Phần I

     ạo năm ấy sao đắt thế! Đang từ sáu hào, vụt nhảy lên hai đồng tư một nồi. Và xem chiều khan như thế này thì cái giá ấy còn có thể lên, lên nhiều nữa.
Sáng hôm nay, lúc Vượng đi làm, em gái chàng đã dặn:
- Cuối tháng này, anh phải cho thêm tiền để mua gạo đấy.
Câu ấy theo Vượng ra tới đường, vào tận sở. Nó nhảy múa trên những sổ sách của chàng.
Thừa một lúc rỗi công việc, Vượng đem vấn đề ấy ra giải quyết.
Trên tờ giấy, những con số đã chi chít, đã bị gạch đi, thêm vào bao nhiêu lần, và trong đầu chàng đã bao lần xà xẻo, thêm bớt, cái vấn đề ấy vẫn chưa giải quyết xong.
Trong ba tháng này, giá gạo lên như mực nước lũ. Tháng trước, Vượng đã phải gạch đi ở trong sổ chi thu năm đồng số tiền mỗi tháng “đóng góp” với anh em để đi chén và đi hát. Anh em đã làm tình làm tội chàng bao nhiêu bận, đã chế giễu chàng bằng đủ các thứ tên, đã khiêu khích chàng bằng đủ mọi cách, nhưng chàng vẫn cứ làm lơ đi như không biết. Tháng thứ hai, chàng đã phải gạch đi cái hai đồng bạc tiền phở buổi sáng. Anh hàng phở bán ở cửa sở đã trề môi nhún vai mỗi bận chàng đi qua, và khi bước chân vào cổng sở, chàng vẫn còn nghe văng vẳng cái giọng châm biếm của anh ta:
- Thằng ấy dễ thường nó nhịn ăn mà mặc! Tưởng thế nào, vận lôi thôi lếch thếch, chẳng “nước mẹ” gì!
Bao giờ cũng như bao giờ, chàng vẫn cứ giả điếc. Chàng chỉ rảo cẳng để được chóng khỏi phải nghe. Những lần sau, chàng cố tránh anh hàng phở. Và chàng sung sướng mỗi khi anh hàng phở “bỏ qua” cho chàng.
Lần này, chàng không thấy còn gì để gạch nữa rồi! Nhưng vấn đề gạo là một vấn đề không thể không giải quyết.
Chàng đặt bút, rút một điếu thuốc lá, đánh diêm, kéo một hơi, một hơi dài nó đem cái khoan khoái vào cho cơ thể, rồi mắt đăm đăm nhìn lên mảnh giấy, soát lại những món chi thu.
Nhà 15đ Gạo 16đ Chợ 20đ Đóng họ 10đ Điện 2đ Công thằng xe 3đ Tiền học hai em 10đ Tiền túi các em 12đ Tiền thuốc lá 4đ Tiến phấn sáp của em gái 3đ Vặt vãnh 5đ Tổng cộng 100đ Lương chàng 100đ
Tiền gạo theo thời giá phải hơn hai chục, lấy gì điền vào?
Trong đầu chàng nổi lên một cuộc bàn cãi kịch liệt để cố tìm cho đủ mấy cái đồng bạc gạo ấy.
Nhà? Không thể. Tòa nhà bốn buồng này mới đủ mát cho các em chàng. Vả, có như thế mới đủ buồng riêng để cho các em chàng học hành.
Chợ? Thì sáu hào một ngày cả mắm, muối, mỡ thế đã là sẻn lắm rồi. Thịnh, người em thứ ba của chàng năm nay đang học ở ban tú tài, đã nhiều lần buông đũa vì hết thức ăn.
- Giá còn đồ ăn, tôi còn ăn được bát đầy nữa.
Lần nào, nghe Thịnh nói thế, Vượng cũng bảo Nhàn, em gái:
- Chiều cô đưa thêm tiền chợ cho thằng xe. Ừ, ít đồ ăn thật đấy.
Nhưng lần nào, Nhàn cũng ừ hử, rồi không đưa thêm, vì tiền chỉ còn đủ tiêu đến cuối tháng, và nàng biết anh không chạy vào đâu được.
Đóng họ? Không thể. Đó là số tiền để dành may quần áo, sắm sửa cho các em, và để phòng bị những bất ngờ có thể buộc phải chi nhiều. Nghĩ đến tiền họ, Vượng nghĩ luôn ngay đến mùa rét sắp đến. Cái pa-đờ-suy của Thịnh đã sờn cổ, và Nhàn thì ao ước một chiếc măng tô. Tháng sau, thế nào chàng cũng phải mua họ. Tuy thế thì thiệt đi vài ba chục, nhưng mùa rét đến nơi mà bốn tháng nữa, họ mới dốc bát, biết làm thế nào!
Điện? Không thể.
Công thằng xe? Không thể.
Tiền học hai em? Không thể.
Tiền túi của các em? Vượng thà nhịn đói, chứ không dám chạm đến món tiền thiêng liêng ấy. Đạt, học ở trường thuốc, mỗi tháng có sáu đồng tiêu vặt, thế là ít lắm rồi. Thịnh, tính thích đi xem chớp bóng, thường tháng vẫn phải xin thêm chàng dăm bảy hào, một đồng. Lần nào, chàng cũng phải lấy vào tiền chợ, vì trong túi chàng không bao giờ có một đồng xu thừa.
Nhàn, ngoan ngoãn không tiêu gì, nhưng mỗi tháng cũng phải cho nàng vài đồng, để phòng khi chị em rủ đi chơi đâu cho có đồng ra đồng vào chứ.
Tiền thuốc lá? Chàng nghiện đã lâu lắm rồi. Và đời chàng chỉ có cái thú ấy. Chàng nhớ tới những khi còn học ở Bưởi, chàng chúi vào chuồng xí những giờ ra chơi để hút. Chà, cái khói thuốc nó mới thần tiên làm sao! Nó làm cho người bỗng nhẹ nhõm. Chàng nhớ tới những điếu thuốc lá khi buổi sáng, tuy nó làm cho cồn cào, nhưng trong cái cồn cào ấy, có một thứ gì ý nhị như cả một bài thơ hay. Chàng nhớ tới những điếu thuốc lá sau bữa cơm nó làm cho chàng được hưởng lại một lần nữa cái vị của những món ăn đã trôi từ bao giờ vào trong dạ dày. Chàng nhớ tới những điếu thuốc lá trước khi đi ngủ, nó đem đến cho giấc ngủ bao nhiêu mộng đẹp. Chàng nhớ tới những điếu thuốc lá trong khi buồn bực, nhọc mệt. Chà, nó như có cái phép nhiệm mầu kéo những buồn bực và nhọc mệt vất đi. Thuốc lá? Trong đời chàng, chàng nhìn đâu cũng có khói thuốc lá, chỉ có khói thuốc lá thôi. Những ngày chủ nhật chàng lang thang ở những con đường vắng cũng như những ngày hội hè huyên náo, thuốc lá là người bạn trung thành nhất của chàng.
Nó đem lại cho chàng bao nhiêu vui thú, nó đuổi đi cho chàng bao nhiêu bực dọc. Chàng hút thuốc lá không như người khác hút. Chàng thận trọng đánh diêm, chàng nâng niu đặt nó lên môi, chàng trìu mến hút cái khói của nó vào trong tạng phủ như một kẻ tình nhân hít làn má thơm phức của người yêu. Và lần nào, chàng cũng ném cái mẩu đuôi của nó đi bằng một cái nhìn tiếc rẻ.
Không, đời chàng có thể thiếu cái gì, chứ không thể thiếu thuốc lá. Những cái lỗ hổng của ngân sách gây ra bởi giá gạo cao kia, lấy gì mà đút nút?
Tiền phấn sáp của em gái? Không thể. Một người con gái tân thời trong buổi này mà chỉ tiêu có ba đồng về phấn sáp là quá ít lắm rồi. Đã bao nhiêu lần, Nhàn không dám mua những nước hoa thượng hảo hạng. Điều đó, chàng có thể bỏ qua, vì nước hoa thơm nhiều hay thơm ít không thể làm hại sắc đẹp của người đàn bà. Chứ rút số tiền ấy đi để cho em gái chàng phải dùng phấn xấu, son xấu nó có thể làm hại da, hại môi... Ồ thì thà chàng... bán chiếc xe nhà đi. Nhưng điều đó cũng không thể. Nhà gần sở, chàng có thể đi bộ, không sao, nhưng còn em gái chàng mỗi khi đi chợ, đi đâu?.. Một người con gái cần phải sang trọng mới dễ lấy chồng. Đấy là cái vấn đề chàng thắc mắc nhất. Em gái chàng mới có một chuỗi ngọc, một chiếc vòng vàng. Một khi đi lấy chồng, thế nào chàng cũng phải sắm thêm, và làm sao cũng phải cho em một ít tiền. Hy vọng dành dụm để cho em gái có một cái vốn nhỏ khi đi lấy chồng thì không thể được rồi. Mà thế nào đi lấy chồng, em gái chàng cũng phải có cái vốn ấy: “nó” không thể về nhà chồng với hai bàn tay trắng. Chàng đã dự định rồi: ở nhà quê, kỷ phận của chàng còn hơn một mẫu ruộng. Chàng sẽ bán đi, chàng không phải lo về sau nữa. Nhưng chàng phải lo cái lo bây giờ: số tiền gạo. Vặt vãnh có năm đồng trong một gia đình như gia đình chàng đã phải mua những cân chè mạn chỉ có bốn hào. Đạt, người em thứ hai của chàng, tính xuề xòa, ăn mặc thế nào cũng xong, nhưng cần phải có chè ngon. Đã có lần, Đạt càu nhàu với em gái:
- Một tháng chỉ uống có hai cân chè, sao cô không mua thứ kha khá một chút. Đêm thức khuya để học mà phải uống chè khổ như thế này thì “sầu” quá. Cô hà tiện gì cấm không được hà tiện chè.
Vượng nhớ rằng lần ấy Vượng có mắng oan em gái. Và ngay buổi chiều, lúc ở sở ra, Vượng lên thẳng phố Kiến mua một cân chè tám hào; khi tạt qua hàng Bồ, chàng lại mua thêm hộp đường tây để cho Đạt, ban đêm, lúc nào mỏi mệt thì cho vào nước chè uống.
Chàng thường nghe Đạt nói trong đường có nhiều chất bổ lắm. Đạt học nhiều tổn sức, phải cần nhiều chất bổ.
Số tiền hoa mỗi ngày chỉ có năm xu, nhưng một tháng cũng thành một đồng rưỡi. Hay là chàng bảo em gái đừng mua nữa. Nhưng chàng lại nghĩ đến những cử chỉ âu yếm của em gái, khi cắm những chùm hoa lên bình. Nhàn yêu hoa lắm. Nàng thường bảo nhà đẹp đến đâu mà thiếu hoa thì cũng là cái nhà không hồn; nó chứng tỏ bà chủ là người không có một tâm hồn biết yêu cái đẹp. Mà chàng thì chàng không thể để cho người ta có thể ngờ, em gái chàng là người có một tâm hồn không biết yêu cái đẹp.
Nhưng mọi món tiền đều không thể bớt đi thì lấy gì để đút nút cái lỗ hổng trong ngân sách kia?
Vượng cầm điếu thuốc lá đang cháy, kéo mạnh một hơi, hai hơi, ba hơi, rồi khi điếu thuốc lá đã không sao có thể cầm được nữa, chàng mới trân trọng để nó xuống cái gạt tàn. Chàng nhìn cái gạt tàn đầy những que diêm, đầy những tro xám, cái thứ tro mà chàng thích, bỏi nó hình dung lại những khoái lạc mà thuốc lá đã đem đến cho đời chàng; rồi chàng thở dài, thứ thở dài não nuột của một tình nhân khi sắp phải từ giã người yêu.
Người thư ký làm phụ với chàng nghe tiếng thở dài ấy, đang viết, ngừng bút quay lại:
- Ông... nghĩ gì đấy?
Vượng ném một cái nhìn cuối cùng vào cái gạt tàn thuốc lá:
- Không. Tôi có nghĩ gì đâu.
- Tôi vừa mới nghe ông thở dài thôi. Ông buồn gì?
Vượng nhếch mép cười:
- Ông tưởng tượng thế. À! Thế nào, sổ lương ông đã đưa anh em ký cả chưa?
Người thư ký cầm một mảnh giấy đem lại:
- Ký cả rồi. Hôm nay mấy giờ thì ông phát, để tôi bảo anh em.
- Bao giờ thì cũng mười giờ. Tháng này, ông còn thừa nhiều không? Hôm qua, ông chủ vừa mới bảo tôi không được cho ai vay thêm nữa đấy.
- Thế thì chết tôi! Chốc nữa, ở đây ra, khách nợ họ đến lấy hết, tôi chẳng còn đồng xu nào để tiêu. Ông nghĩ thế nào giùm tôi...
- Tôi biết làm thế nào, chủ đã dặn thế.
Vốn biết Vượng là người cẩn thận, không bao giờ dám trái lời chủ, người thư ký không nói nữa. Y chắc lưỡi, vỗ túi rồi giơ tay:
- Ông cho tôi điếu thuốc lá. Hôm nay tôi quên.
Vượng móc gói thuốc lá giấy đỏ mà chàng đã cẩn thận để ở túi trên cho khỏi nhàu:
- Đây.
Người thư ký rút lấy một điếu, uể oải cầm bao diêm:
- Thứ này ngon hơn tất cả, nặng, nhưng êm giọng. Ông hút sành lắm.
Vượng mỉm cười một cách khoái trá:
- Tôi hút thứ này đã mười mấy năm. Tôi đã thử tất cả các thứ thuốc lá, không thứ nào bằng nó. Nhưng chỉ phải cái đắt, những mười ba xu một gói.
- Tôi tưởng thuốc lá thơm đắt hơn chứ.
- À cái đó để những người hút chơi, hút bời, chứ người nghiện sành thì phải hút thuốc này. Thuốc lá thơm, ai cho không tôi, tôi cũng không hút, chẳng có tí gì gọi là cái chân vị của thuốc lá. Họ pha toàn những cái quái gì.
Vượng nói xong, móc mùi soa đưa lên hỉ mũi:
- Nhưng thuốc gì hút thì cũng ráo. Cứ không hút là tốt nhất.

*

Gần mười hai giờ, Vượng về đến nhà thì gặp Đạt lúc ấy cũng vừa về.
- Hôm nay, chú phải ra học ở nhà thương phải không?
- Vâng, bây giờ sáng nào, tôi cũng phải ra nhà thương.
Vượng lùi lại sau để cho Đạt dắt xe đạp vào trước. Nhìn thấy cái xe đạp bám đầy bùn, Vượng quay lại mắng thằng xe lúc ấy đang kéo xe lên vỉa hè:
- Tao đã bảo mày mỗi buổi chiều phải lau xe cho các cậu, sao mày để thế kia?
Thằng xe cãi ngay:
- Thưa cậu, chiều nào con không lau. Cậu Đạt cứ đi bạt mạng, không chịu tránh bùn và nước, cho nên nó thế đấy ạ. Đấy, cậu xem xe cậu Thịnh, lúc nào cũng bóng lộn.
- Thế từ giờ, mày nhớ lau xe cậu Đạt ngày hai buổi.
Vượng nhìn chiếc xe của Thịnh để dựa ở góc tường, rồi cười bảo Đạt:
- Chú đi xe không giữ gìn bằng chú Ba thật.
Vượng để dựa chiếc xe của mình lên xe của em.
- Ồ thằng ấy nó cẩn thận như con gái.
Đạt nói xong, giơ tay lên miệng làm loa:
- Tiou, tiou.
Nhàn ở dưới bếp chạy lên, Thịnh ở trên gác chạy xuống.
Nhàn đỡ chồng sách cho Đạt:
- Hôm nay, lúc anh đi được một tí thì anh Tô lại tìm anh.
- Lúc nãy, anh vừa gặp nó. Cô nhớ bảo thằng xe đến trưa cầm cái mũ nâu lại trả nó cho anh nhé.
Vượng thấy thế hỏi ngay em:
- Kìa chú có cái mũ dạ tím cơ mà?
Đạt chưa nói thì Nhàn đã nói ngay:
- Chủ nhật trước, không biết anh ấy đi đâu về, mũ bẹp cả, bây giờ trông như cái mũ phở.
- Thế thì chú phải mua đi chứ. Tiền đây này.
Đạt bẻ một quả chuối đặt ở trên “búp phê”:
- Thôi, chả mua, tính tôi lơ đãng, đội mũ gì rồi cũng đến hỏng.
- Thế cứ mượn mãi của người ta à? Không tiện.
- Không, tôi có mượn đâu. Hôm nọ, nó để quên ở buồng gác nhà thương, tôi cầm về hộ nó đấy chứ.
- Anh tưởng nếu chú cần mua thì mua đi.
- Không. Tôi cho để đầu trần vừa tiện, vừa dạn nắng gió.
Nhàn xuống bếp xem lại món ăn. Vượng theo hai em lên gác. Vượng đến thẳng giá treo áo, cầm lấy chiếc mũ ngắm nghía. Ngắm nghía xong, chàng đội thử lên đầu, rồi nhìn vào gương:
- Ồ, còn tốt chán. Chú Ba, có phải trông hơn cái mũ đen của tôi không?
- Hơn nhiều, anh đội cái ấy trông được đấy.
Đạt vừa cởi áo, vừa bảo anh:
- Anh có dùng, tôi “cho” anh đấy. Tôi từ giờ quyết không bao giờ đội mũ.
- Ừ, chú không dùng để tôi.
Hai người đang rửa mặt thì Nhàn ở dưới nhà gọi:
- Các anh xuống ăn cơm không nguội cả canh rồi.
Vượng ngừng tay, quay lại bảo Thịnh lúc ấy đang nghêu ngao ở trước hiên:
- Chú xuống trước đi, không nó lại không bằng lòng.
Thịnh vừa chạy xuống, vừa nói với lại:
- Hai anh cũng xuống ngay nhé.
- Được rồi.
Vượng vắt chiếc khăn mặt lên giá, rồi hỏi Đạt lúc ấy đang đánh răng:
- Tôi đố chú biết canh gì mà nó gọi nheo nhéo thế này?
- Phi canh cá rô thì canh cá giấm.
- Sáng đã làm gì có cá để nấu giấm.
- Thế thì canh cá rô.
- Cũng không phải. Tôi chắc là canh tôm cà chua. Tôi thấy hôm nay ho quá.
Vượng vừa nói, vừa ho lên mấy tiếng.
Đạt đặt cái bàn chải:
- Anh muốn uống thuốc để tôi đem ở nhà thương về cho anh.
- Không cần, tôi ho vì hút thuốc lá nhiều. Độ này đờm khiếp quá. Cứ thôi hút là khỏi.
- Anh nghiện nặng thế, thôi làm sao được.

*

Cơm xong, Vượng ho lên mấy tiếng, rồi móc tập bạc tiền lương. Nhàn thấy thế nói ngay:
- Nhà ta bây giờ mỗi tháng ít ra cũng phải hai chục bạc gạo. Gạo đắt quá và khó mua nữa.
- Đây hai chục tiền gạo. Đây tiền chợ, tiền đóng họ, tiền nhà. Đây tiền học và tiền tiêu vặt của chú Hai, chú Ba.
Nhàn thấy anh chi đủ các món, duy có tiền thuốc lá là chưa chi, cô xóc tập bạc rồi hỏi:
- Thế còn tiền thuốc lá của anh đâu? Bây giờ một “tút” lên giá những hai hào đấy.
Vượng thò tay vào túi, giả vờ như để móc túi tiền, rồi lại rút tay không ra:
- Thôi, tôi chả hút thuốc lá nữa. Ho chết đi đây. Đờm cứ vàng khè. Chú Hai, có phải hút thuốc lá nhiều đen phổi không? Chất nicotine là độc khiếp lắm!
Đạt vừa đút tiền vào túi, vừa trả lời:
- Hút ít thì cũng không hại mấy. Anh nghiện bao nhiêu lâu, nay bỏ thì khó chịu lắm. Hút ít đi vậy.
Vượng lại thò tay vào túi như để lấy tiền, rồi lại rút tay không ra:
- Nhưng ít thì cũng có hại phải không?
- Đành thế, nhưng hại ít.
- Thế thì âu bằng chữa hẳn đi cho nó không hại tí nào.
- Nhưng thế thì lấy gì để trợ hứng...
- Chẳng hứng thì đừng hứng. Phải lo đến hai buồng phổi trước. Bệnh lao bây giờ nhiều lắm.
Đạt nhìn anh:
- Anh khỏe như thế, điều độ như thế thì bao giờ lao được.
- À biết đâu. Cứ đề phòng trước là hơn.
Rồi sợ các em dò biết sự thực, Vượng làm bộ nghĩ ngợi rồi nói bằng một giọng nghiêm trang:
- Ở đời, một khi đã nghiện thì bất cứ nghiện cái gì, cũng là không tốt. Mà quái, người ta lại cứ nghiện những chất cay, chất đắng, chứ chẳng ai nghiện chất ngọt, chất bùi cả. Đã để cho nghiện, thì bất cứ nghiện một thứ gì, cũng là yếu đuối. Phải thắng sự yếu đuối của mình. Tôi tính trong hơn mười năm nay, tôi nghiện thuốc lá, hại bao nhiêu là sức khỏe, tốn bao nhiêu là tiền. Từ nay, tôi nhất định chừa. Lợi cả đôi đường. Ở đời mà để cho nghiện thì ngu thật.
Nhàn biên số tiền anh đưa cho vào sổ chợ:
- Thế thôi không mua thuốc lá nữa nhé?
- Thôi, thôi hẳn. Hút để hại thì hút làm gì.
Vượng lại vỗ tay vào túi:
- Để món tiền năm đồng này mua thứ khác còn hơn.
Thịnh thấy thế, hỏi ngay:
- Thôi thế anh cho tôi ba đồng để tôi mua cái “cà vạt”. Hôm nay đi qua Hàng Ngang, tôi thấy một cái “cà vạt” đẹp quá, nó ăn với màu bộ áo tím của tôi lắm.
Vượng bối rối vì trong túi chàng chỉ còn có mấy hào lẻ. Chàng ấp úng rồi bảo em gái:
- Thế cô hẵng cho anh vay ba đồng đưa cho chú ấy, rồi anh trả lại cô. Anh không sẵn tiền lẻ.
Nhàn đếm ba đồng đưa cho Thịnh:
- Anh là hay diện lắm.
- Cô diện bằng mấy tôi. Mùa rét cô bao nhiêu là áo, nhung, da đủ thứ. Mà tôi chỉ có hai bộ, lại cũ rồi.
Vượng cười:
- Thì nó là con gái, phải cho nó ăn mặc lành lặn. Tháng sau, anh lấy họ, anh sẽ may một bộ áo dạ và chiếc pa-đờ-suy mới cho chú. Chú có muốn đóng giày thì đóng cả đi một thể.
- Lần này, tôi phải đóng giày màu da cam.
- Ừ muốn đóng gì thì đóng. Anh lấy được những gần ba trăm cơ mà. Cô thì may lấy một chiếc măng tô, anh xem chiếc của cô hình như cũ rồi.
Thịnh nhìn Nhàn:
- Áo măng-tô nó mới may năm kia. Nó mới xỏ tay chừng vài chục bận, đã cũ thế nào được.
Nhàn không bằng lòng:
- Cũ thì không cũ, nhưng màu ấy bây giờ chẳng ai mặc nữa. Mà cái lối may như thế, bây giờ hủ lắm rồi.
Vượng sợ Nhàn giận Thịnh, vội dàn giải:
- Ừ, anh xem cái lối ấy cũng cổ lắm rồi thật. Ba chục hay ba mươi lăm đồng chứ bao nhiêu.
- Hãy thế. Con gái bây giờ ăn mặc tốn gấp mấy đàn ông.
Nhàn phụng phịu đứng dậy. Đạt đang nhìn ra ngoài sân, quay lại mắng Thịnh, mắng bằng tiếng Pháp để cho Nhàn không nghe hiểu, hay cũng nghe hiểu tí ti thôi:
- Chú không muốn cho em gái chúng ta xinh đẹp. Một chàng thanh niên mà khi nào cũng quá chăm sóc đến sự ăn mặc của mình như chú, trông chẳng ưa mắt chút nào!
Thịnh lặng im không dám cãi Đạt, cũng như Nhàn không bao giờ dám cãi Thịnh, cũng như Đạt không bao giờ dám cãi Vượng.
Vượng sợ Thịnh xấu hổ, liền cười bảo Đạt:
- Biết làm sao được! Chú ấy còn quá trẻ mà. Nhưng tuổi trẻ rồi cũng phải qua đi và sự suy nghĩ chín chắn sẽ đến cùng với tuổi tác!
Đạt ném cái vỏ chuối vào ống phóng, rồi khi nhìn thấy Nhàn đã đi ra ngoài, mới bảo Vượng:
- Nó hai mươi mốt rồi. Nó còn trẻ nữa đâu. Anh cũng chiều nó vừa vừa chứ, không rồi sau này lại thành ra một ông công tử bột, tốt mã nhưng óc rỗng và tim rỗng đấy thôi.
Thịnh cứ cúi gầm mặt xuống, không nhúc nhích. Vượng thấy thế thương hại liền vỗ vào vai em:
- Thôi lên học đi. Chú Hai chú ấy nói thế là phải, chú nên nghe. Diện nhưng mà học chăm thì cũng không sao. Chỉ sợ diện mà lười thôi.
Rồi quay sang Đạt:
- Kỳ thi cuối năm, tất cả có sáu mươi mấy người mà chú Ba được thứ tám, kể cũng khá đấy chứ. Thôi cái chỗ ấy cũng có thể đền bù được.
Thịnh và Đạt lên gác rồi, Vượng đi ra buồng khách. Thấy Nhàn đang ủ rũ ngồi ở ghế, chàng liền nghiêm sắc mặt:
- Cô với chú Ba thật là trẻ con. Chú ấy nói thế mà cô giận chú ấy đấy à? Cái cử chỉ của cô như thế là không đẹp đẽ. Nó làm mất sự hòa khí trong nhà đi. Cô là con gái, càng cần phải dịu dàng và kiên nhẫn.
- Không, em có dám giận anh ấy đâu.
Thấy Nhàn đã chối, Vượng liền đổi giọng:
- À, gạo đắt lắm phải không?
- Vâng, những mười tám đồng một tạ gạo tốt.
- Hai mươi đồng liệu có đủ không?
- Đủ đấy, nhưng em chỉ sợ giá gạo còn lên nữa. Mua gạo chợ bây giờ khó lắm, phải tranh nhau. Mà mua gạo tạ thì gạo thuyền, nhiều khi hôi. Có thể mua gạo xấu, đỡ được mấy đồng, nhưng anh Hai không có đồ ăn thì ăn được, chứ gạo xấu thì...
- Ai bảo mua gạo xấu. Chú ấy độ này học nhiều, cần phải tẩm bổ, nhớ lâu lâu chủ nhật, mua con gà hay con vịt làm cho chú ấy ăn.
- Em vẫn mua đấy chứ. Nhưng bây giờ cái gì cũng đắt. Ngày sáu bảy hào chợ, chẳng có gì ăn cả.
- Thôi được, cuối năm nay chủ sẽ tăng lương cho anh, lúc ấy tha hồ dư dật.
- Chủ tăng cho anh bao nhiêu?
- Ít ra cũng hai chục. Một mình anh ở đấy làm bằng năm người. Thôi, nhẫn nại vài tháng nữa. Còn ba năm, chú Hai ra thì tha hồ. Cô lên gác lấy tờ nhật trình xuống đây cho anh. Xem các chú đọc xong rồi hãy lấy xuống nhé, không để tối anh xem cũng được.
Nhàn vừa vào tới nhà trong thì Vượng lại gọi lại:
- À thế nào, vẫn có đủ đường cho chú Hai đấy chứ? Sao lúc nãy anh lên gác mở hộp chẳng thấy viên nào?
- Mỗi tháng em vẫn mua hai hộp. Hai hộp thì một mình anh Hai uống đủ, nhưng anh Ba độ này cũng uống, thành ra chỉ đến hai mươi là hết. Mà em sợ thiếu tiền chợ, nên em không dám mua.
Vượng ngẫm nghĩ một lát, rồi móc túi còn mấy hào đưa nốt cho em:
- Thôi, cứ mua đủ cho các chú ấy uống. Thiếu rồi anh xoay sau.
- Vâng, thế để chiều em mua hẳn ba hộp. Bây giờ những sáu hào tư đường tốt.
- Ba hộp thì đủ chứ?
- Vâng, đủ.
Nhàn toan quay đi thì Vượng vội vàng hỏi:
- À thế nào, độ này cô có hay đến chơi bà Xuân Thái không đấy?
Câu nói ấy có một nghĩa khác. Cái nghĩa ấy, Nhàn đã hiểu, nên nàng trả lời ngay:
- Lâu lâu lên phố mua bán, em có tạt vào, mà chị Quỳ đi chợ buổi sáng, thường vào chơi đây.
Vượng lặng thinh thì Nhàn lại nói luôn:
- Mỗi lần em lên, bà Xuân Thái cứ hỏi săn, hỏi đón em sao độ này không thấy anh lên chơi.
- Thế cô có bảo rằng, anh bận không?
- Có, em có bảo độ này anh phải đem nhiều việc về nhà làm đêm, nên không thể lên được. Chị Quỳ thì chị ấy bảo em nói dối.
-???
- Chị ấy bảo đi làm ở sở hết giờ thì thôi, chứ việc gì còn phải làm đêm nữa.
Vượng sốt sắng hỏi ngay:
- Thế em có bảo cô ấy rằng có thế thì chủ mới chịu trả thêm anh mỗi tháng hai mươi đồng không?
- Nhưng chị ấy vẫn hình như không tin. Để tối nào em dắt chị ấy xuống đây cho chị ấy nhìn thấy anh làm việc thì chị ấy sẽ phải tin ngay.
- Thôi đừng. Cô ấy chả đi chơi đêm được. Bà Xuân Thái nghiêm lắm.
- Nhưng đi với em thì bà ấy bằng lòng. À hay chủ nhật này anh lên chơi bà ấy.
- Bà ấy cứ bắt anh đánh tổ tôm.
- Thì anh cứ đánh chứ sao.
- Nhưng anh sợ thua.