từ hơn bà Năm, nhưng ít khi cô dám lên nhà trên giáp mặt ông. Hôm nay, ông ôm cô với sự phấn khích đặc biệt, mà ông Năm là người khác giới, làm dậy lên trong Dung bản năng tự vệ của phụ nữ khiến cô bối rối, tai ù đi… Dung thấy mọi vật chao đảo, như sắp xỉu. Ông Năm lấy lại được bình tĩnh trước. Ông cho Dung biết cô là con gái của ông bà. Tên của cô trước kia là Hoàng Lan. Cô đã bị thất lạc như thế nào và trời có mắt đã đưa cô trở lại đúng nhà cha mẹ ruột của mình. Dung khóc. Thế ra những người xa lạ mà cô vẫn kêu là ông bà chủ kia lại chính là cha mẹ ruột của mình. Cứ như là một giấc mơ vậy. Đáng lẽ cô phải vui mừng, ôm lấy cha, vùi đầu vào lòng mẹ, thì Dung đứng trơ ra. Cô chưa thể nào thốt được hai từ: ba ơi, má ơi, đối với ông bà Năm. Hình ảnh người mẹ nuôi hiện ra mồn một trong cô. Bà gánh hai sọt lông vịt về. Đặt gánh xuống, bà cất tiếng gọi: "Dung ơi! Con đâu rồi!". Dung chạy ào ra, ôm lấy tấm thân còm nhom của mẹ. Cô ngửi mùi mồ hôi khen khét, quen thuộc, rất dễ chịu của bà. Bao giờ Dung cũng có quà. Đó là cái bánh tráng, quả chuối,.v.v… Bà quạt bằng chiếc nón lá đã rách và hỏi con ở nhà có đói, có sợ không?… Hồi đó Dung còn bé xíu. Cô đâu biết được đó là má nuôi của mình. Cô lớn lên với má nuôi trong túp lều ven sông. Má ngày ngày đi mua ve chai lông vịt về bán, lấy lời nuôi Dung. Buổi sáng, má đưa Dung đến trường, rồi má cất đôi quang gánh lên vai đi luôn. Buổi trưa và chiều, Dung ở nhà thui thủi một mình. Mãi đến tối má mới về. Cứ thế Dung lớn lên trong nghèo khổ, cô đơn. Cho đến một bữa má Dung bị bệnh. Sức khỏe má sút hẳn. Năm đó bà bệnh rề rề. Bà không đi mua ve chai ở xa được nữa. Bữa ăn kham khổ hơn. Bà hay ngồi thẫn thờ, những giọt nước mắt lăn chầm chậm trên làn da nhăn nheo. Một hôm má chọn cho Dung bộ quần áo lành lặn nhứt, bảo cô mặc, đoạn dẫn cô đi. Lần đầu Dung phải đi bộ xa thế. Mấy tiếng đồng hồ sau, hai mẹ con đến thị xã. Má dẫn Dung đến trước ngôi nhà đồ sộ, hai tầng, có sân bê tông rộng, đậu trên đó là chiếc xe hơi bóng lộn. Má tần ngần nửa muốn gọi, nửa muốn thôi. Một bầy chó to như những con bê con xổ ra, nhe răng trắng ởn, sủa dữ dội. Không có ai ra. Dung níu tay mẹ:
- Má! Con sợ! Má con mình đừng vào đó.
Bà Mười ôm choàng lấy con, siết chặt vào lòng. Bà ngẹn ngào:
- Ừ, má không đưa con vào đó. Vô đó con sợ thì thôi!
Hôm sau, má lại dẫn Dung đi và sự việc lại diễn ra y như thế. Sau này Dung mới biết bà tự dối lòng mình. Làm nghề ve chai nên bà phải đi khắp nơi. Bà biết những nhà giàu có thường nhiều lông vịt vì họ hay tiệc tùng. Nhà ông Năm hay có lông vịt bán cho bà. Sau đó bà nhận ra ông Năm chính là ông Năm Thọ, tỉnh ủy viên hồi nào mà có một thời đã lưu truyền bỏ con cứu đồng đội trong trận giặc đổ quân càn vào vùng bà ở. Bà biết ông bây giờ còn làm lớn hơn. Tất nhiên bà không nói sự thật ấy ra cho Dung và gia đình ông Năm biết. Bởi vì với quyền lực của ông Năm, ông sẽ dễ dàng tước mất đứa con nuôi thân yêu, chỗ nương tựa cuối cùng và duy nhất của bà. Lâu lâu bà thấy cắn rứt. Nếu Dung trở về với ba má cô, con của bà sẽ có cuộc sống sung sướng hơn, được học hành tử tế, và với người cha như thế, tương lai của nó nhất định sẽ rực rỡ. Nhưng hơn ai hết, người già cô đơn sợ cô đơn vô cùng. Và thật may mắn cho bà, khi đem con tính trả cho ông Năm, bà được Dung đòi về, đó là chút lý lẽ giúp cho bà an ủi được phần nào lương tâm mình và bà lại hành động theo lòng yêu thương.
Cho đến bữa, bà thấy người nặng như chì, tay chân bắt đầu lạnh, biết không qua khỏi, bà gọi Dung đến bên. Tiếng gọi chìm đi trong những cử động mấp máy môi. Dung linh cảm thấy sự chẳng lành. Má Dung thều thào: "… Con ơi… má có tội…con chỉ là con nuôi của má… Cha mẹ đẻ của con…cái nhà má dẫn con đến đó…” Giọng bà đứt tại đấy, đôi mắt bà nhìn Dung cái nhìn lạ lắm. Dung chưa bao giờ thấy ai nhìn mình như vầy cả. Đôi mắt má đục dần, má thở hắt ra và lúc đó Dung thấy hai con ngươi đứng lại, dại đi một màu chết chóc. Em òa khóc vì thương má thì ít mà vì sợ thì nhiều hơn. Cái sợ bản năng của một đứa bé lạc vào rừng đêm mù mịt. Xóm làng ào đến. Ông Bảy vuốt mắt cho bà Mười. Đôi mắt đó không nhắm lại được. Ông phải cầm bàn tay nhỏ nhắn của Dung đưa lên đôi mắt lạnh gía của bà. Đôi mắt đó nhắm lại vĩnh viễn và Dung kịp nhìn thấy hình ảnh của em được má đem theo trong hai tròng đen đã mờ đi ấy.
Ông Bảy đứng ra quyên tiền bà con lối xóm mua cho bà bộ áo quan bằng gỗ tạp. Nhà Dung chẳng có gì có thể bán lấy tiền. Người ta vội đưa má Dung đi chôn. Đám tang lặng lẽ, không một vòng hoa. Dung khóc đã khản cả giọng rồi. Đám ma thật buồn!
Ở nhờ nhà ông Bảy ít hôm, Dung xách giỏ áo quần lên thị xã. Em nhớ đến lời trối trăng của má. Lần này, một mình đối mặt với ngôi nhà đồ sộ Dung càng sợ hơn. Bầy chó dữ nhe hàm răng trắng ởn làm em thất kinh. Dung tính rút lui. Em mệt quá đành dựa lưng vào trụ cổng nhà hàng xóm. Con chó trắng thấy bé lại sủa ran lên. Ông chủ nhà bước ra và ngạc nhiên thấy bé gái chừng mười tuổi, mặt mày lấm lem, quần áo rách rưới đang đứng trước cổng nhà mình. Ông hỏi:
Làm sao con khóc?
Má con chết… Má con nói lại đây… - Dung nghẹn ngào đáp.
Ông Ba rùng mình. Vì sao người sắp chết lại trăng trối những điều kỳ lạ vậy? Ông và con bé có liên hệ gì? Ông ôn tồn:
- Má con làm gì? Ở đâu?
- Má con đi mua ve chai…
- Còn ba con
Dung lắc đầu. Nó chưa từng nghe ai nói về ba nó cả. Ông Ba nghĩ ngợi chốc lát rồi nói:
- Thôi được, nếu không có nơi nương tựa thì con vào đây, ông nuôi.
Từ bữa đó, Dung ở nhà ông Ba Lý. Ông làm nghề lái xe khách. Người lái xe thường mê tín. Cũng may, nếu hôm ấy Dung gặp vợ ông thì sự thể không biết sẽ ra sao. Ông Ba Lý mến Dung vì Dung chịu khó, biết vâng lời ông. Ông thường đi luôn, hàng ngày Dung phải tiếp xúc với bà chủ, vừa khó tính, vừa keo kiệt. Cho đến ngày Dung được sang ở với gia đình ông Năm. Dung đâu ngờ sẽ có ngày trở về với gia đình có cha có mẹ, có anh em và có cả họ hàng. Cũng từ đấy cuộc đời Dung bước sang trang mới.