1. Đi hay Ở ?

- Đi đi con ạ. Mẹ thấy thằng ấy cũng tốt.
Thủy ngồi trầm ngâm, không nói gì.
- Thằng Tuấn đến giờ vẫn vạ vật bên Hồng Công. Con Thảo thì còn bé, từ ngày đẻ ra đến giờ nào đã được nhìn mặt bố. Nó còn bé. Đừng để nó khổ. Hai mẹ con mày sang bên ấy sẽ sung sướng hơn, chứ đợi tiền thằng Tuấn gởi về thì đến bao giờ hả con?
Thủy ngồi nghĩ miên man. Những kỷ niệm ngày xưa cứ quay về, dồn dập quấn lấy dòng suy tưởng. Năm Thủy ra trường thì họ lấy nhau. Tuấn cùng học một lớp với Thủy. Mặc dù là sinh viên đại học sư phạm nhưng trông Tuấn chẳng có dáng vẻ của một ông thầy giáo tương lai tý nào cả. Nhưng khuôn mặt điển trai pha chút từng trải và sự giàu sang hào phóng của Tuấn đã làm cho tất cả bọn con gái trong lớp say như điếu đổ.
- Thằng Khương có hơi nhà quê, nói chuyện không được lưu loát như trai Hà Nội. Nhưng mẹ thấy nó hiền lành, chăm chỉ. Nếu mà mày được cưới nó thật thì tao lại cũng mừng. Con ạ. Ngày xưa bà đã dạy mẹ là nếu người đàn bà muốn được hạnh phúc, được sung sướng thì phải lấy cái thằng đàn ông yêu mình, chứ đừng lấy cái thằng mình yêu.
- Mẹ lại nói thế rồi. - Thủy phản đối, đầu vẫn chưa dứt khỏi luồng suy nghĩ.
Tuấn cũng yêu cô, chiều cô, chăm sóc cho cô lắm. Mang tiếng đi học nhưng Tuấn chả mấy khi có mặt trên lớp. Thủy toàn phải nhờ người điểm danh hộ Tuấn, hoặc tự điền thêm tên Tuấn vào danh sách báo cáo của lớp trưởng. Vắng mặt thế, nhưng bù lại Tuấn rất thông minh, cho nên toàn được điểm cao.
Cứ trước kì thi vài ngày, Thủy lại photocopy hết tất cả tập vở của mình, đóng lại thành một quyển cho Tuẩn. Họ thường đến bãi đất bồi nằm trên đoạn đê sông Hồng, gần cầu Thăng Long. Các chị bán nước trải cho họ một tấm chiếu dưới tán tre, trên nền đất phù sa mịn màng mềm mại. Thủy ngồi lấy chân làm gối cho Tuấn. Anh nằm dài ra chiếu nhấm nhá từng lát củ đậu chấm muối ớt, chăm chú đọc từng trang vở. Thủy bóc vỏ đậu, cắt thành lát mỏng, đút vào miệng Tuấn. Thỉnh thoảng Tuấn lại bảo Thủy giải thích những chỗ khó hiểu. Tuấn giỏi lắm - Thủy mỉm cười - toàn bộ ghi chép của mỗi môn học trong cả học kì anh chỉ cần đọc nửa buổi là đủ.
Buổi chiều thì họ về nhà Thủy. Trong lúc Thủy và mẹ đi nấu ăn thì Tuấn ngồi đọc thêm tất cả các sách có liên quan. Chỉ cần đến tối là Tuấn đã nắm hết được tất cả những gì cần thiết, thậm chí còn đủ để giảng lại cho Thủy những chỗ Thủy không hiểu. Tuấn thích đọc sách lắm. Anh thường đưa tiền cho Thủy để Thủy mua sách, đặc biệt là sách giáo khoa của môn học.
- Thì mẹ nói là nói thế thôi, chứ con vẫn là người quyết định mọi sự mà. - giọng bà mẹ vẫn đều đều rót vào tai Thủy. - Nhưng thế nào thì thế mẹ vẫn thích thằng Khương. Không phải vì mẹ ghét bỏ gì thằng Tuấn, nhưng nó ở xa quá, lại không giấy tờ, đến khi nào mới về được chứ? Mà mày thì gái một con, đơn côi một thân một mình với cái đồng lương giáo viên còi cọc... Phải nghĩ đến bé Thảo nữa con ạ. Vả lại có cần phải cưới thật với thằng Khương đâu? Chỉ cần làm giấy tờ để sứ quán Ba Lan người ta cấp giấy phép cho sang thôi. Mẹ nói không đúng sao?
Năm năm đại học Tuấn làm nghề buôn tranh. Anh bắt đầu bằng những bức họa chép lại bán cho hội Tây ba lô, la cà suốt ngày ở các quán cà phê có nhiều Tây ba lô lui tới. Có giai đoạn Tuấn còn tổ chức cả những triển lãm tranh lớn để làm sống lại các hoạ sĩ già hay lăng xê những cây cọ trẻ. Mãi đến khi Tuấn móc nối với đường dây buôn lậu đồ cổ thì anh mới phải bỏ chạy khi bị công an truy nã. Đường dây của Tuấn bị lộ sau khi cảnh sát Hà Nội lập chuyên án điều tra để làm dịu luồng dư luận sau các loạt bài báo tố cáo về nạn chảy máu đồ cổ của Việt Nam.
- Mày sang Ba lan thì sẽ sướng cái thân mày. Ở Tây bao giờ lại chả sướng hơn ở ta. Con Thảo cũng thế, nếu bơ sữa đầy đủ, sẽ cao to trắng trẻo, chứ không còi cọc đen đủi như bây giờ. Lúc nào nhớ mẹ lại làm một chuyến về phép, thế là đủ. Còn với thằng Tuấn thì cũng chả ngại. Nó đã chẳng viết thư cho phép mày đi lấy chồng khác là gì. Mày sang kia cũng có phải làm vợ thật của thằng Khương đâu? Vài năm nữa thằng Tuấn có được giấy tờ thì nó lại đón mày sang Hồng Công. Từ Ba Lan đi chắc chắn sẽ dễ hơn từ Việt Nam rồi...
Đổ bể, Tuấn đi theo đám bạn cùng dây sang Trung Quốc bằng cửa khẩu Lạng Sơn, sau đó được một tổ chức khác đón sang Hồng Công bằng giấy tờ của người Trung Quốc để xin nhập cư. Nếu bình thường thì không sao, đằng này lại đúng lúc Hồng Công được trao trả lại cho Trung Quốc, cho nên họ thay đổi chính sách trong việc có cho phép dân nhập cư Trung Quốc được ở lại Hồng Công hay trao trả cho chính quyền Trung Quốc.
- Sang đấy mà không muốn dựa dẫm vào thằng Khương thì còn có chị Thục, con nhà bác Phúc. Nhà ấy với nhà mình trước rất thân nhau. Chả nhắc thì mày cũng nhớ bà Phúc là người yêu cũ của bố mày. Giỗ nào, Tết nào mà bà ấy lại không đến đây thắp vài nén hương cho ông ấy. - Trên mặt mẹ lại thoáng chút đăm chiêu thường lệ, mỗi khi nhắc đến bố.
Mẹ còn nói nhiều nữa nhưng Thủy không nhớ được hết. Mấy đêm sau cũng vậy, mẹ cứ rủ rỉ tâm sự. Lúc như nói cho Thủy nghe, lúc như tự thoại với mình.
Mọi chuyện bắt đầu từ hôm Khương đến chuyển quà của Thục. Mẹ được một cái khăn choàng rất đẹp, Thủy được một bộ váy rất sang, còn bé Thảo thì được cô Thục mừng tuổi hai trăm đô. Hôm đầu anh Khương chỉ ghé qua rồi về ngay vì có anh bạn cùng đi tiện chỉ đường. Hôm sau anh ta đến một mình để đem quà. Hôm sau nữa thì mẹ mời cơm, anh mới cho biết thêm nhiều điều về cuộc sống ở Ba Lan.
- Nhà anh chị Phú - Thục to lắm. Hai vợ chồng mua mất cả trăm nghìn đô. Từ ngoài vào trong cái gì cũng Tây hết. Chỉ riêng bức tranh phong cảnh của Tây treo trên tường cũng giá hàng trăm đô. - Khương hào hứng khoe.
- Em Thủy nhà bác cũng mong ước được sang Tây sống lắm. Em nó đọc sách, xem tranh nước ngoài từ bé. - Mẹ Thủy tiếp lời.
- Có gì khó đâu bác. Chỉ cần tìm một thằng chưa vợ như cháu làm giấy kết hôn, thế là xin được thẻ định cư ngay. Xong rồi thì lại làm giấy li dị...
- Anh nói đùa thế thôi, chứ qua mặt thế nào được họ. Nếu cưới thật thì may ra họ còn xét. - Thủy góp chuyện.
- Ồ. Mình nói thật đấy. Bên ấy họ toàn làm thế. Mất thêm vài nghìn đô tiền trà nước là ô-kê ngay. Mà cưới thật thì càng tốt. Ai mà cưới được em thì phải tốt số lắm mới được.
Anh chàng chắc không quen tán gái nên nói xong là đỏ bừng mặt, mắt không dám nhìn Thủy tiếp, tiện tay uống cạn cốc bia.
Hôm sau nữa Khương cũng đến nhưng Thủy đi họp bộ môn chưa về. Chắc là mẹ Thủy lại hỏi anh về chuyện ấy nên mới đêm nào cũng ngồi tò tò, rỉ rả nói chuyện với cô.
Bẵng đi hai tuần Khương không đến vì phải về quê chữa nhà, nghe bảo anh còn dự định mua thêm mảnh đất nào nữa ở quê cho bố mẹ. Khương định mua nhà ở Hà Nội nhưng hai cụ không chịu ra.

*

Khương đến, vụng về dựng chiếc xe máy ở sân, bước vào nhà.
- Cháu xin phép bác được mời Thủy đi uống nước!
- Ồ, anh thật là quá bận tâm. Đúng là quí hóa quá. Người ở Tây về nó có khác- mẹ Thủy nhanh chóng đỡ lời. - Em nó ở nhà mãi cũng chán. Rõ khổ, hôm nào cũng đi dạy về là lại chấm bài, soạn giáo án. - bà lại quay sang Thủy, lên giọng. - Này, không mau mà đi thay quần áo đi không lại để anh nó đợi lâu. Mày đúng là...
Thủy sững sờ. Cô đã sững người vì lời mời của Khương, lại càng bối rối hơn khi mẹ nói. Nếu anh ta mời trực tiếp thì chắc Thủy đã từ chối. Đằng này mẹ lại nhận lời, lại còn quay sang trách Thủy thì không còn cớ gì để từ chối nữa cả. Không biết nói sao, Thủy quay lên gác để thay bộ áo dài cô giáo, ngồi vào bàn trang điểm chải lại mái tóc.
Chiếc bàn trang điểm mầu hồng phấn này là của Tuấn mua tận Sài Gòn chở ra cho Thủy. Ngồi trước gương Thủy lại nhớ đến Tuấn, và cảm thấy mình không nên đi chơi với Khương. Nhưng mà...

*

Gió hồ Tây gợn sóng lăn tăn trên mặt nước. Trẻ con chạy đuổi nhau bắn nước tung tóe bể bơi. Vài chị nạ dòng hì hục bơi cho đủ số vòng để giữ eo. Mấy em người mẫu với làn da trắng nõn uể oải đi lại, nằm dài trên những chiếc ghế trong các bộ khăn tắm sang trọng. Giới làm ăn trẻ của Hà Nội chọn nơi này làm điểm tụ họp hàng chiều, để khoe nhau những chiếc quần bơi đắt tiền, những sợi dây chuyền vàng nặng trĩu cổ cùng đồng hồ "xịn" mua tận Nhật hay Thụy Sĩ.
Thủy ngồi lạc lõng trong chiếc ghế mây êm ái của khách sạn Thắng Lợi, nhấm nhá từng mảnh khoai tây rán, ăn với ketchup, một thứ thức ăn thời thượng của Hà Nội bây giờ. Tất nhiên là không thể thiếu một chai Heineken lùn và một gói Đun xanh. Đã lâu lắm Thủy không còn lui tới những chỗ như thế này, từ ngày Tuấn phải chạy sang Hồng Công. Có nhiều chị Thủy thấy quen mặt, cả vài cháu bé hiếu động. Nhưng đội thanh niên, nhất là những cô người mẫu thì đã thay hết. Thủy nhớ, ngày xưa vào đây có nhiều buổi Tuấn chả bơi gì cả, chỉ nằm dài trên ghế ngắm nhìn các em người mẫu. Chả bù cho cái lão Khương này, suốt từ nãy đến giờ chỉ biết ngắm Thủy không biết chán, lúng túng như một anh ngố.
Thủy khẽ đánh mắt sang phía Khương. Chạm mắt, lúng túng, Thủy hơi cười để lộ khóe miệng duyên dáng, rồi vờ như lơ đãng, quay đầu tiếp theo đà cũ nhìn sang phía trường Chu Văn An, chỗ có một dãy quán đèn nê-ôn sáng choang rọi xuống mặt hồ.
- Cô Thủy đang nghĩ gì mà vui thế? - Khương bắt ngay lấy cơ hội.
- Ngày xưa em thường đến đây, nhưng không phải để ngồi uống nước mà là để xuống bơi.
Khương lại ớ người như một gã khờ. Thì lúc còn ở Việt Nam anh chàng có bao giờ đủ tiền để vào đây đâu mà biết trong này có gì. Mời được Thủy đi uống nước, sướng quá, Khương phải nghĩ ra ngay một chỗ mà Khương cho là sang trọng của Hà Nội, cho nên đèo Thủy một mạch sang hướng đường Thanh Niên, ngược lên đê và rẽ xuống Khách sạn Thắng Lợi để uống nước cạnh hồ Tây. Có biết đâu bên trong khách sạn lại có bể bơi như thế này. Nhưng mấy năm sống ở nước ngoài cũng đủ làm cho Khương học được cái lém lỉnh của hội bán hàng trên sân.
- à, thế mai anh sang đón em đến đây đi bơi nhé?
Thủy gật đầu. Xong rồi lại tự trách tại sao mình lại gật đầu nhanh thế. Nhưng rồi Thủy lại thanh minh ngay. Chả sao, tiêu tốn một ít của thằng khờ này cũng được. Hắn ta ở Tây về túi đầy tiền. Mình mà không tiêu bớt thì gã lại đem hết về bên ấy. Nghĩ xong Thủy lại trách mình, và cảm thấy không nên nói như vậy vì thật ra Khương chỉ khờ chứ không đến nỗi kệch cỡm, khoe tiền như bọn người từ nước ngoài về thường thế.
Khương vui vẻ ra mặt, hào hứng chạy vào trong mua tiếp một đĩa khoai tây và hai chai bia nữa cho họ. Thủy đã thôi không còn thả nhẹ từng hơi thuốc nặng nề xuống mặt bàn nữa mà thoải mái thở ra, đẩy luồng khói thuốc đi ngược với những cơn gió thổi đến, tràn vào mặt và mái tóc dài.

*

Hôm sau.
Lúc Thủy bước ra hồ thì Khương chỉ thiếu tí nữa là há hốc mồm vì kinh ngạc, sững sờ. Không chỉ có Khương mà nhiều gã đàn ông khác cũng vậy. Thủy biết điều ấy. Tuấn đã chẳng từng bảo với Thủy như vậy đó sao:
- Bọn đàn ông ở đây đang chảy cả hết nước rãi ra vì em đấy, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
- Thế còn anh?
- Anh thì anh chỉ muốn ăn thịt em ngay bây giờ thôi. Con yêu quái ạ. - Tuấn cười hì hì kéo sát Thủy vào người. Vòng tay anh siết chặt lấy chiếc eo nhỏ nhắn.
Thủy khẽ mỉm cười rồi nhẩy ùm xuống nước, bơi một mạch hai mươi vòng hồ, không đoái hoài gì đến Khương.
Ngày xưa có Tuấn cũng vậy. Hai người đến nơi là bơi liền một lèo, lên bờ nghỉ xong lại xuống bơi tiếp một mạch nữa rồi mới về. Tuấn ra hạn định. Một chiều dài hồ là 25m. Hai mươi lần bơi qua lại là 500m. Mỗi buổi anh phải bơi đủ bốn nghìn mét, tức là một trăm sáu mươi vòng hồ. Thủy cũng thấy thích cái hạn này, nhưng cô chỉ đặt cho mình một nghìn mét, tức hai lần hai mươi vòng hồ mà thôi.
Bơi hết 500m đầu tiên, Thủy mệt mỏi bước lên bờ. Khương đã đợi sẵn với đĩa khoai tây rán và chai bia như hôm trước. - Thằng khờ này thế mà cũng biết khéo chiều gái. - Thủy nghĩ thầm, không nói không rằng vớ ngay lấy chai bia uống một hơi. Không hiểu sao Thủy bỗng nhiên làm phép so sánh Khương với Tuấn. Gã này học tổng hợp Toán, tất nhiên là không thể lịch lãm bằng Tuấn rồi, lại còn gốc gác nhà quê, nhưng bù lại, có vẻ rất giàu, tiêu tiền không tính toán.
Bên cạnh Tuấn Thủy thấy mình như con mèo con cần được che chở, ôm ấp, vuốt ve. Bên cạnh Khương Thủy thấy mình như một bà hoàng trước gã nô lệ trung thành.
Khương si Thủy thật sự. Anh chàng ngồi ngắm Thủy không biết chán. Từ thời đại học đã như thế rồi. Thủy vẫn chưa biết là Khương vào đại học cùng một năm với Thủy và Tuấn. Anh chàng chính là một trong những gã trai tổng hợp Toán mà buổi tan trường nào cũng sang bên Sư phạm tán tỉnh bọn con gái đi học về. Từ ngày Thủy cặp với Tuấn thì Khương thôi không còn chăm chỉ sang trường Sư phạm nữa. Có những hôm nhớ quá, gã lại bám theo lũ bạn sang bên ấy. Vài lần gã tưởng gặp may khi thấy Tuấn không đến đón Thủy bằng xe Dream, Thủy tự đạp xe đạp về nhà. Nhưng có bạo gan mấy Khương cũng vẫn không đủ can đảm để phóng lên làm quen.
Bây giờ thì khác. Tiền đầy túi, Khương bỗng cảm thấy vững tin hơn, dù vẫn chưa hết nhát gái. Học xong đại học là ông anh họ bốc thẳng sang Ba lan để tiêu hàng. Sau vài năm phấn đấu thì Khương đã có thể tự thân vận động, tậu xe, thuê nhà ở riêng, mua đất cho bố mẹ. Khương cười bâng quơ trong làn khói thuốc. Nếu chuyến này sang Trung Quốc gặp được mối hàng tốt thì không khéo còn mua được cả nhà ở bên ấy. Thật là tiền đã làm thay đổi cả còn người của anh chàng nhà quê chân đất. Khương bắt đầu chú ý hơn đến quần áo, toàn vào hiệu nổi tiếng chọn những bộ vét nào đắt nhấg mà mua dù không biết mặc, đến nỗi bọn sinh viên còn cười ầm lên khi thấy Khương tương cả một bộ vét đen còn nguyên nhãn hiệu trên tay áo, thắt cra-vát đỏ và xỏ đôi giầy da lộn đế cao của Salamander giá hơn bốn tờ, đến đêm hội sinh viên để nhẩy nhót. Được cái Khương không hợm hĩnh, mà theo như ngôn từ ở đây hay bảo là tinh vi, cho nên bọn sinh viên rất thích cho Khương kết thân, chỉ bảo cho mọi kiểu ăn chơi, từ mua sắm quần áo đến máy móc điện tử, dàn máy, TV, máy tính, máy chụp ảnh số...
Bây giờ lại còn được ngồi cạnh cả Thủy - người yêu trong mộng - nữa. Gần nhau đến nỗi chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm được vào làn da mịn màng của cánh tay trần nõn nà, hay thậm chí đôi chân dài tuyệt đẹp.
Khương bỗng giật mình chớp mắt, tự phạt mình đã có ý định xấu với Thủy. Với anh chàng, Thủy là nữ hoàng, là vị thần nhiều quyền lực nhất, và gã không bao giờ dám có một ý định trần tục nào đối với nàng. - Nhưng thần linh thì cũng giống người thường thôi. - Khương tự lí luận. Ngày xưa còn bé anh nhớ mẹ anh Tết nào cũng cúng các vị quan thần trên trời ít tiền âm phủ gọi là đút lót để các vị ấy không quấy nhiễu hạch sách trong năm, đồng thời báo cáo tốt về gia đình để Trời Phật phù hộ độ trì cho thằng con trai.
Khương bật cười. Chắc là tiền âm phủ cũng có giá trị nên anh mới được như ngày hôm nay.
- Anh Khương nghĩ gì mà vui thế? - Đến lượt Thủy bật hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ của Khương.
- à. Tôi nhớ đến cảnh mẹ tôi cúng Tết ở nhà quê. - Khương bối rối. Không hiểu sao anh ta lại buột miệng nói thêm: - Cô Thủy đẹp lắm. - xong mặt lại đỏ ửng lên vì ngượng, không dám nói tiếp là anh vừa nghĩ các cụ ngày xưa nói rất đúng: "gái một con trông mòn con mắt".
Thủy bây giờ còn đẹp hơn thời đi học rất nhiều. Cái đẹp thời con gái bỗng mặn mà hơn, đàn bà hơn và khêu gợi hơn.
Khương lại giật mình, không dám nhìn tiếp vào phần trên của chiếc áo bơi, bắt chéo chân, ngồi thẳng người dậy vờ châm thuốc hút để che đậy sự kích động đang nổi lên ở bên dưới.
Thủy tinh ý nhận thấy ngay những thay đổi trong lòng gã đàn ông bên cạnh, khéo léo đứng dậy xuống hồ bơi tiếp, miệng giấu nụ cười sung sướng như bao người đàn bà khác vẫn làm khi biết có gã đàn ông chú ý đến mình. Lần này không hiểu sao Thủy bơi rất khỏe. Hết 500m mà vẫn chưa có cảm giác gì.
Thủy bơi tiếp cho đến khi cảm thấy mệt ngoài thì thôi. Trên đường về, Thủy không còn chú ý giữ khoảng cách trên yên sau như hôm trước mà tựa nhẹ vào người Khương cho đỡ mệt.
Anh chàng hơi luống cuống, loạng choạng tay lái lúc ban đầu nhưng cũng kịp trấn tĩnh lại, lái chầm chậm cho Thủy khỏi xóc, đưa cô về nhà. Trong đầu hắn ta bỗng bật đến ý nghĩ rủ Thủy cùng sang Trung Quốc. Kết hợp làn ăn với du lịch, chắc sẽ có nhiều cơ hội gần người đẹp hơn...

*

Những buổi đi chơi với Khương có sức hút như ma túy trước Thủy. Cô thấy nghiện cái cảm giác đi cùng Khương đến những chỗ ngày trước Tuấn hay dẫn đến. Hôm nào cũng vậy. Khương ngồi im lặng ngắm Thủy. Còn Thủy thì trò chuyện với Tuấn.
Chỉ trong vòng hai tuần mà quan hệ giữa họ đã thay đổi rất nhiều. Những buổi đi chơi ngày càng dài ra. Ban đầu chỉ là đi bơi. Sau có thêm mục ăn tối. Sau nữa lại thêm cả ăn khuya. Thủy như một vị quan giữ thành miễn cưỡng nhường cho quân địch từng góc phố. Khương say đánh trận. Ngày càng tấn công mạnh. Anh chàng thỉnh thoảng còn liều nắm tay, vuốt tóc Thủy. Thủy cảm thấy sợ hãi, cảm thấy tội lỗi với Tuấn. Nhưng con người đàn bà trong Thủy thèm khát được một thằng đàn ông vuốt ve, chiều chuộng. Nhưng Thủy cũng đặt cho mình một giới hạn. Chỉ có điều hình như cái giới hạn này ngày càng được tháo lỏng thêm.
Thỉnh thoảng Khương cũng xem phim tình cảm, đọc truyện yêu đương. Nhưng mà anh chàng không tài nào nhớ nổi những đoạn thơ mộng mà nhân vật nam chính đem lại cho nhân vật nữ chính. Anh ta chỉ biết liều dùng tay mà thể hiện sự ham muốn của mình. Sự im lặng của Thủy và ánh sáng mờ ảo của các quán cà phê Hà nội đồng lõa với Khương.
Nghe lời mách của thằng em họ, một hôm Khương đưa Thủy đến một quán mà người Hà Nội hay gọi là 'cà phê sân vườn'.
Phần dưới của quán bài trí rất đẹp: quầy rượu, ghế mây, cây cảnh, hồ nước, núi đá... Lời bài hát Chim Sáo Ngày Xưa với giọng ca của Quang Linh như làm Khương thêm hào hứng. Chị chủ quán đi phía trước bỗng mở toang cánh cửa trong bức tường đá, để lộ một dẫy bậc thang lát đá trắng muốt, sáng choang.
- Mời anh chị vào đây. Phía trên này có máy điều hòa nhiệt độ.
Lên đến tầng một là một dẫy hành lang dài với các vách ngăn bằng gỗ chia thành khoảng mười ô bé chừng ba đến bốn mét vuông. Cửa vào các ô là những chiếc màn trúc che kín phía trong. Tim Khương đập thình thịch. Mặt Thủy đỏ bừng nhưng bóng đêm và ánh đèn đỏ đã giấu hộ cô. Thủy muốn quay bước ra cửa ngay từ lúc vừa chui vào trong 'hang đá' nhưng không hiểu sao hai chân cô vẫn cứ bước tiếp.
Trong phòng là một chiếc bàn kính, bên cạnh là một dãy đệm mút bọc da giả mầu đen làm ghế ngồi. - Mà chắc là nằm thì hai người cũng vừa. - Khương thầm nghĩ.
Họ ngồi xuống ghế im lặng. Anh phục vụ đi sau bưng tới hai cốc nước cam, đặt xuống bàn cùng cái gạt tàn thuốc lá. Nhẹ nhàng hạ bức màn trúc, anh ta bước ra ngoài. Ánh sáng của chiếc đèn pin trên tay lóe lên rồi lại tắt đi, nhường chỗ cho vị thần bóng tối đang ngự trị. Tiếng chân bước cũng khuất dần sau các bậc thang, để Thủy kịp nhận thấy sự hiện hữu của rất nhiều người trong các ô quanh đấy. Tiếng một cô gái ở rất xa rên nhè nhẹ. Tiếng thở hổn hển của một anh chàng nào đấy phía sau. Ngay bên cạnh là tiếng lục cục lạ tai. Thủy lúng túng châm thuốc hút để che giấu sự bối rối, chăm chú theo dõi câu chuyện ở phòng bên.
Khương cũng châm thuốc hút, lặng lẽ định thần. Anh chàng vẫn chưa có kế hoạch gì cả. Thấy Thủy có vẻ chú ý đến những tiếng động ở phòng bên cạnh, Khương cũng lắng nghe.
- Đừng anh.
- Ngoan nào, vừa nẫy được sao bây giờ lại không được?
- Ứ ừ! - cô gái đẩy tay của chàng trai ra, khuỷu tay đập vào tường gỗ phía bên kia.
- Này, làm cái trò gì thế?
- Dạ, chúng em xin lỗi ạ.
Từ phòng mà người đàn ông đứng tuổi vừa lên tiếng lại tiếp tục cái tiếng lục đục đều đặn của chiếc ghế cập kênh. Người Thủy nóng bừng, rít thuốc thật sâu vào phổi.
Khương bỗng ôm chầm lấy Thủy. Thủy không chống cự, chỉ giấu mặt, đầu cúi gằm. Khương không nói không rằng lợi dụng ngay dịp này để thỏa thuê vuốt tóc Thủy, thoả thuê sờ làn da trắng mịn của cánh tay trần thanh mảnh.
Người Thủy run lên không hiểu vì sợ hãi hay thỏa mãn. Đã lâu lắm rồi Tuấn không còn ôm Thủy, không còn vuốt ve từng khoảng da trên người cô. Thủy muốn đẩy Khương ra nhưng không được, muốn hét lên nhưng lại ngượng, chỉ còn cách khép tay vào sát người ngồi chịu trận. Nói cho đến cùng thì cũng không phải là chịu trận theo đúng cái nghĩa chính của nó.
Bàn tay thèm khát bỗng chụp vào ngực Thủy, nghịch ngợm nắn bóp bầu vú đang căng lên vì ham muốn dưới lần áo lót và áo sơ mi mềm mại.
Giật mình vì sợ hãi, Thủy đẩy Khương ra và ngồi xịch hẳn ra một đầu ghế, tay ôm lấy mặt cúi gập người suy nghĩ, căng thẳng đến đau đầu.
Khương lại ngồi sát vào ôm lấy Thủy.
Thủy đột ngột đứng dậy bước ra ngoài. Vốm mắt đã quen với bóng tối nên cô không gặp khó khăn gì khi bước một mạch ra đến cầu thang, xuống gác, ra cửa. Không khí buổi đêm còn đầy bụi bặm của một ngày mệt nhọc hút vào phổi, vương vướng, thay cho cái khí lạnh nặng nề, nhơm nhớm trong kia. Khương chạy theo thủy, ngạc nhiên, sợ sệt, lúng túng.
- Em muốn về. - Thủy nói ngắn gọn.
Cả đêm Thủy không ngủ được, nằm trằn trọc trên gác xép. Thủy thấy mình có lỗi với Tuấn vô cùng. Bao thuốc lá đã quên lại ở chỗ quán cà phê tội lỗi cho nên không còn gì để hút. Bé Thảo nằm với bà ở dưới nhà, thỉnh thoảng lại nói mê, cãi cọ với bọn bạn ở lớp. Thủy đặt tay lên ngực mình, tưởng tượng rằng đấy là tay của Tuấn, nhớ lại cái thưở mới quen nhau, đèo nhau vòng vèo khắp các ngõ ngách phố phường Hà Nội.
Mới đấy mà bây giờ đã mỗi đứa một phương...

*

- Khò nế da! - Khương buột miệng chửi đổng một câu tiếng Ba Lan học lỏm được của bọn sinh viên, vừa ngọng vừa sai âm. Gã ta tự trách mình về cái tội hấp tấp. Gã đang lo sợ vì không biết Thủy sẽ nghĩ gì sau chuyện vừa rồi, không biết cô có tiếp tục chịu gặp gã hay không. Gã trằn trọc không ngủ được trên cái giường đệm êm ái nhưng to đến trống trải của khách sạn.
Hà nội về đêm vắng lặng lạ thường. Không có gì thay đổi từ ngày gã từ quê lên làm thủ tục nhập học. Vẫn những con đường nhỏ, những chị bán gà. Vẫn cái cảnh nấu cơm, rửa bát trên vỉa hè. Vẫn nước thải bẩn thỉu chảy tràn ra phố, ngấm xuống đất rồi lại chẩy ngược vào giếng nước dùng của cả nhà.
- Ku dờ va! - Khương lại chửi tiếp, bồn chồn đứng dậy bật tung cửa, bước ra ngoài lan can đứng nhìn xuống phố. Gã nhìn đồng hồ đeo tay. Giờ đã quá muộn để bảo gọi gái như mọi hôm. Anh chàng bồn chồn đi ra, rồi lại đi vào. Hai bao thuốc vừa đem từ chỗ quán cà phê về chỉ còn lại vài điếu. Háo nước vì cơ thể chịu đựng quá nhiều khói thuốc, Khương mở tủ lạnh dốc cạn chai nước khoáng, đầu suy tính mông lung.
- Không được. - Khương cả quyết, xong rồi lại phủ nhận ngay chính câu nói trước. - Không được. - Thái dương bừng bừng như sắp vỡ tung ra. - Cũng không được nốt. - Anh chàng lẩm bẩm.

*

Trời sáng dần. Người Hà Nội bắt đầu thức giấc, ra đường tập thể dục. Khương bồn chồn đợi đến đúng sáu giờ thì dong ngay xe đến nhà Thủy.
Mẹ Thủy mở cửa, ngạc nhiên khi thấy Khương.
- Cháu chờ nhé, để bác gọi cái Thủy dậy.
Thủy bước ra. Mắt hơi quầng đen vì thiếu ngủ, nhìn Khương bình thản chờ đợi.
- Đi ăn sáng nhé. - Khương nhếch miệng cười cầu tài, trông đến tội nghiệp. - Em và bé Thảo đi ăn sáng với anh nhé. - Anh chàng cầu khẩn đến thảm thiết.
Thủy suýt phì cười khi nhìn thấy vẻ mặt thảm hại đang nhăn nhở cười gượng của anh chàng, nhưng cô vẫn không gật đầu ngay khiến Khương càng cuống quít. Anh chàng vồ lấy tay Thủy, nắm thật chặt.
- Em đi nhé!
Cái đụng chạm của bàn tay ram ráp với những vết chai bên trong làm cho người đàn bà trẻ thoáng rùng mình. Thủy giật tay mình ra rồi ra vẻ miễn cưỡng đồng ý, lạnh nhạt nói.
- Cái Thảo đi ăn phở với bà để đi học cho gần. Anh đợi đấy để Thủy đi thay quần áo.
- Tôi... tôi... - Khương còn đang ấp úng thì Thủy đã đóng sầm cánh cửa sắt. Anh chàng không kịp nhìn thấy nụ cười chiến thắng vừa thoáng xuất hiện trên mặt cô.
Thủy vào nhà chậm rãi chải tóc, kẻ lại môi cho đậm, mặc chiếc áo phông ngắn tay bó sát người, làm tôn bộ ngực đầy đặn với làn da trắng mịn của đôi tay nõn nà. Chiếc áo khoác mầu vàng cam rất hợp với chiếc váy bò xanh rêu và đôi giầy thể thao khoe đôi chần dài giấu kín sau đôi tất dầy. Đôi môi mọng đầy vẻ đợi chờ càng nổi bật hơn nhờ làn phấn lót nâu đậm kẻ dưới mày để giấu cặp mắt tinh anh sau làn mi cong.
Thủy cứ chậm rãi ngồi trang điểm, thử quần áo gần một giờ đồng hồ, bỏ mặc anh chàng Khương ngồi chờ ngoài cửa, dáng điệu hết bồn chồn lại chuyển sang tiu nghỉu, có lúc trong thẫn thờ như mất hồn. Cứ như vậy mãi cho đến lúc mẹ Thủy dắt bé Thảo ra cửa.
- Ôi! Bác cứ tưởng cháu về mất từ lâu rồi. Sao con Thủy nó bất lịch sự thế, để anh đợi mà không mời vào nhà gì cả.
- Không sao đâu bác ạ. Cháu chờ ngoài này được rồi ạ.
- à. Mà này. - Bà già hấp háy mắt. - Hôm nay em nó không có tiết ở trường đâu. Anh chị liệu mà rủ nhau đi chơi xa xa vào. - Bà cụ phất tay vào vai Khương và thế là hai bà cháu dắt nhau ra đầu phố.
Thủy xuất hiện sau cánh cửa sắt. Cô đẹp rực rỡ như một đóa hoa đầu xuân. Vẻ đẹp của Thủy làm rực sáng cả một góc tối của con phố, làm cho Khương phải lóa cả mắt vì sững sờ. Anh chàng lúng túng xoay chiếc xe quay đầu ra ngoài ngõ.
- Em định ăn sáng ở đâu?
- Anh cứ lên bờ hồ. Em sẽ chỉ đường.
Đĩa bánh mì patê trứng ốp lết cùng cốc phà phê phin sữa buổi sớm như làm tăng thêm vẻ đẹp của mặt hồ Hoàn Kiếm với cái quán nhỏ ở góc đường Tràng Thi. Hình như chỉ có người nước ngoài vào đây thì phải vì giá rất đắt. Mấy anh chàng Tây ba lô ngồi trong quán nhìn Thủy không rời mắt làm cho Khương cảm thấy hãnh diện vô cùng.
Họ ngồi tận hưởng cái không khí trong lành của bầu không khí buổi sáng Hà Nội. Các cửa hàng trên đường Tràng Thi đang dần dần mở cửa. Xe máy bắt đầu phóng ầm ầm thành từng đợt. Tiếng động cơ được tán lá cây che bớt một ít. Chọn lúc Thủy có vẻ thoải mái, Khương rụt rè đề nghị:
- Anh nghe mẹ bảo là hôm nay em không phải đi dạy. Chúng mình đi chơi xa nhé?
- Đi đâu? - Thủy hơi bất ngờ, hỏi lại.
- Ao Vua. Được không? - Khương thăm dò, trong đầu không nghĩ ra được nơi nào khác hơn.
- OK. - Thủy bỗng đồng ý một cách bất ngờ.

*

Khương sung sướng phóng xe ào ào. Họ xuôi Tràng Thi, về Láng Hạ, rồi thẳng ngã Hòa Lạc lên Sơn Tây. Đoạn đường cao tốc 60km được tráng nhựa phẳng lì, thẳng tắp, nằm cao hẳn lên giữa những cánh đồng lúa chỉ còn trơ rạ. Xe chạy bon bon không hề phải giảm tốc độ vì những đoạn cắt ngang đều được làm hầm chui qua phía dưới gầm đường. Gió lạnh đập vào ngực Khương không làm giảm bớt được làn hơi nóng từ lưng phả ra gây ra bởi cảm giác đụng chạm với bộ ngực đàn bà đang ôm chặt phía sau, cùng hơi thở nóng hổi đang nhè nhẹ phả vào cổ, vào tóc, lan dần ra khắp người.
Xe chạy lướt qua chùa Thầy, bỏ ngã vào chùa Tây Phương, vào đến địa phận Sơn Tây. Thủy bỗng đổi ý khi nhìn thấy tấm biển chỉ đường.
- Thôi. Không đi Ao Vua nữa. Chả có gì hay cả. Em đi nhiều rồi.
Khương giảm tốc độ, chờ Thủy nói tiếp.
- Rẽ trái. Đi Ba Vì. Em đến đấy chỉ mỗi một lần từ khi còn bé.
Chiếc Viva nhẹ nhàng lướt gió rẽ lên hướng Ba Vì. Con đường bỗng hửng sáng vì những đám mây buổi sáng tạm tan nhường chỗ cho ánh mặt trời ấm áp soi xuống mặt đất.
Đường lên Ba Vì đẹp tuyệt vời. Những cây cổ thụ cao che lấp mặt trời, chỉ cho phép những tia sáng tinh nghịch len lỏi qua tán lá nhẩy múa trên mặt đất. Chung quanh vắng vẻ, yên tĩnh, không một tiếng động nào khoác ngoài tiếng máy nổ của chiếc xe bốn thì. Nghĩ sao đó anh chàng Khương cũng giảm bớt tay ga để không làm náo động khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.. Một lúc sau thì anh ta tắt hẳn máy xe và dừng lại, trả hẳn cái không khí tĩnh mịch lại cho khu rừng già. Thủy xuống xe ngồi lên một gốc cây to đã bị cưa vạt từ lâu. Cô châm thuốc, chân đập nhẹ theo một điệu nhạc vừa chợt đến trong đầu.
Khương đến bên Thủy, ôm chặt lấy. Gã thì thào:
- Anh rất là yêu Thủy. Nếu Thủy đồng ý sang Ba lan với anh thì điều kiện gì của Thủy anh cũng chấp nhận. Anh sẽ đóng tiền cho bé Thảo vào học trường Pháp ở bên ấy. Hay trường Mỹ cũng được. Anh sẽ lo lắng cho hai mẹ con đầy đủ hết tất cả mọi thứ, không thiếu một tí gì cả.
Thủy ngồi lặng yên không trả lời, đồng lõa với cái miệng tham lam của gã đàn ông đang mút vào cổ, vào cằm, vào môi. Cô mặc cho đôi tay thèm khát của Khương sờ vào ngực, vào bụng, vào đùi, qua lần vải tưởng chừng như không giữ nổi làn da thịt đang căng lên. Con người đàn bà trong Thủy bị kích động mạnh. Thủy không còn phản đối như tối qua mà trái lại, còn chờ đợi cuộc xâm chiếm của gã đàn ông bạo dạn. Trong lúc này Thủy không còn nghĩ đến gì khác ngoài sự thèm muốn, nỗi nhung nhớ từ bao năm. Đầu cô không còn điều khiển nổi nửa người hư hỏng đang đòi phải thoả mãn cái nhu cầu đàn bà là được vuốt ve, được hôn hít, được một gã đàn ông đụng chạm.
Đoạn đường vắng suốt cả nửa giờ đồng hồ không có lấy một chiếc xe chạy qua. Chỗ họ ngồi được một bụi cây cao và chiếc xe máy che khuất. Khương bạo dạn đẩy Thủy nằm xuống nền cỏ mềm mại, và hôn tới tấp vào ngực, vào tay cô gái. Và chuyện gì đến đã phải đến. Họ làm chuyện ấy nhanh đến nỗi Thủy không kịp lui bước, còn Khương thì không kịp suy tính gì cả mà cứ hành động theo một thứ bản năng của tự nhiên.
Hả hê thoả mãn, Khương nằm lăn ra đất thở mệt nhọc, làm cho con người đàn bà trong Thủy chỉ vừa mới được hâm nóng đã phải tiếc nuối trong sự thèm muốn vẫn còn đang âm ỉ. Thủy ngồi bật dậy, lẩy bẩy châm thuốc hút, lộ vẻ lúng túng rõ rệt. Cô hoàn toàn không muốn buông thả tất cả nhanh đến như vậy. Tất cả chỉ tại vì... - Tại vì sao nhỉ? - Thủy tự hỏi nhưng mãi cũng không tìm được câu trả lời.
Họ im lặng trở về thị xã Sơn Tây để ăn trưa rồi gởi xe, vào cấm thành cũ đi dạo. Dáng điệu của Khương bây giờ đã khác. Anh chàng nhà quê tự tin hơn, bạo dạn hơn trước. Gã ta thỉnh thoảng còn dám vuốt má Thủy, hôn Thủy, ôm Thủy, và kể những câu chuyện bậy bạ mà gã vẫn hay đọc từ một tờ báo nào ở bên ấy, xong lại cười ha hả một cách thoải mái. Thủy vẫn im lặng như trước. Giờ đây cô còn có thêm rất nhiều điều phải suy nghĩ.
Có một điều mà cả hai đều chắc chắn là Thủy sẽ theo Khương sang Ba Lan.

*

Họ mau chóng đăng kí kết hôn rồi đi nộp hồ sơ lên sứ quán. Hai tuần chờ đợi trôi qua mau chóng với những buổi tối đi chơi không biết chán. Thủy thường dẫn Khương vào Kosmo chơi bi-da, đánh bowling, khi nào chán lại trèo thang máy lên tầng bốn karaoke. Buổi tối ở đấy có dancing, nhạc nhẹ nhàng, khung cảnh sang trọng, không nhí nhố như mấy cái vũ trường khác của Hà Nội.
- Chúng tôi không thể cấp visa vì phía Ba Lan không trả lời. - Câu giải thích của anh cán bộ sứ quán làm Thủy nghe mà sụp tắt hi vọng.
- Em ra ngoài trước. - Khương choàng tay ôm Thủy nói thầm vào tai.

*

Thủy dắt xe ra cổng đứng chờ. Năm phút sau Khương hớn hở bước ra.
- Xong rồi. Mình vào Sài Gòn đóng dấu.
Thủy cũng không hiểu lắm chuyện thủ tục giấy tờ, không hỏi han gì thêm, mặc Khương xoay xở lo liệu.
Lần đầu tiên cả Thủy lẫn Khương vào Sài Gòn. Đường phố đông đúc. Người lúc nào cũng đi lại rầm rập. Khi cái nắng buổi chiều vừa chợp tắt cũng là lúc xuất hiện cơ man nào là người đẹp. Ngồi trên taxi từ sân bay về khách sạn, Thủy cảm thấy ngượng nghịu vì bộ quần áo dù đã đẹp nhất của mình vẫn có vẻ quê mùa và lạc hậu trước những mốt quần áo thay đổi vô cùng nhanh ở trong này.
Vài hôm sau thì Thủy lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy dân thượng lưu trong Sài Gòn có vẻ như là không thích giữ nước da trắng như những người Thủy mà gặp ở khách sạn Thắng Lợi. Bên bàn tiệc họ toàn khen nhau làn da nâu bóng mịn mà chỉ những người giàu mới có, vì thừa thời gian và tiền của để đi đánh tennis hoặc chơi lướt ván hàng ngày.
Thế là Thủy bắt đầu cái mà người ta hay gọi là Sài Gòn hóa. Vẻ ngoài hàng ngày của Thủy thay đổi thấy rõ sau mỗi buổi cùng Khương gặp các mối đánh hàng trong này. Vẻ đẹp thu hút và sự duyên dáng của Thủy đã thật sự giúp Khương rất nhiều. Sự thông minh nhanh nhạy của cô nhiều lần đã làm lợi cho Khương lúc kí hợp đồng. Họ trông chẳng khác gì một đôi vợ chồng mới cưới. Hôm thì chạy đuổi nhau trên sân thả diều dưới dốc cầu chữ Y, lúc lại nằm ôm nhau trên chiếc phao to lờ đờ trôi trên dòng sông Lười trong khu vui chơi Water Park, khi thì ngồi nhìn nhau tình tứ trong quán cà phê sang trọng trên đường Đồng Khởi.

*

Chuyện giấy tờ cũng tiến triển rất thuận lợi. Khương đã lo liệu xong mọi việc. Nhờ vài bạn hàng có quyền thế trong Sài Gòn bảo lãnh thêm mà visa ba tháng du lịch vào Ba Lan của Thủy được cấp nhanh chóng. Vé máy bay cũng đã đặt ngày đi. Họ nấn ná ở Sài Gòn thêm một tuần nữa để Khương đặt nốt hàng cho mùa hè và mùa thu. Xong cả hai sang Trung Quốc. Sau đấy họ sẽ về Hà Nội rồi bay sang Ba lan.
Thủy xin nghỉ dạy ở trường. Bé Thảo và bà ngoại sẽ đợi đến hè, sau khi Thảo thi học kì xong thì sẽ sang sau. Thủy cảm thấy thoải mái vô cùng. Vẻ đẹp buồn bã, huyền bí được thay bằng nét đẹp khêu gợi, tràn đầy sức sống và niềm tin. Khương vô cùng sung sướng khi chiếm được người đàn bà mà anh ta hằng mơ ước. Tuy vậy, trong Thủy vẫn còn một góc tối mà cả Khương, cả Thủy đều không muốn chạm vào trong lúc này.
Sài Gòn với đầy những sự mới lạ đã làm Thủy tạm quên đi những kỉ niệm ngày yêu Tuấn. Cái thành phố đầy sức sống này đã quấn Thủy vào vòng quay của nó. Và cả Khương nữa. Những người mà Thủy và Khương tiếp xúc hầu như không chú ý đến cái giọng nhà quê của anh ta mà chỉ quan tâm đến công việc họ đang bàn. Xong việc rồi là dzô dzô, bia đầy bàn, vui chơi thoải mái. Và một trong những khách hàng ấy còn mời họ đi Đà Lạt chơi.

*

Thủy thân ngay với Huyền trên đường đi. Bình lái chiếc xe Matix xinh xắn trên con đường rừng mát mẻ. Khương ngồi ghế trước. Hai người đàn ông im lặng hút thuốc. Bình mở nhạc hòa tấu. Thủy với Huyền ngồi ghế sau trò chuyện ríu rít.
- Hai bạn cưới nhau lâu chưa? - Thủy hỏi Huyền lúc họ đi dạo bên bờ suối, còn hai người đàn ông ngồi uống bia trong quán lá.
- Anh Bình có vợ rồi. Bọn em chỉ đi chơi cùng nhau thôi. Thỉnh thoảng anh ấy lại đưa em đi ăn như hôm nọ gặp anh chị ở nhà hàng. - Huyền bẽn lẽn trả lời với chất giọng Hà Nội bắt đầu pha lẫn chút Sài Gòn.
Thủy sững người.
- Thế bà ấy có biết anh Bình đi với em không?
- Biết chứ. Nhưng kệ. Chỉ cần anh Bình không bỏ bê chuyện gia đình và con cái là được. - Huyền trả lời. Thoáng chút buồn trên mặt.
Thủy không dám hỏi thêm. Trong đầu bỗng gợi lên bao niềm suy tư. Đà Lại rất đẹp. Đúng như lời Bình nói lúc chiếc xe bắt đầu xuống con dốc cửa ngõ, nhìn xuống cả thành phố Đà Lại xinh xắn quanh Hồ Xuân hương trong cái lạnh nhè nhẹ của khí hậu miền cao nguyên. Anh ta bảo người Sài Gòn gọi Đà Lạt là thành phố của những người đang yêu, đã yêu, và sẽ yêu.
Nhưng cái tình yêu của họ lạ quá. Cả sự quen biết của họ cũng rất lạ. Bốn người dường như chả biết mấy về nhau. Quá khứ của mỗi người đều được những người còn lại tránh động đến. Họ tự qui ước ngầm là có hai đôi yêu nhau, hiểu là vợ chồng hay tình nhân thì cũng mặc, quan trọng là đang cùng nhau đi chơi xa. Thế nhưng ở Bình và Huyền có chút gì đó rất tự nhiên. Huyền nũng nịu đòi hỏi Bình theo kiểu con gái Hà Nội. Bình thỉnh thoảng âu yếm Huyền theo kiểu đàn ông Sài Gòn. Đôi lúc Thủy cũng thèm được Khương đối xử với mình như vậy. Nhưng anh chàng quá ngốc để mà có thể cảm nhận được sự đợi chờ của cô.
Thủy bỗng nhớ Tuấn da diết. Ngày xưa Tuấn thường phải vào Sài Gòn để bán tranh. Mỗi khi quay ra Hà Nội anh lại có thêm nhiều cái mới lạ để chiều Thủy. Anh thường tạo cho cô vô số những niềm hạnh phúc ngây ngất...

*

- Cái Huyền này mất tư cách quá. - Khương bỗng lên tiếng. Hai người đang ở trong phòng riêng, trong khách sạn. - Con gái Hà Nội nhưng sao chỉ mới vào Sài Gòn vài năm đã không còn chút gì đoan trang cả. Đang là gái chưa chồng sao lại đi cặp với một thằng đàn ông đã có vợ. Lại còn ăn ngủ với nhau cứ như vợ chồng thật vậy. Thật là xấu hổ.
- Sao anh lại nói thế. Em thấy cái Huyền tính hay chứ. Mà ông Bình cũng đẹp trai và biết chiều nó cơ mà. - Thủy bênh Huyền.
- Hay gì. Như thế có khác gì điếm hạng sang đâu.
- Thế tức là anh định bảo tôi cũng là điếm hạng sang hả. - Thủy đi từ chỗ sững sốt đến tức giận. Cô hét lên. Bực bội, Thủy vào phòng tắm xả nước ra cho thật nóng rồi ngâm người vào cho đến nóng đỏ cả người, châm thuốc mù mịt.
Vậy là cuối cùng rồi thì chiếc hố ngăn cách giữa hai người đã bắt đầu xuất hiện. Sau lần trao đổi ấy họ không muốn nhắc lại nó nữa. Khương cố làm vui lòng Thủy bằng cách đưa cô đi mua sắm, ngắm nghía vô số siêu thị và cửa hàng nhiều như nấm ở Sài Gòn, và Bắc Kinh. Nhưng Thủy không còn thiết gì đến quần áo, đồ trang sức nữa. Câu nói của Khương như mũi dao cứa sâu vào lòng. Lúc này Thủy chỉ còn muốn sang Ba Lan thật nhanh để kiếm tiền, thoát khỏi cái cảnh nghèo khổ túng thiếu của gia đình, từ bé, chỉ được bù đắp một cách thoáng qua khi yêu và lấy Tuấn nhưng rồi lại rơi xuống dần từ sau ngày Tuấn phải chạy sang Hồng Công, chỉ để lại được một ít của cải mà ba mẹ con phải bán dần để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Thủy muốn rũ bỏ tất cả, muốn tung hê hết mọi thứ để làm lại từ đầu. Và với Thủy, Ba lan là mảnh đất sống mà Thủy sẽ đem hết sức của mình ra để tạo dựng một cơ đồ riêng. Bây giờ Thủy không còn là một cô sinh viên trẻ ngây thơ như trước nữa, mà đã là một người đàn bà biết được sức mạnh của mình và trách nhiệm đối với đứa con gái.