Lời mở đầu Khoảng năm 1977, khi còn ở trại tù Z30 C Hàm Tân, Thuận Hải, một hôm tôi tình cờ đọc được một mẩu giấy báo gói đồ thăm nuôi của một người bạn tù. Mẩu giấy rách đầu rách đuôi, không nhận ra là báo gì, chỉ thấy một đoạn hình như là hồi ký của ông hoàng thân Kampuchea Norodom Sihanouk. Đại lược, ông Sihanouk lên án gay gắt về âm mưu hành động cướp nước của một người đàn bà Việt Nam tên là Ngọc Vãn (không phải Ngọc Vạn như tôi chép trong tập sách này). Theo ông Sihanouk, bà Ngọc Vãn đã nham hiểm dùng sắc đẹp của mình để khuynh loát người chồng bà là vị vua Chân Lạp (Kampuchea ngày nay) Chey Chetta 2, buộc ông này phải đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác đối với các chúa Nguyễn. Sau một thời gian làm hoàng hậu rồi làm thái hậu nước này (bà có hai người con lần lượt thay nhau làm vua Chân Lạp), bà đã giúp các chúa Nguyễn củng cố được gốc rễ cho di dân người Việt sống trên đất Thủy Chân Lạp. Trong đoạn này Sihanouk cũng có một câu nhấn mạnh đại khái: "Đối với dân tộc Kampuchea ta thì Hồ Chí Minh hay Ngô Đình Diệm cũng chỉ là một. Không có kẻ nào không muốn nuốt chửng đất nước Kampuchea. Nhưng còn may cho ta, hiện giờ hai kẻ thù đó đang xâu xé lẫn nhau, đây chính là cơ hội tốt nhất để dân tộc ta..." Đọc xong đoạn văn tôi nhớ cái tên người đàn bà mà ông Sihanouk nói tới, tôi có gặp trong một vài tài liệu bên lề lịch sử Việt Nam, nhưng là Ngọc Vạn chứ không phải Ngọc Vãn. Nhưng đâu có quan trọng gì cái âm tên? Quan trọng là ở chỗ người đàn bà này là ai mà lại bị Sihanouk kết án, nguyền rủa ghê gớm như thế? Vậy mà sao lịch sử Việt Nam lại nhắc đến bà một cách vắn vỏi, khô khan, chiếu lệ? Sau khi ra tù, tôi cố tìm hiểu thêm vấn đề này và gặp được khá nhiều tài liệu lịch sử tuy có nói về Ngọc Vạn nhưng hầu hết cũng chỉ nói sơ lược... Lược nhìn qua lịch sử dân tộc ta, ngay từ thuở lập quốc, đã ở sát cạnh một nước Trung Hoa rộng lớn lúc nào đầy tham vọng bành trướng. Tổ tiên ta đã chịu bao nhiêu gian khổ, cay đắng mới giành lại và giữ vững được nền độc lập đối với họ. Điều hiển nhiên ta thấy từ xưa đến nay, Trung Hoa cứ mỗi thời mỗi lớn thêm nhờ sức đồng hóa mãnh liệt của Hán tộc. Các nước nhỏ chung quanh Trung Hoa dần bị Hoa hóa đã đành, mà đến ngày nay, những nước lớn mạnh như Mông Cổ (Nội Mông), Tân Cương, Mãn Châu, Tây Tạng cũng đều lần lượt rơi vào tay Trung Hoa. Trong khi đó, nước Việt ta khi xưa vốn chỉ bao gồm một khoảnh nhỏ từ miền Bắc vào tới Hà Tĩnh, hơn ba phần tư là núi đồi sỏi đá, chỉ có một số đồng bằng nhỏ hẹp mỗi ngày một già cỗi. Vậy, cho dù dân ta có anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm, liệu có đủ sức chịu đựng nổi sự xâm lấn trường kỳ của người phương Bắc hay không? Thấy nước ta quá nhỏ bé, Trung Hoa hiếp đáp đã đành, những nước láng giềng của ta thời đó như Nam Chiếu (Vân Nam), Chiêm Thành, Xiêm La, Bồn Man, Lão Qua (một phần của Lào) cũng tìm cách lấn ép nữa. Nếu nước ta chỉ biết lo giữ mình không thôi, với hoàn cảnh tứ diện thọ địch như thế liệu còn tồn tại được bao lâu? May thay, trời lại ban cho nước Nam lắm kẻ anh hùng, ngoài việc chống giặc giữ nước, hễ có cơ hội thuận tiện, tổ tiên ta liền phát huy sức mạnh của mình, Tây chinh, Nam tiến, và cũng có cả lúc dự định Bắc tiến nữa (thời Quang Trung Nguyễn Huệ), trước là diệt bớt mối họa quấy phá biên cương, sau là nới rộng lãnh thổ để giữ thế đứng. Kể từ thời Lê Đại Hành, nước ta đã tiến đánh Chiêm Thành ổn định phía Nam trước khi dồn sức chống nhà Tống xâm lược. Đời Lý Thánh Tôn, ta lấy Quảng Bình và một phần Quảng Trị. Đời Trần Anh Tôn ta lấy tới Thừa Thiên. Đời Hồ Quí Ly ta chiếm Quảng Nam. Đời Lê Thánh Tôn ta lại chiếm một phần lãnh thổ Bồn Man, Lão Qua ở phía Tây và nhiều phần đất của Chiêm Thành ở phía nam Quảng Nam. Đến đời các chúa Nguyễn thì nước Việt ta nuốt hẳn nước Chiêm Thành. Đó là cách duy nhất tổ tiên ta phải hành động để tăng trưởng sức mạnh của mình, để đấu tranh với các lân bang mà tồn tại. Tuy rằng nhiều anh hùng có công mở mang bờ cõi đó được ghi vào sử sách để lưu truyền tiếng tốt cho ngàn sau, nhưng liệu các sử gia có tránh khỏi thiếu sót vì những lý do ngoài ý muốn không? Trong thời kỳ gây dựng xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã từng mở rộng lãnh thổ nước ta về Nam, chiếm cả vùng Thủy Chân Lạp của Kampuchea. Đó là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Đồng Nai, ta quen gọi gộp chung là đồng bằng Nam bộ, tức là vựa lúa to lớn nhất của Việt Nam bây giờ. Chính đồng bằng Nam bộ này đã làm điều hòa, đã giảm thiểu tình trạng đói kém cho toàn nước ta trong những năm gặp thiên tai hạn hán. Nếu không có đồng bằng Nam bộ, vào những năm mất mùa, không biết dân ta sẽ khốn đốn tới mức nào? Chết chóc tới mức nào? Nhờ ai mà ta có vựa lúa vĩ đại đó? Tất nhiên là công lao của các chúa Nguyễn. Nhưng giả như cuộc Nam Tiến đó "thiếu" sự đóng góp công sức cả một đời mình của một người đàn bà, người đàn bà duy nhất đương thời có đủ khả năng làm tiên phong mở lối, cũng là người trong dòng họ Nguyễn, liệu các chúa Nguyễn có làm nên chuyện được không? Tại sao các sử gia triều Nguyễn lại làm ngơ không nhắc đến, hoặc có nhắc đến thì cũng nhắc một cách chiếu lệ, hững hờ đối với người đàn bà đóng góp đầu công trong cuộc Nam Tiến vĩ đại này? Người đó là ai? Chính là Công Nữ Ngọc Vạn! Công nữ là từ để gọi con gái của một vị chúa, không nên lầm lẫn với công chúa là con gái của vua. Sở dĩ sau này có người gọi công chúa Ngọc Vạn đó chỉ là cách gọi theo khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, thân phụ của vị công nữ này được nhà Nguyễn tôn phong là Hi Tôn Hiếu Văn hoàng đế. Công nữ Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta 2 vào năm 1620 và được sắc phong hoàng hậu Chân Lạp. Khi vua Chey mất, hai người con của bà Chau Ponhea To rồi Chau Ponhea Nou lần lượt lên làm vua, Ngọc Vạn đương nhiên trở thành thái hậu nước Chân Lạp. Qua quá trình 52 năm đóng vai quốc mẫu Chân Lạp đó, Ngọc Vạn đã làm được nhiều việc cho dân tộc Việt mà thiết tưởng không có ai khác của nước ta làm nổi: Thứ nhất, xin với vua Chey cho người Việt di cư sang khai hoang sinh sống ở Mỗi Xuy (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai) để rồi từ đó dân Việt tỏa rộng ra trên khắp miền Thủy Chân Lạp. Thứ hai, xin phép cho di dân nước Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất Thủy Chân Lạp. Thứ ba, xin phép vua Chey thành lập một sở thuế thương mại đầu tiên ở Prey Kor (Sài Gòn Chợ Lớn) làm đầu cầu chiến lược vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp. Sau khi hai người con bà đã chết, mặc dù những người khác trong hoàng tộc thay nhau lên làm vua, bà Ngọc Vạn vẫn tiếp tục giữ ngôi vị thái hậu. Nhờ thế, mỗi khi có chuyện tranh chấp nội bộ trong chính quyền Chân Lạp, bà Ngọc Vạn vẫn "cố vấn" cho những người yếu thế chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Dĩ nhiên là chúa Nguyễn lúc nào cũng sẵn sàng "chiếu cố giúp đỡ"... Rồi người mang ơn thì phải trả ơn, người ra ơn thì cứ nhận sự đền đáp, đất đai vùng Thủy Chân Lạp cứ lần lượt về tay các chúa Nguyễn. Làn sóng người Việt di dân ở trên đất Chân Lạp đã đâm rễ mọc chồi sẵn, sự đổi chủ đất đâu có khó khăn gì! Theo nhiều ý kiến, sở dĩ các sử gia triều Nguyễn tránh nêu rõ những công trạng của Ngọc Vạn là vì theo ý các vua chúa nhà Nguyễn chủ trương "xấu che tốt khoe". Nhà Nguyễn cho rằng việc dùng một người đàn bà tài sắc để khuynh loát người ta với mưu đồ chiếm đất là một việc làm không được chính đáng. Bậc chính nhân quân tử không nể, không ưa những hành động như thế (?). Thật ra tự cổ chí kim, từ đông sang tây, việc dùng đàn bà vào mưu đồ chính trị thời nào, nơi nào mà chẳng có, có gì là lạ đâu? Làm được các việc đó đều phải là những kẻ bản lãnh hơn người, chứ đâu phải ai cũng làm được? Vì quá trọng quan niệm chính nhân quân tử mà bỏ qua công lao của một người, đặc biệt là một người đàn bà, qua một quá trình hơn năm mươi năm chịu đau khổ, chịu cô đơn, lao tâm khổ trí vì đại cuộc thì thật là không công bằng! Cũng có người cho rằng các chúa Nguyễn trực tiếp tham dự vào công cuộc Nam Tiến này muốn ôm riêng cho mình những công lao quá hiển hách ấy(?)! Nhưng nhà Nguyễn lờ đi thì có sử Kampuchea và nhiều nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Tây phương ghi chép việc này. Ngọc Vạn đã có thời sống với chồng, đã có thời sống với con mà lúc nào bà cũng hành động trái nghịch và đơn độc. Sau đó bà lại tiếp tục làm thái hậu qua nhiều đời vua Chân Lạp khác chẳng có dính dáng tí máu huyết nào với bà trải một thời gian dài đằng đẵng. Nhìn quá trình ấy, ta hãy tưởng tượng, trên đời còn có nỗi cô đơn nào to lớn bằng nỗi cô đơn của người đàn bà này? Công lao mở nước to lớn đến thế, chịu nỗi cô đơn to lớn đến thế, sao người ta lại làm ngơ coi bà như một người ngoại cuộc vô công? Cảm xúc khi nghĩ đến nỗi đau lớn mà người đàn bà tài tình, quả cảm phi thường này chịu đựng, tôi cố gắng gom góp một số tài liệu viết nên thiên tiểu thuyết lịch sử Công Nữ Ngọc Vạn như thắp một nén hương để tưởng niệm công lao của bà.California, mùa đông năm 2002Ngô Viết Trọng